10X Đắk Lắk bị cưa chân và những cô gái tỏa sáng dù khiếm khuyết
Rơi vào hoàn cảnh thiệt thòi, không thể đi lại bình thường nhưng Lê Thị Hà Vi, Nguyễn Cẩm Vân và Trương Trúc Phương vẫn lạc quan, không để mình tuyệt vọng.
Nữ sinh bị cưa chân chinh phục ước mơ vào trường Luật, cô gái liệt cả hai chân vẫn luôn nở nụ cười tươi hay nữ sinh “ xương thủy tinh” nuôi đam mê viết lách là những câu chuyện truyền cảm hứng được chia sẻ mạnh mẽ trên diễn đàn mạng thời gian qua.
“Chúng ta không thể lựa chọn cách mình sinh ra, hoàn cảnh lúc trưởng thành nhưng nếu rơi vào nghịch cảnh, không thể để mình gục ngã” là quan niệm sống mà những cô gái trẻ ấy muốn gửi gắm tới mọi người.
Không bao giờ để bản thân rơi vào tuyệt vọng
Nhìn gương mặt xinh xắn, nụ cười rạng rỡ, lạc quan của Trương Trúc Phương (sinh năm 2001, sinh viên trường ĐH Kinh tế TP.HCM), nhiều người bất ngờ khi biết về hoàn cảnh thiệt thòi của cô.
Trúc Phương luôn lạc quan dù phải sống chung với căn bệnh quái ác.
Sống chung với căn bệnh quái ác viêm tủy cách ngang, từ khi mới 4 tuổi, nữ sinh quê Đắk Lắk bị liệt cả hai chân, không thể đi lại bình thường như mọi người.
Trúc Phương kể với Zing.vn khi mới bị bệnh, cha mẹ phải lo cho cô hoàn toàn từ vệ sinh cá nhân đến ăn mặc, tắm rửa. Lúc đó 10X còn không tự ngồi được, mẹ là người giúp Phương tập ngồi trong một thời gian dài.
“Đến lớp 2, mình biết tự ti, xấu hổ khi phải đi học bằng xe lăn. Nhà đối diện trường, những khi thấy các bạn diện đồ đi diễn văn nghệ mình thích lắm. Ngồi thơ thẩn bên hiên nhà, mình thầm nghĩ ‘trời ơi, ước gì có thể đi để được múa như người ta’”, cô nhớ lại khoảnh khắc chạnh lòng trong quá khứ.
Lớn lên, Trúc Phương hiểu rõ hơn hoàn cảnh của mình. Cô tâm sự có nhiều lúc cảm thấy buồn nhưng không bao giờ để bản thân rơi vào tuyệt vọng.
10X hạnh phúc khi luôn có gia đình, bạn bè, thầy cô ủng hộ và trở thành điểm tựa trên mỗi chặng hành trình cô bước qua.
10X luôn thể hiện tinh thần lạc quan, cố gắng đạt được ước mơ.
Nỗ lực vượt qua những khó khăn của bản thân, nữ sinh 18 tuổi vui mừng khi có thể chinh phục được ước mơ vào đại học. Sau kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Phương trúng tuyển vào ngành Hệ thống thông tin quản lý của ĐH Kinh tế TP.HCM với số điểm 23,5.
Mong muốn lớn nhất của nữ sinh 2001 ở hiện tại là đủ điều kiện, sức khỏe, học tập thật tốt để “ra trường mà không bị nợ môn nào”.
“Tương lai mình mong muốn ra trường có việc làm ổn định để nuôi bản thân, là chỗ dựa của cha mẹ và có cơ hội giúp đỡ những người khác nữa”, Trúc Phương nói về những dự định sau này.
Cô gái bị cưa chân trở thành sinh viên trường Luật
Tháng 3/2016, biến cố xảy đến với Lê Thị Hà Vi (19 tuổi, Đắk Lắk) khi cô bị cưa mất chân phải do sự tắc trách của đội ngũ bác sĩ sau vụ tai nạn giao thông.
Sự việc gây rúng động trong dư luận một thời gian dài. Những người liên quan tại bệnh viện đa khoa huyện Cư Kuin bị kỷ luật. Còn Hà Vi phải sống tiếp với cơ thể bị khiếm khuyết một phần.
Không gục ngã trước số phận, cựu học sinh trường THCS&THPT Đông Du, TP Buôn Ma Thuột, luôn giữ tinh thần lạc quan, tiếp tục nỗ lực vươn lên.
Lê Thị Hà Vi thi đỗ vào trường ĐH Luật TP.HCM mà bản thân mơ ước.
Năm lớp 11, Hà Vi đoạt huy chương bạc môn Địa lý trong kỳ thi Olympic 10-3 do Sở GD&ĐT Đắk Lắk tổ chức.
Tháng 7/2018, cô vui mừng nhận được thông báo trúng tuyển ngành Luật của ĐH Luật TP.HCM với số điểm 24,5.
Sau khi có điểm thi THPT, Vi tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Luật TP.HCM, đạt 22,75 điểm.
“Hôm nhận được thông báo trúng tuyển, em cùng gia đình nhảy lên vui sướng. Em thực sự rất mừng vì đã trở thành tân sinh viên của ĐH Luật TP.HCM và sẽ cố gắng học tập để không phụ lòng bố mẹ, thầy cô đã giúp đỡ suốt thời gian qua”, Hà Vi tâm sự.
Nói về sự việc đã qua, cô tâm sự không muốn nghĩ tới việc bị cưa chân nữa. Mỗi ngày trôi qua, nữ sinh viên trường Luật đều cố gắng để đạt được ước mơ mình ấp ủ.
Cô gái ‘xương thủy tinh’ đam mê viết lách
Tháng 6 vừa qua, hình ảnh cô gái 21 tuổi Nguyễn Cẩm Vân (Thanh Hóa) ngồi dự lễ bế giảng lớp 12 khiến nhiều người xúc động và không khỏi khâm phục nghị lực, sự kiên cường của cô gái có thân hình nhỏ bé.
Sống chung với căn bệnh xương thủy tinh từ năm lên 3 tuổi, mọi sinh hoạt cá nhân đều phụ thuộc vào cha mẹ, Cẩm Vân từng có lúc nghĩ rằng mình phải bỏ cuộc trên con đường học tập.
“Đơn giản như di chuyển hay vệ sinh cá nhân mà cha mẹ cũng phải bế, thì việc đến trường đối với mình là một thách thức lớn. Thêm nữa, thân hình mình khá nhỏ để ngồi vừa vào chiếc bàn học bình thường như các bạn, sức khỏe khá kém nên mình rất hay bị ốm. Mỗi ngày đến trường thực sự là một thử thách”, Vân kể với Zing.vn.
Cẩm Vân nỗ lực “sống như cỏ dại, muốn mạnh mẽ vượt qua tất cả”.
Từng nhiều lần nghĩ sẽ dừng lại nhưng nhìn niềm vui của mẹ khi thấy con đạt điểm cao, niềm tự hào của bố khi thấy con gái không thua kém những đứa trẻ khác, sự quyết tâm trỗi dậy khiến Vân muốn nỗ lực hết sức mình.
Bên cạnh bạn bè, gia đình, 5 chàng trai của ban nhạc Hàn Quốc Big Bang là nguồn cảm hứng lớn để Vân không ngừng nỗ lực.
“Chúng tôi muốn sống như cỏ dại, muốn mạnh mẽ vượt qua tất cả chứ không như những bông hoa rực rỡ nhưng chóng tàn” là câu nói của nhóm nhạc thần tượng duy nhất khiến 9X lạc quan.
Cẩm Vân tâm sự, bản thân rất yêu thích môn Văn, đặc biệt là văn học Việt Nam. Từ năm lớp 6, cô đã tập tành viết lách, ban đầu là viết những truyện ngắn vào giấy, thường chủ đề là tình cảm trong trẻo của lứa tuổi học trò. Những lời nhận xét, khen ngợi từ bạn bè khiến Vân muốn viết nhiều hơn.
“Mình muốn trở thành một nhà văn, được viết ra những câu chuyện, những tâm tư, suy nghĩ, cảm xúc riêng của mình và đặc biệt là muốn truyền cảm hứng đến mọi người”, đó là mơ ước của cô gái nhỏ bé nhưng đầy nghị lực.
Theo Zing
Chuyện về những mảnh đời thủy tinh với 'tinh thần thép' chưa một lần bỏ cuộc
Mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, hai bạn trẻ xương thủy tinh không buông xuôi mà luôn kiên trì vượt lên số phận để thực hiện ước mơ của mình.
Gặp Hoàng Đình Hanh (24 tuổi, Thái Bình) và Đỗ Thị Xuân Quyên (20 tuổi, Bến Tre) trong buổi sinh nhật đặc biệt do Tiin.vn tổ chức ở Trung tâm Xương Thủy tinh (Quận 12, TP.HCM), chúng tôi không khỏi bàng hoàng trước những vết sẹo dài và sự biến dạng của tay, chân do những lần gãy xương để lại trên cơ thể hai bạn.
Suốt buổi trò chuyện, cả Hanh và Quyên đều nở trên môi nụ cười tươi rói khi nhắc đến ước mơ và tương lai. Hanh hiện là sinh viên ngành Công nghệ thông tin, Quyên sinh viên ngành dược. Với người bình thường, việc đạt được ước mơ đã là khó, với đôi bạn trẻ xương thủy tinh này, điều đó càng khó hơn gấp bội. Và, hành trình đến với ước mơ họ là cả một câu chuyện dài...
Hoàng Đình Hanh
Đỗ Thị Xuân Quyên
Chàng lập trình viên tương lai - Xương dễ gãy nhưng lòng bền như thép
Anh Hoàng Đình Hanh sinh ra trong một gia đình làm nông ở Thái Bình, bố mất sớm, mẹ anh trở thành trụ cột chính. Năm 7 tuổi, anh Hanh được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh xương thủy tinh, không thể di chuyển được. Cuộc sống của anh gắn liền với chiếc giường nhỏ.
Do cơ thể yếu ớt, có thể gãy xương bất cứ lúc nào nên anh Hanh không đến trường học được. 'Nhìn thấy bạn bè đi học tôi cũng buồn lắm, lúc đó mình rất muốn được đi học, được chạy nhảy bằng đôi chân của mình', anh Hanh tâm sự. Dù không được đến lớp, anh Hanh vẫn chăm chỉ tự học chương trình từ lớp 1 đến lớp 4.
Việc đi lại của anh Hanh gặp nhiều khó khăn
Năm 2011, cô Phan Thị Minh Nguyệt quản lý của Trung tâm Xương thủy tinh TP.HCM về quê Thái Bình gặp được anh Hanh và giới thiệu anh vào trung tâm. Ở đây, anh Hanh được chữa trị nên sức khỏe của anh được cải thiện rất nhiều và có thể đi học bằng chính đôi chân của mình
Cánh tay bị cong không làm khó anh trong việc học
Suốt 12 năm học, anh đã có 11 năm đạt danh hiệu học sinh giỏi. Hiện tại, Hanh đang là sinh viên năm nhất của trường Cao đẳng Kinh tế - Công nghệ TP.HCM ngành Công nghệ thông tin. Anh chọn ngành học này là vì một phần anh muốn làm lập trình viên, một phần là vì phù hợp với tình trạng hiện tại của mình.
Trước mắt, anh Hanh ao ước có được một chiếc xe 3 bánh để đi học cho tiện vì không muốn phiền cô chú trong trung tâm nhưng mẹ anh chưa có đủ chi phí để mua. Anh mong muốn sau này có công việc ổn định để lo cho mẹ và các em ở trung tâm vì anh xem nơi này cũng như gia đình của mình.
Clip: Anh Hanh chưa bao giờ đầu hàng số phận
Cô gái m uốn trở thành bác sĩ để giúp những người như mình
Ở cái tuổi đôi mươi, Đỗ Thị Xuân Quyên đang bước những bước chân đầu tiên đến ước mơ làm bác sĩ. Từ lúc sinh ra, Quyên đã mang căn bệnh mà chẳng ai có thể nghĩ là có trên đời đó là 'xương thủy tinh'.
Căn bệnh quái ác khiến cô bạn không thể đi lại như người bình thường, thậm chí chỉ cần tắm rửa hay giật mình cũng có thể gãy xương. Dù vậy Quyên vẫn quyết tâm đi học.
Sự cố gắng của Xuân Quyên được ông Tôn Đức Hưng (giám đốc Công ty TNHH Cá sấu Hoa Cà) biết đến và đón lên TP.HCM chữa trị và đi học.
Được chữa trị và chăm chỉ luyện tập giờ đây đôi chân chằng chịt những vết sẹo do mổ của Quyên đã có thể đi được với sự hỗ trợ của đôi nạng.
Kể từ đó, Xuân Quyên nuôi trong tim ước mơ trở thành bác sĩ để chữa trị lại cho các bạn cũng bị bệnh như mình. Nói về những lần gãy xương, Quyên chỉ cười cười: 'Lúc đầu, em để cho bó bột nhưng về sau gãy nhiều quá em để cho nó tự lành luôn. Nên chân nó hơi cong cong'.
Suốt mười hai năm mặc kệ những cơn đau Quyên luôn cố gắng học tập, hiện tại cô đang theo học ngành dược tại trường Cao đẳng Kinh tế - Công nghệ.
Xuân Quyên lúc nào cũng chắc nịch: 'Dù có thế nào thì tôi vẫn quyết không bỏ học'
Chị Nguyễn Thị Thanh Trúc (47 tuổi, mẹ Quyên) nhớ như in cái ngày Quyên mới đi học: 'Xuân Quyên nó chịu khó học lắm. Ngày xưa lúc mới lên đây mấy cô chú ở đây hỏi ước mơ của con là gì, thì nó bảo là làm bác sĩ.
Cứ nghĩ nó nhỏ nói chơi thôi. Nhưng cuối cùng nó cũng ráng học, giờ nó đang học dược. Nó bảo mai mốt có gì con về điều chế thuốc với bác Hưng cho mấy bé uống. Nó đau nhưng nó cũng ráng chịu khi nào đau dữ lắm mới chịu nói thôi.'
Clip: Xuân Quyên với giấc mơ trở thành bác sĩ
Tinh thần hiếu học giúp họ vượt qua nghịch cảnh và những đau đớn mà căn bệnh quái ác mang đến. Dù cơ thể mong manh như thủy tinh nhưng nghị lực của họ thì không khác gì những viên kim cương cứng rắn và lấp lánh.
Ngọc Yến - An Dương
Theo baodatviet
Nữ sinh bại liệt hai chân được ĐH Kinh tế TPHCM trao học bổng toàn phần suốt 4 năm Cảm phục tinh thần học tập vượt nghịch cảnh theo đuổi ước mơ vào đại học của tân sinh viên Trương Trúc Phương dù bị liệt hai chân từ năm 4 tuổi, trường ĐH Kinh tế TPHCM trao học bổng 100% trong suốt quá trình học tại trường. Tân sinh viên Trương Trúc Phương được trao học bổng của trường ĐH Kinh tế...