‘141″ Hà Nội – 4 năm và những dấu ấn
Đến đầu tháng 8 năm đó, người Hà Nội chợt thấy lạ lẫm khi bắt gặp những tổ công tác hỗn hợp gồm CSGT, CSCĐ và những người mặc thường phục ở các chốt lưu động trên các tuyến phố nội đô.
Cảnh tượng những thanh niên ngang tàng càn quấy, vi phạm luật giao thông như không đội mũ bảo hiểm, lạng lách đánh võng bị chặn lại kiểm tra cả người và xe diễn ra liên tục. Những cuộc bắt giữ, trấn áp quyết liệt ngay trên phố khiến người đi đường tò mò, thích thú…
Tội phạm đường phố luôn chiếm một tỷ trọng lớn trong các vụ án hình sự. Đó có thể là những băng nhóm cướp giật, đám lưu manh côn đồ tàng trữ “hàng nóng” đi gây án, hay các “tổ lái” muốn biến phố xá thành những “đường đua công thức 1″. Phổ biến nhất có lẽ là bọn tàng trữ, vận chuyển trái phép ma túy. Đã có một thời đường phố Hà Nội không yên tĩnh. Những vụ thanh toán, cướp giật hay ẩu đả gây án mạng từ va chạm trên đường do người tham gia giao thông mang theo hung khí…tràn ngập các mặt báo mỗi ngày. Đúng lúc ấy, một lực lượng đặc biệt được thành lập, với nòng cốt là lực lượng Cảnh sát hình sự (CSHS), Cảnh sát cơ động (CSCĐ) phối hợp và hỗ trợ Cảnh sát giao thông (CSGT) thực hiện nhiệm vụ “dẹp loạn” đường phố. “ Thương hiệu 141″ của Công an Thủ đô ra đời từ đấy.
Các chiến sĩ 141 phối hợp thực hiện nhiệm vụ trên đường phố Hà Nội.
1.Từ giữa năm 2011 đổ về trước, người dân Hà Nội ra đường luôn có tâm trạng nơm nớp. Bởi cứ cách vài ngày, đọc báo lại thấy rùm beng thông tin về những vụ “xử đẹp” trên đường bằng đao, kiếm hay súng hoa cải. Rồi cảnh tượng đua xe lạng lách, cổ vũ đua xe náo loạn đường phố, nạn cướp giật… diễn ra hàng ngày, khiến đời sống đô thị nặng một nỗi bất an.
Đến đầu tháng 8 năm đó, người Hà Nội chợt thấy lạ lẫm khi bắt gặp những tổ công tác hỗn hợp gồm CSGT, CSCĐ và những người mặc thường phục ở các chốt lưu động trên các tuyến phố nội đô. Cảnh tượng những thanh niên ngang tàng càn quấy, vi phạm luật giao thông như không đội mũ bảo hiểm, lạng lách đánh võng bị chặn lại kiểm tra cả người và xe diễn ra liên tục. Những cuộc bắt giữ, trấn áp quyết liệt ngay trên phố khiến người đi đường tò mò, thích thú. Rồi họ nhận ra sự có mặt bên hành trình di chuyển của mình là một lực lượng đặc biệt, như những quả đấm thép của Công an Thủ đô để bảo vệ bình yên cho từng tuyến phố.
Đại úy Nguyễn Tiến Thành – một trinh sát hình sự kỳ cựu “theo” 141 suốt mấy năm qua kể với tôi: “Thời gian đầu, đêm nào nhà số 7 Thiền Quang cũng sáng điện như ban ngày, rầm rập bước chân của các “Y” – (tổ công tác) đưa người vi phạm từ mọi nẻo đường về đây để phân loại xử lý. Một núi công việc đè nặng lên vai người “ở nhà”, bởi họ phải nhanh chóng xác định tính chất vụ việc. Nếu đó là vi phạm giao thông đơn thuần, gọi quân PC67 sang nhận về xử lý. Trường hợp phát hiện có ma túy, thuộc “sân” PC47. Còn bọn tàng trữ súng đạn, dao kiếm hay chống người thi hành công vụ, là “hàng” của các đội chuyên đề thuộc Phòng CSHS Hà Nội. Tất cả đều phải khẩn trương xác minh lý lịch đối tượng, đấu tranh làm rõ các vấn đề liên quan để lập hồ sơ xử lý, vì thời gian tạm giữ hành chính không được quá 12 giờ, kể từ thời điểm bắt giữ người vi phạm.
Qua công tác này đã “lòi” ra khá nhiều tên trốn truy nã, hay các đối tượng cần tìm bắt trong các chuyên án. Cũng có rất nhiều vụ thu được cả bao tải dao kiếm các đối tượng trên đường mang đi đánh chém nhau. Việc phát hiện bắt giữ đã kịp thời ngăn chặn trọng án xảy ra. Hiện nay toàn thành phố có tới 15 “Y” với 150 quân ngày đêm thực hiện nhiệm vụ, nên tình hình tội phạm đường phố đã giảm đáng kể. Việc đưa đối tượng vi phạm vào Công an các phường nơi xảy ra sự việc để phân loại cũng đã giảm tải đi nhiều cho anh em hình sự số 7″.
Được biết, tên gọi lực lượng “141″ được lấy theo số văn bản Kế hoạch của Công an TP Hà Nội. Người có công khai sinh ra mô hình này là Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh – Cựu Giám đốc Công an TP. Kế hoạch số 141 chính thức triển khai từ ngày 3/8//2011, với nội dung thành lập các tổ công tác đặc biệt (các Y), được vũ trang tối đa, sử dụng biện pháp công khai kết hợp hóa trang để kiểm tra, xử lý các đối tượng vi phạm luật giao thông (như điều khiển mô tô, xe máy lạng lách đánh võng, không đội mũ bảo hiểm, chở người sai quy định, chống người thi hành công vụ, mang theo vũ khí, vật phạm pháp khi tham gia giao thông…) tại các tuyến phố, nút giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố.
Video đang HOT
Tang vật (vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ) do 141 Hà Nội thu giữ.
Sau 4 năm đi vào hoạt động, các tổ công tác 141 Hà Nội đã làm được một khối lượng công việc rất lớn, như đã phát hiện, bắt giữ và bàn giao cho cơ quan điều tra 4.582 vụ việc với 5.812 đối tượng có dấu hiệu phạm tội hình sự, thu giữ hàng trăm khẩu súng quân dụng, súng tự chế, công cụ hỗ trợ, cùng hàng nghìn dao, kiếm, lưỡi lê, dùi cui và trên 16.000 gam ma túy các loại.
Chiến công đó đã góp phần quan trọng vào việc thiết lập lại trật tự công cộng trên địa bàn Thủ đô. Mô hình 141 đã được lãnh đạo Bộ Công an đánh giá là một sáng kiến kịp thời của Công an Hà Nội, đã mang lại hiệu quả cao được người dân ủng hộ và khiến tội phạm khiếp sợ.
Từ thành công ở Hà Nội, hiện nay mô hình 141 đã lan tỏa đến nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, như ở TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa- Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng…Thậm chí, những sắc phục hỗn hợp bên nhau trong các chốt kiểm soát giao thông đã xuất hiện tại các tỉnh miền núi như Yên Bái, Lào Cai…
2. Để 141 trở thành nỗi khiếp đảm của bọn tội phạm, các “Y” luôn có những cách làm độc đáo. Đại úy Nguyễn Anh Tuấn – (trinh sát hình sự) cho biết: “Chúng tôi hoạt động theo phương thức cắm chốt tập trung ở một khu vực để hỗ trợ nhau khi cần thiết. Sử dụng biện pháp công khai của CSGT, CSCĐ, kết hợp với ngụy trang của CSHS. Cánh trinh sát hình sự mặc thường phục tiến hành trinh sát trên các tuyến phố, nếu phát hiện có trường hợp vi phạm luật GTĐB hoặc đối tượng nghi vấn…thì gọi bộ đàm cho CSGT, CSCĐ triển khai đội hình dừng phương tiện để kiểm tra, xử lý.
Với các đối tượng manh động liều lĩnh chống người thi hành công vụ hay bỏ chạy, chúng tôi phối hợp chặn bắt, khống chế và áp giải họ về trụ sở Phòng CSHS hay Công an các phường, quận… để giải quyết. Cách làm này bảo đảm được tính chủ động, bất ngờ, vô hiệu hóa được sự chống đối của các đối tượng, không để tên nào có thể chạy thoát. Gặp phải chúng tôi thì ngay cả những tên có “số má”, “mặt tiền án, trán tiền sự” hay đám “sát thủ” chuyên đâm thuê chém mướn… cũng “rét” như thường!”.
141 khống chế đối tượng trong một lần tuần tra kiểm soát.
Theo chân các trinh sát hình sự, chiều 15/10/2015 chúng tôi đến đường Hoàng Cầu (quận Đống Đa) xem anh em Y9/141 làm việc. Lúc này tổ công tác do Đại úy Phùng Quang Hưng chỉ huy đã “dàn trận” xong xuôi. Tại một vỉa hè rộng rãi, tổ công tác tiến hành chăng dây phản quang xác lập khu vực cấm để làm nơi tập kết, kiểm tra đối tượng và phương tiện vi phạm. Tốp CSGT và CSCĐ trang bị “tận răng” đang căng mắt quan sát dòng người tấp nập trên phố, trong lúc cánh trinh sát hình sự hóa trang lên xe máy đi tuần tiễu trên các tuyến phố gần đó.
Phát hiện từ đầu phố có hai thanh niên đi xe Exciter, BKS 29S6 – 410.96 có biểu hiện nghi vấn, các trinh sát bốc bộ đàm gọi về chốt. Cả tổ triển khai đội hình bao vây, chặn xe kiểm tra. Vừa thấy bóng CSGT, tên cầm lái bất ngờ quay đầu xe bỏ chạy. Cảnh chặn bắt tức thì diễn ra như trong phim hành động. Các trinh sát hóa trang nhanh chóng chặn đầu, khóa đuôi rồi áp sát khống chế.
Kiểm tra người và xe, phát hiện có nhiều bộ vam phá khóa xe máy và một gói ma túy đá. Hai thanh niên được áp giải ngay về Công an phường Ô Chợ Dừa. Tại đây hai thanh niên khai tên là Nguyễn Tiến Thanh và Nguyễn Công Sỹ (cùng ở xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Cả hai vừa mua gói ma túy đá với giá 6 triệu đồng. Định “chơi đá” xong sẽ đi “nhảy” xe nhưng đụng 141 nên “hỏng chuyện”.
Đại úy Nguyễn Tiến Thành tâm sự: “Chúng tôi làm việc trong mọi điều kiện thời tiết với thời gian bất kỳ trong ngày. Công việc ngoài đường rất vất vả, căng thẳng và mệt mỏi vì “chôn chân” giữa khói bụi cùng tiếng ồn, đồng thời phải thường xuyên va chạm, đuổi bắt, trấn áp đối tượng. Trong khi anh em hết ca trực 141, nhiều khi vẫn phải gánh vác thêm những nhiệm vụ đột xuất của đơn vị. Thành thử thời gian nghỉ ngơi rất ít ỏi. Nhiều tuần lễ không có khi nào được ăn cơm, sinh hoạt cùng vợ con, gia đình. Tuy vậy nhưng anh em đều xác định rõ trách nhiệm và yêu thích công việc này, vì được góp sức duy trì bình yên trên những con đường, tuyến phố Thủ đô”.
3. Bên cạnh rất nhiều việc đã làm được, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của các tổ 141 cũng đã có một vài phản ánh của người dân về việc anh em làm “quá tay”, khi khống chế, bắt giữ đối tượng vi phạm. Việc người không có trách nhiệm can thiệp vào công việc chuyên môn như tham gia đuổi bắt phương tiện… khiến dư luận không khỏi có những dị nghị. Chưa kể nếu thiếu đi sự giám sát, kiểm tra, thì hiện tượng nhận tiền của người vi phạm… cũng có thể sẽ xảy ra.
Trước tình hình trên, lãnh đạo Công an TP đã có những biện pháp tích cực, như thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ năng xử lý, giải quyết các tình huống có thể xảy ra cho CBCS, đảm bảo vừa thể hiện được tính nghiêm minh, vừa tuân thủ chặt chẽ quy định của pháp luật. Hàng tuần, hàng tháng, Ban chỉ đạo kế hoạch 141 tổ chức họp giao ban với các tổ công tác để rút kinh nghiệm, đôn đốc CBCS chấp hành nghiêm ngặt quy trình công tác, điều lệnh, tư thế tác phong khi tiếp xúc với nhân dân và người vi phạm. Đồng thời, các bộ phận nghiệp vụ của Công an TP đã tăng cường công tác kiểm tra đột xuất, để phát hiện và kiên quyết xử lý sai phạm của CBCS, nhằm giữ nguyên vẹn hình ảnh đẹp của chiến sỹ 141 trong lòng người dân Thủ đô.
Theo Canh sat Toan câu
Bỏ chạy khi cảnh sát giao thông dừng xe, bị xử lý thế nào?
Nếu bị cảnh sát giao thông ra tín hiệu dừng phương tiện, nhưng người điều khiển xe không chấp hành mà bỏ chạy thì sẽ bị xử lý thế nào?
Hôm trước, tôi chạy xe máy đến nhà người quen ở cách nhà khoảng 500 m nhưng không đội mũ bảo hiểm. Khi lưu thông trên đường, một tổ cảnh sát giao thông (CSGT) phát hiện lỗi vi phạm nên yêu cầu dừng xe. Do không mang giấy tờ, tôi không chấp hành mà tăng ga bỏ chạy.
Sau đó, tôi bị CSGT đuổi theo bắt lại, lập biên bản tạm giữ xe máy. Hành vi của tôi có vi phạm hình sự không, nếu có thì xử lý ra sao? - Bạn đọc Nguyễn Nam (22 tuổi, quận Tân Bình).
Anh minh hoa
Luật sư Nguyễn Đức Chánh trả lời:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 30 Luật giao thông đường bộ 2008 thì: "Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách".
Nếu không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng theo quy định tại điểm i, khoản 3, điều 6 Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ.
Theo quy định tại khoản 2, Điều 58, Luật Giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông phải mang theo các giấy tờ sau:
a) Đăng ký xe; b) Giấy phép lái xe; c) Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới; d) Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ phương tiện.
Như vậy, nếu điều khiển xe máy mà không mang các giấy tờ nêu trên sẽ bị phạt hành chính. Theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định 171/2013/NĐ-CP thì: Phạt tiền từ 80.000 - 120.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Người điều khiển xe môtô, xe gắn máy và các loại xe tương tự không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe còn hiệu lực.
b) Người điều khiển xe môtô, xe gắn máy và các loại xe tương tự không mang theo Giấy đăng ký xe.
c) Người điều khiển xe môtô không mang theo Giấy phép lái xe.
Tuy các hành vi vi phạm giao thông nêu trên không thuộc các trường hợp tạm giữ phương tiện vi phạm theo khoản 1 Điều 75 Nghị định 171/2013/NĐ-CP.
Nhưng người điều khiển xe máy không mang theo giấy tờ và để đảm bảo thi hành theo Quyết định xử phạt hành chính nên buộc phải tạm giữ phương tiện vi phạm theo khoản 2 Điều 75 Nghị định 171/2013/NĐ-CP và khoản 6 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính.
Còn hành vi "tăng ga bỏ chạy" khi cảnh sát giao thông ra hiệu lệnh dừng xe sẽ bị xử phạt tiền từ 200.000 - 400.000 đồng theo điểm m khoản 4 Điều 6 Nghị định 171/2013/NĐ-CP và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe trong một tháng theo Khoản 10, Điều 6 Nghị định 171/2013/NĐ-CP.
Trong trường hợp hành vi bỏ chạy của bạn để lại hậu quả nghiêm trọng như chống đối cảnh sát, gây tai nạn cho người đi đường,... thì sẽ bị xem xét xử lý hình sự.
Theo Zing News
Khởi tố 2 thanh niên uống rượu say, cầm dao đuổi chém CSGT Không đội mũ bảo hiểm, khi bị CSGT ra hiệu lệnh dừng xe thì hai thanh niên này đã bỏ chạy, nhưng sau đó bất ngờ quay lại cầm dao đuổi chém lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ. Chiều 9/10, tin nhanh từ Đại tá Cao Tiến Mai, Trưởng công an huyện Nam Đàn (Nghệ An) cho biết, cơ quan điều...