10.000 việc làm chống thất nghiệp mùa dịch Covid-19
Để hỗ trợ người khó khăn bị ảnh hưởng của dịch bệnh, Thành đoàn – Hội LHTN Việt Nam thành phố Hà Nội đã triển khai Chiến dịch 10.000 việc làm vì cộng đồng – Chống thất nghiệp mùa dịch và trao 8.000 suất ăn mỗi ngày.
Thành đoàn – Hội LHTN thành phố Hà Nội triển khai chương trình chống thất nghiệp và trao bữa ăn cho người nghèo – Ảnh Nhật Nam
Sáng 13.4, Thành đoàn – Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức giới thiệu trực tuyến chương trình Hà Nội nghĩa tình – 8.000 suất ăn mỗi ngày tiếp sức sinh viên, công nhân và người gặp khó khăn đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, hưởng ứng chương trình Triệu bữa cơm do T.Ư Hội LHTN Việt Nam phát động; và triển khai Chiến dịch 10.000 việc làm vì cộng đồng – Chống thất nghiệp mùa dịch.
Chương trình có sự tham dự và chủ trì của anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam; anh Nguyễn Ngọc Việt, Ủy viên Ban Thường vụ T.Ư Đoàn, Bí thư Thành đoàn Hà Nội.
Buổi triển khai chương trình được tổ chức trực tuyến tới các cơ sở Đoàn – Hội toàn thành phố Hà Nội – Ảnh Nhật Nam
Ban tổ chức cho biết, chương trình 8.000 suất ăn tiếp sức với sự hỗ trợ từ T.Ư Hội LHTN Việt Nam, các đơn vị đồng hành sẽ được triển khai từ 13 – 30.4, thông qua việc trao tặng thực phẩm, gồm: gạo, thịt, rau, trứng, nhu yếu phẩm,… được chuyển trực tiếp hàng ngày hoặc theo đợt 3 ngày/lần đến các đối tượng gặp khó khăn.
Việc trao tặng sẽ được tổ chức trao trực tiếp tại nhà hoặc trao tại các điểm tập trung tại trụ sở Đoàn Thanh niên, nhà văn hoá phường/xã, khu ký túc xá sinh viên, khu nhà trọ công nhân… trên địa bàn thành phố, do tổ chức Đoàn Thanh niên – Hội LHTN các cấp đảm nhận việc phân phối, đảm bảo nguyên tắc giãn cách xã hội và các quy định của Bộ Y tế.
Ban tổ chức cũng cho biết, chương trình có thể kéo dài hơn tùy tình hình thực tế và căn cứ các quy định của T.Ư, thành phố Hà Nội về phòng chống dịch; nguồn lực dành cho chương trình được cam kết đảm bảo trong khoảng 2 tháng.
Hỗ trợ 10.000 việc làm cho người thất nghiệp
Đặc biệt, tại chương trình, anh Nguyễn Ngọc Việt cho biết, từ 10 – 30.4, Thành đoàn Hà Nội, Hội Sinh viên – Hội LHTN Việt Nam thành phố Hà Nội và các đơn vị, doanh nghiệp gồm: Global Shapers Hà Nội, Global Shapers Hồ Chí Minh, Canavi, Accesstrade, G.A.P Institute triển khai thực hiện “Chiến dịch 10.000 việc làm vì cộng đồng – Chống thất nghiệp mùa dịch”.
Vai trò của Thành đoàn Hà Nội là kết nối với các đối tác và nhà tuyển dụng để cung cấp các công việc chủ yếu tập trung vào việc sẵn sàng đi làm ngay sau dịch, công việc thời vụ, công việc tại nhà, với mục đích hỗ trợ cộng đồng và thanh niên hồi phục kinh tế trong và sau dịch một cách kịp thời, tự thân và bền vững.
Anh Nguyễn Ngọc Việt, Bí thư Thành đoàn Hà Nội, thông tin về chương trình – Ảnh Nhật Nam
“Trong bối cảnh Covid-19, thanh niên, sinh viên thường là đối tượng dễ đối mặt với hoàn cảnh bấp bênh khi doanh nghiệp gặp khó khăn, hoặc mất việc làm, khi các mô hình kinh doanh vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cá thể đóng cửa. Chương trình hoàn toàn phi lợi nhuận với mong muốn đào tạo, giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho hàng nghìn ứng viên thất nghiệp do ảnh hưởng của Covid-19″, anh Việt nói.
Theo đó, từ 14.4, Thành đoàn Hà Nội, Hội Sinh viên – Hội LHTN Việt Nam thành phố Hà Nội, Global Shapers Hà Nội, Global Shapers Hồ Chí Minh sẽ đồng loạt đăng tải thông tin, hình ảnh về các công việc trên các kênh truyền thông để giúp đỡ, chia sẻ cho các lao động đang gặp khó khăn trên toàn quốc.
“Chúng tôi tin tưởng Chiến dịch 10.000 việc làm vì cộng đồng – Chống thất nghiệp mùa dịch sẽ được triển khai thuận lợi và thành công tốt đẹp, lan tỏa ý nghĩa tích cực đến toàn cộng đồng”, anh Việt nói.
Video đang HOT
Ngay sau chương trình phát động trực tuyến, đoàn công tác của Thành đoàn – Hội LHTN thành phố Hà Nội đã ra quân trao tặng các suất ăn cho đại diện 150 gia đình tại xóm chạy thận – Bệnh viện Bạch Mai, 200 sinh viên tại khu ký túc xá Mễ Trì (Đại học Quốc gia Hà Nội) và khu nhà trọ công nhân tại Khu công nghiệp Quang Minh; đến thăm, tặng quà tập thể đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Thận Hà Nội.
Vũ Thơ
Kinh tế gia người Việt tại Mỹ: Việt Nam không nên kích cầu như các nước giàu!
"Các nước có nguồn lực kinh tế khác nhau tất yếu sẽ sử dụng các chính sách khác nhau, Việt Nam nên tận dụng các cơ hội và lợi thế của riêng mình". Ông Đặng Hoàng Hải Anh, Giáo sư thỉnh giảng ĐH Indiana, Mỹ nói với Trí Thức Trẻ.
Ảnh: Tiến Tuấn
-Có một điểm đáng chú ý trong diễn biến dịch Covid-19 ở Mỹ là số lượng lao động thất nghiệp tăng rất nhanh, hơn tất cả các đợt khủng hoảng đã từng xảy ra. Tại sao thị trường lao động của Mỹ lại dễ tổn thương đến vậy?
Số lượng người thất nghiệp ở Mỹ hiện nay đã lên khoảng 17 triệu người, và được đánh giá là còn có thể vượt hơn cả thời điểm đại suy thoái của nước Mỹ những năm 1930.
Theo tôi có hai nguyên nhân tác động mạnh đến thị trường lao động Mỹ hiện nay. Thứ nhất, dịch Covid-19 đã đánh trúng vào yếu điểm nội tại của nền kinh tế Mỹ, là một nền kinh tế tiêu dùng (consumer economy) dựa trên một thị trường lao động rất đặc thù.
Lệnh phong tỏa để phòng dịch đã đóng băng phần lớn các hoạt động kinh tế. Trong khi đó, thị trường lao động Mỹ lại có các hợp đồng lao động đa phần linh hoạt, ngắn hạn, và không bảo đảm công việc lâu dài như là các nền kinh tế mạnh trong khối G20. Có đến hơn một nửa số lao động làm công ăn lương chỉ được trả lương theo giờ. Nhưng thị trường lao động Mỹ có điểm mạnh là thuế thu nhập thấp hơn và nhiều điều kiện thuận lợi cho các công ty phát triển.
Đồ hoạ: Hương Xuân
Thứ hai là cuộc chiến dầu mỏ nổ ra giữa các nước khối OPEC và Nga từ đầu tháng 3 đã khiến giá dầu toàn cầu giảm đáng kể. Nhu cầu tiêu thụ dầu lại xuống thấp - do Trung Quốc là nước nhập dầu nhiều nhất vừa phải đóng băng nền kinh tế vì dịch cúm, và du lịch hàng không toàn cầu giảm. Điều này có ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế Mỹ, vì Mỹ là một nước sản xuất dầu hàng đầu nhờ các bước tiến trong công nghệ khai thác dầu đá phiến.
-Mỹ đã tính chi phí 250 tỷ USD cho thất nghiệp. Khoản này dựa trên những dữ liệu nào? Những diễn biến gần đây có nằm trong dự báo đó hay không?
Khoản chi phí này nhằm để trợ cấp thất nghiệp và giúp bình ổn thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Khoản chi này giúp kéo dài thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp thêm 13 tuần, ngoài các khoản trợ cấp thất nghiệp của tiểu bang. Khoản chi này cũng sẽ trợ cấp thêm cho mỗi lao động thất nghiệp 600 USD/ tuần trong 4 tháng.
-Mỹ cũng đã đưa ra nhiều gói chính sách để cứu nền kinh tế, theo ông, đâu là những điểm đáng chú ý trong những chính sách này?
Trong các biện pháp trợ cấp được Mỹ đưa ra gần đây, tôi thấy có mấy điểm đáng chú ý. Thứ nhất, trợ cấp thất nghiệp rộng rãi hơn trước, nhằm để ứng phó với tỷ lệ thất nghiệp tăng nhanh và lên mức cao kỷ lục.
Thứ hai, chính phủ Mỹ đã cấp một khoản tiền mặt trực tiếp cho các hộ gia đình, là 1.200 USD/người lớn và 500 USD/trẻ em trong hộ gia đình có thu nhập thấp dưới 75.000 USD/năm.
Các biện pháp hỗ trợ người lao động và hộ gia đình nghèo như vậy được đánh giá là các điểm mới so với các chính sách hỗ trợ trước đây. Ngoài ra, điều đương nhiên là các gói chính sách của Mỹ bao giờ cũng chú trọng bảo vệ và hỗ trợ các công ty tư nhân cả lớn và nhỏ, vốn là tác nhân chính tạo ra công ăn việc làm và thúc đẩy nền kinh tế Mỹ phát triển.
-Vậy có những chính sách nào của Mỹ có thể ảnh hưởng đến những thị trường khác, trong đó có Việt Nam? Hoặc dự kiến đưa ra trong thời gian tới và tác động đến Việt Nam?
Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới, đóng vai trò dẫn đầu nền kinh tế toàn cầu nên nhìn chung các chính sách kinh tế Mỹ sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, Mỹ hiện nay cũng là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Trước mắt thì chính sách giảm lãi suất của Ngân hàng liên bang Mỹ (FED) sẽ tác động dây chuyền và làm giảm lãi suất toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Về lâu dài, Mỹ cũng có thể sẽ điều chỉnh lại chuỗi cung ứng hàng hóa để đảm bảo sự độc lập, bớt phụ thuộc vào một nguồn cung chủ yếu từ nước ngoài (như là Trung Quốc) trong những trường hợp khủng hoảng như hiện nay.
Điều này có thể được làm theo hai cách. Một là chính phủ Mỹ sẽ yêu cầu các công ty Mỹ giảm bớt đầu tư và nhân công ở nước ngoài, để quay về thị trường nội địa. Hai là Mỹ sẽ đa dạng hóa các thị trường cung ứng ra các nước khác ngoài Trung Quốc. Nếu theo hướng thứ hai, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hợp tác kinh tế hơn với Mỹ.
-Nhìn về Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về các chính sách đã được đưa ra trong thời gian gần đây để cứu trợ cho nền kinh tế?
Chính phủ gần đây đã đưa ra gói tín dụng 285.000 tỷ và gói trợ cấp gần 62.000 tỷ để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Tôi cho rằng đây là những chính sách đúng đắn và khá kịp thời. Nhưng tôi cho rằng Chính phủ cần đảm bảo thông tin rộng rãi, minh bạch để doanh nghiệp và người dân tăng cường giám sát và góp ý giúp các chính sách đó được thực thi hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, trong điều kiện Việt Nam là một nước thu nhập trung bình thấp, do ngân sách có hạn, chúng ta không nên chỉ nhắm vào các giải pháp kích cầu như các nước giàu hơn, mà nên xem xét nhiều giải pháp để nền kinh tế vận hành hiệu quả hơn.
-Ông có đề cập đến hệ thống tính điểm giúp doanh nghiệp xếp hạng ưu tiên trợ giúp?
Đúng là tôi có đề xuất trong một bài báo gần đây là chúng ta nên chú ý trợ giúp các DNNVV, vì các doanh nghiệp này chiếm tới 98% tổng số các doanh nghiệp, 40% GDP và giải quyết công ăn việc làm cho 50% công ăn việc làm trong xã hội.
Khi ngân sách có hạn, chúng tôi cho rằng nên xây dựng một hệ thống tính điểm giúp doanh nghiệp xếp hạng ưu tiên trợ giúp.
-Hệ thống này cụ thể là gì? Và đâu là cơ chế giám sát nếu hệ thống này được thực thi, tránh trở thành một rào cản kinh doanh với doanh nghiệp?
Cụ thể, doanh nghiệp sẽ được nhiều điểm hơn nếu đạt được các tiêu chí như: tạo nhiều công ăn việc làm, đóng góp cho xuất khẩu, kinh doanh trong lĩnh vực kinh tế trọng điểm, kinh doanh có lãi trong thời gian vừa qua (ví dụ, 3 năm trở lên), hay sử dụng công nghệ bảo vệ môi trường.
Ngoài các DNNVV, các tiêu chí ưu tiên nêu trên cũng có thể được áp dụng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn. Hệ thống tính điểm này nên được tham khảo ý kiến rộng rãi từ doanh nghiệp và các hiệp hội sản xuất kinh doanh.
Các tiêu chí này sẽ giúp xác định tiêu chuẩn trợ giúp công bằng và hiệu quả hơn. Ví dụ, hai doanh nghiệp A và B cùng gặp khó khăn do dịch bệnh. Nhưng trước khi dịch bệnh xảy ra, doanh nghiệp A làm ăn thua lỗ chậm nộp thuế, còn doanh nghiệp B có lãi có đóng góp thuế đầy đủ. Như vậy, chúng ta nên ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp B.
Như nêu ở trên, Chính phủ nên tham khảo ý kiến và phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội sản xuất kinh doanh để tạo cơ chế giám sát công khai minh bạch. Nếu có được tính đồng thuận cao, tôi cho rằng doanh nghiệp có lẽ sẽ tích cực tham gia để đạt được các tiêu chuẩn này. Vì đạt chuẩn cũng chứng tỏ hoạt động kinh doanh hiệu quả và đóng góp cho xã hội của doanh nghiệp.
-Ông có khuyến nghị thêm chính sách gì cho Việt Nam nữa hay không?
Tôi cho rằng biện pháp tốt nhất để đối phó dịch bệnh lần này, cũng như cho các cú sốc lần sau, là chúng ta nên tìm cách sửa đổi, ban hành chính sách để cho nền kinh tế hoạt động tối ưu, tuân theo quy luật cung cầu của thị trường.
Chẳng hạn như ngành hàng không gần đây đã cho phép nhiều hãng hàng không tư nhân tham gia, điều đó đã giúp nền kinh tế vận hành tốt hơn, nhiều người dân có thể đi máy bay với giá rẻ hơn. Như vậy, các ngành kinh tế trọng điểm khác cũng nên được mở rộng cho nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia hơn nữa, để chúng ta có thể nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm và giá trị xuất khẩu. Chúng ta cũng nên đa dạng hóa đầu vào và đầu ra cho sản xuất, để tránh phụ thuộc vào bất kỳ một thị trường nào.
Dịch bệnh lần này có thể đem lại các cơ hội cả ngắn hạn và dài hạn. Tôi lấy hai ví dụ cụ thể. Ví dụ thứ nhất, Việt Nam nên phát huy tốt hơn nữa thế mạnh của mình là một đất nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Trong ngắn hạn, khi giá gạo trên thế giới tăng cao như hiện nay, đây sẽ là cơ hội tốt để xuất khẩu gạo thu thêm ngoại tệ, nâng cao thu nhập người nông dân. Tất nhiên giới hạn xuất khẩu cụ thể nên được tính toán để đảm bảo tốt an ninh lương thực, và có sự tham gia tư vấn của các hiệp hội kinh doanh lúa gạo.
Ngoài ra, hiện nay chúng ta mới chỉ xuất khẩu đa phần các sản phẩm gạo thô nên thu ngoại tệ còn thấp. Trong dài hạn, chúng ta cần đầu tư vào chất lượng các sản phẩm chế biến từ gạo và các phụ phẩm từ gạo để nâng cao giá trị gia tăng.
Ví dụ thứ hai, việc giảm thiểu giao tiếp xã hội (social distancing) do dịch bệnh lần này làm tăng giá trị các sản phẩm IT và phần mềm hỗ trợ cho làm việc từ xa.
Việt Nam có lợi thế nhân lực mạnh về toán và kỹ thuật cơ bản so với các nước khác. Do đó chúng ta nên đẩy mạnh đầu tư vào ngành công nghệ IT. Một mô hình tốt cho chúng ta học hỏi là Ấn Độ với ngành sản xuất gia công phần mềm phát triển, đã tạo ra nguồn thu khoảng 120 tỷ đô la trong năm 2019.
-Trong quý I/2020, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng được 3,82%. Các tổ chức như World Bank, ADB đánh giá năm 2020 VN có thể đạt được 4,9 - 4,8% và bật tăng lên khoảng 7% trong năm 2021. Ông nghĩ như thế nào về những con số này?
Tôi cho rằng các con số này hợp lý. Nhưng tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, chúng ta cần theo dõi chặt chẽ tình hình và cả nền kinh tế toàn cầu để nếu cần thì cập nhật các con số cho phù hợp.
-Tuy nhiên, có điểm đáng lưu ý là GDP thì tăng nhưng CPI lại giảm. Nó có báo hiệu điều gì hay không?
Tôi cho đây cũng là tin tốt, vì thường chúng ta sợ tăng CPI chứ không sợ giảm CPI. Hiện tượng này xảy ra vì người dân giảm chi tiêu nói chung và chuyển sang chỉ tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu nhất, trong khi xuất khẩu (nhất là của khối FDI) vẫn còn dư địa tiếp tục đà tăng trưởng. Ngoài ra thì dịch bệnh có ảnh hưởng cả tốt và xấu khác nhau đến các lĩnh vực kinh tế khác nhau.
Tổng cục Thống kê đưa ra con số gần đây là CPI của các mặt hàng lương thực thực phẩm gần như không thay đổi trong tháng 3 so với tháng hai. Nhưng CPI giảm gần 5% trong lĩnh vực giao thông vận tải, và giảm 2,4% trong lĩnh vực văn hóa, giải trí, và du lịch. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng có thể tăng cao ở các ngành như dịch vụ hậu cần (logistics) và IT, có thể khiến CPI của các ngành này tăng trong lâu dài.
Cảm ơn ông!
Bài: Phương Ánh - Đồ hoạ: Hương Xuân
Cử nhân sợ thất nghiệp vì Covid-19 Liu Licheng, 22 tuổi, sống tại Thượng Hải sợ bị nhiễm Covid-19 nhưng điều lo lắng hơn là viễn cảnh không việc làm sau khi tốt nghiệp đại học vào tháng 6. Từ khi Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc, Liu, sinh viên ngành Quản trị kinh doanh tại một trường đại học ở Thượng Hải, ở nhà viết luận văn và cầu...