100 câu hỏi đáp hữu ích về dịch COVID-19 (P10): Vệ sinh và dinh dưỡng
Vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân và có chế độ ăn uống hợp lý cũng là một trong những biện pháp phòng, tránh mắc COVID-19. Để giải đáp những thắc mắc về dịch bệnh, Cục Quân y (Học viện Quân y) đã đưa ra 100 câu hỏi – đáp về dịch bệnh COVID-19.
89. Tại sao phải vệ sinh môi trường để hạn chế mắc COVID-19?
Môi trường được xem như “ngôi nhà” của các tác nhân gây bệnh. Vệ sinh môi trường sạch sẽ làm cho các tác nhân gây bệnh nói chung, virus SARS-CoV-2 nói riêng không có “nhà” ở do đó hạn chế được lây nhiễm.
90. Cần vệ sinh môi trường như thế nào để hạn chế mắc COVID-19?
Môi trường cần sạch sẽ thông thoáng. Nếu có ánh nắng mặt trời chiếu vào sẽ có tác dụng tiêu diệt virus rất hiệu quả. Khi cần thiết, ngoài vệ sinh chung cần phu thuốc khử trùng để tiêu diệt virus SARS-CoV-2.
91. Cần vệ sinh nhà cửa như thế nào để hạn chế mắc COVID-19?
Nhà cửa (nhà ở, văn phòng…) là môi trường nơi con người sinh sống và làm việc và ở đó cũng có nguy cơ ô nhiễm COVID-19. Do virus SARS-CoV-2 có trong không khí và đặc biệt là các bề mặt nên cần vệ sinh nhà cửa để giảm bớt nguy cơ ô nhiễm không khí và ô nhiễm bề mặt. Nên để nhà thoáng khí; hạn chế hoặc không sử dụng điều hòa vì làm không khú tù đọng trong nhà; nếu có điều kiện nên mở cửa để cho không khí lưu thông. Quét dọn, lau chùi nhà cửa thường xuyên. Đặc biệt, khi có ánh nắng mặt trời nên mở cửa để thông khí và cho ánh nắng mặt trời chiếu vào trong nhà có tác dụng tiêu diệt virus.
92. Những đồ vật nào cần phải vệ sinh thường xuyên để hạn chế lây nhiễm bệnh COVID-19?
Những đồ vật cần vệ sinh thường xuyên để hạn chế lây nhiễm virus SARS-CoV-2 là những đồ vật có nguy cơ ô nhiễm cao như các đồ vật nhiều người cùng sử dụng: Tay nắm cửa, nút bấm thang máy, tay vịn cầu thang, nút bấm điện thoại dùng chung, mặt bàn dùng chung… thậm chí cả tiền mặt luân chuyển giữa người này với người khác; các đồ vật của cá nhân nhưng tần suất tiếp xúc cao với bàn tay hay vùng mặt như điện thoại di dộng, bàn phím máy tính, mặt bàn làm việc…
93. Vệ sinh đồ vật và môi trường như thế nào là đúng cách?
Video đang HOT
Các đồ vật cần thường xuyên được lau rửa bằng các dung dịch sát trùng như xà phòng, dung dịch chứa cồn hay cloramin.
Với môi trường ngoài, các biện pháp vệ sinh sạch sẽ, thoát nước tốt, phát quang bụi rậm…; nếu nghi ngờ ô nhiễm thì cần phun khử trùng bằng dung dịch cloramin 0,2 % Clo hoạt tính. Nếu ở nơi đã có bệnh nhân nghi mắc Covid-19 thì phun dung dịch chứa 0,5% Clo hoạt tính.
94. Chất tẩy rửa nào thường được sử dụng để vệ sinh đồ vật và môi trường dự phòng lây nhiễm bệnh COVID-19?
Các chất tẩy rửa chứa chất oxy hóa hay cồn mới có tác dụng tiêu diệt mầm bệnh này. Chất oxy hóa hay được dùng nhất hiện nay là cloramin.
95. Nên vệ sinh cá nhân như thế nào để đề phòng lây nhiễm bệnh COVID-19?
Để phòng lây nhiễm bệnh COVID-19, cần vệ sinh cá nhân tốt. Đây là biện pháp dự phòng không đặc hiệu. Vệ sinh cá nhân gồm:
- Vệ sinh bàn tay: Luôn giữ bàn tay sạch sẽ; rửa tay thường xuyên (như các câu trên).
- Vệ sinh thân thể: Tắm rửa hàng ngày. Dù vào mùa đông, vẫn cần tắm rửa hàng ngày để loại bỏ các tác nhân gây bệnh có thể bám trên da.
- Vệ sinh quần áo: Quần áo là nơi tác nhân có thể bám vào (như nước bọt), vì vậy cần thay quần áo thường xuyên và giặt bằng xà phòng.
- Vệ sinh tóc: Tóc dài, tóc rối… là nơi có thể chứa mầm bệnh (qua nước bọt người bệnh). Vì vậy, nên cắt tóc ngắn, với nữ giới nên cuốn hoặc búi tóc gọn gàng, gội đầu hàng ngày để hạn chế tối đa mầm bệnh có thể bám trên tóc.
- Vệ sinh móng: Không để móng tay, móng chân dài. Móng tay, móng chân là nơi có thể chứa mầm bệnh Covid-19, do đó luôn cắt ngắn móng tay, chân và vệ sinh tay sạch sẽ để hạn chế mầm bệnh.
96. Nên vệ sinh mũi, họng như thế nào để đề phòng lây nhiễm bệnh COVID-19?
Niêm mạc mũi, họng là cửa ngõ tấn công của virus SARS-CoV-2, do đó cần bảo vệ, tránh làm tổn thương các tế bào niêm mạc mũi, họng vì các nguyên nhân khác sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh COVID-19. Các biện pháp vệ sinh mũi, vệ sinh răng miệng chung mặc dù không đặc hiệu nhưng cũng nên áp dụng để giữ cho mũi, họng trong trạng thái khỏe mạnh nhất, tránh viêm nhiễm ở khu vực này, không chỉ hạn chế lây nhiễm bệnh COVID-19 mà còn hạn chế lây nhiễm nhiều loại mầm bệnh khác.
97. Vì sao cần giữ ấm cơ thể để đề phòng lây nhiễm bệnh COVID-19?
Giữa ấm cơ thể giúp cho sức đề kháng chung của cơ thể được tốt hơn. Một số cơ quan khi bị lạnh có thể dẫn đến bị viêm nhiễm như viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi… sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh COVID-19; đồng thời nếu bị nhiễm thêm bệnh COVID-19 sẽ có nguy cơ làm bệnh nặng hơn.
98. Nên duy trì chế độ ăn như thế nào để tăng sức đề kháng phòng chống COVID-19?
Không có chế độ ăn đặc hiệu để tăng sức đề kháng riêng với COVID-19.
Nên duy trì chế độ ăn hợp lý, đủ chất đinh dưỡng, có thể bổ sung vitamin để tăng sức đề kháng chung. Do chưa loại trừ khả năng lây qua thức ăn nên thực hiện “ăn chín uống sôi”. Tuyệt đối không ăn đồ ăn sống như tiết canh, thịt sống, đặc biệt là tiết canh, thịt sống của động vật hoang dã.
99. Ăn nhiều tỏi có tác dụng chống COVID-19 không?
Trong dân gian, sử dụng tỏi làm giảm triệu chứng hoặc làm nhẹ các bệnh cảm cúm thông thường. Tuy chưa chứng minh được tỏi có tác dụng chống COVID-19 nhưng cũng không có chống chỉ định sử dụng tỏi để tăng sức đề kháng chung.
100. Nên chuẩn bị tâm lý như thế nào để vượt qua đại dịch COVID-19?
Công tác tâm lý cần được chuẩn bị cả cho người đã bị nhiễm bệnh COVID-19 cũng như người chưa nhiễm; tâm lý cả cho cá nhân và cho cộng đồng.
Thực tế diễn biến dịch tại Trung Quốc cho thấy tỉ lệ tử vong COVID-19 thấp hơn so với SARS và MERS; các trường hợp bị bệnh bên ngoài Trung Quốc cũng hiếm có trường hợp tử vong; những người tử vong đa số là người bị nhiễm ngay từ Trung Quốc trước khi đi ra nước ngoài. Vì vậy, bệnh COVID-19 không nguy hiểm bằng SARS và MERS. Một trong các nguyên nhân khiến tỉ lệ tử vong ở Trung Quốc cao là do công tác tâm lý. Hiện nay, Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp tâm lý cho cả cộng đồng bệnh nhân trong các cơ sở điều trị, cơ sở cách ly và đã đem lại hiệu quả rất tích cực. Vì vậy, mỗi cá nhân không nên chủ quan nhưng cũng không nên quá lo lắng về dịch bệnh.
Trên thực tế, các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 của nước ta rất hiệu quả và đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận. Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, các biện pháp phòng chống dịch đã và đang được triển khai quyết liệt và đồng bộ từ trung ương đến các bộ ngành, địa phương trong cả nước. Chắc chắn chúng ta sớm kiểm soát được dịch COVID-19 và có thể Việt Nam – lần thứ hai sau dịch SARS – sẽ lại được thế giới biết đến chiến thắng của chúng ta trước dịch bệnh, đặc biệt nguy hiểm. Trên tinh thần đó, cộng đồng chúng ta tự tin, không hoang mang để tránh xảy ra các khủng hoảng xã hội vì dịch bệnh.
PGS.TS.BS LÊ VĂN ĐÔNG (HỌC VIỆN QUÂN Y) – TỔ TRƯỞNG TỔ BIÊN SOẠN
Hướng dẫn khử khuẩn tại nhà để phòng, chống Covid-19
Bộ Y tế khuyến cáo khử khuẩn ít nhất 1 lần/ngày với vị trí nền nhà, tường, bàn ghế, đồ vật, bề mặt có nguy cơ tiếp xúc.
PV/VOV.VN
Theo Bộ Y tế
Cách vệ sinh nhà cửa phòng Covid-19 Bộ Y tế khuyến cáo nên khử khuẩn ít nhất 1 lần/ngày đối với các vị trí nền nhà, tường, bàn, ghế, đồ vật, bề mặt có nguy cơ tiếp xúc và khu vệ sinh để giảm nguy cơ mắc Covid-19. Theo Bộ Y tế, bệnh Covid-19 được xác định là lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc gần, qua các...