1.200 công nhân công ty Tỷ Hùng nghỉ việc: 17 năm gắn bó, tương lai mờ mịt…
Là con thứ sáu trong gia đình có 9 chị em, nhưng chị Quyên (47 tuổi, công nhân công ty Tỷ Hùng) là “trụ cột” gia đình vì đi làm ăn xa, lo thuốc men cho cha mẹ già.
Ngày nhận tin nghỉ việc, chị chỉ biết khóc một mình…
17 năm trước, chị Dương Thị Lệ Quyên (quê Trà Vinh) được người quen giới thiệu lên TP.HCM làm công nhân tại công ty Tỷ Hùng. Đồng lương ít ỏi, nhưng vốn tính tằn tiện, không dám ăn, không dám mặc, chị vẫn xoay đủ tiền nhà trọ, làm mẹ đơn thân nuôi con ăn học và gửi tiền về quê lo cho cha mẹ già đau bệnh.
Ngày nhận tin mất việc, người phụ nữ gương mặt khắc khổ như chết điếng người, không ăn, không ngủ. Hình ảnh cả nhà mong chờ những ngày lễ, Tết chị xách chút quà Sài Gòn về quê cứ vậy hiện ra trước mắt, cùng những nỗi lo…
Nỗi lòng ở “chợ chạy” ngày 1.200 công nhân Công ty Tỷ Hùng phải nghỉ việc
Lương 8 triệu, trụ cột gia đình
Đang đi làm, nhận lương đều đặn, cuộc sống vất vả mà hạnh phúc vì lo được cho cha mẹ già của chị Quyên cứ vậy ngày qua ngày. Buổi sáng lúc nghe mọi người xào xáo công ty cắt giảm lao động, chị không tin đó là sự thật. Nào ngờ đâu, đến chiều công ty có thông báo chính thức.
Sau giờ làm, chị Quyên lủi thủi đi bộ về phòng trọ. Ảnh VŨ PHƯỢNG
Nhắc đến đây, chị khựng lại, nước mắt chảy dài trên gò má lấm tấm tàn nhang: “Nhận tin xong làm không nổi nữa, cười ra nước mắt. Ăn cơm không nổi. Mình lớn tuổi rồi không đi làm được, cha mẹ già nữa, giờ đi xin ở đâu được. Từ đó đến nay khoảng 1 tuần rồi, tối ngủ không được. Giờ cũng không biết phải làm sao”.
17 năm làm công nhân ở Tỷ Hùng, lương của chị Quyên hiện khoảng 8,3 triệu đồng/tháng. Trừ tiền nhà trọ 1,7 triệu, điện nước, nuôi con ăn học, mỗi tháng chị vẫn gửi về cho cha mẹ từ 2 – 4 triệu đồng.
Từ ngày nhận thông báo đến nay là 1 tuần rồi, cứ đến công ty là thấy buồn, về nhà thì lại suy nghĩ, chỉ biết khóc một mình, tâm sự với người nhà thì người nhà lại lo. Tết tới nơi rồi. Giờ mà về quê thì chỉ có đi làm ruộng mướn, ngày công chừng 100.000 đồng, mà tới mùa mới có việc chứ không phải như mình đi làm công ty ngày nào cũng cóChị Dương Thị Lệ Quyên
Chị kể, gia đình có 9 chị em. Ai cũng có gia đình riêng, nhưng 2 chị lớn hơn 50 tuổi thì độc thân, ở cùng cha mẹ. Cha bị tăng huyết áp, mẹ bị khớp, chị hai thì bệnh tiểu đường. Chị là con thứ sáu và cũng là người duy nhất đi làm ăn xa, mới có tiền gửi về lo thuốc men cho cha mẹ, còn các chị đều làm ở quê, có gia đình nên kiếm ăn được qua ngày đã là may mắn.
Chị nấc nghẹn không dám báo tin mất việc với cha mẹ già. Ảnh VŨ PHƯỢNG
“Tôi đi làm là đâu dám nghỉ ngày nào, lễ Tết công ty cho nghỉ mới về quê thăm cha mẹ. Tôi chỉ dám tâm sự với chị gái, rồi chị nói lại với cha mẹ, cha mẹ gọi hỏi mà tôi đành xạo là chưa biết gì, tới đâu hay tới đó”, chị Quyên khóc nấc.
Công nhân Công ty Tỷ Hùng rớt nước mắt khi gần 1.200 người bỗng mất việc
Nghỉ Tết sớm mà lòng nặng trĩu!
Trong căn trọ trống hoác, chỉ có chiếc ti vi nhỏ cùng một tấm nệm, chị Quyên đang chiên lại nửa khúc cá mua từ hôm qua. Chị nói, giờ con gái cũng đã đi làm, nhưng không có xe nên phải ở lại chỗ làm, chị ở trọ đây một mình nên ăn uống tằn tiện, khúc cá mua 40.000 đồng ăn hai ngày.
Gần 1.200 người lao động ở công ty Tỷ Hùng mất việc. Ảnh VŨ PHƯỢNG
“Mà giờ có ăn cho qua bữa chứ cũng nuốt không trôi. Từ ngày nhận thông báo đến nay là 1 tuần rồi, cứ đến công ty là thấy buồn, về nhà thì lại suy nghĩ, chỉ biết khóc một mình, tâm sự với người nhà thì sợ người nhà lại lo. Tết tới nơi rồi. Giờ mà về quê thì chỉ có đi làm ruộng mướn, ngày công chừng 100.000 đồng, mà tới mùa mới có việc chứ không phải như mình đi làm công ty ngày nào cũng có”, chị lắc đầu, nhìn xa xăm.
Theo lời chị Quyên, 17 năm làm ở Tỷ Hùng, chị đã có hợp đồng xác định thời hạn. Khi công ty chấm dứt hợp đồng, chị được hỗ trợ 2 tháng lương, thưởng Tết 1 tháng, có thêm tiền trợ cấp thất nghiệp theo sổ bảo hiểm. Số tiền này sẽ giúp chị xoay xở được hết năm, “nhưng năm sau làm sao nữa thì không biết…”, lấy tay quệt nước mắt, người phụ nữ gương mặt da rám nắng chỉ biết dựa tường, suy nghĩ.
Là trụ cột của cha mẹ già, những tâm sự chị Quyên chỉ biết giấu kín trong lòng, không biết nói cùng ai. Ảnh VŨ PHƯỢNG
Ngày ngày đến công ty, chị Quyên cùng những đồng nghiệp ngang tuổi và cả những người trẻ hơn ai cũng chung nỗi lo vì Tết tới gần, người thì nuôi 2 – 3 con, người đau bệnh, người chăm cha mẹ già… Người này động viên người kia, rủ nhau ở lại cùng kiếm việc.
“Mà tôi gần 50 rồi, chắc xin đi rửa chén, giúp việc nhà thôi chứ công ty ai mà nhận. Tôi lại không có xe đi lại. Bao năm chỉ trọ gần công ty rồi đi bộ cho tiết kiệm”, chị chia sẻ.
Khúc cá 40.000 đồng mua ăn 2 ngày của chị Quyên. Ảnh VŨ PHƯỢNG
Khi các phòng trọ chung dãy dần sáng đèn, tiếng nói cười rôm rả, chị Quyên lại lủi thủi một mình, bới ít cơm vào tô, ngồi ăn cho qua bữa. Nhìn lại chặng đường 17 năm làm công nhân ở Tỷ Hùng, chị nói từ lâu đã xem công ty là nhà. Mà giờ mọi thứ quá đột ngột khiến chị cũng chưa biết phải định hình những ngày sắp tới ra sao.
“Ráng làm đến hết tháng rồi tôi đi xin việc, mà xưa tôi chỉ học dang dở lớp 2, lâu ngày không dùng chữ nên quên hết, cũng chưa biết phải xin ở đâu khi Tết cận kề. Mọi năm chỉ mong được nghỉ Tết sớm để có nhiều thời gian bên gia đình hơn. Năm nay được nghỉ sớm rồi đó, mà sao thấy lòng nặng trĩu…”, chị Quyên nghẹn ngào.
1200 công nhân công ty Tỷ Hùng nghỉ việc: Vợ chồng U.50 chật vật tìm việc ngày cận Tết
12 năm làm công nhân ở Công ty Tỷ Hùng, vợ chồng chị Phấn (quê Sóc Trăng) tằn tiện từng đồng gửi về quê cho cha mẹ già, nuôi con ăn học.
Cùng lúc phải bị nghỉ việc vì không có đơn hàng những ngày cận Tết, anh chị nức nở...
Sau giờ tan ca, vợ chồng chị Phan Thị Phấn và anh Tô Văn Sử (cùng 46 tuổi, quê Sóc Trăng) lội bộ về dãy trọ nằm trong hẻm sâu ở Q.Bình Tân, TP.HCM. Vẫn là khung cảnh bên đường quen thuộc như 12 năm qua, mà sao những bước chân giờ đây thật nặng nề, bầu trời xám xịt chuyển mưa, hệt như tâm trạng của cả tuần qua...
Đột ngột
Tuổi thơ của cả vợ chồng chị Phấn đều cơ cực vì phải bỏ học giữa chừng đi làm thuê, làm mướn. Ngày về chung một nhà, gia đình hai bên không có ruộng đất nên cả hai tiếp tục bán sức lao động. Làm chật vật không đủ lo cho hai con và cha mẹ già, anh chị đứt ruột gửi con cho ông bà lên Bình Dương tìm việc.
Vợ chồng chị Phấn cùng làm công nhân và cùng được thông báo chấm dứt hợp đồng vào cuối tháng 10. Ảnh VŨ PHƯỢNG
Năm 2010, chị Phấn về TP.HCM xin làm công nhân ở Công ty Tỷ Hùng; anh Sử làm bốc vác, 2 năm sau xin vào làm công nhân cùng vợ. Để tiết kiệm tối đa chi phí, anh chị ở nhờ nhà người quen cách đó khá xa, hằng ngày dậy từ 5 giờ sáng, đi bộ đến công ty, chỉ vừa kịp ăn gói xôi là đúng 7 giờ 30 phút vào làm. Tối đến lại lội bộ về.
Công nhân Công ty Tỷ Hùng rớt nước mắt khi gần 1.200 người bỗng mất việc
4 năm trước, anh chị mới chuyển đến dãy trọ cách công ty chừng 1km để tiện đi lại. Hơn chục năm rời bỏ quê hương đi làm ăn xa, anh chị chưa một lần ăn tiệm, chưa một lần đi đây đi đó, sau giờ làm là về nhà, nấu cơm, ngủ nghỉ, sáng sớm dậy ăn cơm nguội rồi tiếp tục đi làm.
Tổng lương công nhân của hai vợ chồng vài năm trở lại đây được khoảng 15 triệu đồng, trừ tiền nhà trọ, anh chị tằn tiện chi tiêu, mỗi tháng còn dư đôi ba đồng gửi về quê nuôi con ăn học và chăm lo cha mẹ già hai bên.
Chị Phấn nức nở mỗi khi nghĩ đến chuỗi ngày sắp tới. Ảnh VŨ PHƯỢNG
Anh Sử kể, ngày nhận tin mất việc, hai vợ chồng đờ đẫn như người mất hồn. Anh thở dài: "Tết tới sát rồi không biết sao nữa, mới đây, vợ chồng con gái lớn cũng mới gửi con ở nhà nội, lên ở trọ cùng vợ chồng tôi để đi làm công nhân; con gái út thì học lớp 10, ở với ngoại. Tôi bị thoái hóa cột sống, vợ đau nhức xương đòn, tiền thuốc men liên tục".
Ở đây tôi hỏi mấy nơi ai cũng nói cận Tết rồi, không tuyển. Mà giờ về quê thì làm gì, đâu có đất đai gì đâu. Tưởng đâu xin được ở công ty này là ổn định cuộc sống rồi, không dư dả gì nhưng đủ ăn và lo được cho con đi học. Sắp tới không có tiền là nhà trọ cũng không có mà ở, chứ nói gì chuyện ăn uống. Chị Phan Thị Phấn
Trong căn nhà trọ chật chội, hai vợ chồng ngồi nhặt mớ rau cải mầm vừa mua 5.000 đồng cùng vài trái dưa leo chuẩn bị bữa tối. "Người ta một người mất việc đã khổ rồi, nhà tôi thì cả hai người mất việc, về ngủ không được, cứ nằm xuống là nghĩ phải làm công việc gì, Tết cận nơi. Nghĩ đến những ngày lội nước ngập đến đầu gối đi làm, giờ không biết phải làm sao, chưa bao giờ bế tắc như lúc này", chị Phấn nấc nghẹn.
Về quê cũng không xong
Chuỗi ngày làm công nhân ở TP.HCM, anh chị không dám xin nghỉ ngày nào vì tham công tiếc việc, sợ bị kỷ luật. 4 năm trước, cha mẹ chồng mất, mùa dịch năm ngoái, cha chị Phấn cũng đột ngột qua đời.
4 năm gần đây, vợ chồng chị Phấn mới chuyển ra thuê trọ sau thời gian ở nhờ nhà người quen, nhưng ngày ngày vẫn đi bộ đi làm. Ảnh VŨ PHƯỢNG
Chị xúc động nhớ lại: "Ngay trong mùa dịch, cha điện thoại nói về suốt nhưng tôi không nghỉ được. Đến khi test dương tính cả vợ chồng phải đi cách ly 2 tuần, về nhà tự cách ly xong 2 tuần nữa thì ở quê điện lên nói cha hấp hối. Hai vợ chồng ra bến xe về, cách nhà chừng 20 phút chạy xe nữa thì có chốt kiểm tra, cả hai bị đưa đi cách ly tiếp. Vậy là không kịp nhìn mặt cha lần cuối, day dứt lắm. Mình phận làm con bỏ con bỏ cháu cho ông bà chăm, đến khi cha mất cũng không về chăm được ngày nào".
Cuộc trò chuyện của PV và chị Phấn bị ngưng lại nhiều lần vì chị không kiềm được nước khi kể về cuộc đời quá nhiều khổ cực của hai vợ chồng. Anh Sử nói thêm, ở quê bây giờ kiếm nhà lá rất khó nhưng nhà vợ anh là căn nhà lá dựng cột, mỗi lần mưa là xách thau hứng nước khắp nơi. Nhà anh cũng là căn nhà tình thương được nhà nước xây khi cha mẹ còn sống. Hai bên đều không có đất đai, quanh năm làm thuê.
Từ ngày nhận tin đến nay, chị Phấn đi đâu, gặp ai cũng xin số điện thoại để mong ai đó tìm được việc làm có thể giới thiệu để vợ chồng chị đến xin việc theo. Nỗi lo lớn nhất của anh chị lúc này là cả hai đều đã 46 tuổi, không có xe máy, không biết tìm việc gì cho phù hợp.
Anh Sử bị thoái hóa cột sống, chị Phấn thì đau xương đòn,... hai vợ chồng mỗi tháng đều uống thuốc liên miên. Ảnh VŨ PHƯỢNG
Chị Phấn bộc bạch: "Ở đây tôi hỏi mấy nơi ai cũng nói cận Tết rồi, không tuyển. Mà giờ về quê thì làm gì, đâu có đất đai gì đâu. Tưởng đâu xin được ở công ty này là ổn định cuộc sống rồi, không dư dả gì nhưng đủ ăn và lo được cho con đi học. Sắp tới không có tiền là nhà trọ cũng không có mà ở, chứ nói gì chuyện ăn uống".
Về khoản hỗ trợ của công ty, anh Sử cho biết mỗi người sẽ được hỗ trợ 2 tháng lương cùng 1 tháng thưởng Tết, nhưng tiền xài rồi cũng hết, anh chị cần một công việc để trang trải.
Nỗi lòng ở "chợ chạy" ngày 1.200 công nhân Công ty Tỷ Hùng phải nghỉ việc
Chỉ từng món đồ trong căn nhà trọ, chị Phấn cho hay, bàn, tủ đều là đồ cũ được những người xung quanh cho; duy chỉ có cái tủ lạnh khi vợ chồng con gái đầu lên ở cùng, đi gửi đồ ăn nhờ tủ lạnh hàng xóm miết thì phiền nên mới cố gắng mua.
Trời càng về khuya, đường vào dãy trọ im phăng phắc, tối đen. Trong phòng trọ chật chội, vợ chồng chị Phấn không ai nói chuyện với ai, thỉnh thoảng chỉ là những tiếng thở dài...
Vụ hàng trăm công nhân vật vờ đòi lương: Doanh nghiệp tuyên bố tạm dừng hoạt động Doanh nghiệp bất ngờ tuyên bố tạm dừng hoạt động khi chưa trả hết lương khiến hàng trăm công nhân tiếp tục rơi vào cảnh điêu đứng. Sáng 16-2, đại diện Công ty Hồng Lĩnh (chủ đầu tư Cụm công nghiệp Tân An) cho biết Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Sản xuất H&L Đắk Lắk (Công ty H&L Đắk...