10 thư viện trường học đẹp nhất thế giới
Với thiết kế độc đáo, sáng tạo, nhiều thư viện được công nhận là di tích lịch sử và trở thành tòa nhà mang tính biểu tượng của trường.
Thư viện Mỹ thuật Fisher nằm trong khuôn viên Đại học Pennsylvania, Mỹ. Thư viện được hoàn thành năm 1891, trở thành Di tích Lịch sử Quốc gia năm 1985. Kiến trúc sư người Philadelphia, ông Frank Furness, đã thiết kế thư viện này theo phong cách Gothic cổ kính. Phía bên ngoài tòa nhà được bao quanh bằng gạch ngói đỏ, gợi nhớ về những nhà máy ở Philadelphia thời kỳ cũ. Ảnh: ISM Bags.
Được xây dựng năm 1488, thư viện Duke Humfrey lâu đời nhất trong hệ thống thư viện Bodleian tại Đại học Oxford, Anh. Thư viện được đặt tên theo Công tước xứ Gloucester, Humphrey. Ông là người am hiểu về văn học. Năm 1447, ông tặng bộ sưu tập 281 quyển sách cho Đại học Oxford. Nhờ kiến trúc đồ sộ, cổ kính, thư viện Duke Humfrey được chọn làm nơi ghi hình cho bộ phim đình đám Harry Potter. Ảnh: Lux Review.
Suzzallo là thư viện trung tâm của Đại học Washington, Mỹ, được đặt tên theo Henry Suzzallo, cựu chủ tịch Đại học Washington. Theo Architectural Digest, thư viện Suzzallo được kiến trúc sư Carl F. Gould Sr. và Charles H. Bebb thiết kế theo phong cách Gothic cổ kính. Các bức tường bên trong được trang trí bằng đá đúc tinh tế, giá sách làm bằng gỗ sồi. Ảnh: The Guardian.
Được hoàn thành năm 1878, thư viện Peabody là sản phẩm của kiến trúc sư Baltimore Edmund G. Lind, phối hợp Nathaniel H. Morison, Hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Johns Hopkins, Mỹ. Thư viện được thiết kế theo lối kiến trúc cổ điển, gồm 5 tầng, ban công và các bức tường đá được chạm khắc tỉ mỉ, giống lâu đài cổ kính giữa thành phố hiện đại. Nơi đây có hơn 300.000 đầu sách về các lĩnh vực tôn giáo, nghệ thuật, kiến trúc, lịch sử, văn học, khoa học, du lịch. Ảnh: 20 Minuten.
Video đang HOT
Joe và Rika Mansueto là thư viện mới nhất của Đại học Chicago, Mỹ. Nó là sản phẩm của kiến trúc sư Helmut Jahn, được đặt tên theo hai cựu sinh viên thành đạt của trường, Joe Mansueto và Rika Mansueto. Kể từ khi được hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2011, thư viện Joe và Rika Mansueto nhận được nhiều giải thưởng lớn nhờ thiết kế mái vòm độc đáo, hiện đại. Ảnh: ArchDaily.
Thư viện Uris là tòa nhà cổ kính nhất tại Đại học Cornell, Mỹ. Theo Architectural Digest, thư viện Uris là sản phẩm của sinh viên ngành kiến trúc đầu tiên của trường, ông William Henry Miller. Thư viện có sức chứa lên đến 30.000 đầu sách, gồm sách in và sách điện tử. Ảnh: Cornell University.
Tọa lạc tại Đại học California, Mỹ, thư viện Clark là nơi lưu trữ những cuốn sách và bản thảo quý hiếm về báo chí, văn học và lịch sử Anh. Thư viện được đặt tên theo nhà từ thiện William Andrew Clark Jr. Ông là người thu thập và đóng góp những đầu sách hiếm cho thư viện. Ảnh: Architectural Resources Group.
Thành lập năm 1328, Sorbonne là thư viện liên trường ở Paris, Pháp. Cụ thể, đây là thư viện chung của Đại học Panthéon-Sorbonne, Đại học Sorbonne-Nouvelle, Đại học Sorbonne, Đại học Paris Descartes và Đại học Paris Diderot. Hiện nay, thư viện được Đại học Panthéon-Sorbonne quản lý, dựa theo thỏa thuận được các trường thống nhất vào năm 2000. Ảnh: Sociotramas.
Nằm trong khuôn viên của Đại học Trinity, Cambridge, Anh, thư viện Wren là nơi lưu trữ hơn 1.000 bản thảo thời trung cổ và các tác phẩm văn học Anh thế kỷ 18. Thư viện được xây dựng trong khuôn viên rộng rãi, có nhiều cửa sổ lớn, cung cấp đủ ánh sáng cho người đọc. Những bức tượng đá cẩm thạch đặt cạnh mỗi giá sách là tác phẩm điêu khắc của nghệ sĩ Louis-Franois Roubiliac. Ảnh: Forbidden Histories.
Thư viện bản thảo và sách hiếm Beinecke là nơi lưu trữ những ấn phẩm của Đại học Yale, Mỹ. Đây là tác phẩm của kiến trúc sư người Mỹ Gordon Bunshaft. Nhằm giữ cho những cuốn sách không bị hư hại, ông đã sử dụng đá cẩm thạch, giảm thiểu ánh sáng bên trong thư viện. Nơi đây được mệnh danh là một trong những tòa nhà lớn nhất thế giới dành riêng cho những cuốn sách và bản thảo quý hiếm. Ảnh: Fisher Marantz Stone.
7 thư viện là trung tâm văn hóa, tri thức của nhân loại thời cổ đại
Không chỉ là nơi lưu giữ kho tàng tri thức nhân loại, 7 thư viện cổ đại dưới đây còn là những kỳ quan kiến trúc, chứng nhân lịch sử.
Ashurbanipal được thành lập vào khoảng thế kỷ thứ 7 TCN, là thư viện lâu đời nhất trên thế giới. Năm 1850, Ashurbanipal được các nhà khảo cổ phát hiện khi đang tiến hành một cuộc khai quật ở thành phố cổ Nineveh (ngày nay thuộc Kuyunjik, Iraq). Đến năm 1930, cũng tại nơi này, hơn 30.000 mảnh đất sét khắc chữ hình nêm - một loại chữ sử dụng ở Iraq thời cổ đại - tiếp tục được tìm thấy. Nội dung trên những mảnh đất sét chủ yếu là văn bản học thuật, bùa chú tôn giáo, một số tác phẩm văn học, bao gồm cả Sử thi Gilgamesh 4.000 năm tuổi. Hầu như tất cả tài liệu phục hồi từ thư viện Ashurbanipal hiện lưu giữ tại Bảo tàng Anh ở London.
Thư viện Hoàng gia Alexandria (Ai Cập) là một trong 7 kỳ quan của thế giới cổ đại. Xây dựng từ thế kỷ thứ 3 TCN, thư viện thu hút nhiều nhà tư tưởng và các học giả từ khắp Địa Trung Hải lui tới nghiên cứu. Tuy nhiên, khoảng 2.000 năm trước, Alexandria đã bị phá hủy trong một vụ hỏa hoạn. Sự sụp đổ của nó cho đến nay vẫn còn là bí ẩn. Năm 1995, chính phủ Ai Cập đã triển khai dự án "thư viện Alexandria" , tổng kinh phí lên đến 220 triệu USD, với mong muốn khôi phục thời hoàng kim của thư viện này . Hiện tại, nơi đây không chỉ lưu trữ tài liệu mà còn là trung tâm văn hóa, không gian trưng bày nghệ thuật, địa điểm du lịch nổi tiếng.
Được xây dựng vào thế kỷ thứ 3 TCN bởi các thành viên của triều đại Attalid, thư viện Pergamum (Thổ Nhĩ Kỳ) từng là nơi cất giữ khoảng 200.000 cuốn sách quý và bản thảo được viết trên giấy da. Nằm trong quần thể đền thờ Athena, thư viện bao gồm 4 phòng (3 phòng chứa sách, tài liệu và phòng còn lại là nơi tổ chức các bữa tiệc, hội nghị học thuật).
Theo biên niên sử cổ đại Pliny the Elder, mặc dù Pergamum được xây dựng khoảng một thế kỷ sau Alexandria nhưng 2 thư viện này cạnh tranh rất khốc liệt nhằm chứng tỏ sự giàu có về văn hoá của đất nước và thu hút học giả khắp nơi tìm đến. Trong khi Alexandria chuyên về các tác phẩm văn chương và phê bình văn học thì Pergamum nghiêng về nghiên cứu triết học.
Thư viện Ulpian là một trong những thư viện nổi tiếng nhất đế chế La Mã, trung tâm học thuật của thành phố Rome. Xây dựng vào khoảng năm 112 SCN, về mặt kỹ thuật, Ulpian có 2 phần cấu trúc riêng biệt, chế tác tinh xảo từ bê tông, đá cẩm thạch và đá granit. Đây cũng là thư viện đầu tiên trang bị máy ép để bảo quản giấy, sách. Dấu vết của những máy ép này đã được các nhà khảo cổ tìm thấy trong quá trình khai quật.
Thư viện Celsus (Thổ Nhĩ Kỳ) là thư viện lớn thứ 3 thế giới cổ đại sau Alexandria và Pergamum. Celsus được hoàn thiện vào khoảng những năm 114-117, lưu giữ hơn 12.000 cuốn sách quý bằng da và giấy cói. Ngày nay, nơi đây chỉ còn những tàn tích sót lại sau trận động đất và hoả hoạn năm 262, là cổng vào và 4 pho tượng của 4 vị thần biểu tượng cho trí tuệ, đức hạnh, thông minh và học thức. Thư viện đã từng chìm vào quên lãng trong nhiều thế kỷ cho đến khi được khai quật vào năm 1903, 1904.
Thư viện Hoàng gia Constantinople được xây dựng vào thế kỷ thứ 4 SCN. Sau sự phá hủy của Alexandria và các thư viện cổ xưa khác, Constantinople trở thành nơi bảo tồn các tác phẩm văn học Hy Lạp và La Mã cổ đại trong gần 1.000 năm. Tuy nhiên, do hoả hoạn và chiến tranh, tài liệu ở đây không còn nguyên vẹn. Năm 1453, khi thành phố bị đế quốc Ottoman tấn công, mọi tài liệu của thư viện đã biến mất vĩnh viễn.
The House of Wisdom được thành lập đầu thế kỷ thứ 9 sau triều đại Abbasids. Nơi đây được xem như một thư viện khổng lồ chứa các bản thảo của đất nước Ba Tư, Ấn Độ và Hy Lạp về toán học, thiên văn học, khoa học, y học và triết học. The House of Wisdom là địa điểm được đông đảo học giả hàng đầu ở Trung Đông tìm đến nghiên cứu.
Tuy vậy, theo truyền thuyết, sau khi Hulagu Khan cùng đội quân Mông Cổ tấn công thành phố Baghdad năm 1258, rất nhiều cuốn sách của thư viện đã bị ném xuống sông Tigris đến nỗi nước của sông biến thành màu đen. Baghdad sụp đổ, hàng trăm nghìn tuyệt tác bị huỷ hoại, đánh dấu sự kết thúc thời kỳ hoàng kim của Hồi giáo.
Ngỡ ngàng tòa nhà ngập cây xanh, vào bên trong như đi lạc trong rừng Từ một trung tâm chăm sóc sức khỏe thông thường, Maggie's Leeds Centre đã trở thành dự án đầu tiên cho bệnh nhân ung thư được thiết kế theo ý tưởng "xanh mát". Tòa nhà rộng khoảng 462 m2, thuộc khuôn viên của Bệnh viện Đại học St. James ở thành phố Leeds (Anh). Đây là nơi chăm sóc sức khỏe cho bệnh...