“100.000 tỷ cho NN công nghệ cao không phải gói tái cấp vốn”
Trả lời Dân Việt, người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng không nên hiểu gói 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao giống như gói gói 30.000 tỷ tái cấp vốn tín dụng để đầu tư nhà ở.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, người phát ngôn của Chính phủ. Ảnh: Nhật Bắc/VGP
Trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 diễn ra vào chiều 1.3, PV Dân Việt đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng Mai Tiến Dũng – người phát ngôn của Chính phủ: Thưa Bộ trưởng, ông có nói sáng nay, 1.3, Chính phủ đã dành một thời lượng rất lớn trong phiên họp thường kỳ cuối tháng để nói về nông nghiệp công nghệ cao. Đây là một hướng đi rất đúng đắn của Chính phủ trong tương lai và tôi được biết Chính phủ có dành gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Xin ông cho biết thêm về gói hỗ trợ này?
Trả lời báo điện tử Dân Việt, Bộ trưởng, Chủ nghiệm VPCP Mai Tiến Dũng khẳng định: Tại hội nghị đầu xuân, ngày mùng 6 tháng Giêng năm Đinh Dậu, khi dự lễ khai trương dự án khu nông nghiệp công nghệ cao tại Hà Nam, Thủ tướng có nói sẽ dành gói tín dụng 100.000 tỷ đồng hỗ trợ DN thực hiện nhiệm vụ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
“Chúng ta phải hiểu gói 100.000 tỷ đồng này không phải là gói tái cấp từ vốn ngân sách nhà nước mà thực tế, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải chủ trì, chủ động giao nhiệm vụ cho các ngân hàng thương mại dành một gói tín dụng với lãi suất thấp hơn so với lãi suất thông thường từ 0,5-1,5% để tạo điều kiện cho các DN vay đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng, chủ trương của Chính phủ về phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xã hội hóa đầu tư hạ tầng, xã hội hóa đầu tư vốn, đầu tư tín dụng và tạo điều kiện thuận lợi nhất. Trong đó có việc tập trung sửa Nghị định 210, Nghị định 59, chủ trương mở rộng hạn điền để báo cáo Quốc hội sửa Luật Đất đai hay nói cách khác là tích tụ ruộng đất.
“Thay vì sản xuất manh mún, đất giao lâu dài cho người dân thì giao nhiệm vụ cho các chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ thuê lại đất của dân để giao cho DN đầu tư trên phương thức sử dụng hiệu quả nhất, đồng thời tái cơ cấu lao động ở trong khu vực nông thôn. Nói cách khác, DN chỉ làm lõi, làm nòng cốt”, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu triển khai các HTX, các mô hình tổ hợp thực hiện các vệ tinh. DN cung cấp giống, cung cấp kỹ thuật, cung cấp công nghệ và hướng dẫn quy trình để tạo ra sản phẩm sạch, sản phẩm có giá trị, từ đó có thể thu mua sản phẩm của HTX, người dân. Như thế sẽ tạo vùng sản xuất với sản lượng, chất lượng cung cấp cho thị trường như mong đợi của người dân, của thị trường.
Chốt lại, người phát ngôn của Chính phủ nói: Cách hiểu về gói tín dụng 100.000 tỷ đồng là như vậy chứ không nên hiểu gói 100.000 tỷ đồng như gói 30.000 tỷ đồng tái cấp vốn tín dụng để đầu tư nhà ở.
“Rất mừng là báo chí rất quan tâm vấn đề này và mong các cơ quan báo chí thông báo và truyền tải thêm nhiều DN, nhiều điển hình, nhiều tổ hợp, nhiều gia đình, nhiều địa phương làm tốt vấn đề này để cùng nhau học tập, cùng nhau thay đổi cách thức truyền thống làm ăn xưa để có những tiếp cận kinh tế thị trường theo hiệu quả kinh doanh trên thửa đất của mình, đặc biệt là mang lại lợi ích cho người dân tốt nhất”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Theo Danviet
Ông Mai Tiến Dũng: "Lễ hội phản cảm, Bộ trưởng Văn hóa ngại nói thì để Thủ tướng"
"Người dân lao vào tranh cướp, nhà sư đứng trên ném lễ là ứng xử không văn hóa, nếu Bộ trưởng Văn hóa ngại phát ngôn thì báo cáo để Thủ tướng lên tiếng", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Ông Mai Tiến Dũng (bìa trái) và Bộ trưởng Văn hóa Nguyễn Ngọc Thiện tại cuộc làm việc sáng 14/2
Tại cuộc làm việc với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sáng 14/2, ông Mai Tiến Dũng (Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng) cho biết, lãnh đạo Chính phủ đã nhắn nhủ ông yêu cầu Bộ trưởng Văn hóa lên tiếng về những hoạt động phản cảm trong các lễ hội.
Theo ông Dũng, nhiều ứng xử không văn hóa đã xảy ra ở lễ hội đền Gióng, chùa Hương. Cụ thể như người dân lao vào tranh cướp lộc, nhà sư đứng ném lộc, người dân cướp phết..., song cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Văn hóa đã không lên tiếng, không phản hồi.
"Việc này xảy ra lâu nay, liên quan đến ý thức của người dân và cần có cơ quan quản lý nhà nước lên tiếng. Nếu Bộ trưởng Văn hóa ngại thì báo cáo để Thủ tướng lên tiếng", ông Mai Tiến Dũng đề nghị.
Lãnh đạo Tổ công tác của Thủ tướng cũng cho rằng, một số hoạt động trong lễ hội không được người dân đồng tình vì bị biến tướng, tạo ra lợi ích nhóm thu gom tiền của người dân, trục lợi từ lễ hội. Nhiều lễ hội tổ chức trong thời gian dài song manh mún, thiếu sự điều hành thống nhất của địa phương.
"Bộ Văn hóa cần kiểm tra các hoạt động lễ hội, báo cáo Thủ tướng để có chấn chỉnh. Chúng ta cần có thái độ sớm và rõ vì còn nhiều lễ hội với quy mô ngày càng lớn đang và sẽ diễn ra", ông Dũng nói.
Giải trình với Tổ công tác, bà Trịnh Thị Thủy (Cục trưởng Văn hóa Cơ sở, Bộ Văn hóa) cho biết, năm nay Bộ đã tổ chức các đoàn kiểm tra lễ hội, điều chỉnh những hành vi phản cảm. Nhiều hành vi bạo lực, phản cảm đã được ngăn chặn như không còn lễ hội chặt đầu lợn, đập đầu trâu hay treo trâu.
Tuy nhiên, bà Thủy thừa nhận lễ hội ở một số địa phương vẫn xảy ra hiện tượng phản cảm như Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu. Bộ trưởng Văn hóa đã giao các cơ quan chức năng phối hợp với địa phương chấn chỉnh tình trạng này. Những lễ hội lớn, đơn cử đền Trần ở Nam Định, được Bộ Văn hóa giám sát từ ngày đầu tổ chức.
"Cục Văn hóa cơ sở đã hơn 10 lần trả lời các cơ quan truyền thông về vi phạm quản lý lễ hội", bà Thủy bày tỏ.
Theo ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, lễ hội chọi trâu vẫn diễn ra ở nhiều địa phương, ví dụ ở Vĩnh Phúc ngày 13/2, Thanh tra Bộ khó lập biên bản vì huyện đứng ra tổ chức.
Hội chọi trâu vẫn diễn ra ở một số địa phương. Ảnh: Giang Huy
"Chúng tôi đang tìm hiểu doanh nghiệp nào đứng sau lễ hội chọi trâu. Họ phối hợp với địa phương bán vé và bán thịt trâu thu lời, người dân cũng thích nên khó ngăn chặn", ông Thành nói và cho rằng, quản lý lễ hội là vô cùng khó vì số thu lớn, gắn liền kinh tế và du lịch, như lễ hội đền Cửa Ông thu 16 tỷ đồng.
Nhắc lại yêu cầu Bộ Văn hóa cần lên tiếng về công tác quản lý lễ hội, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lấy dẫn chứng, sau khi có hoạt động phản cảm ở đền Gióng (Hà Nội) thì Bí thư Thành ủy đã có phát biểu ngay.
"Nhà sư ném lộc, người dân giật cướp phết, chọi trâu, chọi gà... rất phản cảm. Bộ Văn hóa phải công bố hoạt động này được phép hay không. Địa phương nào có hoạt động tương tự như vậy phải điều chỉnh, cơ quan quản lý nhà nước phải mạnh mẽ và có chính kiến", Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Về việc kiểm tra xe công đi lễ hội, ông Dũng cho hay không phải chức năng của Bộ Văn hóa song cơ quan này cần có báo cáo tổng hợp về công tác quản lý lễ hội, trong đó có tình trạng xe công bởi không có cơ quan nào nắm rõ hơn Bộ Văn hóa.
Bộ trưởng Văn hóa Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, sau khi sơ kết đánh giá công tác lễ hội vào tuần tới, Bộ sẽ có báo cáo chính thức với Thủ tướng.
"Muốn xử lý bền vững lâu dài thì phải nâng cao ý thức người dân và khâu tổ chức lễ hội, không thể ngày một ngày hai hết ngay các tiêu cực, hạn chế trong lễ hội. Quan điểm của chúng tôi là năm sau phải tốt hơn năm trước", ông Thiện nói.
Theo Đoàn Loan (VnExpress)
Chính phủ chưa bàn việc bỏ Tết cổ truyền Trước đề xuất gộp Tết dương lịch và Tết cổ truyền, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, đây chỉ là suy nghĩ cá nhân và Chính phủ không đặt ra vấn đề này. "Chính phủ chưa nhận được báo cáo của bất cứ cơ quan nào về vấn đề này, đây chỉ là ý kiến cá nhân", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn...