13 người ‘liều mình’ định chạy xe máy 1.500km về quê nhưng bị ngăn lại
Ở lại rất khó khăn, chúng tôi là lao động tự do, làm ngày nào ăn ngày đó, không có của để dành, tiền hỗ trợ chưa thấy đâu nên ở lại thật sự khó khăn với chúng tôi…, anh Quang, quê Thanh Hóa bộc bạch.
Gia đình anh Quang định chạy xe máy về quê do dịch bệnh khó khăn nhưng bị chặn lại, được phường Linh Trung hỗ trợ thực phẩm, tập vở cho các cháu – Ảnh: MINH HỎA
Thất nghiệp gần 4 tháng nay, anh Trịnh Văn Quang (27 tuổi, ngụ tỉnh Thanh Hóa) cùng vợ con và anh em dòng họ tuân thủ quy định của nhà nước ở phòng trọ chống dịch.
Tuy nhiên, đến nay do tài chính kiệt quệ, với lại hay tin TP.HCM sau ngày 1-10 vẫn kiểm soát chặt việc đi lại, người dân vẫn chưa được chạy xe máy về quê, không thể trụ lại nổi nên anh Quang rủ mọi người “đánh liều” chạy xe máy về quê.
Thế nhưng anh Quang và mọi người trong nhóm bị lực lượng chức năng chặn lại và đưa về trường Tiểu học Nguyễn Văn Triết, phường Linh Trung, TP Thủ Đức chiều 29-9.
Anh Quang cho hay, cả 13 người (có 3 trẻ nhỏ) thuê một phòng trọ nhỏ ở phường 16, quận 8 để ở và làm nghề đẩy loa hát nhạc dạo bán tăm bông, ráy tai… Thế nhưng gần 4 tháng nay, TP thực hiện giãn cách xã hội, mọi người chịu cảnh thất nghiệp.
“Điều tôi mong nhất lúc này là được về quê tránh dịch. Chúng tôi biết tự chạy xe máy về quê là sai chỉ thị và nguy hiểm cho các cháu nhỏ. Nhưng chúng tôi hết trụ nổi rồi nên mới liều mình chạy về Thanh Hóa, tôi chỉ mong được về quê để tự lo cho mình và con”, anh Quang bộc bạch.
Theo anh Quang, mục đích anh và mọi người muốn về quê để cho con được nhập học ở quê, với lại giảm tải khó khăn chi phí khi ở quê.
Trên những chiếc xe, các thành viên chở theo bếp gas, mì tôm… Anh Quang dự tính đi dọc đường nếu đói lúc nào thì dừng lại nấu ăn lúc đó. Mọi người đã “mót” hết tiền để đi xét nghiệm, đổ xăng và thay nhớt cho xe.
“Gom lại tất cả mọi người chỉ còn được gần 2 triệu, chi phí đi đường chúng tôi không thể lo hết được, chúng tôi dự tính nếu đi trên đường mà hết tiền sẽ bán điện thoại”, anh Quang cho hay.
Sau khi nhóm người được đưa về phường Linh Trung (TP Thủ Đức), lãnh đạo phường đã khuyên mọi người ở lại cùng TP chống dịch và hỗ trợ lương thực, sữa… và vở cho các cháu nhỏ. Sau đó, Công an phường Linh Trung liên hệ Công an TP.HCM đưa xe đến chở mọi người về phường 16, quặn 8 để có hướng hỗ trợ thêm.
Một phụ nữ bị bệnh ung thư tự chạy xe máy về quê cũng được lãnh đạo phường Linh Trung hỗ trợ tiền và dùng xe đặc chủng đưa về Vũng Tàu chiều 29-9 – Ảnh: MINH HÒA
Thất nghiệp suốt 3 tháng do dịch Covid-19, nhóm công nhân mắc kẹt ở Sài Gòn ra đồng gặt lúa thuê, bắt cá mưu sinh
Sau 3 tháng thất nghiệp do dịch Covid-19, nhóm công nhân tìm đến đồng ruộng ở phường Thạnh Mỹ Lợi, TP. Thủ Đức để bắt cá, gặt lúa thuê mưu sinh.
Nhóm công nhân lao động đa số từ các tỉnh miền Tây như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu,... lên TP.HCM thuê trọ để làm phụ hồ, lao động tự do nhưng dịch nên không thể về quê.
Những ngày vừa qua, họ được chủ ruộng thuê để gặt lúa. Ngày bình thường chủ ruộng thường dùng máy gặt đập liên hợp, rẻ hơn thuê nhân công nhưng do dịch không có máy nên chủ ruộng huy động những công nhân thất nghiệp tại các xóm trọ để thu hoạch kịp thời gian
Anh Tuấn (Quê Trà Vinh) lên thành phố làm phụ hồ hơn chục năm nay, ăn ngủ tại lán trại của công trình xây dựng mà anh làm việc gần đó. Từ ngày giãn cách xã hội, không về quê được nên đành bám trụ lại Sài Gòn, việc ăn uống cũng trở nên thiếu thốn. "Hai ba ngày lại ra đây bắt cá, hái rau muống dại bên chỗ ruộng về ăn, ráng cầm cự cho hết dịch chứ cũng không biết làm sao", anh Tuấn vừa chia sẻ vừa nhìn xa xăm
Một công nhân vui mừng khoe một con Lươn mà anh vừa mò bắt được
Những đứa trẻ cũng theo chân ba mẹ ra đồng phụ giúp bắt cá, gặt lúa
Những mẻ cá sau khi bắt sẽ được mang về khu trọ và mọi người cùng nhau ngồi vệ sinh, sơ chế và chia nhau để chuẩn bị bữa ăn của những ngày tới. Các loại cá bắt được chủ yếu là cá lóc, cá rô,...
Anh Thạch Hiếu (37 tuổi - An Giang) lau chùi chiếc xe máy đầy bùn đất của mình sau khi cùng con trai ra ruộng bắt cá về. Anh Hiếu và vợ có 4 người con, hiện cả 4 người con của anh đều không được đến trường do điều kiện kinh tế. Trước đây hai vợ chồng anh Hiếu làm thợ hồ tại các công trình xây dựng, đồng lương cũng đủ xoay sở tiền thuê nhà, tiền chi phí sinh hoạt. Nhưng đã 3 tháng nay gia đình không có thu nhập, hộp sữa cho con cũng không còn khả năng mua.
Thạch Hải (12 tuổi) là con trai lớn nhất của anh Hiếu, ở cái tuổi đáng ra phải được đến trường học cùng bạn bè nhưng Hải đã phải bỏ học cách đây 4 năm để ở nhà chăm 3 người em cho ba mẹ đi làm. Sau khi theo cha từ ruộng về, cậu vội tắm rửa và vào nấu mì để ăn sau đó phụ giúp cha mẹ mình dọn dẹp nhà và trông em
Ba người em của Hải, tất cả đều ngoan ngoãn và vâng lời
"Đợt này thành phố cho về quê thì chắc về dưới coi làm được cái gì thì làm, có đói khổ chắc cũng không dám lên đây nữa. Trước đi làm có đồng ra đồng vào còn gửi về dưới cho con cái, mấy tháng này không còn gì để gửi", anh Nguyễn Văn Thi (Bạc Liêu) tâm sự
Nhiều công nhân mong dịch bệnh mau qua để quay trở lại công việc trước đây, với mong muốn có thể kiếm lại tiền để trả các khoản nợ mà họ đã vay mượn để trả tiền trọ, chi tiêu những tháng dịch vừa qua
Clip: Cả xóm trọ công nhân nghèo vui như được mùa khi bắt được thùng cá to để kiếm ăn qua ngày
Hà Nội: Hơn 150 nghìn lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được hỗ trợ Tính đến hết ngày 15/9, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố đã ra quyết định hỗ trợ cho 154.083 lao động tự do với số tiền 231,12 tỷ đồng. 132.725 lao động tự do đã được nhận hỗ trợ với số tiền 199,08 tỷ đồng. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, tính...