12 sự thật thú vị về bộ phim Joker
Joker (2019) hiện đang nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ phía người hâm mộ điện ảnh lẫn truyện tranh. Hãy cùng Moveek điểm qua những chi tiết thú vị của bộ phim mà có thể bạn đã bỏ qua nhé.
1. Tiếng cười Joker
Tiếng cười của nhân vật chính trong phim được Joaquin Phoenix dựa trên video về một người đàn ông mắc chứng pathological laughter, tạm dịch là hội chứng không kiểm soát được tiếng cười, và có thể khóc. Nam diễn viên sinh năm 1974 cho biết hoàn thiện tiếng cười của Joker là phần khó nhất của vai diễn.
2. Kém duyên với phim siêu anh hùng
Joaquin Phoenix từ chối trở thành Phù Thủy Tối Thượng (Nguồn: Daily Trojan)
Joker là phim chuyển thể truyện tranh đầu tiên mà Joaquin Phoenix đảm nhận. Trước đó Joaquin đã không nhận vai diễn chính trong bộ phim Doctor Strange, thậm chí từ chối thay thế Edward Norton cho vai Bruce Banner/Hulk trong Avengers (2012) của Marvel Cinematic Universe cũng như hụt vai trong dự án dang dở Batman: Year One của Darren Aronnofsky.
3. Penny Fleck từng là…mẹ Superman
Frances Conroy trong vai Penny Fleck (Nguồn: CBR)
Nữ diễn viên Frances Conroy từng tham gia vào phim chuyển thể từ truyện tranh trước đó. Trong bộ phim Catwoman không mấy thành công này của DC, Frances vào vai Ophelia Powers, người đã giúp Patience Phillips hoàn thiện các kỹ năng để trở thành Miêu Nữ. Vai trò mà Frances Conroy đảm nhận nhiều nhất lại là lồng tiếng cho nhân vật Martha Kent, mẹ nuôi người trái đất của Superman, trong hai bộ phim All-Star Superman (2011) và Superman: Unbound (2013).
Penny Fleck thời trẻ (Nguồn: Nicki Ledermann)
4. Lần thứ hai đóng phim về Batman của Brett Cullen
Brett Cullen lại một lần nữa đóng phim liên quan tới Batman (Nguồn: Batman-news)
Đây không phải là lần đầu Brett Cullen tham gia một phim về siêu anh hùng truyện tranh, cũng không phải lần đầu ông vào vai một nhân vật nào đó trong phim có liên quan tới Người Dơi. Sau vai diễn Barton Blaze, cha của Johnny Blaze trong phim Ghost Rider (2007), Brett Cullen đảm nhận một vai không thực sự để lại nhiều ấn tượng trong The Dark Knight Rises (2012) cho đến khi hóa thân thành Thomas Wayne, cha đẻ của Batman trong phim Joker (2019).
5. Zazie Beetz tiếp tục giữ vận may từ Deadpool 2
Zazie Beetz (Nguồn: Hollywood Reporter)
Zazie Beetz trước đó chính là nữ hiệp Domino bá đạo trong phần 2 bộ phim của gã siêu anh hùng siêu bựa Deadpool. Siêu năng lực của Domino làm cho cô luôn gặp may mắn trong các tình huống hiểm nghèo. Có lẽ vì thế Sophie Dumond là một trong những nhân vật hiếm hoi toàn mạng trước mặt Joker.
6.Joker và Charles Chaplin
Charles Chaplin (Nguồn: Modern Times)
Bản nhạc trong teaser trailer có tên là Smile, do Charles Chaplin biên soạn riêng cho bộ phim Modern Times (1936). Trong truyện tranh, Joker khi còn trẻ là một người hâm mộ của Charles Chaplin. Gã hề thường xuyên thuê băng đĩa của Charles Chaplin về xem mỗi khi rảnh rỗi.
7. Tri ân Heath Ledger
Tấm biển bộ phim xuất hiện trong Joker (Nguồn: Film Goblin)
Gần cuối phim, sau khi được các tín đồ của mình giúp giải cứu, Joker đã đứng trên chiếc xe cảnh sát rồi nhún nhảy. Chúng ta có thể thấy được ở đằng sau có một tấm bảng lớn ghi dòng chữ Ace in the Hole, tên một bộ phim. Đây cũng là một cụm từ thuộc một câu thoại của Joker (Heath Ledger) trong bộ phim The Dark Knight năm 2008: “ You didn’t think I’d risk losing the battle for Gotham’s soul in a fist-fight with you? No, you need an ace in the hole; mine’s Harvey.“
8. Robert De Niro và vai diễn nghiệp quật
Một cảnh trong The King of Comedy (Nguồn: The Dissolve)
Vai diễn của Robert De Niro là Murray Franklin, một người dẫn chương trình nổi tiếng, đã tạo cơ hội cho Arthur Fleck, khi đó hóa trang thành Joker, lên truyền hình và rồi bị chính Arthur hạ sát. Năm 1982, Robert De Niro xuất hiện trong bộ phim The King of Comedy. Khi đó, Robert vào vai Rupert Pupkin, một gã diễn viên hài tài năng hạn hẹp, kém cỏi và thần kinh bất ổn. Rupert đã theo dõi và bắt cóc một người dẫn chương trình có tên là Jerry Langford (Jerry Lewis thủ vai).
9. Sổ tay của Joker
Arthur Fleck và quyển nhật kí (Nguồn: WB)
Trong cuốn sổ tay của Arthur Fleck có một dòng chữ ghi:
“I just hope my death makes more cents than my life.”
Đây là một câu có chơi chữ rất hay của bộ phim. Ngoài việc chữ cent và sense trong tiếng Anh là hai từ đồng âm, khác nghĩa. Nhưng về mặt nghĩa bóng, từ cent còn được dùng để bày tỏ ý kiến cá nhân, suy nghĩ riêng xuất phát từ thành ngữ hay cụm từ to put in my two-penny worth, rút gọn thành put my two cents in, hoặc my two cents.
Thú vị hơn, mẹ của Arthur có tên là Penny Fleck.
10. Lấy cảm hứng từ ác nhân hàng loạt đời thực
Pogo the Clown (Nguồn: all that’s interesting)
Trong phim Joker, Arthur Fleck có một màn trình diễn tại Pogo’s Comedy Club trong thành phố Gotham. Pogo the Clown là nghệ danh của John Wayne Gacy, một kẻ ác nhân hàng loạt và lạm dụng trẻ em đã bị kết án tử hình. Không những thế, Arthur Fleck trong phim cũng được hóa trang tương tự với cách hóa trang của John Wayne Gacy. Đây là một bước đi táo bạo của nhà làm phim vì bản thân bộ phim đã chịu rất nhiều sức ép từ những lời vu cáo của dư luận về việc lo ngại làm dấy lên làn sóng bạo động và tội phạm.
11. Phát hành vào ngày sinh nhật của Gandhi
Mahatama Gandhi (Nguồn: Maps of India)
Tại Ấn Độ, bộ phim Joker được phát hành vào 2 tháng 10, là ngày sinh nhật của Mahatama Gandhi. Trớ trêu thay, hôm đấy lại trùng vào Ngày Quốc tế Bất bạo động, vì Joker bị gắn mác bạo lực và dễ gây nổi loạn.
12. Nhạc phim được soạn bởi Hildur Gunadóttir
Nhà soạn nhạc Hildur Gunadóttir (Nguồn: Sound Track Fest)
Tháng 8 năm 2018, Hildur Gunadóttir được thuê biên soạn nhạc phim của Joker. Cô bắt tay vào công việc khi đọc được kịch bản Joker và gặp gỡ đạo diễn Todd Phillips. Trong khoảng thời gian soạn nhạc phim Joker, Hildur Gunadóttir cũng tham gia dự án phim nhiều tập Chernobyl.
Theo moveek
'Joker': Cái nhìn về thành phố Gotham tráng lệ qua con mắt của kẻ bị chà đạp tàn bạo dưới đáy xã hội, vừa đáng thương lại vừa đáng trách
Joaquin Phoenix biến hóa khôn lường trong vai gã hề sừng sỏ máu mặt nhất giới tội phạm Gotham với lối tường thuật đầy cuốn hút của Todd Phillips. "Joker" sở hữu phần hình ảnh bắt mắt nhưng chỉ vậy thôi thì khó lòng mà bù đắp được sự thiếu sót trong quá trình hình thành tâm lý nhân vật.
Joaquin Phoenix thủ vai Arthur Fleck, một anh chàng thuộc tầng lớp lao động nghèo, kiếm cơm qua ngày bằng cách đóng vai hề. Hắn sống cùng người mẹ bệnh tật Penny (Frances Conroy) trong một căn hộ tồi tàn. Tuy phải vật lộn với chứng bệnh thần kinh khiến bản thân không thể ngừng cười nhưng Arthur luôn nung nấu trong tim mơ ước trở thành một diễn viên hài độc thoại.
Arthur Fleck thuộc nhóm những con người bị coi là lũ thất bại dưới đáy xã hội, phải chật vật giành giật từng miếng ăn để tồn tại trong những con hẻm tăm tối, bẩn thỉu của thành phố Gotham xa hoa những năm 70, 80. Bên cạnh đó, Arthur cũng rất ái mộ người dẫn chương trình trò chuyện đêm khuya Murray Franklin (Robert De Niro) và dành tình cảm đặc biệt cho Sophie Dumond (Zazie Beetz)- một bà mẹ đơn thân sống chung khu trọ. Bất chấp số phận khắc nghiệt, Arthur vẫn nuôi giữ niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn, cho đến khi bi kịch mở nút và đẩy hắn vào một con đường mịt mù không lối thoát.
Kịch bản của Joker do bộ đôi Todd Phillips - Scott Silver ( 8 Mile, The Fighter) chấp bút và do chính Phillips ngồi ghế đạo diễn. Phong cách làm phim của Joker được lấy cảm hứng từ siêu phẩm Taxi Driver đến từ bậc thầy Martin Scorsese, tác phẩm The King of Comedy, hay tuýp nhân vật chính gai góc từ những phim chính kịch nổi tiếng của thập niên 70/80 như One Flew Over the Cuckoo's Nest và A Clockwork Orange.
Tuy nhiên, việc Joker liên tiếp vay mượn quá nhiều từ các tác phẩm kinh điển khác dần khiến cho khán giả cảm thấy bộ phim chỉ đang tái sử dụng những tình tiết cũ mà chẳng chịu động não sáng tạo cái mới. Một số khán giả còn cho rằng bầu không khí u ám, tăm tối chủ đạo của Joker mang lại cảm giác hời hợt, thiếu chân thật. Bộ phim có chỉ ra được những vấn đề đáng lưu tâm như sự phân biệt tầng lớp, khoảng cách giàu nghèo, bạo lực vũ trang, thói "thần thánh hóa" người nổi tiếng,... nhưng đáng tiếc lại chưa thực sự đào sâu triệt để.
Trước giờ Joker vốn được biết đến là kẻ chẳng có niềm tin vào bất kỳ thứ gì. Vậy nên việc gì một bộ phim thuật lại hành trình của hắn, được kể từ góc nhìn của chính hắn lại phải tin theo bất kỳ chân lý nào? Joker của Joaquin Phoenix liên tiếp đắm chìm vào điệu nhảy hoang dại bất tận, không lời thoại, không nhạc nền và chỉ có qua những giây phút chậm rãi đầy ẩn ý ấy, khán giả mới có được cái nhìn rõ nét nhất về tâm hồn của một tên hề mua vui với một số phận trớ trêu, chằng chịt những vết sẹo cả về thể xác lẫn tinh thần.
Màn hóa thân Joker của Phoenix nhận được cơn mưa lời khen nhiệt liệt từ cả giới chuyên môn và khán giả, nhưng tiếc thay, bản thân bộ phim này lại có những mặt hạn chế mà ngay cả một tài năng diễn xuất như Phoenix cũng khó có thể gỡ gạc lại được. Trong khi những tác phẩm chính kịch như The Master và You Were Never Really Here rất biết cách tận dụng kỹ năng diễn xuất của Phoenix để khiến người xem ám ảnh không nguôi về thương tổn tâm lý của nhân vật chính, thì Joker lại mải tập trung vào sự "vùng dậy" nặng nề, cực đoan của nhân vật chính sau khi bị dòng đời xô đẩy mà thiếu đi sự đầu tư kỹ lưỡng trong quá trình phát triển tâm lý nhân vật.
Nhiều ý kiến cho rằng, Joker không quá mạnh phần giá trị cốt lõi để có thể đi vào phân tích sâu hơn, nhưng đây quả thực là một tác phẩm vô cùng ấn tượng nếu chỉ xét trên góc độ giải trí. Tóm lại là tác phẩm của Todd Phillips dễ dàng ăn điểm về phong cách hơn là nội dung. Có thể nói, Joker đẹp lộng lẫy, đẹp rực rỡ ở từng khung hình, từ góc máy tinh tế, bố cục chặt chẽ cho đến sự kết hợp hài hòa giữa các gam màu, tất cả đã mang đến cho khán giả cái nhìn về thành phố Gotham tráng lệ qua con mắt của một kẻ bị chà đạp tàn bạo dưới đáy xã hội, vừa đáng thương lại vừa đáng trách.
Phần nhạc nền đến từ bàn tay của nhà soạn nhạc Hildur Gunadóttir ( Chernobyl) đóng vai trò không nhỏ trong việc tạo nên bầu không khí tang tóc, ám ảnh, khiến người xem phải rùng mình như dấu hiệu cho điềm gở sắp đến của Joker. Bên cạnh đó, Joker liên tục thử thách cảm xúc của khán giả bằng cách "tung chiêu" hết plot twist này đến plot twist khác. Một vài trong số đó hoàn toàn đoán trước được, số còn lại khiến khán giả cảm thấy chẳng mấy thuyết phục cho lắm.
Nhìn chung, Joker là một tác phẩm chịu nhiều ảnh hưởng từ phong cách Scorsese giống như bộ phim War Dogs trước đó của đạo diễn Phillips, nhưng được nâng lên một tầm cao mới nhờ khả năng diễn xuất của Joaquin Phoenix, đi kèm cách dẫn chuyện có phần quá nghiêm túc và "lạc tông" so với tổng thể chung. Vì vậy, cũng chẳng lạ gì khi người xem chia làm hai luồng ý kiến, một bên rất đỗi tâm đắc với ý nghĩa nhân văn và bài học rút ra từ Joker, bên còn lại thì cho rằng đây chỉ là một tác phẩm chuyển thể truyện tranh còn quá "non và xanh" trong nỗ lực thuyết phục mọi người rằng nó "nặng đô" và chân thật hơn những dự án điện ảnh khác liên quan đến Batman. Tuy nhận phải nhiều ý kiến trái chiều nhưng sẽ thật sai lầm nếu như khán giả bỏ qua Joker- tác phẩm vừa xuất sắc ẵm giải thưởng Sư Tử Vàng danh giá cho phim hay nhất ở LHP Venice lần 76 vừa rồi.
Bộ phim bắt đầu khởi chiếu tại các cụm rạp trên toàn quốc từ 04/10/2019.
Trailer Joker
Theo saostar
Những gì tồn tại phía sau kết thúc đầy ám ảnh của Joker? Kết thúc của Joker bí ẩn như trước khi nó bắt đầu. Rốt cuộc, sau tất cả, những cái gì thật sự xảy ra và những cái gì là sự tưởng tượng của Arthur Fleck? * Bài viết tiết lộ nội dung phim, độc giả cân nhắc trước khi đọc Kết thúc của Joker bí ẩn như trước khi nó bắt đầu. Rốt...