‘1/11 mới thu phí tải nhạc là đã muộn’
Ca sĩ Hiền Thục cho rằng, lẽ ra thị trường âm nhạc trực tuyến trong nước phải sớm tuân thủ luật chơi công bằng về tác quyền hơn. Cô cùng các nghệ sĩ khác đón nhận tin thu phí download nhạc như tín hiệu vui.
Ngày 1/11 tới, 5 trang web lớn ở Việt Nam thu phí tải nhạc trực tuyến với mức 1.000 đồng cho mỗi lần tải. Giới ca sĩ trong nước đã đón nhận thông tin này như là một điều vui mừng, một thay đổi tích cực cho hoạt động làm nghề.
Ca sĩ Hiền Thục cho biết, vừa về nước sau chuyến đi nước ngoài, chị rất phấn khởi khi biết tin. “Đến bây giờ chúng ta mới làm điều này thì theo tôi đã là quá muộn. Nếu thực hiện được, cả ca sĩ, nhà sản xuất sẽ có động lực tốt để yên tâm làm nghề. Nhiều năm nay, người ta hay nghe những lời than phiền từ nhà sản xuất là làm đĩa nhạc giờ không thể nào đủ vốn. Nghe mà buồn! Vì vậy, nếu có sự thay đổi, người nghệ sĩ có thể tái đầu tư sức lao động, cho ra những sản phẩm chất lượng hơn”, Hiền Thục nói.
Ca sĩ Hiền Thục vừa biết tin về việc thu phí và rất hào hứng.
Hầu hết ca sĩ đều cho rằng, nếu như khán giả được thưởng thức một sản phẩm xứng đáng đồng tiền bát gạo thì mức phí 1.000 đồng cho mỗi lần tải nhạc không cao. “ Tôi tin khán giả sẽ vui vẻ chấp nhận điều đó nếu họ cảm thấy thỏa mãn”, Hiền Thục nhận định. Còn ca sĩ Nam Cường cho rằng, từ trước đến nay, mọi người vẫn làm rất tốt việc trả tiền cho tải nhạc chuông nhạc chờ. “Ngày trước 3.000 đồng một bài, bây giờ đã lên giá 5.000 đồng rồi mà lượng người tải nhạc chuông, nhạc chờ không có dấu hiệu giảm. Vì thế, tôi không lo ngại mức giá 1.000 đồng tải nhạc là quá sức khán giả”, anh nói.
Từ trước khi thông tin thu phí xuất hiện , đời sống nhạc Việt còn tồn tại một nghịch lý: Hầu hết ca sĩ đều có hành động gần như “đồng lõa” với việc tạo thói quen xài chùa cho người nghe, khán giả. Họ ấp ủ ý tưởng cho sản phẩm âm nhạc, tạo êkíp, bỏ tiền đầu tư và sau đó quăng lên mạng Internet để công chúng thưởng thức miễn phí. Việc làm này như là một cách ca sĩ, nhà sản xuất chịu mất công, mất tiền để đổi lại được PR cho sản phẩm âm nhạc, được giới thiệu hình ảnh. Không ít người cũng nhận ra làm như thế chỉ đem lại cái lợi trước mắt, còn lâu dài sẽ ảnh hưởng đến nhạc sĩ và cả ngành công nghiệp âm nhạc trong nước.
Nam Cường ủng hộ sự công bằng trong tác quyền của thị trường nhạc số.
Ca sĩ Nam Cường bộc bạch, làm việc chẳng đặng đừng nói trên nhiều khi cũng chuốc nỗi buồn. Vì có tình trạng, khi ca sĩ nào trong nước tung ra MV mới trên Internet thì thường bị cư dân mạng “ném đá”, đem ra so sánh với sản phẩm của các nước như: Thái Lan, Trung Quốc hoặc Hàn Quốc… “Tôi thấy đó là sự so sánh khập khiễng vì các bạn đang thưởng thức gần như là miễn phí chất xám của cả một êkíp. Thật sự về ý tưởng thì chúng ta hoàn toàn có thể làm ngang bằng hoặc hơn các nước khác, chỉ vì chúng ta chưa đủ vốn để làm thôi”, anh nói.
Theo nguồn Hiệp hội ghi âm quốc tế IFPI (2012), hiện nay, trên thế giới có 500 dịch vụ nhạc trực tuyến có thu phí và trong năm 2011 có 3,6 tỷ downloads được bán ra toàn thế giới mạng. Chỉ cần so với các nước trong khu vực như: Hàn Quốc, Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan… vốn đã thu phí tải nhạc, việc miễn phí của thị trường nhạc trực tuyến trong nước khiến ca sĩ, nhà sản xuất bị mất nguồn thu từ thị phần này và lại cũng khó thu được tiền từ bán băng đĩa.
Vì thế, chuyện ca sĩ chăm chỉ chạy sô bên ngoài và lo làm nghề tay trái để kiếm tiền cũng dễ hiểu. “Chạy sô nhiều cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của nghệ sĩ chứ. Thêm nữa, ca sĩ chỉ kiếm tiền từ chạy sô hay làm khác nghề để kiếm tiền đầu tư âm nhạc thì không dễ cho ra đời sản phẩm chất lượng”, Nam Cường vạch ra thực trạng.
Video đang HOT
Ngay trước thông tin thu phí ít lâu, ca sĩ Maria Đinh Phương Ánh tung MV Như một giấc mơ hoàn toàn miễn phí nghe, tải. “Trước giờ cuộc chơi chưa có luật. Nay nếu có một quy tắc chung rõ ràng, hiệu quả, tôi sẵn sàng tham gia cuộc chơi thu phí”, cô nói.
Ca sĩ mới này không lo sợ việc buộc khán giả mất tiền tải nhạc sẽ hạn chế mình quảng bá hình ảnh. Bởi cô cho rằng, người dùng chỉ mất tiền khi tải còn nếu chỉ nghe online vẫn không hề tốn phí. “Việc download nhạc mất phí sẽ chứng minh được phần nào chất lượng của sản phẩm cũng như sự yêu mến của khán giả đối với tác phẩm của ca sĩ”, cô nói.
Là một gương mặt mới, Maria Đinh Phương Ánh vẫn chấp nhận luật chơi công bằng hơn là miễn phí sản phẩm âm nhạc của mình hòng quảng bá cho tên tuổi. Ảnh:Hoàng Miên.
Thói quen nghe nhạc và tải nhạc trên mạng hiện nay từ lâu đã lấn át thói quen nghe đĩa CD. Những nhà sản xuất nhạc nhiều khi bị thâm vốn đến 90% trên sản phẩm họ làm ra cho ca sĩ. Vì thế, không chỉ ca sĩ mà các nhà sản xuất đều đồng ý rằng, việc thu phí giúp họ có thêm đầu ra đầu vào, duy trì công việc sáng tạo, kinh doanh.
Tuy nhiên, như ông Hoàng Tuấn, bầu của ca sĩ Đan Trường, chia sẻ để làm được kế hoạch này là cả một quá trình kiên nhẫn, một lộ trình dài, nhiêu khê, không phải ngày một ngày hai mà có thể thu được trái ngọt. Ngay cả bản thân các trang web cũng phải lập trình lại toàn bộ để đưa ra tính năng tiện dụng cho khán giả. “Phải làm sao để giúp khán giả ở vùng sâu xa, thôn quê lẫn thành phố đều có thể thưởng thức, tải nhạc được trên mạng Internet xứng đáng với 1.000 đồng họ bỏ ra mỗi lần download”, ông Tuấn nói.
Thêm nữa, theo kế hoạch của các nhà mạng, chỉ còn hơn hai tháng để việc thu phí diễn ra nhưng đến nay, nhiều ca sĩ, nhà sản xuất vẫn chưa nắm rõ thông tin và cách thức hợp tác với các nhà mạng như thế nào. Hiền Thục cho biết, cô và các đối tác mạng cũng chưa có cuộc gặp chính thức nào để bàn về vấn đề này.
Nhiều ca sĩ, nhà sản xuất đều muốn hiểu thêm về cách thu phí, cơ chế thanh kiểm tra và đối chiếu doanh số minh bạch và chính xác nhằm đảm bảo quyền lợi cho ca sĩ và nhất là với nhạc sĩ, những người rút ruột “đẻ” ra tác phẩm.
Thúy Vinh, bà chủ của Music Box, chia sẻ niềm vui với thông tin có sự thay đổi ở thị trường nhạc trực tuyến nhưng hiện giờ chưa biết cụ thể sẽ làm việc với các nhà mạng như thế nào nên chưa thể nói trước được điều gì.
Ngoài ra, vấn đề quan tâm nhất của giới làm nhạc là, trong tương lai việc thu phí cần được thực hiện đồng loạt ở tất cả webiste âm nhạc chứ không thể chỉ riêng ở 5 trang web đã công bố. Bởi nếu không diễn ra đồng loạt thì sẽ rất khó thay đổi được thói quen cố hữu của người dùng. Và cũng khiến bản thân ca sĩ, nhạc sĩ lúng túng trong việc tuân thủ luật chơi tác quyền một cách công bằng.
Thoại Hà
Theo VNE
Khán giả 'dậy sóng' vì tải nhạc trực tuyến bị thu phí
Ngạc nhiên, buồn vì không còn được "xài chùa" vui vì thị trường nhạc trong nước dần chuyên nghiệp hay cuống quýt tải nhạc trước 1/11... là phản ứng trái chiều của nhiều người khi 5 website ở VN dự kiến thu phí download.
Sau khi đăng tải thông tin MV Corp và 5 website âm nhạc lớn ký thỏa thuận hợp tác, dự kiến đồng loạt thu phí tải nhạc trực tuyến vào ngày 1/11, mức giá 1.000 đồng cho mỗi lần tải, VnExpress.net nhận hàng trăm ý kiến của bạn đọc với nhiều tranh luận trái chiều. Trên các mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều nhận xét, bình luận, góp ý về động thái mới của các website âm nhạc.
Trong vòng 24 tiếng đồng hồ, hơn 12.000 lượt độc giả tham gia khảo sát của VnExpress.net. Trong đó, 79,7% số phiếu cho rằng mức giá 1.000 đồng cho một lần tải nhạc trên mạng là quá cao, 15,9% nhận định mức phí này phù hợp. Chỉ có 4,3 % nhận xét nó quá rẻ (kết quả tính từ 16h34 phút ngày 15/8 đến 16h30 ngày 16/8).
Không ít người bày tỏ ý kiến vui mừng như: "Đây là thước đo cho sự thành công của sản phẩm mà ca sĩ làm ra. Phải hay thì người ta mới bỏ tiền ra down về. Như thế sẽ thanh lọc được mấy ca sĩ vớ vẩn hát linh tinh" (blogger Nguyễn Sơn Tùng), "Tuyệt vời, hãy chứng tỏ người Việt Nam văn minh và biết làm ra tiền" (blogger Nguyễn Trung Kiên).
Độc giả Hoàng Anh Quốc, nhà ở quận Thủ Đức, chia sẻ quan điểm về vấn đề này: "Khi biết tin tôi cảm thấy rất bình thường, vì tôi nghĩ đây là chuyện cần thiết và cũng đã đến lúc Việt Nam phải làm giống như các nước khác trên thế giới. Tôi không "sốc", cũng không lo lắng bởi tôi coi đây như là chuyện đương nhiên sẽ xảy ra, chỉ không biết là nó đến vào lúc nào thôi. Quan điểm của tôi là cứ theo luật mà làm. Thời gian đầu, chắc chắn mọi người cũng sẽ phản ứng, nhưng dần dần họ sẽ quen với việc phải trả tiền khi muốn sở hữu một cái gì đó, cụ thể ở đây là âm nhạc".
Về mức tải nhạc 1.000 đồng một bài hát, theo anh Quốc là vừa phải, không cao không thấp. "Một đoạn nhạc chờ tải mất 3.000 đồng mà một bài hát tải về để nghe trên nhiều thiết bị chỉ mất có 1.000 đồng đối với tôi là mức giá chấp nhận được". Trước kia, thỉnh thoảng anh Quốc vào các bảng xếp hạng hoặc danh sách ca khúc mới để tải những bài hát của các ca sĩ yêu thích về laptop. Sau đó, anh sẽ nghe kỹ, bài nào thích thì copy vào thiết bị di động. "Thế nhưng, nếu phải trả tiền thì tôi sẽ cân nhắc việc chọn lựa bài hát để tải chứ không tải tràn lan nữa", anh nói.
Các blogger bàn tán về việc thu phí tải nhạc trên mạng. Ảnh chụp màn hình.
Với anh Nhuận Khoa, nhà ở Bình Thạnh, TP HCM thì việc thu phí tải nhạc trực tuyến sẽ mang đến một thay đổi khó khăn trong thói quen sử dụng nhạc trên mạng Internet của anh. "Tôi sẽ phải sửa chữa thói quen của mình. Mà thường những gì ngược lại thói quen ta cần có thời gian (thậm chí rất dài) để thay đổi. Nhất là việc ngược lại này lại làm chúng ta tốn kém hơn, không thoải mái hơn".
Anh Khoa cũng cho rằng, việc nghe nhạc và download miễn phí từ lâu đã trở thành thông lệ tại Việt Nam. "Tôi tạm không bàn đến tính đúng luật hay không vì đây là câu chuyện dài và chúng ta cần có rất nhiều bên liên quan để đưa ra câu trả lời rốt ráo. Tôi muốn nói đến một thực tế. Vậy nên, khi đưa ra một điều luật nào đó để thay đổi thực tế, cần có một cuộc khảo sát hay tính toán thật tinh tế để cho thấy việc thay đổi này là đúng, là hiệu quả", Khoa nói.
Câu chuyện bản quyền đã nhiều lần nhen nhóm, thổi bùng rồi lịm tắt trên thị trường nhạc số Việt. Vì thế với những khán giả như anh Khoa, anh Quốc, ngoài quan tâm đến vấn đề cách thức chi trả cho nhu cầu nghe nhạc, họ còn muốn biết những người thực hiện sẽ đặt lợi ích của người dùng lên hàng đầu như thế nào. Khán giả cần được chứng minh để nhận thức rõ vì sao mọi người cần thay đổi thói quen.
Trong khi chờ đợi điều đó, chuyện có khá nhiều ý kiến e dè và không vui trước thông tin trên cũng dễ hiểu.
Thứ nhất, mức giá mỗi lần tải nhạc 1.000 đồng thoạt nghe có vẻ ít nhưng nhiều khán giả cho rằng, con số này sẽ rất lớn, tính theo lượng người dùng dịch vụ hiện nay. Chính vì vậy, lời kêu gọi của blogger Đặng Trần Tuyển "Tranh thủ down nhạc về gấp nha bà con ơi! Tải nhanh còn kịp" cũng trùng với tâm lý của nhiều người nghe nhạc trên mạng hiện nay. Thậm chí có khán giả còn dự đoán "trào lưu nghe nhạc bằng CD (lậu) sẽ trở lại".
Nhiều fan cho rằng động thái thu phí của các website chẳng khác nào "nằm mơ giữa ban ngày". Trong và ngoài nước hiện nay có vô số trang web cung cấp nhạc miễn phí, kể cả MV, điển hình là youtube... Vì thế, người nghe nhạc Việt Nam sẽ không dễ dàng để bị "móc túi" tại 5 website này mà sẽ chuyển sang sử dụng hàng trăm trang web khác.
Thứ hai, vấn đề phân chia số tiền thu được cho các bên quản lý và chủ sở hữu thực sự của tác phẩm cũng là điều được rất nhiều người quan tâm.
Blogger ShaNgâyThơ chia sẻ với giọng đầy châm biếm: "Nước ngoài thu cái này thì mình tin là đến được tay nghệ sĩ, còn Việt Nam mình thì sao?... Mình rất ủng hộ việc thu tiền cho nghệ sĩ, nhưng làm ơn đưa tiền tới cho người ta nghen!".
Lo ngại này của khán giả không phải là không có cơ sở khi thực trạng không minh bạch trong việc đối soát, công bố doanh thu luôn là vấn đề gây lo ngại. Ở thế độc quyền, các nhà mạng thường hốt bạc khi được trả với tỷ lệ cao hơn chủ sở hữu thật sự của tác phẩm âm nhạc. Và những chủ sở hữu này chỉ biết dựa vào những con số từ đơn vị mà họ ủy quyền kinh doanh ca khúc.
Trong dự án của MV Corp và 5 website âm nhạc, số tiền bản quyền thu được, sau khi trừ đi các chi phí, đơn vị phân phối và các website sẽ được hưởng 45%. 55% còn lại sẽ trả về cho đơn vị cung cấp nội dung (ca sĩ, nhạc sĩ, hãng ghi âm....). Con số ăn chia này còn khá cách biệt so với nước ngoài, lấy ví dụ như với iTunes, tỷ lệ chia là 30% thuộc về các website, còn 70% thuộc về đơn vị cung cấp nội dung. Tại buổi hội thảo ngày 15/8, ông Phùng Tiến Công - Phó tổng giám đốc MV Corp - cho biết khi chương trình đi vào vận hành, trong tương lai, đơn vị này sẽ cố gắng điều chỉnh lại tỷ lệ này cho thích hợp.
Biểu đồ cho thấy thị phần nhạc số thế giới.
Việc thu phí tải nhạc mạng thực tế chỉ là việc "cũ người mới ta". Hiện tại, các nước châu Á như: Malaysia, Singapore, Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc... đã thực hiện điều này. Còn vấn đề mà khán giả mong muốn nữa là các nhà mạng trong nước sẽ tiến hành cách thức thu phí hiệu quả như thế nào, và chất lượng của sản phẩm âm nhạc sẽ khác ra sao so với thời gian còn được sử dụng miễn phí?
Theo VNE
Những chân dài Việt bị đánh bật khỏi làng nhạc Không phải ai xinh đẹp cũng có thể đi hát, và không phải người đẹp hát nào cũng có thể trụ vững như Hồ Ngọc Hà. Tuy thế, khán giả Việt vẫn có thể hy vọng vào những bước chuyển tiếp theo của các người đẹp này trong lĩnh vực ca hát? Trúc Diễm Với gương mặt xinh đẹp cực kỳ nổi bật,...