12/13 mẫu bùn sông Tô Lịch cách cống xả Công ty Rạng Đông 1km có thuỷ ngân vượt 6,1 lần ngưỡng cho phép
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết 12/13 mẫu bùn sông Tô Lịch cách cống xả Công ty Rạng Đông 1km có lượng thuỷ ngân vượt 6,1 lần ngưỡng cho phép
Video: Hàng trăm người đi khám sức khoẻ sau vụ cháy Công ty Rạng Đông
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có báo cáo về kết quả quan trắc chất lượng môi trường sau vụ cháy tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông).
Vào khoảng 18h30 đến 23h30 ngày 28/8, xảy ra vụ cháy nổ tại Công ty Rạng Đông xảy với diện tích 6.000m2 kho chứa sản phẩm.
Có hơn 4 triệu sản phẩm bóng đèn bị thiêu rụi, gồm: bóng đèn huỳnh quang là 480.000 sản phẩm, chủ yếu là loại dài 1,2m, sử dụng thủy ngân (Hg) lỏng với hàm lượng là 20mg/bóng; Bóng đèn compact 1.600.000 sản phẩm, sử dụng 1 viên Amalgam/bóng đèn trọng lượng khoảng 11,5mg, hàm lượng Hg khoảng 22-30%; Bóng đèn tròn công suất thấp dùng sợi đốt vonfram 2.000.000 sản phẩm, nguyên liệu và một số loại hóa chất độc hại.
Cán bộ Viện Hóa học Môi trường Quân sự lấy mẫu vật xung quanh hiện trường vụ cháy. (Ảnh: BCHH)
Trước đó, theo báo cáo ban đầu của Công ty Rạng Đông, từ năm 2016 Công ty chỉ sử dụng viên Amalgam (hỗn hống của Hg – Zn và Bismut) để sản xuất bóng đèn và khối lượng viên Amalgam trong kho chứa hóa chất tầng 1 bị cháy chỉ còn vài kg.
Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế của Tổng cục Môi trường ngày 31/8 cùng với quá trình làm việc với Lãnh đạo Công ty, công ty mới thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng thuỷ ngân lỏng (có độc tính cao hơn so với viên Amalgam) với khối lượng theo tính toán của các nhà khoa học là 30mg/bóng.
Khối lượng hóa chất còn lại là 4.510.712 viên Amalgam với trọng lượng là 41,75kg; Thuỷ ngân lỏng là 108,9kg, trong đó 34,3kg được bảo quản an toàn cùng với viên Amalgam trong tủ cấp đông tại khu vực bị cháy.
Lượng thuỷ ngân đã phát tán ra ngoài môi trường do sự cố cháy nổ là 15,1kg đến 27,2kg.
Từ ngày 30/8 đến ngày 1/9, Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc tổ chức quan trắc, lấy mẫu phân tích đánh giá chất lượng môi trường xung quanh công ty gồm: môi trường không khí (theo các tuyến thủy ngân có thể phát tán), mẫu nước theo dòng thoát ra sông Tô Lịch, các hồ Hạ Đình, hồ Rẻ Quạt, mẫu đất tại nơi xảy ra hỏa hoạn.
Hiện trường vụ cháy tại nhà xưởng Công ty Rạng Đông sáng 29/8.
Theo đó, kết quả quan trắc cho thấy có 1/12 mẫu nước mặt hàm lượng thuỷ ngân vượt QCVN 08-MT:2015 về chất lượng nước mặt là 1,3 lần tại điểm quan trắc trên sông Tô Lịch (cách cống xả gom nước thải của công ty tại ngõ 320 Khương Đình 1,5km).
So sánh với tiêu chuẩn khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mà Việt Nam là thành viên cũng cho kết quả tương tự vượt 1,3 lần đối với hàm lượng thuỷ ngân có ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Các điểm quan trắc còn lại, hàm lượng thuỷ ngân trong nước mặt đạt giá trị theo quy chuẩn, tiêu chuẩn nêu trên.
Có 1/8 mẫu nước thải có giá trị thuỷ ngân vượt QCVN 40:2011/BTNMT về nước thải công nghiệp là 2,76 lần tại hố ga cạnh xưởng Led trong Công ty.
Có 12/13 mẫu trầm tích, bùn đáy có giá trị thuỷ ngân vượt QCVN 43:2017/BTNMT về chất lượng trầm tích. Điểm quan trắc tại sông Tô Lịch, cách cống xả gom nước thải của công ty (ngõ 320 Khương Đình) là 1km có giá trị thuỷ ngân cao nhất, vượt QCVN 43:2017/BTNMT 6,1 lần.
Có 1 mẫu không khí tại điểm quan trắc trong nhà kho đã bị cháy, sập mái, thông với môi trường không khí bên ngoài (được xem là môi trường không khí xung quanh tại đô thị) có giá trị thuỷ ngân vượt QCVN 06:2009/BTNMT về một số chất độc hại trong không khí xung quanh là 1,02 lần (giá trị đo trung bình 24 giờ).
So sánh với tiêu chuẩn khuyến cáo của WHO và tiêu chuẩn của Cơ quan đặc trách về các chất độc hại và theo dõi bệnh tật của Mỹ (ATSDR) cũng cho kết quả hàm lượng thuỷ ngân tại vị trí nêu trên vượt 1,532 lần ngưỡng rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe con người (WHO ước tính nồng độ được phép khi tiếp xúc qua đường hô hấp với kim loại thuỷ ngân trong không khí trong thời gian dài là 0,2 g/m3; ngưỡng rủi ro tối thiếu ATSDR là 0,2 g/m3).
Các mẫu không khí còn lại tại các vị trí: trước cửa trạm oxy bên trong Công ty, phía bên ngoài tường khu nhà kho bị cháy cạnh khu dân cư 342 Khương Đình, cách Công ty 200 m, 500 m và 1.000 m có dư lượng thuỷ ngân trong không khí bảo đảm chất lượng môi trường không khí xung quanh theo QCVN 06:2009/BTNMT và tiêu chuẩn khuyến cáo của WHO, ATDSR.
Giá trị thủy ngân trong đất đo được tại các điểm quan trắc dao động từ 0,12-0,65 mg/kg. Trong đó, giá trị cao nhất được ghi nhận tại Vườn hoa trong khuôn viên của Công ty. Tham khảo tiêu chuẩn của Canada, nồng độ Hg quan trắc được trong môi trường đất đều không gây hại cho môi trường và sức khỏe con người.
NGUYỄN PHƯƠNG
Theo VTC
Tổng cục Môi trường: 'Bán kính 200 m quanh kho Rạng Đông không an toàn'
Chỉ số quan trắc môi trường sau đám cháy kho Rạng Đông cho thấy, phạm vi 200-500 m là vùng nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe, dưới 200 m là mất an toàn.
Video: Kết quả quan trắc không khí ở Công ty Rạng Đông sau vụ cháy
Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) trả lời về kết quả quan trắc môi trường quanh nhà kho bị cháy tối 28/8 của Công ty cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông.
- Quá trình quan trắc môi trường vụ cháy nhà kho Công ty Rạng Đông được tiến hành ra sao, thưa ông?
Ngay sau vụ cháy, ngày 29/8, chúng tôi đã trao đổi với lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội để nắm bắt thông tin và đề nghị nếu cần hỗ trợ gì thì có ý kiến ngay.
Ngày 30/8, Sở đề nghị chúng tôi cử lực lượng kỹ thuật để đánh giá hiện trạng, chất lượng môi trường cũng như lấy mẫu phân tích một số chỉ tiêu mà Hà Nội không làm được.
Trong hai ngày 30-31/8, Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc đã kiểm tra 12 điểm chạy dọc bờ sông Tô Lịch 1,5 km, lấy hai mẫu ở hồ Hạ Đình và hồ Rẻ Quạt (phía Bắc của khu vực cháy), lấy mẫu đất quanh xưởng cháy về phía nhà dân và vườn hoa trong công ty.
Ngày 31/8, chúng tôi lấy thêm mẫu nước thải ở hố thu gom trước kho cháy. Đặc biệt, để xác định phạm vi ảnh hưởng thì phải quan trắc được chất lượng không khí, lượng thủy ngân rơi vãi.
Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc là đơn vị duy nhất ở Việt Nam được tham gia vào mạng lưới quan trắc phát thải thủy ngân của Mạng lưới môi trường Đông Á nên có trang thiết bị hiện đại nhất thế giới do Nhật Bản hỗ trợ.
Trong những ngày qua, chúng tôi đã làm việc liên tục, không nghỉ lễ, chia ca thực hiện với tinh thần nhanh nhất để có kết quả sớm nhất thông tin cho người dân.
Đêm 3/9 rạng sáng 4/9 mới bắt đầu có kết quả, đến chiều 3/9 Bộ trưởng Trần Hồng Hà họp với các bộ ngành cũng mới có được một phần kết quả. Khi có kết quả chính thức, Bộ đã báo cáo Thủ tướng và công bố với báo chí.
- Kết quả quan trắc cho thấy mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân như thế nào?
Dựa trên kết quả phân tích, chúng tôi kết luận trong khoảng 200 m từ tường rào nhà máy có giá trị thủy ngân trong không khí nằm ở ngưỡng không an toàn như WHO khuyến cáo. Nếu so sánh với quy chuẩn Việt Nam thì không vượt, nhưng chúng tôi phải so sánh với thế giới để có nhìn nhận thực tiễn khách quan.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cảnh báo trong phạm vi 200-500 m (tính từ tường rào nhà kho) là vùng có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.
Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục môi trường.
Ở khoảng cách này, chúng tôi đo được lượng thủy ngân trên 10 nanogram (ng) mỗi m3. Chỉ số của WHO từ 5 đến 10 ng/m3 thì nằm ở ngưỡng an toàn, con người sống được bình thường. Trên 10 ng/m3 thì bắt đầu bước vào ngưỡng mất an toàn về mặt sức khỏe (người dân bắt đầu chịu ảnh hưởng của độc tố).
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cảnh báo trong phạm vi 200-500 m (tính từ tường rào nhà kho) là vùng có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.
Trong nhà máy, ở trung tâm đám cháy (nhà kho) tồn dư nhiều hơi thủy ngân. Mẫu tại kho có hàm lượng thủy ngân vượt quy chuẩn chất lượng môi trường không khí Việt Nam trên 1 lần, theo ngưỡng của WHO là 30 lần.
Phía trước nhà kho, không khí nằm trong ngưỡng quy chuẩn cho phép của Việt Nam nhưng vượt ngưỡng WHO 10 đến 11 lần. Khu vực không khí trong kho cháy và trong khuôn viên nhà máy hàm lượng thủy ngân còn tương đối cao.
- Tổng cục Môi trường khuyến cáo những biện pháp cụ thể gì để khắc phục hậu quả về môi trường?
Khu vực kho cháy rộng 6.000 m2, toàn bộ hiện trường đã niêm phong để điều tra. Trong buổi họp ngày 3/9, Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu công an Hà Nội khẩn trưởng triển khai việc điều tra để bàn giao hiện trường và tiến hành cô lập khu vực này.
Phía công ty phải che tôn, phủ bạt kín để phòng nước mưa rơi xuống không kiểm soát được, giảm phần phát tán hơi thủy ngân kim loại còn lại ra môi trường.
Sau khi cô lập hiện trường, Tổng cục đề nghị Công ty phải tiến hành thu gom phế thải vật liệu, riêng về bóng đèn chứa thủy ngân hay tro được xác định là chất thải nguy hại sẽ được gom riêng, cho vào các container kín đưa đi xử lý.
Nền nhà kho phải được tẩy độc thủy ngân bởi đơn vị chuyên môn kỹ thuật cao, có đủ năng lực như trung tâm của Bộ Tư lệnh Hóa Học. Phương án có thể là phun rải bột lưu huỳnh trên nền để hấp thụ, sau đó hút toàn bộ bột để mang đi xử lý theo cách bê tông hóa chứ không được đốt.
Về lâu dài, các cơ sở kinh doanh sản xuất có chất độc hại lẫn trong khu dân cư thì cần phải đánh giá lại, xây dựng kế hoạch di dời.
Ngành Công Thương các tỉnh, địa phương phải kiểm tra việc tuân thủ luật bảo vệ môi trường, luật an toàn hóa chất. Công ty không may xảy ra cháy phải báo cáo ngay nguy cơ cho chính quyền sở tại. Chính quyền cấp quận, huyện hay mức cao hơn là cấp tỉnh phải vào cuộc.
Tôi đánh giá việc thông tin cảnh báo như phường Hạ Đình đưa ra là rất khẩn trương và kịp thời.
- Từ kết quả quan trắc trên, chính quyền có nên sơ tán người dân ra khỏi khu vực này?
Việc xác định ra mức độ ô nhiễm giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước có giải pháp kịp thời để đảm bảo sức khỏe cho người dân. Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã đề nghị TP Hà Nội và Bộ Y tế thăm khám sức khỏe cho người dân sinh sống trong vành đai 500 m. Bộ Y tế đã bắt đầu khởi động chương trình này và tôi được biết sẽ điều tra lập danh sách cụ thể.
Ô nhiễm do vụ cháy này gây ra chưa phải ở mức độ quá nghiêm trọng, ảnh hưởng ở quy mô trung bình, ảnh hưởng môi trường không khí, nước mặt, trầm tích đáy sông Tô Lịch. Thực ra lượng thủy ngân phát tán ra không lớn, vùng ảnh hưởng chúng ta đã khoanh vùng được.
Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến cáo người dân sinh sống trong phạm vi 500 m, tính từ tường rào nhà kho phải giữ gìn vệ sinh theo hướng dẫn của ngành y tế, nếu đi qua hiện trường đám cháy cần mang khẩu trang chống bụi, mặc quần áo dài tay. Sử dụng nước máy, không nên sử dụng thực phẩm có nguồn gốc tại khu vực trên.
Tuy nhiên, đây chưa phải là phải vụ việc nghiêm trọng đến mức phải di dân, sơ tán. Vụ cháy có phát tán hơi thủy ngân, ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, người dân nên đi kiểm tra để đảm bảo an toàn nhất.
Nguồn: VnExpress
Mời chuyên gia nước ngoài giám định ô nhiễm sau vụ cháy Công ty Rạng Đông UBND TP Hà Nội đề nghị Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam mời các chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm giám định mức độ ô nhiễm sau vụ cháy ở Công ty Rạng Đông. Video: Quan trắc không khí sau vụ cháy Công ty Rạng Đông Chiều 5/9, UBND TP Hà Nội có văn bản hỏa tốc gửi Giáo sư, Viện sỹ...