14 năm vá xe lưu động đường rừng
14 năm qua, đội vá xe lưu động của các bạn trẻ huyện Cần Giờ đã giúp xử lý trên 2.000 trường hợp không chỉ bể bánh xe mà còn bị hết xăng, xe hư giữa đường dọc tuyến đường Rừng Sác (huyện Cần Giờ, TP.HCM).
Các bạn đội vá xe lưu động Cần Giờ hỗ trợ người đi đường khi gặp sự cố hư hỏng xe – Ảnh: C.K.
“Đường Rừng Sác dài gần 40km nhưng nhà dân hai bên rất thưa thớt, tiệm sửa xe càng hiếm nên khi gặp sự cố, người đi đường sẽ khá vất vả.
Từ thực tế đó, Huyện Đoàn và Hội LHTN Việt Nam huyện Cần Giờ đã ra mắt đội hình vá xe lưu động hỗ trợ người đi đường”, anh Lê Võ Đăng Khoa – đội trưởng đội vá xe lưu động huyện Cần Giờ – cho hay.
“A lô, yên tâm nha, có chúng tôi”
Anh Khoa là cán bộ Huyện Đoàn Cần Giờ. Đội chỉ có năm thành viên thường trực, trong đó ba người là thợ sửa xe máy, một thợ sửa ô tô.
Nhưng khi cần nhiều hơn, sẽ có các tình nguyện viên là thợ sửa xe sẵn sàng hỗ trợ, thường dịp lễ hội Nghinh Ông hay lễ Tết du khách đổ về Cần Giờ đông hơn.
Chiếc điện thoại đường dây nóng luôn kè kè bên cạnh anh Khoa. Khi sự cố xảy ra, xác định đúng vị trí người cần hỗ trợ, anh sẽ gọi cho thành viên của đội ở gần vị trí ấy nhất đến giúp. “Phí sửa xe đúng giá thị trường, gặp trường hợp khó khăn sẽ hỗ trợ miễn phí”, anh Khoa nói.
Là thành viên có mặt ngay khi đội ra đời năm 2009, anh Nguyễn Văn Vẹn có tiệm sửa xe gần cầu An Nghĩa (xã An Thới Đông).
Anh bảo không nhớ nổi bao nhiêu trường hợp đã hỗ trợ, có ô tô đến gần bến phà đi Vũng Tàu bị bể bánh vẫn gọi cầu cứu anh.
Có trường hợp xe bể bánh cách gần 30 cây số mà quanh đó không có tiệm sửa xe nào, anh Vẹn cũng chạy đi. Có cả trường hợp gọi ngay giữa khuya, trong mưa gió.
Anh bảo họ gọi tức là đang rất cần giúp, sao nỡ từ chối dù có xa. Nhưng cũng có lúc nhận điện thoại trong đêm anh chạy đến nơi không thấy ai bên đường.
“Sau này tôi hạn chế nghe điện thoại lúc nửa đêm, phần sợ người ta phá, phần cũng lo bị trấn lột. Giờ đội chỉ nhận hỗ trợ đến 19h thôi”, anh Vẹn cho biết.
Huyện Đoàn Cần Giờ phối hợp cùng chi đoàn Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (Đoàn Sở Giao thông vận tải TP.HCM) làm 12 bảng thông tin trên tuyến đường Rừng Sác, công khai các số điện thoại của đội vá xe lưu động, cấp cứu, đội cảnh sát giao thông, báo sự cố hạ tầng giao thông…
Video đang HOT
Người dân, du khách chẳng may gặp sự cố xe cộ trên đường Rừng Sác cần hỗ trợ cứ liên hệ, gọi vào số đường dây nóng của đội. Chúng tôi cũng rất mong đừng ai gọi phá phách, báo sự cố giả vì không ít trường hợp khi nhận điện thoại, anh em bỏ ngang công việc chạy đi nhưng đến nơi không thấy ai rất phiền, ảnh hưởng đến người cần giúp thật sự.
Anh NGUYỄN MINH KHA
Nhận lời cảm ơn thấy ấm lòng
Anh Trương Ngọc Thái, một thành viên kỳ cựu khác của đội, kể gần 14 năm tham gia có rất nhiều kỷ niệm. Anh nhớ một lần chập choạng tối, điện thoại đổ chuông, đầu dây bên kia là giọng người phụ nữ báo xe bị bể bánh. Anh dặn chị ở yên đó rồi tức tốc chạy đi.
Đến nơi, thấy hai mẹ con ở đó nhưng xe không bể bánh. Lúc này chị thú thật hai mẹ con cần về Đồng Nai gấp do chồng chị bị tai nạn mà trong túi không còn đồng nào, chị xin 100.000 đồng để đổ xăng.
Anh gửi chị số tiền ấy nhưng chỉ vài phút lại nhận được cuộc gọi của chị, lần này xe chết máy. “Tôi chạy đến sửa giúp, không nhận tiền công và đã cho chị tiền trước đó nhưng thấy lòng mình rất vui vì giúp được người đang cần mình”, anh Thái kể.
Nhớ nhất lần đội trưởng gọi nhờ ra giúp người đi đường là một khách nước ngoài mà anh Thái lại không biết ngoại ngữ.
Kiểm tra, bánh xe cần phải mang về tiệm mới đủ đồ nghề làm, anh phải gọi lại cho đội trưởng nhờ phiên dịch để khách yên tâm cho anh tháo bánh xe mang đi. Vài lần gặp người nước ngoài, khi có thể sửa tại chỗ sẽ giao tiếp bằng cách chỉ trỏ, sửa xong họ nói “thank you” là đủ vui rồi.
Nhưng ấn tượng nhất với anh Thái là mới đây anh nhận cuộc điện thoại, họ năn nỉ cho gặp. Hóa ra đó là một người đi đường cách đây gần một năm được anh thay ruột xe miễn phí khi gặp sự cố trên đường Rừng Sác xin gặp để cảm ơn.
“Hôm đó ảnh đi xe nhưng không mang theo tiền nên mình coi như tặng luôn cái ruột xe và công sửa, không nghĩ gì.
Vậy mà khi có dịp đi lại, ảnh nhớ nên muốn gặp cảm ơn và gửi kinh phí. Mình không nhận nhưng anh nói nhiều lần nên thôi mình nhận, để dành lần khác có ai cần thì mình giúp”, anh Thái cười.
Đường dây nóng 0355995659 của đội
Đội vừa được Hội LHTN Việt Nam TP.HCM tuyên dương trong số các đội hình hỗ trợ giao thông tiêu biểu trên địa bàn TP.HCM năm 2023. Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện Cần Giờ Nguyễn Minh Kha nói các thành viên của đội rất nhiệt tình, có cả một chú lớn tuổi cùng tham gia hỗ trợ hoạt động của đội.
Ai cũng tham gia tự nguyện chứ đội hoạt động không có ngân sách hay kinh phí gì. Đội công bố số đường dây nóng công khai để ai cần thì gọi. Việc hỗ trợ người dân, du khách cũng hoàn toàn tự giác, chi phí sửa xe do đôi bên thỏa thuận, đảm bảo như giá sửa chữa trên thị trường.
“Tổ chức Đoàn và Hội của huyện hỗ trợ vận động, tìm kiếm các đơn vị sẵn sàng tài trợ để tặng quà, chăm lo cho anh em của đội trong các dịp lễ Tết động viên tinh thần là chính”, anh Kha thông tin.
Giao thông xanh hiện đại ở huyện đảo Cần Giờ, TP.HCM
Những con đường mới xanh, sạch, đẹp đã hoàn thành, các cây cầu kết nối từ nội đô đang trong quá trình xây dựng là những yếu tố giúp huyện đảo Cần Giờ của TP.HCM ngày càng văn minh, hiện đại.
Huyện đảo Cần Giờ nằm ở phía Đông Nam TP.HCM, cách trung tâm thành phố khoảng 50km, là khu vực duy nhất của thành phố có vị trí địa lý giáp biển. Cần Giờ được định hướng sẽ là thành phố vệ tinh, phát triển theo hướng thành phố trong rừng, rừng trong thành phố.
Phà Bình Khánh (huyện Nhà Bè) là cách duy nhất để di chuyển từ đất liền của TP.HCM qua sông Soài Rạp để tới Cần Giờ. Những chuyến phà sẽ chỉ được chấm dứt "sứ mệnh lịch sử" khi cây cầu Cần Giờ hoàn thiện, đi vào hoạt động.
Tiếp nối phà là con đường Rừng Sác dài 36,5km, rộng 30m để đi ra bờ biển, tuyến giao thông chính chạy dọc huyện Cần Giờ, xuyên theo trục Tây Bắc - Đông Nam.
Trên cung đường Rừng Sác còn có Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển của Thế giới, đồng thời là một khu du lịch trọng điểm của Việt Nam hay "viên ngọc xanh" giữa lòng TP.HCM.
Đường Rừng Sác hiện nay có 6 làn xe cùng dải phân cách bằng bồn cây xanh ở giữa, khang trang hơn cả nhiều tuyến đường khu nội đô TP.HCM. Trước đây con đường này với nhiều sỏi nhỏ hẹp, phải qua nhiều lần tu sửa, nâng cấp.
Cầu Dần Xây được khánh thành năm 2001 thay thế cho phà cùng tên nối liền tuyến đường Rừng Sác trên một chặng. Người dân không còn phải di chuyển thêm một chuyến phà trước khi đến với khu duyên hải huyện Cần Giờ.
Các bảng thông tin về những số điện thoại cần thiết để người dân, du khách kịp thời phản ánh sự cố khi gặp phải.
Con đường Rừng Sác mở ra là đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Từ khi làm đường xong, người dân về đây đông hẳn lên. Nhà cửa khang trang san sát nhau. Nhà hàng, khách sạn cũng xuất hiện ngày càng nhiều nhằm phục vụ du khách đến vui chơi, nghỉ ngơi ở huyện đảo Cần Giờ.
Điểm cuối của tuyến đường là ngã tư 30/4. Đây cũng là nút giao giữa đường Rừng Sác với khu du lịch biển, đồng thời dẫn vào ấp Hòa Hiệp (xã Long Hòa).
Những con đường rợp bóng cây xanh chạy quanh huyện đảo.
Thị trấn Cần Thạnh là trung tâm của huyện Cần Giờ, ngày nay được đầu tư hạ tầng giao thông tương đối tốt.
Từ bến xe Cần Giờ, theo các tuyến xe buýt số 75, 77, 90 có thể đi về tận các ấp, xã ở vùng ven. Xe lưu thông từ trung tâm huyện đến trung tâm thành phố chỉ mất hơn 2 giờ.
Giao thông huyện Cần Giờ, ngày càng hoàn thiện giúp địa phương ngày càng phát triển. Hình ảnh con đường được trang trí rực rỡ đón du khách về dự lễ hội Nghinh Ông cuối tháng 9 vừa qua.
Trong tương lai, để phục vụ quá trình phát triển trở thành một thành phố du lịch sinh thái chất lượng cao tầm quốc tế, huyện Cần Giờ được định hướng hình thành nhiều công trình, dự án lớn như Khu đô thị lấn biển Cần Giờ, cầu thay cho phà Bình Khánh, Cảng trung chuyển container Quốc tế...
Với những đặc thù riêng biệt, hệ thống giao thông nơi đây đang ngày càng văn minh, hiện đại, thúc đẩy quá trình triển khai về giao thông xanh, đưa Cần Giờ trở thành TP thông minh, sinh thái, hiện đại của TP.HCM và cả vùng Đông Nam Bộ. Và nghị quyết 98 đang mở cho vùng đất này con đường lớn để hiện thực hóa mục tiêu.
TP.HCM: Chìm tàu ở Cần Giờ, 7 người rơi xuống biển Đang trên đường vào cảng, chiếc thuyền bị chìm khiến 7 người rơi xuống biển. Lực lượng chức năng tổ chức tìm kiếm, cứu hộ khu vực tàu cá gặp nạn Chiều 22/3, lực lượng chức năng huyện Cần Giờ, TP.HCM cho biết đã tìm thấy thi thể nạn nhân gặp nạn trên vùng biển của địa phương. Theo báo cáo, vào lúc...