11 phim bom tấn bị cắt làm đôi
Rất nhiều phim bom tấn của cả Hollywood lẫn châu Á được chia làm đôi để có thể đảm bảo truyền tải toàn bộ nội dung cốt truyện, cũng như tăng lợi nhuận tối đa cho nhà sản xuất.
Kill Bill (2003 & 2004): Đạo diễn Quentin Tarantino không hề muốn có tới hai tập phim Kill Bill; nhưng do thời lượng phim lên tới hơn bốn giờ đồng hồ nên ông buộc phải nghe theo các nhà sản xuất, cắt phim làm đôi nếu muốn đưa tác phẩm của mình ra rạp. Theo đó, khán giả được theo dõi Kill Bill: Vol. 1 và Vol. 2 trong vòng sáu tháng. Doanh thu của cả hai phần phim là hơn 330 triệu USD, và kể từ khi ra mắt, Kill Bill luôn được xếp vào hàng các tác phẩm hành động kinh điển, giành được không ít giải thưởng điện ảnh danh giá.
The Matrix Reloaded & The Matrix Revolutions (2003): Thực chất, hai phần sau của siêu phẩm Ma trận được quay tại cùng một thời điểm với mật danh là The Burly Man. Nhưng do nội dung quá dài nên chị em đạo diễn nhà Wachowski quyết định biến dự án này thành hai phần phim. Tập thứ hai mang tên The Matrix Reloaded có doanh thu khủng lên tới 742 triệu USD, nhưng lại phải nhận vô số lời chê bai. Phản ứng tiêu cực mạnh đến nỗi khi tập thứ ba mang tên The Matrix Revolutions ra mắt sáu tháng sau, nó chỉ đạt được doanh thu là 427 triệu USD.
Red Cliff (2008 & 2009): Trận chiến Xích Bích nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa được đạo diễn Ngô Vũ Sâm chuyển thể lên màn ảnh rộng cuối thập niên trước với kinh phí sản xuất lên tới 80 triệu USD, cao nhất châu Á tại thời điểm phim ra mắt. Tại châu Á, Đại chiến Xích Bích được chia làm hai phần do có tổng thời lượng lên tới 288 phút. Nhưng ở bên ngoài châu Á, một bản phim đặc biệt chỉ dài 148 phút được cắt dựng cho khán giả quốc tế. Đại chiến Xích Bích của Ngô Vũ Sâm quy tụ nhiều ngôi sao Hoa ngữ đẳng cấp như Lương Triều Vỹ, Kim Thành Vũ, Trương Chấn, Triệu Vy… và được giới phê bình đánh giá tương đối cao.
Harry Potter and the Deathly Hallows (2010 & 2011): Khi được chuyển thể lên màn ảnh, cuốn tiểu thuyết cuối cùng của Harry Potter được chia làm đôi. Trong đó, phần đầu kể lại cuộc phiêu lưu của nhóm nhân vật chính nhằm tìm ra các Trường sinh Linh giá; còn phần sau tập trung vào cuộc chiến quyết định của họ với thế lực hắc ám do Chúa tể Voldemort đứng đầu tại ngay ngôi trường Hogwarts. Trên thực tế, nguyên tác Bảo bối Tử thần không dài bằng Hội phượng hoàng, nhưng các nhà sản xuất muốn chuyển thể chi tiết chuyến phiêu lưu cuối cùng của Harry Potter và những người bạn. Hai tập phim Deathly Hallows cuối cùng đạt doanh thu hơn 2 tỷ USD, thực sự mở ra kỷ nguyên “cắt phim làm đôi” tại Hollywood.
The Twilight Saga: Breaking Dawn (2011 & 2012): Loạt phim The Twilight Saga dù bị giới phê bình ghẻ lạnh nhưng luôn có được doanh thu cao tại các phòng vé. Chính bởi vậy, để thu về lợi nhuận tối đa, các nhà làm phim không ngần ngại chia Breaking Dawn làm hai phần dù đây là một điều không quá cần thiết. Nhưng cũng nhờ đó mà toàn bộ doanh thu của cả loạt The Twilight Saga được nâng lên mức 2 tỷ USD, giúp hãng Summit Entertainment trở thành một thế lực mới tại Hollywood.
Rurouni Kenshin: Kyoto Inferno & Rurouni Kenshin: The Legend Ends (2014): Rurouni Kenshin là một trong những bộ manga nổi tiếng đến từ Nhật Bản và được các nhà làm phim chuyển thể lên màn bạc thành phiên bản live action. Sau tập phim đầu tiên hết sức thành công năm 2012, khán giả tiếp tục được chứng kiến tuyến truyện Himura Kenshin đối đấu với Shishio Makoto trên màn ảnh. Song, do đây là một câu chuyện dài, phức tạp, chứa đựng nhiều nhân vật nên các nhà sản xuất cũng buộc phải bẻ làm hai phần dù được thực hiện cùng lúc. Hai tập phim Kyoto Inferno và The Legend Ends hiện vẫn đang được trình chiếu tại Nhật Bản và tới nay thu về lợi nhuận khoảng 8 tỷ yen.
The Hunger Games: Mockingjay (2014 & 2015): Mới đây, khán giả Việt vừa được thưởng thức phần đầu củaMockingjay, câu chuyện khép lại trường tiểu thuyết The Hunger Games. Trong phần này, Katniss Everdeen vẫn còn nhiều xung đột tâm lý trước khi cô quyết định trở thành biểu tượng Húng Nhại của người dân nổi dậy chống lại chính quyền Capitol thối nát. Tập phim gặt hái thành công lớn tại phòng vé, dù vẫn chưa cao như mức mà phần trước làCatching Fire làm được. Ngoài ra, không ít ý kiến cho rằng Mockingjay – Part I là phần phim kém hấp dẫn nhất của The Hunger Games bởi các phân đoạn hành động gay cấn đều được để dành cho Part II, dự kiến ra mắt trong tháng 11/2015.
The Hobbit: There and Back Again (2013 & 2014): Thực tế, nguyên tác The Hobbit chỉ dài 300 trang, là một câu chuyện phiêu lưu mang hơi hướm hài hước và hướng tới đối tượng thiếu nhi. Nhưng khi được chuyển thể lên màn ảnh rộng, đạo diễn Peter Jackson muốn biến The Hobbit sánh ngang tầm với siêu phẩm The Lord of the Rings. Ban đầu, ông chỉ định thực hiện hai tập phim là An Unexpected Journey và There and Back Again. Nhưng sau khi tập một ra mắt, Peter Jackson quyết định bẻ tiếp tập hai ra làm đôi, gồm The Desolation of Smaug hồi năm ngoái và Battle of the Five Armies trong cuối tháng 12 này. Doanh thu hai phần đầu của The Hobbit đạt mức xấp xỉ 2 tỷ USD và Warner Bros. đang cố gắng “vơ vét” nốt túi tiền của khán giả bằng tập thứ ba nhờ trận đại chiến giữa năm cánh quân hoành tráng.
The Crossing (2014 & 2015): Với dự án có tên gốc là Thái Bình Luân và được mệnh danh là “Titanic phiên bản châu Á”, đạo diễn Ngô Vũ Sâm thêm một lần nữa cắt đôi bom tấn của ông ra làm hai giống như Xích Bích cách đây 6 năm. Bộ phim mới xoay quanh sự kiện đắm tàu Thái Bình Luân có thật. Con tàu chở hơn 1.000 hành khách, những người đang trốn chạy khỏi Trung Hoa đại lục để tới Đài Loan khi cuộc nội chiến Trung Hoa đang sắp sửa khép lại. Toàn bộ bi kịch này sẽ được kể thông qua ba đôi tình nhân có mặt trên con tàu định mệnh. Phim có sự góp mặt của hơn 24 ngôi sao hàng đầu châu Á như Chương Tử Di, Kim Thành Vũ, Song Hye Kyo, Huỳnh Hiểu Minh, Đồng Đại Vĩ, Masami Nagasawa… Khán giả Việt sẽ được thưởng thức nửa đầu của The Crossing từ 19/12 và nửa sau trong năm 2015.
Video đang HOT
Allegiant (2016 & 2017): Sau thành công bất ngờ của Divergent hồi đầu năm, các nhà sản xuất tiếp tục đưa Insurgentlên màn ảnh trong tháng 3/2015. Thậm chí, họ còn tự tin lên kế hoạch bẻ cuốn tiểu thuyết cuối là Allegiant ra làm đôi, lần lượt ra mắt trong các năm 2016 và 2017. Tập phim đầu tiên, Divergent, có doanh thu toàn cầu là 288 triệu USD và giúp tên tuổi của Shailene Woodley được nhiều người biết đến hơn.
Avengers: Infinity War (2018 & 2019): Dù phần hai của Avengers là Age of Ultron tới hè 2015 mới ra mắt thì Marvel Studios đã công bố nhiều dự án phim ra đời sau đó. Trong số này, đáng chú ý nhất là phần ba của Avengers mang tựa đề Infinity War. Sau nhiều lần úp mở về những Viên ngọc Vô cực trong suốt các bộ phim trước cùng sự xuất hiện của Thanos, câu chuyện Infinity War là điều được fan nguyên tác truyện tranh chờ đợi và mong ngóng suốt bấy lâu nay. Nhiều nhóm siêu anh hùng sẽ cùng nhau xuất hiện để chống lại siêu ác nhân Thanos và Infinity War cũng sẽ được chia làm hai do quy mô hoành tráng của cốt truyện.
Theo Zing
Những bộ phim bom tấn bị ám quẻ tại Hollywood
"The Matrix", "Waterworld", "The Omen", "Troy"... là các tác phẩm nổi tiếng với vô số những sự kiện đen đủi và trắc trở xảy ra trong quá trình thực hiện.
Theo thông tin gần đây, tài tử Harrison Ford gặp phải chấn thương mắt cá chân trên trường quay của Star Wars: Episode VII và khiến cho toàn bộ quá trình quay phim buộc phải tạm ngưng. Thậm chí, có tin đồn cho rằng ngày ra mắt của bom tấn theo đó cũng sẽ bị đình trệ. Đây chắc chắn không phải là lần đầu tiên các bộ phim bom tấn Hollywood gặp phải những chuyện đen đủi như vậy. Cùng Zing.vn điểm lại những tác phẩm nổi tiếng thường được gắn mác "bị ám quẻ" bởi nhiều sự kiện khó có thể giải thích diễn ra trong quá trình thực hiện.
The Conqueror (1956)
Trong số 220 người từng làm việc cho đoàn làm phim The Conqueror tại gần Utah vào năm 1955, có tới 91 người nhiễm căn bệnh ung thư vào đầu thập niên 1980 và 46 trong số đó đã qua đời, bao gồm cả những ngôi sao như John Wayne, Susan Hayward, Agnes Moorehead và đạo diễn Dick Powell.
Nhiều diễn viên trong đoàn làm phim The Conqueror tại Utah đã mắc phải căn bệnh ung thư.
Không ai biết chắc về lý do đằng sau vụ việc nhưng nhiều ý kiến cho rằng căn bệnh ung thư bắt nguồn từ những vụ thí nghiệm thử bom hạt nhân ở gần Nevada. Nhà sản xuất Howard Hughes từng nghĩ rằng bộ phim quá tệ và bỏ ra 12 triệu USD để mua lại tất cả các bản phim rồi từ chối cho phát hành The Conqueror. Phải mãi đến năm 1974, hãng phim Paramount mới có thể đạt được thỏa thuận với ông và đưa bộ phim đến với công chúng. The Conqueror cũng đánh dấu lần cuối cùng Howard Hughes đứng vai trò sản xuất.
The Omen (1976)
Bộ phim kinh dị tâm linh ra mắt năm 1976 từng gây tốn nhiều giấy mực bởi những điềm gở diễn ra xung quanh nó. Trước tiên, khi bộ phim đang được thực hiện, nam diễn viên Gregory Peck và biên kịch David Seltzer bay tới nước Anh trên hai chuyến bay khác nhau và cả hai đều gặp phải sét đánh. Khách sạn nơi Richard Donner trú ngụ bị đánh bom bởi tổ chức IRA và sau đó vị đạo diễn còn bị xe hơi tông phải.
Nhiều thành viên của đoàn làm phim The Omen gặp phải những chuyện đen đủi không thể giải thích.
Trong ngày đầu tiên bấm máy, một vài thành viên chủ chốt của đoàn làm phim suýt mất mạng trong một tai nạn xe hơi đấu đầu. Một chuyến bay dự kiến mà đoàn làm phim hủy bỏ vào giờ chót sau đó bị rơi và cướp đi sinh mạng của toàn bộ hành khách. Bất chấp nhiều điềm gở như vậy, không có ai gặp chấn thương nghiêm trọng trên phim trường của The Omen.
Apocalypse Now (1979)
Quá trình thực hiện bộ phim kinh điển của đạo diễn Francis Ford Coppola không hề suôn sẻ. Bộ phim bắt đầu được thực hiện từ đầu năm 1976 với Harvey Keitel thủ vai chính. Tuy nhiên, tất cả buộc phải hoãn lại bởi vị đạo diễn quyết định đuổi Keitel và thay thế ông bằng Martin Sheen. Nam diễn viên mới sau đó gặp phải một cơn đau tim trên phim trường củaApocalypse Now.
Quá trình thực hiện của tác phẩm kinh điển Apocalypse Now diễn ra không hề suôn sẻ, đặc biệt là ở phần nhân sự.
Tuy nhiên, đoàn làm phim gặp phải một vấn đề khác khi tài tử Marlon Brando mang thân hình quá khổ đến trường quay. Giải pháp được đưa ra là nam diễn viên chỉ xuất hiện trong những cảnh quay cận mặt và một diễn viên khác được chọn để đóng thế ông trong nhiều cảnh quay khác. Phim quay xong trong năm 1977 nhưng quá trình dựng phim quá phức tạp khiến Apocalypse Now chỉ có thể ra mắt khán giả hai năm sau đó.
The Twilight Zone: The Movie (1983)
Khi nhân vật Bill Connor trong phim nói với hai đứa trẻ đang được anh giải cứu trên chiến trường miền Nam Việt Nam rằng: "Chú sẽ giúp cho bọn cháu được an toàn. Chú hứa đấy", không ai ngờ đó lại là một trong những câu thoại cuối cùng của tài tử Vic Morrow. Sự kiện tai nạn trên trường quay của The Twilight Zone phiên bản điện ảnh chính là một trong những vết đen lớn nhất trong lịch sử Hollywood.
Nam diễn viên Vic Morrow bỏ mạng trên trường quay The Twilight Zone cùng hai diễn viên nhí.
Trong cảnh quay bị chiếc máy bay trực thăng đuổi theo, nhân vật Bill Connor cố gắng đưa hai đứa trẻ vô tội thoát khỏi cuộc tấn công của lính Mỹ đóng tại Việt Nam. Không may, pháo hoa trên trường quay phát nổ khiến đuôi máy bay bị hỏng và toàn bộ chiếc trực thăng rơi xuống, cướp đi mạng sống của Vic Morrow và hai diễn viên nhí là Myca Dinh Le và Renee Chen. Sau khi sự kiện thương tâm trên xảy ra, người ta phát hiện ra rằng hai diễn viên nhí đều được thuê diễn một cách phi pháp. Nhưng cho dù gặp phải rất nhiều vấn đề pháp lý, The Twilight Zone: The Movieđến với công chúng vào tháng 6/1983.
Video ghi lại tai nạn chết người trên phim trường 'The Twilight Zone'
Waterworld (1995)
Từ chỗ được kỳ vọng, bom tấn Waterworld trở thành một trong những trải nghiệm đáng quên đối với hãng Universal Pictures. Ban đầu, kinh phí sản xuất dự kiến của bộ phim chỉ là chưa đầy 5 triệu USD. Tuy nhiên, con số thực tế lên đến gần... 200 triệu USD. Điều đáng nói là bộ phim không đạt được doanh thu cao như mong đợi khi chỉ thu được 88 triệu USD khi ra mắt trong mùa hè năm 1995.
Không chỉ thất bại tại phòng vé, Waterworld gặp vô số những chuyện rắc rối trong quá trình thực hiện trước đó.
Quá trình thực hiện bộ phim cũng chẳng hề vui vẻ gì. Nhiều diễn viên và thành viên đoàn làm phim thường xuyên bị say sóng, một bối cảnh quay của bộ phim bị nước cuốn trôi xuống tận đáy biển và phim nhiều lần buộc phải ngừng quay vì gió lớn. Không chỉ có vậy, trong một cảnh quay lặn nước, diễn viên đóng thế cho tài tử Kevin Costner suýt mất mạng, và một thành viên đoàn thì bị sứa cắn. Sau đó, Waterworld thậm chí còn vấp phải cáo buộc từ phía các thành viên trong đoàn phim, cho rằng họ bị bóc lột sức lao động và yêu cầu được bồi thường.
The Matrix (1999), The Matrix Reloaded (2003) và The Matrix Revolutions (2003)
Loạt phim Ma trận lừng danh dường như mang một lời nguyền nào đó dành cho các diễn viên tham gia. Chuyện khởi điểm từ cô bạn gái Jennifer Syme của Keanu Reeves. Cô sinh hạ cho tài tử một bé gái năm 1999, nhưng không may bé đã mất ngay lúc chào đời. Hai người sau đó chia tay và tới năm 2001, Jennifer Syme qua đời trong một vụ tai nạn giao thông sau khi tới dự bữa tiệc của rocker Marilyn Manson.
Tài tử Keanu Reeves gặp nhiều chuyện không may mắn khi đang tham gia vào loạt phimMa trận.
Tiếp đó, nữ ca sĩ 22 tuổi Aaliyah qua đời trong một vụ tai nạn máy bay khi cô đang thủ vai Zee trong tập phim The Matrix Reloaded. Sự kiện đau lòng này cũng khiến quá trình thực hiện bộ phim bị trì hoãn một vài tháng. Không lâu sau khi Aaliyah ra đi, tới lượt Gloria Foster, người thủ vai Oracle trong hai tập phim đầu tiên, qua đời vì căn bệnh tiểu đường.
Nữ ca sĩ Aaliyah (phải) trên trường quay của Ma trận trước khi cô qua đời vì tai nạn máy bay.
Bản thân tài tử Keanu Reeves khi đang tham gia thực hiện bộ phim cũng gặp phải một tai nạn xe máy dù không quá nghiêm trọng. Cũng trong thời gian này, em gái của anh tái phát căn bệnh bạch cầu, khiến Keanu Reeves phải quay về chăm sóc cho cô và quá trình làm phim thêm một lần nữa bị gián đoạn. Khi kinh phí thực hiện bộ phim vượt quá tầm kiểm soát, Keanu Reeves chấp nhận cắt giảm 24 triệu USD tiền cát-xê để giúp đỡ đoàn làm phim. Dẫu gặp phải nhiều chuyện đen đủi kỳ lạ, loạt phimMa trận vẫn tạo ra cơn sốt tại các phòng vé và trong cộng đồng người hâm mộ điện ảnh.
The Passion of the Christ (2004)
Bộ phim gây nhiều tranh cãi của đạo diễn Mel Gibson có tựa đề The Passion of the Christ kể lại những ngày cuối cùng của Chúa Jesus và quãng hành trình ngay trước khi ông bị người ta đóng đinh lên thánh giá. Trong suốt quá trình quay phim, nam diễn viên thủ vai Chúa Jesus là Jim Caviezel gặp phải rất nhiều chuyện không may, trong đó có việc bị sét đánh.
Nam diễn viên Jim Caviezel gặp nhiều tai nạn khi thủ vai chúa Jesus trong tác phẩm gây tranh cãi The Passion of the Christ.
"Đó là trước khi chúng tôi thực hiện cảnh quay Bài Giảng trên Núi. Đúng ba giây trước đó, tôi bị sét đánh", nam diễn viên chia sẻ. Ngoài sự kiện đó, Jim Caviezel còn bị giảm thân nhiệt, trật vai và viêm phổi trong quá trình thực hiện bộ phim. Cứ mỗi lần trước khi diễn xuất, anh phải trải qua 8 tiếng trang điểm và dẫn đến hậu quả là bị viêm da. Chưa hết, Jim Caviezel còn có lần bị roi quật trúng người trong một vài đúp quay và xước da thịt. Xem ra thủ vai Chúa là một "nghề nguy hiểm".
Troy (2004)
Tác phẩm bom tấn dựa trên câu chuyện thần thoại Hy Lạp về thành Troy xem ra không được các vị thần trên đỉnh Olympus ủng hộ cho lắm. Thật trớ trêu khi người thủ vai anh hùng Achilles là Brad Pitt bị chấn thương ở... gân gót Achilles bên trái trong quá trình thực hiện bộ phim.
Brad Pitt bị chấn thương gót chân Achilles khi thủ vai người anh hùng... Achilles.
Nhưng tồi tệ nhất là trường hợp của George Camilleri, một diễn viên phụ bị gãy chân khi quay cảnh hành động tại Ghajn Tuffieha. Anh lập tức được phẫu thuật nhưng gặp phải biến chứng và qua đời sau đó hai tuần. Thêm vào đó, khi thực hiện các cảnh quay kết thúc tại Mexico, đoàn làm phim Troy gặp phải hai cơn bão trong vòng chưa đầy một tháng. Bất chấp những chuyện xui rủi, Troy vẫn là một cú hit tại phòng vé khi ra mắt.
The Man Who Killed Don Quixote
Năm 2000, đạo diễn nổi tiếng Terry Gilliam quyết định đưa tác phẩm văn học kinh điển Don Quixote lên màn ảnh rộng, với Jean Rochefort trong vai Quixote và Johnny Depp trong vai Sancho Panza. Giới phê bình hết sức kỳ vọng vào dự án phim nhưng tới giờ vẫn chưa ai được thấy tác phẩm hoàn chỉnh.
Đầu tiên, Rochefort gặp chấn thương lưng và buộc phải rời bỏ dự án phim. Sau đó, đoàn làm phim khám phá ra địa điểm quay tại Tây Ban Nha rất gần với một khu tập trận của NATO có tiếng ồn lớn. Cuối cùng, một cơn lũ quét sạch toàn bộ phim trường và thiết bị quay phim khiến cho việc thực hiện The Man Who Killed Don Quixote rốt cuộc bị hủy bỏ.
Hậu trường không thể giải thích nổi của The Man Who Killed Don Quixote được kể lại trong bộ phim tài liệu Lost in La Mancha.
Chi phí bảo hiểm cho toàn bộ chuỗi sự kiện đen đủi này ước tính rơi vào khoảng 16 triệu USD. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Người quan sát, đạo diễn Gilliam cho biết: "Một phần trong tôi không tin vào những điều đã xảy ra. Đây là một dự án phim khó khăn kể từ ngày đầu tiên, nhưng những chuyện tôi gặp phải thực sự kỳ quặc tới mức siêu thực". Câu chuyện kỳ lạ về hậu trường bộ phim chưa bao giờ ra mắt The Man Who Killed Don Quixote sau này được kể lại qua tác phẩm tài liệu Lost in La Mancha.
Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất từ Hollywood Reporter, Terry Gilliam đã sẵn sàng trở lại với dự án này kể từ tháng 9.
Theo zing
Rạp phim Việt tháng 11: Ồ ạt bom tấn Khán giả Việt được chứng kiến nhiều tác phẩm điện ảnh bom tấn đến từ Hollywood, Hàn Quốc, Nhật Bản và Hong Kong trong tháng 11 đầy sôi động tại các rạp chiếu phim. Big Hero 6 - 7/11 Bộ phim hoạt hình bom tấn đến từ Disney là tác phẩm mở màn tháng 11 cực kỳ sôi động tại các rạp chiếu...