10 vũ khí gây chú ý nhất năm 2011
Trong một năm đầy ắp các sự kiện quân sự, thế giới được chứng kiến các màn ra mắt của những loại vũ khí mới cùng sự khẳng định của những khí tài đã có tên tuổi từ lâu.
Tàu sân bay Shi Lang của Trung Quốc thu hút sự chú ý của thế giới trong suốt năm qua, ngay cả trước khi quân đội nước này thừa nhận sự tồn tại của hàng không mẫu hạm thuộc lớp Đô đốc Kuznetsov. Quân đội Trung Quốc mua lại vỏ tàu sân bay này từ Ukraina vào năm 1998, rồi sau đó tiến hành quá trình làm mới để biến nó thành hàng không mẫu hạm đầu tiên. Tàu Shilang chạy thử lần đầu vào tháng 8 năm nay. Bất chấp sự e ngại của nhiều nước trước mục đích sử dụng tàu sân bay Shi Lang, Trung Quốc khẳng định sẽ dùng hàng không mẫu hạm này để nghiên cứu và huấn luyện. Ảnh: Xinhua
Máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 mang tên J-20 cũng là một trong những vũ khí được Trung Quốc tích cực thử nghiệm trong năm nay. J-20 (Tiêm 20) đã liên tục trải qua khoảng gần 30 lần bay thử tại thủ phủ Thành Đô của tỉnh miền tây nam Tứ Xuyên. Nó cất cánh lần đầu tiên vào tháng 1, đúng thời điểm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là Robert Gates đến thăm Trung Quốc. Trong các cuộc bay thử, J-20 chưa được trang bị một loại vũ khí nào. Tuy nhiên, quân đội Trung Quốc đặt nhiều kỳ vọng ở loại máy bay được so sánh với F-22 Raptor của Mỹ và Sukhoi SU-50 Firefox của Nga. Ảnh: FlyBNB
Video đang HOT
Máy bay không người lái Predator của Mỹ tham gia vào nhiều chiến dịch trong năm nay. Nó được sử dụng để truy kích các phiến quân ở khu vực biên giới Afghanistan – Pakistan, đồng thời cũng được điều động tham gia nhiệm vụ hỗ trợ trong chiến dịch không kích các mục tiêu ở Libya. Những cuộc tìm diệt của Predator trên lãnh thổ Pakistan đã khiến quan hệ giữa Mỹ và quốc gia Nam Á trở nên căng thẳng, với đỉnh điểm là việc Washington tuyên bố ngừng viện trợ quân sự cho quốc gia vốn có quan hệ đồng minh thân thiết. Ảnh: AFP
Chiến đấu cơ Rafale của Pháp là một trong những vũ khí chủ lực trong chiến dịch không kích của NATO nhằm vào các mục tiêu quân sự của chế độ Moammar Gadhafi. Vai trò của Rafale đặc biệt nổi bật sau khi Mỹ trao lại quyền chỉ huy chiến dịch cho NATO. Chính những đợt không kích của những chiếc Rafale cùng nhiều máy bay khác của liên quân NATO đã góp phần vô hiệu hóa khả năng chiến đấu của lực lượng trung thành với Gadhafi, giúp binh sĩ nổi dậy ở Libya dần chiếm thế thượng phong trong cuộc nội chiến. Ảnh: Outlookindia
Các máy bay F-16 của Mỹ cũng là một đề tài nóng bỏng trong năm 2011. Trước sức ép của Trung Quốc, Mỹ đã không cung cấp những chiếc F-16 C/D cho Đài Loan, nhưng lại thông qua thương vụ bán vũ khí cho hòn đảo này, bao gồm việc nâng cấp 145 chiến đấu cơ F-16 A/B mà đảo này hiện có. Bất chấp việc quan chức quân sự và lãnh đạo cấp cao hai nước liên tục thăm viếng lẫn nhau kể từ đầu năm, Trung Quốc vẫn đưa ra cảnh báo nguy cơ rạn nứt các quan hệ ngoại giao và quân sự nếu Mỹ tiếp tục có những thương vụ vũ khí với Đài Loan. Ảnh: Defenseindustrydaily
Trong điệp vụ tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden hồi đầu tháng 5, một chiếc trực thăng tàng hình của biệt kích Mỹ đã gặp nạn và rơi xuống gần khu nhà của cựu trùm mạng Al-Qaeda tại thị trấn Abbottabad, Pakistan. Trước khi rút đi, biệt kích Mỹ đã cho nổ chiếc trực thăng để đảm bảo bí mật quân sự. Tuy nhiên, những mảnh vỡ của chiếc trực thăng, được cho là loại UH-60 Black Hawk đang trong quá trình thử nghiệm bí mật, còn vương lại hiện trường đã trở thành một chủ đề gây nhiều tranh cãi. Có tin cho rằng Trung Quốc đã tiếp cận để tìm hiểu bí mật công nghệ trực thăng tàng hình của Mỹ, nhưng Trung Quốc bác bỏ thông tin này. Mỹ gây sức ép đòi Pakistan trả lại các mảnh vỡ, nhưng rạn nứt quan hệ giữa hai nước sau vụ tiêu diệt Bin Laden khiến việc này bị chậm trễ. Mọi chuyện chỉ kết thúc khi cuối cùng những mảnh vỡ của chiếc trực thăng này được Pakistan đồng ý giao lại cho Mỹ. Ảnh: EPA
Các tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ và Anh góp phần tạo nên những cú đánh tiêu diệt hệ thống phòng không của chế độ cũ ở Libya, mở đường cho chiến dịch không kích của liên quân NATO sau đó diễn ra thuận lợi. Mỗi quả tên lửa Tomahawk có giá cả triệu USD, vì thế chi phí khi sử dụng loại vũ khí tối tân này rất tốn kém. Chiến phí mà Anh và Mỹ phải gánh trong những ngày đầu chiến dịch tấn công Libya chủ yếu đến từ những quả Tomahawk được bắn đi từ các tàu sân bay. Ảnh: US Navy
Tên lửa diệt tàu sân bay Dongfeng (Đông Phương) DF-21D là một trong số những vũ khí đáng chú ý nhất của Trung Quốc trong vài năm qua. Đây là loại tên lửa đầu tiên được đặt trên bờ nhưng có thể vươn tới các hàng không mẫu hạm ngoài khơi xa và chính điều này khiến các nhà phân tích quân sự của Mỹ lo ngại. Chương trình chế tạo DF-21D được khởi động từ những năm 60 thế kỷ trước. Mỹ ước tính Trung Quốc hiện có từ 60 tới 80 tên lửa loại này, kèm theo 60 giàn phóng tự hành đạt tầm bắn lên tới 1.500 km. Ảnh: AP
Tên lửa xuyên lục địa Bulava của Nga trong một lần được bắn thử từ tàu ngầm Yury Dolgoruky tại biển Bạch Hải. Đây là loại tên lửa đạt tầm bắn tới 8.000 km và là một trong những vũ khí chiến lược của Nga trong thế kỷ này. Quân đội Nga liên tục bắn thử tên lửa Bulava trong năm nay, và có cả thành công lẫn thất bại. Bulava (Cây chùy) được cho là sẽ thay thế các loại tên lửa từ thời Xô viết mà quân đội Nga đang không sử dụng, do “tuổi tác” của các tên lửa này cũng như theo các thỏa thuận với Mỹ. Ảnh: RIA Novosti
Những chiếc xe bán tải hiệu Toyota được lắp thêm các dàn phóng tên lửa UB-32 do Nga sản xuất. Đây là một trong số những vũ khí quen thuộc của quân nổi dậy ở Libya trong cuộc chiến với lực lượng trung thành của đại tá Gadhafi. Hình ảnh những chiếc xe bán tải với dàn tên lửa UB-32 trở nên rất quen thuộc trong suốt cuộc nội chiến ở Libya. Ảnh: AP
Theo VNExpress