12 bức ảnh kinh hoàng về thảm sát Mỹ Lai 47 năm trước
Ngày 16/3/1968, theo lệnh cấp trên, tốp lính Mỹ xả súng bừa bãi tại thôn Mỹ Lai thuộc tỉnh Quảng Ngãi, khiến hơn 500 người, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, thiệt mạng.
Trực thăng Bell UH-1D Iroquois của quân đội Mỹ hạ cánh xuống một bãi đất trống tại thôn Mỹ Lai, làng Sơn Mỹ thuộc huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, ngày 16/3/1968. Sau sự kiện Tết Mậu Thân (tháng 1/1968), tình báo Mỹ cho rằng tiểu đoàn 48 của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã ẩn náu tại làng Sơn Mỹ. Lục quân Mỹ quyết định tổ chức một cuộc tấn công lớn vào những thôn bị nghi ngờ. Ảnh: Getty
Tuy nhiên, lính Mỹ không tìm thấy các thành viên của tiểu đoàn 48 tại ngôi làng. Thay vào đó họ chỉ thấy dân thường, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, đang cố gắng tìm chỗ ẩn nấp trước cuộc càn quét của quân đội Mỹ. Nhiếp ảnh gia quân đội Mỹ Ron Haeberle theo chân Đại đội Charlie để ghi lại những cảnh tượng kinh hoàng ngày hôm đó. Ảnh: Getty
Xác 3 thường dân Việt Nam nằm giữa một con đường làng sau khi trúng đạn. Lính Mỹ dùng súng, lưỡi lê hoặc lựu đạn để giết chết dân thường. Thiếu úy William Calley ra lệnh cho binh sĩ xả súng vào các “địa điểm tình nghi có đối phương”. Những dân thường đầu tiên bị giết hoặc bị thương bởi các loạt đạn không ngừng. Ảnh: Getty
Trong khi đó, đại úy Ernest Medina, chỉ huy cuộc thảm sát Mỹ Lai, ra lệnh cho binh sĩ Mỹ đốt nhà, giết vật nuôi, tàn phá các loại cây trồng và thực phẩm, theo BBC. Ảnh: Getty
Một lính Mỹ châm lửa đốt nhà dân. Ảnh: My Lai Massacre Museum
Video đang HOT
Ngọn lửa nhanh chóng thiêu rụi ngôi nhà tranh của người dân làng Mỹ Lai. Ảnh: Getty
Lính Mỹ dồn phụ nữ và trẻ em vào một góc trước khi xả súng. “Những gia đình tụm lại ẩn nấp trong các căn lều hoặc hầm tạm, bị giết không thương tiếc. Những người giơ cao hai tay đầu hàng cũng bị giết… Phụ nữ bị cưỡng bức hàng loạt. Lính Mỹ đánh đập, tra tấn những người quỳ lạy xin tha bằng báng súng và đâm họ bằng lưỡi lê”, BBC mô tả cảnh tượng của cuộc thảm sát. Ảnh: Getty
Một ông già ngồi trên nền đất. “Tôi không nhìn thấy cảnh lính Mỹ bắn ông ấy. Tôi nghe thấy hai tiếng súng và đoán ông già đã bị giết”, nhiếp ảnh gia Haeberle kể lại. Ảnh: National Archives
Người anh che chở cho em trước loạt đạn của lính Mỹ. Khi chứng kiến cảnh hàng trăm người chết hoặc hấp hối, phi công trực thăng Hugh Thompson, khi đó 24 tuổi, thuộc phi đội thám không, quyết định giải cứu người dân. Trực thăng của phi đội Thompson hạ cánh và cứu được khoảng 12 đến 16 người trong một căn hầm. Phi đội Thompson sau đó còn cứu được một đứa bé toàn thân đầy máu nhưng vẫn sống sót từ trong mương đầy xác người. Ảnh: Getty
Sau khi rời ngôi làng, Haeberle chứng kiến cảnh nhiều xác người dân vô tội nằm trên đường làng. “Một đứa bé chạy tới nơi có nhiều thi thể và quỳ xuống đất để tìm mẹ. Nhưng sau đó, một lính Mỹ đã xả súng bắn em”, Haeberle hồi tưởng. Trong khi đó, binh nhất Robert Maples cho biết: “Khi rời làng, tôi không thấy một ai sống sót”. Ảnh: Getty
Theo BBC, lính Mỹ đã giết 504 người, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, trong vụ thảm sát. Trong khi đó, chỉ một binh sĩ Mỹ bị thương do trúng đạn của đồng đội. 8 năm sau vụ việc, tháng 3/1971, người duy nhất bị kết án là thiếu úy William Calley vì phạm tội ác chiến tranh. Số người thiệt mạng dưới họng súng của Calley là khoảng 22 người. Ông ta chỉ phải ngồi tù 3 năm rưỡi với hình thức quản thúc tại gia. Ảnh: National Archives
Lính Mỹ ngồi nghỉ sau nhiều giờ xả súng điên cuồng. Vào ngày 5/12/1969, tạp chí LIFE đã đăng toàn bộ seri ảnh của nhiếp ảnh gia Haeberle cùng câu chuyện đằng sau những tấm hình. Cả thế giới khi ấy bàng hoàng trước cuộc tra tấn, hành hạ dân thường ghê rợn của lính Mỹ tại đất nước cách xa họ nửa vòng trái đất. Sự kiện thảm khốc này đã gây sốc cho dư luận, hâm nóng phong trào phản chiến và là một trong các nguyên nhân dẫn tới sự triệt thoái của quân đội Mỹ tại miền Nam Việt Nam những năm sau đó. Ảnh: National Archives
Theo Tri Thức
Tưởng niệm 504 người vô tội trong vụ thảm sát Sơn Mỹ
Sáng ngày 16/3, tại Khu Chứng tích Sơn Mỹ (xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi), Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi tổ chức lễ tưởng niệm 47 năm vụ thảm sát Sơn Mỹ (16/3/1968 - 16/3/2015).
Cách đây 47 năm về trước, vào ngày 16/3/1968, quân đội viễn chinh Mỹ đã xả súng xuống làng quê Mỹ Lai (xã Tịnh Khê, nay là TP Quảng Ngãi), sát hại 504 thường dân vô tội. Trong đó có 182 phụ nữ (17 người mang thai), 173 trẻ em (56 trẻ sơ sinh), 60 cụ già, 89 trung niên, 247 ngôi nhà chìm trong biển máu và lửa.
Trẻ em xã Tịnh Khê hôm nay lắng nghe lịch sử đau tương tại lễ tưởng niệm 47 năm vụ thảm sát Sơn Mỹ.
Học sinh nhìn lại các vật dụng, hình ảnh vụ thảm sát Sơn Mỹ năm xưa.
Tại buổi lễ tưởng niệm, hàng trăm người dân và học sinh địa phương tĩnh lặng trong 5 hồi 4 tiếng chuông do chính nhân chứng sống của vụ thảm sát thực hiện. Bên cạnh đó, đều đặn hàng năm, ông Roy Mike Boehm - cựu binh Mỹ (người chụp lại những bức ảnh vụ thảm sát Sơn Mỹ) - lại kéo đàn vĩ cầm trong ngày tưởng niệm nhằm xoa dịu nỗi đau của 504 hương hồn đã ngã xuống dưới họng súng của quân đội Mỹ.
Mỗi buổi sáng hàng ngày, 5 hồi 4 tiếng chuông lại ngân lên bên hương hồn 504 thường dân vô tội.
Cựu binh Mỹ Roy Mike Boehm kéo đàn vĩ cầm.
Sau lễ tưởng niệm, người dân cùng học sinh dâng hương tại tượng đài Sơn Mỹ; đồng thời nhìn lại lịch sử đau thương thông qua hình ảnh trong nhà trưng bày Khu chứng tích Sơn Mỹ như khắc ghi nỗi đau của vụ thảm sát Sơn Mỹ không thể phai trong lòng người dân thôn Mỹ Lai nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung.
Những nhân chứng lịch sử cùng thắp nến hương đến người dân cùng thôn Mỹ Lai.
Đã 47 năm trôi qua nhưng hình ảnh bị thương đẫm máu vẫn còn hiện hữu trong ký ức những nhân chứng ngày ấy.
Sáng cùng ngày, ông Roy Mike Boehm - đại diện tổ chức Madison Quakers (Mỹ) - trao tặng 54 suất học bổng cho học sinh nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở xã Tịnh Khê (TP Quảng Ngãi), mỗi suất trị giá 1 triệu đồng.
Hồng Long
Theo Dantri
10 bức ảnh nhói lòng về cuộc Chiến tranh Việt Nam Cuộc Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc nhưng những hình ảnh dưới đây chắc hẳn sẽ khiến mỗi chúng ta đều cảm thấy quặn lòng mỗi khi nhìn lại. Nét mặt khắc khổ, người phụ nữ bế cô con gái đang bị thương đi tìm nơi lánh nạn. (Ảnh AP). Một người phụ nữ Việt Nam than khóc trước thi thể của...