12 giờ tàn phá miền Trung của bão Nari
Sau 12 giờ càn quét, bão Nari khiến nhiều vùng miền Trung tan hoang, nhất là ở Đà Nẵng, Quảng Nam. Ít nhất 4 người thiệt mạng, gần 50 người bị thương.
Nari là cơn bão số 11 đi vào biển Đông. Đài khí tượng nhận định, cơn bão phức tạp này có cường độ mạnh tương đương với cơn bão Wutip vừa vào miền Trung tháng trước. Vì vậy, từ ngày 13/10, các địa phương đã triển khai phương án phòng chống. Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình khẩn cấp sơ tán 150.000 dân phòng tránh nguy hiểm.
Bão và mưa lớn đẩy cả thuyền vào phố Hội An. Ảnh: Văn Đông
Sáng 14/10, người dân các tỉnh miền Trung hối hả đưa tàu thuyền lên bờ, giằng buộc cố định chống va đập tại các vũng neo đậu và hoàn thành việc đối phó với bão vào 19h cùng ngày. Sở chỉ huy tiền phương phòng chống bão được lập khẩn cấp tại Đà Nẵng, dưới sự chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải. Các trường đã phải cho học sinh, sinh viên nghỉ học.
Chưa đổ bộ vào đất liền nhưng 18-19h tối 14/10, gió bắt đầu giật mạnh, mưa như trút. Huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) chìm trong bóng tối vì mất điện. Hàng chục nhà dân huyện đảo bị tốc mái, hư hỏng. Nhiều xe máy, cây xanh bị quật đổ, gây ách tắc giao thông.
Tâm bão được xác định đi vào Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam nên từ chiều 14/10, nhiều cửa hàng ở Thừa Thiên Huế đã đóng cửa, mọi ngả đường đều không bóng người, sân bay Phú Bài hủy toàn bộ chuyến bay. Đà Nẵng và Quảng Nam cũng trong tình trạng tương tự, cây cối đổ ngang đường. Người dân hoảng sợ đóng chặt cửa. Gần nửa đêm, bão áp sát vùng biển, nhiều người Huế thức trắng đêm để theo dõi tình hình
Tại Đà Nẵng, gió quật đổ hàng trăm cây cối, nhà cửa; nhiều tuyến đường, khu vực ở trung tâm thành phố mất điện. Tấm chắn rộng 1 m, dài 3 m, dưới nhịp cầu sông Hàn bị sóng đánh tung ra ngoài. Một dây văng ở phía đông cầu quay bị dãn.
Toàn bộ tỉnh Quảng Nam bị cúp điện. Tại phố cổ Hội An, nước sông Hoài dâng cao tràn vào nhiều tuyến đường.
23h ngày 14/10 bão càn quét các tỉnh miền Trung. 5h30 sáng 15/10, Đà Nẵng trời tối đen. Phía nam đèo Hải Vân khu vực sát biển Nam Ô, nhiều trụ điện ngả nghiêng, tôn bay trên nhiều tuyến phố. Các địa phương khác, nhiều nhà ven biển bị tốc mái, sóng dữ dội vỗ vào bờ. Nhiều người nhận định, cơn bão này còn mạnh hơn trận bão năm 2006.
Sáng 15/10, bão tiếp tục hoành hành trên các tuyến phố ở Đà Nẵng, Quảng Nam. Một số người ở Đà Nẵng bị thương do mái tôn, cành cây, tường gạch rơi; hàng chục nhà bị đánh sập. Bão kèm theo mưa lớn khiến nước biển dâng kết hợp với thủy điện xả lũ, nước trên sông Hoài dâng cao tràn vào gây ngập hàng nghìn ngôi nhà ở phố cổ Hội An.
Ông Trần Thọ, Bí thư Đà Nẵng cho biết, sáng 15/10, thống kê bước đầu có 12 người bị thương, nhiều nhà hư hỏng. Còn báo cáo nhanh của Ban phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Quảng Ngãi cho hay, một người gãy chân do cây đổ, 80 nhà bị tốc mái. Huyện đảo Lý Sơn là nơi thiệt hại nhiều nhất.
10h ngày 15/10, tâm bão di chuyển sang Lào, sức gió giảm, nhiều tuyến đường Đà Nẵng vẫn bị ách tắc do cây xanh, trụ điện đổ chắn đường. Các tuyến phố ở Đà Nẵng xơ xác, tan hoang sau nhiều giờ bị bão tấn công. Lượng mưa đo được ở một số nơi như đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) 424 mm, Nam Đông (Huế) 492 mm; Bạch Mã (Huế) 659 mm; Tam Kỳ (Quảng Nam) 437 mm.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, đến 17h ngày 15/10 đã có ít nhất 3 người Quảng Nam tử vong; 2 người mất tích ở Thừa Thiên Huế và Bình Định; 49 người bị thương, trong đó tập trung phần lớn ở ba tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng.
Video đang HOT
Bão Nari cũng khiến hơn 11 nghìn ngôi nhà tốc mái, hư hỏng; hàng nghìn ngôi nhà bị sập, trôi và ngập nước. Diện tích cây công nghiệp, lâm nghiệp bị gãy đổ lên đến con số hàng nghìn. Nhiều tàu thuyền bị chìm và hư hỏng.
Về giao thông, khối lượng đường bị sạt lở, vùi lấp hơn 61.000 m. Tại Quốc lộ 1 ngập tại 2 điểm dài 80 m tại Quảng Nam; hầm đường bộ Hải Vân bị mất điện lưới; đường Hồ Chí Minh nhánh đông (tỉnh Kon Tum) sụt lở taluy dương tại 17 vị trí với khối lượng khoảng 1.400 m3 gây ách tắc giao thông đến 17h ngày 15/10.
Khu vực ven biển Đà Nẵng ngổn ngang sau bão. Ảnh: Văn Đông
Đường sắt bị ngập nước, sụt lở tại một số điểm làm 15 đoàn tàu phải dừng chờ tại các ga. Đến 16h ngày 15/10 tàu đã hoạt động trở lại.
Bên cạnh đó, nhiều trụ điện đổ, gãy, trạm biến áp bị sự cố, toàn bộ phụ tải tại 08 huyện, thị và khu phía bắc thành phố Huế; Đà Nẵng và 1 huyện ở Quảng Ngãi bị mất điện.
Các tỉnh miền Trung đang khắc phục hậu quả nhằm sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất của nhân dân và tiếp tục thống kê thiệt hại do bão, lũ gây ra. Theo thông báo của Tổng Công ty điện lực miền Trung, đơn vị này đã khôi phục trên 70% lưới điện sau bão số 11. Toàn bộ lưới điện 110kV khu vực miền Trung đã được khôi phục trừ ĐZ 110kV Lăng Cô – Hoà Khánh 220kV đang chờ kết quả kiểm tra để khôi phục.
Theo báo cáo của Tập đoàn điện lực Việt Nam và Trung tâm phòng chống lụt bão khu vực miền Trung, Tây Nguyên, hầu hết các hồ chứa thủy điện khu vực miền Trung, Tây Nguyên đều đạt mực nước dâng bình thường hoặc xấp xỉ mực nước dâng bình thường. Hiện có 13/20 hồ thủy điện lớn gần đầy và xả tràn.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, lũ trên các sông từ Nghệ An đến Quảng Trị và hạ lưu sông Thu Bồn (Quảng Nam) đang lên, các sông ở Thừa Thiên Huế đang xuống dần; các sông ở KonTum, Quảng Nam đã đạt đỉnh, sông Đăkbla tại KonTum: 520,45 m (dưới mức báo động 3: 0,05m); sông Vu Gia tại Ái Nghĩa: 9,28m (trên báo động 3: 0,28 m).
Sau bão, mưa lớn cùng thủy triều khiến nhiều nơi ở thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên – Huế) ngập nặng. Ảnh: P.V.
Nari được nhận định là cơn bão phức tạp, các đài khí tượng quốc tế đã đưa ra nhiều dự đoán về đường đi đổ bộ của bão.
“So với những cơn bão gần đây, điều bất lợi là bão Nari đổ bộ vào ban đêm, vì thế nhiều người dễ chủ quan, trong khi khả năng quan sát, ứng phó của cơ quan chức năng bị hạn chế”, đại diện cơ quan dự báo cho biết trong buổi họp khẩn với Sở chỉ huy tiền phương phòng chống bão Nari tại Đà Nẵng chiều 14/10.
Trao đổi với VnExpress chiều 15/10, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, xét về cường độ, Nari mạnh tương đương bão Wutip, nhưng phạm vi về gió mạnh thì hẹp hơn. Trung tâm ban đầu nhận định tâm bão ở Hà Tĩnh – Quảng Nam, sau đó xác định là từ Quảng Bình – Quảng Nam. Và cuối cùng, dự đoán đi vào Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam.
Theo VNE
Quảng Nam tiêu điều sau bão lũ
Bão Nari vừa tan khiến hàng trăm ngôi nhà ở Đại Lộc (Quảng Nam) sập, tốc mái cùng hàng ngàn hecta hoa màu bị hư hại, thì đêm 16/10, cơn lũ lại ập đến khiến những làng quê huyện này càng tiêu điều.
Trong ngày 15/10, thủy điện A Vương xả lũ từ 1.000 đến 3.000 m3/s, thủy điện Đak Mi xả 1159m3/s khiến vùng hạ du ngập nặng. Mực lũ ở các sông Vu Gia và Quảng Huế trên mức báo động 3, nhiều nhà dân bị nước tràn vào. Đến sáng nay, nhiều nơi tại huyện Đại Lộc vẫn mênh mông nước.
7h sáng qua, khi bão Nari sắp tan, cơn gió lớn đã quật đổ vách tường nhà anh Huỳnh Văn Đản (42 tuổi, thôn Lộc Bình, xã Đại Hòa). Chị Nguyễn Thị Kiều Dung (37 tuổi, vợ anh Đản) cho biết, khi căn nhà bị sập, mọi người kịp chạy vào phía sau bức tường lớn trú kịp nên thoát nạn.
Trong khi đó, nhà của chủ tịch xã Đại Minh, ông Ngô Sáu, bị gió bão bốc hết tấm tôn. Cả nhà phải trú tạm trong chiếc buồng có mái gỗ giữa trời mưa như trút, nhiều đồ đạc trong nhà, lương thực bị hư hại. Do nhiều người trong xã cũng bị thiệt hại sau bão, ông Sáu đành phải đi giúp dân nên căn nhà rộng gần 100m2 vẫn trống mái.
Nước lũ đêm qua tiếp tục cuốn trôi nhiều căn nhà ở thị trấn Ái Nghĩa. Thống kê ban đầu, toàn huyện Đại Lộc có 3.500 ngôi nhà bị tốc mái, đổ sập.Mưa bão cũng làm gãy, hư hại nhiều trạm biến áp trên địa bàn. Đến chiều 16/10, khu vực này vẫn chưa có điện trở lại, hệ thống thông tin liên lạc bị gián đoạn.
Cuộc sống của người dân bị đảo lộn sau bão, lũ.
Theo thống kê ban đầu, riêng xã Đại Hòa đã có trên 100 ha hoa màu, chủ yếu là chuối bị bão và nước lũ làm đổ gãy, không thể thu hoạch. Người dân ước tính 1ha chuối thiệt hại 25 triệu đồng. Nhiều người ngao ngán dọn lại rừng chuối để trồng vụ mới. Ban phòng chống lụt bão huyện cho biết, bão lũ làm thiệt hại 6.500 ha chuối, 6.000 con gà bị nước lũ cuốn trôi.
Đường sá vẫn còn ngập nước, người dân địa phương dọn tạm rác và cây cối ngã đổ để lấy đường đi lại.
Nước lũ cũng làm sạt lở nhiều diện tích đất ở bờ sông Quảng Huế. Theo người dân địa phương, trận lũ của những năm trước đã cuốn phăng nhiều nhà dân xuống sông, năm nay lại thêm nhiều hộ dân mới di dời đi nơi khác tránh sạt lở.
Thủy điện xả tràn khiến nhiều tuyến đường ở Đại Lộc vẫn chìm trong dòng nước lũ đỏ ngầu.
Ngày 16/10, nhiều hộ dân đã mua mái lợp về sửa sang lại nhà cửa.
Tuy nhiên nhiều tuyến đường bị nước lũ làm hỏng vẫn chưa thể khắc phục.
Nhiều đoạn đường thấp trũng gây khó khăn cho người dân đi lại.
Trưa nay, người dân đã đưa thi thể ông Nguyễn Văn Sĩ ở xã Đại Cường về nhà và làm thủ tục an táng. Ông Sĩ bị nước lũ cuốn trôi từ bão Wutip (30/9) và mới được tìm thấy hôm qua tại huyện Hòa Vang (Đà Nẵng).
Theo VNE
Đà Nẵng: Mất điện, nước, dân 3 ngày chưa... tắm Đến 16h chiều nay (16/10), một số nơi thuộc các quận Liên Chiểu, Thanh Khê và Sơn Trà (Đà Nẵng) vẫn chưa có điện và nước. Mất điện, nước trong nhiều ngày liên tiếp khiến các hộ dân phải sống trong khốn khó trăm bề. Nguyên nhân là do ngành điện lực vẫn chưa khắc phục xong sự cố đứt dây, gãy cột...