10 video game vừa vào đã làm người chơi nản lòng vì siêu khó
Hiện nay, khi mới vào chơi một tựa game nào đó thì bạn sẽ thường nghĩ rằng màn mở đầu sẽ khá là dễ dàng, cứ hái hoa bắt bướm, làm theo chỉ dẫn để đi tiếp là được.
Cơ bản thì nó cũng chỉ là màn “nhập môn” (tutorial), giúp “lính mới” nhập môn với tựa game mà họ đang chơi.
Nhưng ngày trước, game thường được bán với một cuốn “hướng dẫn sử dụng” (manual) bên trong hộp đĩa. Nó giới thiệu sơ lược về game, chỉ bạn các nút bấm, các biểu tượng trên màn hình có ý nghĩa là gì,… Và cũng chính vì phần hướng dẫn đã nằm trong cuốn sách đó rồi nên những màn chơi đầu tiên thường rất là khó để “bù trừ”. Sau đây là danh sách 10 tựa game có màn mở đầu siêu khó đến mức nản chí.
Đây là một tựa game khá là nổi tiếng vào cuối những năm 1990, đầu những năm 2000. Driver cũng khá là giống với series Grand Theft Auto ở chỗ nó cho phép bạn tự do làm những điều mình thích. Phần đầu ra mắt vào năm 1999, thuộc thể loại lái xe – hành động được lấy cảm hứng từ những tựa phim hoành tráng với motif tương tự thời bấy giờ.
Game thủ sẽ vào vai cảnh sát chìm tên là John Tanner được cử sang Miami để bí mật điều tra hành tung của tổ chức tội phạm Castaldi. Tất nhiên, để làm được điều này thì Tanner cần phải lấy được lòng tin và sự tôn trọng của một số cá nhân nhất định. Trong màn chơi trứ danh ở khu vực gara đậu xe, game thủ sẽ được kiểm tra xem tay lái của mình “lụa” tới đâu, nôm na thì đây giống như là một màn chơi tutorial vậy.
Tuy nhiên, đây lại là một màn “hướng dẫn” vô cùng khó khăn, yêu cầu thi triển một số “chiêu thức” lái xe mà trong phần chơi chính chả bao giờ cần xài tới, chẳng hạn như đốt lốp (burnout), quay xe 360 độ, lái xe hình số 8 luồn lách qua mấy cây cột, lùi xe 180 độ. Màn chơi này rất là ngớ ngẩn, nhưng lại là một màn bắt buộc, khiến game thủ phần lớn đều tụt cả mood.
Là một tựa game của FromSoftware trứ danh với dòng game Dark Souls nổi tiếng, Bloodborne dĩ nhiên bán đắt như tôm tươi. Bối cảnh trong game rất mù mịt, u ám, kết hợp với cốt truyện lôi cuốn đầy kịch tính mang âm hưởng Gothic khiến tựa game này nổi bật hẳn so với những tựa game thời bấy giờ. Và cũng chính vì là game của FromSoftware nên nó khó không tưởng. Ngay cả khi game chuyển sang hướng hành động nhiều hơn, tập trung vào các pha phản đòn (counter) trong combat, ngay cả game thủ “lão làng” bên Dark Souls cũng phải chật vật, khó khăn lắm mới qua được khu vực ở đầu game.
Khu vực đó có rất nhiều Huntsmen rình rập, và mặc dù chúng chỉ là những kẻ địch cơ bản trong game nhưng với số lượng đông như quân Nguyên thì chúng có thể cho bạn chầu trời chỉ trong vòng vài nốt nhạc. Ban đầu thì chỉ có lẻ lẻ vài con, nhưng sau đó thì chúng xuất hiện ngày một dày đặc, đã thế còn cầm khiên đỡ đòn nữa. 3 đấu 1 không chột cũng què, tất nhiên là bạn sẽ chết, chết rất nhiều là đằng khác, và nên nhớ đây chỉ mới là đoạn mở đầu game thôi đấy nhé.
Star Wars: Rogue Squadron II – Rogue Leader
Star Wars: Rogue Squadron II – Rogue Leader của LucasArts là một trong những tựa game đã giúp hệ máy GameCube của Nintendo tỏa sáng. Những game được nhượng quyền từng có chất lượng không đồng đều, nhưng Rogue Leader là một trong những tựa game phải nói là tuyệt cú mèo. Game đã tận dụng tối đa sức mạnh phần cứng của GameCube để tái hiện những trận đánh hoành tráng của Star Wars một cách chân thực nhất, và đồng thời còn cho game thủ vào vai Luke Skywalker hoặc Wedge Antilles nữa chứ.
Đối với thời điểm đầu những năm 2000 thì đây là một tựa game hớp hồn rất nhiều người chơi, nhưng mấy ai biết được rằng ngay từ lúc mới vô là game đã “quăng” bạn vào một chiến trường vô cùng khốc liệt. Tất nhiên là vẫn có màn hướng dẫn game thủ những nút điều khiển cơ bản và một số kỹ thuật bay lượn, nhưng ngay màn chơi đầu tiên là bạn được “sống lại” cảm giác trong trận chiến kinh điển của Star Wars – cuộc tấn công Death Star.
Bạn sẽ phải làm đủ mọi thứ, từ việc bắn phá các trụ giáp, tiêu diệt và cắt đuôi những chiếc phi thuyền TIE fighters đang dí sát phía sau, cho đến việc loại bỏ hàng phòng ngự dưới đất và luồn lách qua khe hẹp để thả trái tên lửa Proton Torpedoes, phá hủy Death Star y như trong phim. Nói chung là phải chuyển sang chế độ “3 đầu 6 tay” thì may ra mới xử lý được những nhiệm vụ trong màn chơi này.
Dreamcast của Sega là một hệ máy rất là tiềm năng, nhưng tiếc là không có nhiều game thủ “mặn mà” với nó cho lắm. Không phủ nhận nó có nhiều khuyết điểm, nhưng đồng thời nó cũng có rất nhiều tựa game mang tính sáng tạo, đột phá, trong đó có Jet Set Radio ra mắt vào năm 2000. Mục tiêu của trò này là bạn sẽ điều khiển một nhân vật trượt patin “chính hiệu” đi khám phá thành phố Tokyo, đồng thời vẽ graffiti và thi triển các “chiêu” trượt patin càng nhiều càng tốt.
Là một trong những tựa game đi đầu trong phong trào game 3D thế giới mở, người chơi cần phải làm quen và học rất nhiều thứ trong Jet Set Radio. Nói một cách dễ hiểu thì tựa game này cũng giống như trường hợp bãi đậu xe trong Driver: một màn chơi tutorial đòi hỏi game thủ phải vận dụng những kiến thức và kỹ năng mà họ chưa hề có. Chẳng hạn như “bài học” thứ 13 là làm combo 10 trick liên tục, “bài học thứ 19 là làm 30 trick, và đến “bài học” cuối cùng là tạo ra combo 50 trick liên tục khi đang trượt trên thanh sắt, và nó đã khiến không ít game thủ quay lưng ngoảnh mặt, bỏ sang chơi game khác luôn.
Vào cuối những năm 1990 thì game thủ rất quen thuộc với những game đi cảnh, hành động với những màn chơi ngắn nối tiếp nhau. Vì thế nên khi series Tomb Raider xuất hiện thì game thủ tỏ ra rất phấn khích và rất muốn đồng hành cùng Lara Croft khám phá những bí mật trong các màn chơi rộng mở. Đặc biệt là trong phần Tomb Raider III (1998) thì màn mở đầu là một trong những thứ đã nâng thang đo độ khó lên một tầm cao mới.
Lấy bối cảnh rừng rậm Ấn Độ, môi trường trong game được thiết kế với những cạm bẫy đầy rẫy xung quanh. Chỉ trong vòng nửa tiếng đầu game, những người chơi nào bất cẩn sẽ bị bẫy chông đâm xuyên người, bị rớt xuống hố sâu, bị tảng đá đè bẹp, bị cọp xé xác, và vài cạm bẫy khác cũng “chết người” không kém. Ngoài mớ bẫy đó ra thì màn chơi này cũng rất là dài nên game thủ sẽ dễ bị đi lạc. Vì thế nên nếu đây là tựa game Tomb Raider đầu tiên của bạn thì cho mình chia buồn nhé.
Vào cuối những năm 80 thì Contra là một trong những tựa game arcade siêu khó (để game thủ phải bỏ nhiều tiền mua xèng chơi tiếp ấy mà). Nhất là màn trong rừng chết tiệt, những game thủ nào mà chưa quen điều khiển, hay lộn nút nhảy với nút bắn là bảo đảm game over.
Nhân vật trong game chỉ mới vừa hồi sinh thôi là kẻ địch đã xuất hiện lũ lượt, hết đợt này đến đợt khác. Hàng tá binh lính, ụ súng, và những thể loại kẻ địch khác đều ập tới bạn, từ đằng trước cũng như đằng sau, và vì bạn cũng không có nhiều nút để di chuyển nhân vật linh hoạt nên cái chết là điều hiển nhiên. À, rồi còn “con trùm” chỗ cánh cửa nữa chứ, bắn mãi chả chịu chết.
The Witcher II: Assassins Of Kings (trước khi được patch)
Đã có một bản patch được tung ra giúp màn tutorial trong The Witcher II: Assassins Of Kings bớt khó hơn hẳn, nhưng trước đó thì màn tutorial là một mớ hỗn độn mà những ai chơi qua màn này đều phải lắc đầu ngán ngẩm. Trước khi được cập nhật thì game thủ sẽ được đón tiếp bằng một “bài diễn văn” toàn chữ là chữ, giải thích một số chi tiết nhỏ lẻ trong game. Đây không chỉ là một ý tưởng tồi tệ cho màn tutorial mà nó còn chả giải thích được gì nhiều.
The Witcher II là một tựa game có cơ chế phức tạp, vì thế nên nếu không giải thích kỹ lưỡng cho game thủ hiểu rõ thì khả năng cao là nhiều lúc họ sẽ bị bối rối, chả biết phải làm gì tiếp theo. Ngay cả khi màn tutorial cho chúng ta điều khiển Geralt thì nó sẽ hướng dẫn game thủ các cơ chế combat bằng cách… cho bạn đối đầu với một lũ sói và xem xem là bạn có sống sót qua con trăng này không. Phải nói là bầy sói đó vô cùng hung hãn và tàn bạo anh em ạ.
Mega Man
Cũng giống như Contra, dòng game Mega Man nổi tiếng vì khó đến mức khiến không ít game thủ phải buông tay cầm. Mặc dù có cơ chế điều khiển và gameplay khá đơn giản nhưng bàn vệ độ khó thì ngay từ lúc mới vào game là bạn đã được “nếm mùi đau khổ” rồi. Một ví dụ điển hình là phần Mega Man đầu tiên ra mắt trên hệ máy NES vào năm 1987. Ngay từ đầu, bạn sẽ biết được nguyên lý của game (và của cả series này luôn): người chơi có thể chọn đánh bất kì con Robot Masters nào, theo bất cứ trình tự nào mà họ muốn.
Oái oăm ở chỗ là cho dù bạn có chọn màn chơi (con Robot Masters) đầu tiên nào đi chăng nữa thì cũng phải khóc hận vì nó quá khó. Đặc biệt là trong màn Ice Man, vì dưới chân là băng nên rất trơn, trượt chân 1 cái là mất 1 mạng. Đã vậy còn có mấy cái Foot Holders là thứ khó để đi qua nhất, vừa bay lòng vòng vừa bắn đạn ra 2 bên, đã vậy chỗ đứng cũng nhỏ xíu nên khó mà canh để nhảy trúng được. Chúng thật sự là một cơn ác mộng ban ngày các bạn ạ.
Ikaruga
Shoot ‘em up thường được nhắc đến như là thể loại game khiến người chơi muốn “cắn lưỡi” ngay từ màn đầu tiên. Vì cơ chế điều khiển trong những game này khá là cơ bản, cũng chả có mấy nút để bấm nên thường màn hướng dẫn sẽ trôi qua một cách chóng vánh, và ngay sau đó là một loạt đạn bay thẳng vào mặt game thủ.
Ikaruga là một trong những nguyên nhân khiến thể loại shoot ‘em up khó đến như vậy. Fan của thể loại này sẽ biết Ikaruga có một cơ chế rất là đặc biệt: hệ thống phân cực (polarity system). Con tàu của người chơi, Ikaruga, sẽ thay đổi từ cực đen sang cực trắng chỉ với một nút bấm, và điều này cũng thay đổi loại đạn tương ứng mà con tàu sẽ bắn ra. Kẻ địch cũng có màu đen hoặc trắng, và đạn mà chúng bắn ra cũng thế. Nếu sử dụng đạn trái cực với kẻ địch thì nó sẽ ăn damage gấp đôi, còn Ikaruga thì sẽ hấp thụ đạn cùng màu nhưng nếu bị trúng đạn khác màu thì nó sẽ nổ banh xác ngay lập tức.
Ý tưởng này đã khiến game trở nên kịch tính hơn rất nhiều, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi là màn hướng dẫn đầu game phải giải thích đầy đủ và súc tích về những cơ chế này. Đúng là màn mở đầu không khó như những màn sau, nhưng bản thân nó cũng đã đủ khó đến mức khiến nhiều game thủ muốn đập vỡ tay cầm luôn cho rồi. Thử nghĩ liên tục chuyển đổi đen-trắng một cách linh hoạt, đồng thời phải bay làm sao để né hàng đống viên đạn khác màu đang bay về phía mình quả thật là một chuyện vô cùng xoắn não.
Super Mario Bros: The Lost Levels
Là màn 1-1 trong một game Super Mario, có gì khó đâu chứ? Nhưng nếu bạn đã từng nghe qua, hoặc chơi qua phần Super Mario Bros: The Lost Levels thì ắt hẳn sẽ biết nó khó đến mức nào. Ở Nhật Bản thì game này còn có tên là Super Mario Bros 2 – hậu bản của phần đầu, và cũng khó hơn phần đầu vô vàn vì các cơ chế trong game đã được tinh chỉnh và thay thế, thậm chí game thủ Super Mario dày dạn kinh nghiệm cũng phải “lè lưỡi” vì độ khó của nó.
Trong khi màn 1-1 của Super Mario Bros. hướng dẫn người chơi rất tận tình và chu đáo, chẳng có gì phức tạp thì phần The Lost Levels lại làm khác hoàn toàn. Cách bố trí (layout) màn 1-1 không khác biệt nhiều lắm, nhưng kẻ địch thì lại rất nhiều, bao gồm cả con rùa Koopa Paratroopa cứ bay cà tưng cà tưng không theo một kiểu nào cả, khiến người chơi (nhất là “lính mới”) vô cùng bối rối. Ngoài ra thì còn có các ô gạch ẩn (hidden block) rất khó để tìm kiếm, và cây nấm Poison Mushrooms cũng khiến Mario chấm dứt hành trình giải cứu công chúa ngay và luôn.
Những tựa game người chơi phải trầy trật lắm mới có thể phá đảo
Độ khó của những trò chơi này cũng khiến cho game thủ chắc chắn phải rất mệt mỏi.
1. Bloodborne
Trình làng vào năm 2015, Bloodborne có nội dung xoay quanh cuộc chiến tiêu diệt kẻ thù của nhân vật Hunter tại một thành phố kì quái. Người chơi được cung cấp đa dạng các loại vũ khí và kĩ năng nâng cấp, tuy nhiên, số lượng kẻ thù và boss cũng khiến nhiều game thủ đau đầu.
Nhà lập trình đã cố ý xây dựng một bộ game không chỉ yêu cầu ở người chơi kĩ năng chiến đấu mà còn phải có tư duy chiến thuật hợp lý. Tuy được đánh giá là bộ game "khó nhằn", Bloodborne vẫn nhận được sự yêu mến từ người chơi ở nhiều quốc gia.
2. Cuphead
Cuphead gây ấn tượng với người chơi nhờ sử dụng các hình ảnh hoạt hình của những năm 1930. Trò chơi bắn súng này yêu cầu người chơi phải tính toán thời điểm thật chính xác để tiêu diệt boss của từng bàn.
Nhiều người cho rằng rủ thêm cộng sự đồng tâm hiệp lực sẽ dễ dàng chiến thắng hơn, nhưng sự thật là việc thêm người chơi chỉ khiến Cuphead trở nên "nhức não" hơn mà thôi. Tuy vậy, Cuphead vẫn được lòng cả fan hâm mộ lẫn giới phê bình.
3. Mike Tyson's Punch-Out!
Với sự nổi tiếng và thành công trong sự nghiệp boxing, võ sĩ Mike Tyson đã có một trò chơi riêng mang tên mình ra mắt năm 1987. Người hâm mộ đùa rằng độ khó của trò chơi này cũng phải ngang ngửa với việc chiến thắng Mike Tyson trên sàn đấu. Kĩ năng của đối thủ được tăng lên sau mỗi vòng đấu, yêu cầu người chơi phải ghi nhớ chiến thuật của đối phương.
4. Silver Surfer NES
Nhân vật Silver Surfer lần đầu xuất hiện trên truyện tranh vào năm 1966, và đến năm 1990, anh chàng này đã sở hữu một bộ game của riêng mình. Đã gần 30 năm trôi qua kể từ ngày phát hành, trò chơi này vẫn là một trong những game khó nhằn nhất của Nintendo.
Cả hai phiên bản chơi từ mặt nghiêng và từ phía trên đỉnh đầu đều tạo ra không ít thử thách cho người chơi. Điều "bất công" với người chơi chính là nhân vật sẽ "bỏ mạng" dù chỉ bị đánh trúng một lần, còn đối thủ của Silver Surfer chỉ "ra đi" sau khi dính đòn nhiều lần.
5. Flappy Bird
Ngay từ những ngày đầu ra mắt vào tháng 5/2013, Flappy Bird đã trở thành một hiện tượng trên thế giới. Luật chơi chẳng có gì phức tạp, bạn chỉ cần điều khiển chú chim di chuyển tránh các đường ống nước, thế nhưng Flappy Bird vẫn là "thủ phạm" của nhiều vụ "đập máy" vì game quá khó.
Trò chơi cũng gặp phản ứng trái chiều khi nhiều người cho rằng phần đồ hoạ của game "ăn theo" trò chơi Super Mario nổi tiếng. Flappy Bird đã bị gỡ bỏ khỏi App Store và Google Play vào năm 2014.
6. Battletoads
Giữa hàng trăm trò chơi ra mắt vào những năm 90, Battletoads vẫn giữ vững vị trí trong bảng xếp hạng những bộ game phức tạp nhất cho đến tận ngày hôm nay. Nội dung trò chơi xoay quanh một đội quân chiến binh cóc trong hành trình tiêu diệt kẻ thù Dark Queen.
Trò chơi không có chức năng lưu trữ và người chơi thì có khá ít mạng, vậy nên việc vượt qua cả 13 bàn trong một lần chơi là một thử thách tương đối khó khăn.
7. Contra
Cốt truyện của Contra nói về hai chiến sĩ đặc công mang nhiệm vụ giải mã bí mật về đội quân ngoài hành tinh Red Falcon. Người chơi được cung cấp đạn không giới hạn trong các nhiệm vụ, tuy nhiên việc đó cũng chẳng đem lại nhiều lợi ích cho các cuộc đấu súng, bởi chỉ cần "dính đạn" một lần là nhân vật của bạn cũng sẽ "ra đi" ngay lập tức.
Theo GameK
6 video game có cốt truyện siêu phức tạp, khiến người chơi "cãi nhau chí chóe" Với độ hack não cực cao, những video game này sẽ khiến người chơi phải đặt ra nhiều thuyết âm mưu vì cốt truyện. Bioshock Infinite Bioshock Infinite là một trong những tựa game có thể chia cắt người chơi thành hai phe: một bên hoàn toàn yêu thích và một bên thì cực kì căm ghét nó. Tuy nhiên có một điểm...