13 năm mang nỗi oan giết vợ
Sợ bị mắng vì đi chơi về muộn, David Camm vội lái xe về nhà nhưng không kịp nghe tiếng vợ lần cuối. 13 năm sau đó, ông phải mang nỗi oan giết người.
Khi cánh cửa gara được nâng lên vào tối 28/9/2000, Camm bàng hoàng chứng kiến thi thể của Kim, 35 tuổi, vợ Camm, nằm trên nền đất ngay sau cửa gara của căn nhà tại hạt Floyd, bang Indiana. Trong chiếc ôtô đỗ ngay cạnh là thi thể của Brad (7 tuổi) và Jill (5 tuổi), hai con của Camm và Kim.
Vì từng 10 năm làm cảnh sát, Camm khai biết chắc vợ và con gái đã chết. Tuy nhiên, ông sau đó vẫn kéo con trai ra khỏi xe và làm hô hấp nhân tạo. Sau đó, Camm mới gọi trợ giúp nhưng không qua đường dây 911 mà gọi trực tiếp cho số máy của đơn vị cũ, yêu cầu mọi người tới ngay.
Khoảng 21h30, cảnh sát tới hiện trường, xác nhận cả ba nạn nhân bị bắn chết. Vùng kín của bé gái Jill có dấu hiệu bị chấn thương nhưng không thể kết luận là có bị xâm hại hay không. Người vợ không mặc quần nhưng cũng không có dấu hiệu bị xâm hại tình dục. Đôi giày của Kim được đặt ngay ngắn trên nóc xe nhưng nạn nhân không có thói quen này.
Theo chuyên gia, vết máu dưới sàn được cho là có dấu hiệu bị lau dọn, dường như có người muốn che đậy dấu vết. Trên đất, dưới người Brad là chiếc áo nỉ dài tay màu xám, ở phần cổ sau có viết chữ “xương sống”. Chiếc áo này không thuộc về bất cứ ai trong gia đình nhà Camm.
Hiện trường vụ án đằng sau cánh cửa gara. Ảnh: Indiana State Police .
Camm từng công tác trong đơn vị Cảnh sát Bang Indiana nhưng đã nghỉ việc từ tháng 5/2000 để làm cho công ty của chú ruột vì thu nhập cao gấp đôi. Camm khai hôm đó rời nhà lúc 19h để chơi bóng rổ tại địa điểm cách nhà khoảng 5 phút lái xe. Tới 21h20, Camm mới về nhà và phát hiện sự việc.
Sự nghi ngờ của cảnh sát ban đầu đổ dồn vào Camm khi trên chiếc áo ông mặc hôm ấy dính máu của con gái Jill nhưng đây không phải vết máu bình thường. Theo chuyên gia, những giọt máu trên áo Camm là máu bắn ra ở tốc độ cao, chỉ xuất hiện nếu Camm đứng trong bán kính 1m2 khi con gái bị bắn. Dựa trên tình tiết này, ngày 1/10/2000, David Camm bị khởi tố tội Giết người.
Sau khi tạm giam Camm, cảnh sát tiếp tục củng cố hồ sơ đối với ông ta. Hàng xóm nói từ 21h15 tới 21h30 nghe thấy ba tiếng súng, khớp với thời điểm Camm nói đã về nhà.
Ban đầu, cảnh sát cho rằng thời gian gây án là 21h20, khi Camm vừa về nhà. Nhưng khi biên bản giải phẫu tử thi cho thấy thời gian tử vong thực tế là khoảng 19h30-20h, khi Kim đón các con về, cảnh sát đặt giả thuyết Camm tới sân bóng rồi trốn về gây án, sau đó quay lại để tạo chứng cứ ngoại phạm.
Để củng cố giả thuyết mới, cảnh sát chỉ ra rằng lịch sử điện thoại cố định trong nhà cho thấy Camm đã gọi một khách hàng vào khoảng 19h19, khi vợ Camm chưa về và Camm lẽ ra đang ở sân bóng.
Video đang HOT
Tại tòa vào tháng 1/2002, công tố viên cáo buộc Camm giết gia đình vì khoản tiền 750.000 USD bảo hiểm nhân thọ. Bên cạnh chứng cứ về vết máu bắn, công tố viên gọi 12 người phụ nữ ra làm chứng về việc bị Camm ve vãn hoặc có quan hệ ngoại tình trong thời gian làm cảnh sát. Thâm niên 10 năm làm cảnh sát cũng được cho là đã giúp Camm tạo hiện trường giả giống vụ đột nhập tư gia.
Không phản bác được việc Camm ngoại tình, luật sư bào chữa cố chỉ ra Camm không có cơ hội gây án. 11 người tại sân bóng rổ đều nói Camm ở đó cả tối và không bao giờ rời đi. Về vết máu của bé Jill trên áo thân chủ, luật sư bào chữa nói đây là do Camm quệt phải khi lôi Brad ra khỏi xe.
Ngoài ra, theo nhân viên nhà mạng, thời điểm Camm dùng điện thoại cố định gọi cho khách hàng không phải 19h19 như công tố viên cáo buộc mà là 18h19. Nhầm lẫn này là do bang Indiana trải trên hai múi giờ và nhà mạng đã ghi nhận cuộc gọi thành múi giờ muộn hơn. Với thời điểm gọi là 18h19, Camm vẫn ở nhà và chưa đi chơi bóng.
Tuy vậy, nỗ lực của phía bào chữa không thể thuyết phục được bồi thẩm đoàn. Camm bị kết án Giết người vào tháng 3/2002, lãnh án 195 năm tù.
Nhưng tới tháng 8/2004, tòa phúc thẩm bang Indiana hủy bản án của Camm và yêu cầu tái thẩm. Tòa phúc thẩm nhận định việc công tố viên gọi 12 người phụ nữ ra làm chứng về mối quan hệ ngoại tình đã gây ra định kiến bất công đối với Camm. Việc Camm ngoại tình không liên quan tới cái chết của vợ con.
Trong lúc chuẩn bị tái thẩm, luật sư bào chữa có phát hiện mới khi kiểm tra tình tiết chiếc áo nỉ màu xám ở hiện trường. Mẫu ADN thu được từ chiếc áo này đã được xác định là của nam giới, nhưng không phải của Camm. Trước phiên tòa đầu tiên, công tố viên nói đã đối chiếu mẫu ADN lạ với cơ sở dữ liệu của FBI nhưng không cho kết quả trùng khớp. Nhưng tới nay, luật sư mới biết mẫu ADN lạ chưa bao giờ được nhập vào kho dữ liệu như lời công tố viên.
Chiếc áo nỉ màu xám được tìm thấy dưới người Brad. Ảnh: Indiana State Police .
Sau khi có yêu cầu từ luật sư, mẫu ADN lạ trên áo nỉ cuối cùng cũng được nhập vào cơ sở dữ liệu và cho kết quả trùng với Charles Boney, kẻ từng nhiều lần phạm tội bạo lực với phụ nữ. Thời điểm xảy ra án mạng nhà Camm, Boney đang trong thời gian thử thách sau khi được phóng thích. Ngoài ra, kẻ này có sở thích đặc biệt với đôi chân phụ nữ nên thường có thói quen trộm giày của nạn nhân. Điều này có thể lý giải tại sao đôi giày của vợ Camm lại được đặt ngay ngắn trên nóc xe và chân của Jill có vết bầm tím.
Phát hiện mới tưởng rằng sẽ minh oan cho Camm nhưng chỉ làm vụ án thêm phức tạp. Khi bị triệu tập, Boney thừa nhận đã được phát chiếc áo nỉ trong thời gian ở tù nhưng tặng áo cho tổ chức từ thiện trước khi xảy ra vụ án. Hắn phủ nhận dính líu tới vụ giết người.
Khi cảnh sát quay lại khám xe của vợ Camm và tìm thấy dấu vân lòng bàn tay của Boney trên đó, Boney lại thay đổi lời khai. Hắn thú nhận tối hôm ấy đã lái xe tới hiện trường để bán cho Camm khẩu súng gây án. Boney nói đã ở bên ngoài gara khi Camm bắn nạn nhân.
Cả Boney và Camm sau đó bị khởi tố về tội Giết người. Năm 2005, Boney bị đưa ra xét xử trước và lãnh 225 năm tù.
Tại phiên tòa thứ hai của Camm vào năm 2006, công tố viên xuất trình lời khai của Boney và tiếp tục đưa ra chứng cứ về vết máu bắn ra ở tốc độ cao dính vào áo Camm. Lần này, công tố viên cáo buộc Camm xâm hại con gái, căn cứ vào chấn thương ở vùng kín. Sợ bị vợ phát hiện xâm hại con, Camm mua súng từ Boney và gây án để bịt đầu mối. Chính Camm đã dụ Boney tới nhà để gài bẫy.
Phản bác, luật sư bào chữa chỉ ra rằng không có chứng cứ cho thấy Camm từng xâm hại con gái. Nếu bé gái bị xâm hại, thủ phạm chính là Boney, kẻ có tiền án phạm tội với phụ nữ. Boney là thủ phạm duy nhất trong vụ án. Nhưng tới ngày 3/3/2006, Camm tiếp tục bị kết tội và lãnh án chung thân không ân xá.
Bản án thứ hai của Camm tiếp tục bị tòa tối cao bang Indian hủy bỏ và yêu cầu tái thẩm lần thứ ba. Theo tòa, tình tiết công tố viên đưa ra để cáo buộc Camm xâm hại con gái là có tính suy đoán rất lớn và đã gây ra định kiến bất công cho bên bào chữa.
Tới năm 2013, phiên tòa xét xử Camm diễn ra lần thứ ba, thẩm phán cấm mọi lời khai liên quan tới việc bé gái bị xâm hại. Công tố viên cáo buộc Camm gây án để có tiền bảo hiểm nhân thọ của vợ, sau đó dàn dựng hiện trường để đổ tội cho Boney.
Charles Boney (giữa). Ảnh: News and Tribune.
Ra tòa làm chứng, Boney khai tối hôm ấy mang cho Camm khẩu súng và đã ở ngoài gara khi Camm giết hại vợ con. Camm còn định bắn hắn sau khi gây án nhưng khẩu súng bị kẹt đạn. Khi Camm chạy vào nhà, Boney bước vào gara và nhìn thấy ba thi thể. Hắn vô tình đặt đôi giày lên nóc ôtô và chống tay lên thành xe để nhìn vào trong nhưng không chạm vào thi thể. Cho rằng Camm đang lấy khẩu súng khác, Boney chạy khỏi hiện trường. Câu chuyện này giải thích được vị trí của đôi giày và dấu vân lòng bàn tay của Boney trên xe.
Tuy nhiên, lời khai của Boney bị phía bào chữa chỉ ra phi logic ở nhiều chỗ. Chuyên gia của bên bào chữa cho biết đã tìm thấy ADN của Boney ở quần lót, ống tay áo, và dưới móng tay của Kim, cũng như ở phần bụng áo của Jill. Điều này đi ngược lại lời khai không chạm vào thi thể của Boney.
Ngoài ra, chuyên gia từng nhận định vết máu dính trên áo Camm là máu bắn ra ở tốc độ cao thừa nhận mình chỉ là kỹ thuật viên chụp ảnh hiện trường, không phải chuyên gia phân tích vết máu như từng khẳng định ở hai phiên tòa trước. Người này cũng từng nhận định vết máu ở hiện trường có dấu hiệu bị lau dọn nhưng đánh giá này là sai vì đó chỉ là đặc điểm của máu dưới tác động của không khí sau thời gian dài.
Cuối cùng, sau ba phiên tòa và 13 năm tù, David Camm được bồi thẩm đoàn tuyên vô tội vào tháng 10/2013. Sau khi khởi kiện đòi bồi thường, Camm hòa giải với chính quyền hạt Floyd với số tiền 450.000 USD. Vụ kiện yêu cầu 30 triệu USD tiền bồi thường của Camm với bang Indiana bị bãi bỏ vào tháng 1/2018.
Mỹ hoãn vụ tử hình đầu tiên đối với một phụ nữ sau 70 năm
NBC đưa tin, tòa án Mỹ đã hoãn vụ hành quyết đầu tiên trong 70 năm nay đối với một phụ nữ bị kết án tử hình ở cấp liên bang sau khi các luật sư của phạm nhân bị nhiễm Covid-19 khi đến thăm tù nhân trong trại giam.
Theo kế hoạch trước đó bản án sẽ được thi hành ngày 8/12 tại Khu liên hợp Cải huấn Liên bang ở Terre Haute, bang Indiana bằng cách tiêm thuốc độc. Tử tù Lisa Montgomery, 52 tuổi, bị kết án tử hình vì tội giết một phụ nữ mang thai một cách dã man vào năm 2004. Trước vụ án này ở Mỹ trong suốt 70 năm nay không có nữ tội phạm nào bị kết án tử hình ở cấp tòa án liên bang.
Mỹ hoãn vụ tử hình đầu tiên đối với một phụ nữ sau 70 năm. (Ảnh: Flickr)
Thẩm phán tòa án quận, ông Randolph Moss đã cho hoãn việc thi hành án đến cuối năm để cho các luật sư của người phụ nữ này "có thời gian điều trị bệnh" và chuẩn bị đơn xin giảm án trình lên Tổng thống Mỹ.
Trước đó, vào tháng 7, Tòa án Tối cao Mỹ đã ra phán quyết rằng việc thi hành án tử hình đầu tiên sau 17 năm tại các nhà tù liên bang của Mỹ có thể được thực hiện, cho dù tòa án cấp dưới đã quyết định trì hoãn trước đó.
Việc khôi phục án tử hình ở cấp liên bang có ý nghĩa biểu tượng đối với Mỹ, nơi mà phần lớn các vụ tử hình diễn ra theo thẩm quyền của mỗi bang, chứ không phải của chính quyền liên bang.
Vào tháng 9, có thông tin cho rằng chính phủ Mỹ đã thi hành án tử hình đối với một người Mỹ gốc Phi, lần đầu tiên sau khi lệnh cấm thi hành án tử hình ở cấp liên bang bị dỡ bỏ. Đó là Christopher Vialva, người bị kết án tử hình vì tội giết một cặp vợ chồng trẻ là nhà hoạt động Thiên Chúa giáo ở bang Texas vào năm 1999.
Mỹ hiện có khoảng 60 tử tù trong các nhà tù liên bang. Tuy nhiên, tranh luận về phương pháp thi hành án tử hình và các loại thuốc độc được sử dụng từ thời cựu Tổng thống Barack Obama khiến không có tù nhân nào bị tử hình kể từ năm 2003.
Theo hồ sơ của Cục Trại giam Mỹ, lần cuối cùng một phụ nữ bị chính quyền nước này thi hành án tử là Bonnie Heady bằng cách đưa vào phòng hơi ngạt ở bang Missouri vào năm 1953.
Cũng trong năm 1953, Ethel Rosenberg, cùng với chồng là Julius, bị xử tử vì tội gián điệp. Bà bị chết trên ghế điện, 6 tháng trước khi Haedy bị hành quyết.
Georgia phát hiện thêm hơn 2.700 phiếu bầu bị bỏ sót Hạt Fayette, bang Georgia, phát hiện 2.755 lá phiếu không được cập nhật vào kết quả bầu cử, trong đó 1.577 phiếu ủng hộ Tổng thống Trump. Hạt Fayette, phía nam thành phố Atlanta, phát hiện một thẻ nhớ chứa kết quả bầu cử chưa được tải lên trong khi kiểm phiếu lại bằng tay. Quy trình này được thực hiện nhằm đảm...