10 sự kiện nổi bật nhất thế giới năm 2013
Nhân dịp năm 2013 sắp kết thúc, tạp chí uy tín Time (Mỹ) đã tổng hợp những sự kiện thời sự đình đám nhất thế giới trong năm 2013.
1. Nội chiến Syria và nguy cơ bùng nổ thế chiến
Thi thể những người thiệt mạng vì vụ tấn công bằng vũ khí hóa học được đặt nằm xếp lớp ở thị trấn Ghouta (Syria) – Ảnh: Reuters
Vào ngày 21.8, truyền thông quốc tế đưa tin về vụ tấn công bằng khí sarin ở một vùng ngoại ô thủ đô Damascus (Syria). Những hình ảnh rợn người từ video quay tại hiện trường, với phụ nữ và trẻ em nằm co giật trên mặt đất, một số khác thì bất động, đã gây chấn động toàn thế giới.
Mười ngày sau đó, trong một bài phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố một báo cáo tình báo cáo buộc chính Tổng thống Syria Bashar al Assad là người chịu trách nhiệm vụ tấn công nói trên, khiến ít nhất 1.429 người chết.
Ông Obama cũng tuyên bố sẽ đề xuất Quốc hội Mỹ thông qua kế hoạch tấn công các kho vũ khí hóa học của Syria.
Trong khi chính quyền Assad đã phủ nhận cáo buộc của Mỹ, phe nổi dậy tại Syria trông chờ cộng đồng quốc tế can thiệp vào cuộc nội chiến tại đây.
Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra. Nga, một trong những đồng minh lớn của Syria, đã thuyết phục được Damascus giao nộp vũ khí hóa học cho Liên Hiệp Quốc.
Chính phủ Syria sau đó đã hợp tác với các thanh sát viên quốc tế và việc tiêu hủy vũ khí hóa học Syria hiện đang được tiến hành.
Cuộc nội chiến tại Syria vẫn đang tiếp diễn, khiến nhiều thành phố bị tàn phá và gây ra những làn sóng người dân tháo chạy khỏi đất nước.
Trong khi đó, nội bộ phe nổi dậy đang ngày càng bị chia rẽ, nhiều lực lượng thậm chí đã quay súng sang bắn lẫn nhau.
Các vòng đàm phán hòa bình cho Syria dự kiến sẽ diễn ra vào đầu năm 2014, nhưng giới quan sát bi quan về kết quả của các vòng đàm phán này.
2. Chuyển biến đột phá về chương trình hạt nhân tại Iran
Tổng thống Iran Hassan Rouhani và người đồng cấp bên phía Mỹ Barack Obama đã có một cuộc điện đàm lịch sử hồi tháng 9 – Ảnh: Reuters
Tổng thống Iran Hassan Rouhani, người vừa đắc cử hồi tháng 6, đã có thay đổi trong chính sách ngoại giao khi ông gửi lời chúc mừng đến toàn thể người Do Thái trên thế giới nhân ngày lễ Rosh Hashanah, ngày mừng năm mới của người Do Thái.
Chỉ trong vòng vài tháng sau khi nhậm chức, ông Rouhani và nội các mới đã có nhiều điều chỉnh làm thay đổi Iran.
Vào tháng 9, sau khi đưa ra một bài phát biểu được cho là ôn hòa tại kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, tân tổng thống Iran đã có một cuộc điện đàm lịch sử với Tổng thống Mỹ Obama.
Đây là cuộc liên lạc trực tiếp đầu tiên sau 3 thập kỷ giữa lãnh đạo hai nước.
Đến tháng 11, Iran đã ký kết với Mỹ và các cường quốc thế giới một thỏa thuận sơ bộ. Theo đó, Tehran sẽ hạn chế chương trình hạt nhân nhằm đổi lấy sự nới lỏng các lệnh cấm vận của quốc tế.
Time nhận định rằng, thỏa thuận nói trên dù vẫn đang bị Israel phản đối kịch liệt, nhưng có thể mở ra một kỷ nguyên mới cho việc hàn gắn quan hệ Mỹ, Iran, vốn sẽ ảnh hưởng lớn đến toàn khu vực.
3. Bất ổn chính trị tại Ai Cập
Những người ủng hộ Tổng thống Ai Cập vừa bị lật đổ Mohamed Morsi khiêng một người biểu tình bị thương sau khi xô xát với cảnh sát tại quảng trường Rabaa Adawiya ở thủ đô Cairo – Ảnh: AFP
Phát biểu trên truyền hình vào ngày 3.7, Tổng tư lệnh quân đội Ai Cập Abdul Fatah el-Sisi thông báo với hàng triệu người dân Ai Cập rằng quân đội đã phế truất Tổng thống Mohamed Morsi.
Video đang HOT
Động thái này đã nhận được sự đồng tình của nhiều người dân Ai Cập, vốn đã tràn xuống đường biểu tình trước đó để phản đối ông Morsi, người mà họ cho là đã lợi dụng chức quyền để củng cố quyền lực cho Phong trào Huynh đệ Hồi giáo của mình.
Tuy nhiên, vụ lật đổ ông Morsi cũng khiến những người ủng hộ vị tổng thống này tiến hành các cuộc biểu tình bạo động lớn, gây rối loạn Ai Cập.
Chính quyền lâm thời do quân đội hậu thuẫn sau cùng đã bắt giữ lãnh đạo Phong trào Huynh đệ Hồi giáo và ra tay trấn áp các cuộc biểu tình ủng hộ ông Morsi.
Cảnh sát đã tấn công vào hai khu lều trại do người biểu tình thiết lập ở trung tâm thủ đô Cairo vào ngày 14.8, khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Hiện ông Morsi bị đưa ra xét xử về các cáo buộc gây ra cái chết của những người biểu tình chống đối ông.
4. Tiết lộ chấn động của cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden
Cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden – Ảnh: Reuters
Edward Snowden, cựu nhân viên tình báo Mỹ, đã công bố tài liệu tuyệt mật về các hoạt động tình báo trong và ngoài nước của chính phủ Mỹ, khiến quan hệ giữa Washington và một số quốc gia trở nên căng thẳng.
Theo tiết lộ của Snowden, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã cài bọ nghe lén vào điện thoại di động của nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel.
NSA cũng bị tố cáo là đã nghe lén Tổng thống Brazil Dilma Rousseff, đồng thời lấy cắp dữ liệu của Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras.
Thủ tướng Đức đã lên tiếng yêu cầu phía Mỹ làm rõ thông tin này, còn bà Rousseff đã hủy chuyến thăm Mỹ.
Vụ việc cũng gây căng thẳng thêm cho quan hệ Mỹ, Nga sau khi Moscow đồng y cấp quyền tị nạn cho Snowden.
5. Giáo hoàng Francis
Giáo hoàng Francis – Ảnh: Reuters
Khói trắng đã bốc lên trên mái Nhà nguyện Sistine vào rạng sáng nay 14.3 (giờ Việt Nam) báo hiệu tân giáo hoàng đã được bầu ra để lãnh đạo 1,2 tỉ người Công giáo trên toàn thế giới giữa lúc Giáo hội đối mặt với nhiều thử thách.
Hồng y người Argentina Jorge Mario Bergoglio đã đắc cử chức giáo hoàng và chọn tông hiệu là Francis.
Trước đó một tháng, Giáo hoàng Benedict đã từ nhiệm vì lý do sức khỏe và đây cũng là vị giáo hoàng đầu tiên trong gần 600 năm qua thoái vị.
Sau khi nhậm chức, Giáo hoàng Francis đã có những cải tổ nhằm làm minh bạch tình hình tài chính của Tòa thánh Vatican. Ông cũng được Time bình chọn là Nhân vật của năm 2013.
6. Chủ nghĩa khủng bố trỗi dậy tại châu Phi
Một binh sĩ Pháp đeo khẩu trang chống bụi tại Mali – Ảnh: AFP
Vào tháng 1, Pháp đã điều quân sang Mali để giúp chính phủ quốc gia châu Phi này đẩy lùi phiến quân Hồi giáo.
Giới phân tích nhận định rằng, mặc dù gặt hái được thành công lớn, sự can thiệp của Pháp lại kéo dài, thay vì diễn ra nhanh chóng như dự kiến.
Năm 2013 là năm cho thấy sự trỗi dậy của hoạt động khủng bố Hồi giáo cực đoan tại châu Phi, nổi bật là vụ giữ con tin tại một nhà máy khai thác khí đốt ở Algeria khiến 39 người nước ngoài thiệt mạng, các vụ thảm sát đẫm máu của tổ chức khủng bố Boko Haram ở Nigeria và vụ xả súng man rợ khiến ít nhất 68 người chết tại một trung tâm mua sắm ở Kenya do al-Shabab, tổ chức khủng bố thân al-Qaeda, tiến hành.
Tình trạng bạo lực leo thang tại châu Phi khiến các cường quốc phương Tây lo ngại.
Vào tháng 11, Pháp thông báo gia tăng hiện diện quân sự tại Trung Phi để đối phó với các vụ thảm sát của các lực lượng Hồi giáo cực đoan tại đây.
Trước đó, vào tháng 2, quân đội Mỹ đã thiết lập một căn cứ dành cho máy bay không người lái tại Niger và cũng đã tiến hành các chiến dịch đặc biệt tại Libya và Somalia.
7. Thảm họa cháy xưởng may ở Bangladesh
Một nữ công nhân may mặc Bangladesh may mắn được cứu thoát khỏi đống đổ nát sau khi một xưởng may đổ sập tại ngoại ô thủ đô Dhaka, khiến hơn 1.100 người chết – Ảnh: Reuters
Hơn 1.100 người thiệt mạng sau khi một xưởng may tại ngoại ô thủ đô Dhaka (Bangladesh) đổ sập vào hôm 24.4.
Đây là một trong những thảm họa tồi tệ nhất đối với ngành công nghiệp may mặc Bangladesh và vụ việc này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về điều kiện làm việc tồi tệ tại các xưởng may Bangladesh.
Nhiều cuộc thảo luận trong và ngoài nước đã diễn ra tại Bangladesh sau thảm họa nhằm tìm cách cải tổ các xưởng may, vốn là nhà cung cấp chính cho các tập đoàn bán lẻ hàng đầu châu Âu và Mỹ.
Vào tháng 11, các nhóm đại diện cho các hãng bán lẻ lớn như Walmart, Gap và H&M đã thống nhất áp dụng những tiêu chuẩn lao động chặt chẽ hơn cho nhân công Bangladesh, những người được cho là có mức lương thấp nhất thế giới.
8. Căng thẳng chủ quyền biển đảo tại châu Á
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nơi đang có tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Nhật Bản – Ảnh: AFP
Trung Quốc tiếp tục khiến nhiều nước trên thế giới lo ngại khi đơn phương tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không mới tại biển Hoa Đông.
Vùng nhận dạng phòng không mới của Bắc Kinh bao trùm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, vốn đang có tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Nhật, và bãi đá ngầm Ieodo/Tô Nham Tiêu, nơi Trung Quốc và Hàn Quốc cùng tuyên bố chủ quyền.
Nhật Bản đã lên tiếng phản đối vùng phòng không mới này, trong khi Mỹ, Hàn Quốc đã cho chiến đấu cơ bay qua vùng phòng không này mà không báo với Trung Quốc.
9. “Đại dịch” hiếp dâm tại Ấn Độ
Người biểu tình Ấn Độ cầm theo biểu ngữ kêu gọi treo cổ tội phạm hiếp dâm – Ảnh: Reuters
Sự phẫn nộ của người dân Ấn Độ đối với vụ hiếp dâm tập thể khiến một nữ sinh thiệt mạng hồi năm 2012 tiếp tục bùng lên trong năm 2013.
Năm thủ phạm tham gia vụ hãm hiếp tập thể và tấn công tàn bạo nữ sinh này đã chính thức ra hầu tòa vào đầu năm 2013 trong tình trạng an ninh thắt chặt.
Truyền thông Ấn Độ cho biết phiên tòa đã được xử kín do lo ngại nguy cơ bùng phát bạo loạn.
Được biết, đã có nhiều cuộc biểu tình lớn đã nổ ra tại Ấn Độ sau cái chết của nữ sinh nói trên, đòi hỏi chính phủ cần có các biện pháp bảo vệ phụ nữ và công lý hữu hiệu hơn.
10. Siêu bão Hải Yến
Một cậu bé Philippines bần thần đứng nhìn đống đổ nát do siêu bão Hải Yến gây ra tại thành phố Tacloban – Ảnh: Reuters
Đây là cơn bão tàn bạo nhất từ trước đến nay tại Philippines. Vào ngày 8.11, siêu bão Hải Yến đã ập đến miền trung Philippines với sức gió lên đến 275 km/giờ.
Mặc dù đã có những biện pháp chuẩn bị trước, bao gồm sơ tán gần 800.000 người ra khỏi khu vực dự kiến sẽ hứng bão, nhưng có hơn 6.000 người được cho là đã thiệt mạng và 1.800 người mất tích vì bão dữ, theo báo cáo của chính phủ Philippines.
Gần 2 triệu người mất nhà cửa sau khi bão quét qua.
Nhiều nước trên thế giới đã tích cực viện trợ cho Philippines để giúp quốc gia này khắc phục hậu quả thiên tai.
Theo TNO
Nam Sudan: Mỹ gia tăng áp lực nhưng không can thiệp quân sự?
Mỹ đang tăng cường gây áp lực ngoại giao với Nam Sudan giữa lúc xung đột leo thang, nhưng Washington sẽ không can thiệp quân sự vào Nam Sudan, theo nhận định của các nhà phân tích.
Xung đột leo thang, hàng chục ngàn người phải đến lánh nạn tại các căn cứ của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc - Ảnh: AFP
AFP ngày 23.12 dẫn lời các nhà phân tích Mỹ cho rằng Washington sẽ không tiến hành một chiến dịch quân sự quy mô lớn ở Nam Sudan, mặc dù Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định gửi gần 100 binh sĩ đến Nam Sudan trong tuần này để giúp sơ tán công dân Mỹ.
Trong lá thư gửi Quốc hội ngày 22.12, ông Obama cho biết Mỹ đã triển khai thêm 46 binh sĩ tới Nam Sudan và cân nhắc sẽ có thêm hành động nếu cần thiết để đảm bảo an ninh cho công dân Mỹ, người và tài sản tại Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Juba của Nam Sudan, sau vụ 3 máy bay vận tải CV-22 Osprey của Mỹ bị tấn công ở Nam Sudan.
Trước đó, ông Obama cảnh báo Nam Sudan có nguy cơ rơi vào tình trạng nội chiến và đảo chính, mà nếu vậy thì hậu quả là việc Washington và các đồng minh của Mỹ sẽ ngừng hỗ trợ kinh tế và ngoại giao.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hồi cuối tuần rồi cũng đã "cảnh báo" Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir rằng tình trạng bạo lực sẽ đe dọa nền độc lập của quốc gia trẻ tuổi nhất thế giới này.
Washington cũng đã cử ông Donald Booth, Đặc phái viên Mỹ về Sudan và Nam Phi, đến Nam Sudan để xúc tiến hòa đàm giữa các bên.
Những vụ đụng độ đẫm máu giữa các phe phái và quân chính phủ Sudan vốn đã kéo dài từ ngày 15.12.
Người phát ngôn quân đội Nam Sudan Philip Aguer ngày 22.12 cho biết phiến quân trung thành với cựu phó tổng thống Riek Machar đã chiếm được thủ phủ Bentiu của bang Unity giàu dầu mỏ
Bạo lực sắc tộc, bất ổn tại Nam Sudan leo thang trong những ngày qua mặc cho Tổng thống Kiir kêu gọi đàm phán với cựu Phó tổng thống Machar.
Ông Kiir trước đó cáo buộc ông Machar âm mưu đảo chính. Ông Machar đã bị bắt nhưng sau đó bỏ trốn. Tổng thống Kiir sa thải ông Machar hồi tháng 7.2013.
Nhưng ông Machar lại tố tổng thống Kiir kích ngòi những vụ bạo lực đẫm máu, nhanh chóng thành lập lực lượng phiến quânnhằm lật đổ chính quyền Nam Sudan, theo AFP.
Cố vấn An ninh Quốc gia cho Tổng thống Obama, bà Susan Rice, từng chịu trách nhiệm về vấn đề Sudan trong suốt 20 năm qua, cũng đã lên tiếng kêu gọi các bên giải quyết bất đồng trong hòa bình ở Nam Sudan.
Nam Sudan giành được độc lập, tách khỏi Sudan, trở thành quốc gia non trẻ nhất trên thế giới hồi tháng 7.2011 sau cuộc nội chiến kéo dài 2 thập kỷ, khiến 2 triệu người chết.
Mỹ từng giúp Nam Sudan giành độc lập và kết thúc nội chiến và sau khi giành được độc lập, Nam Sudan tiếp tục được Washington hỗ trợ về mặt kinh tế và chính trị, ông Richard Downie, nhà phân tích thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Mỹ cho hay.
Tuy nhiên, cựu Đại sứ Pháp tại Sudan Michel Raimbaud cho rằng ông nghi ngờ rằng Mỹ giúp Nam Sudan tách khỏi Sudan là vì lợi ích dầu mỏ chứ không phải vì mục đích "dân chủ, tự do, kết thúc nội chiến" cho Nam Sudan.
Ông Downie, một cựu quan chức ngoại giao Mỹ cho rằng Washington sẽ không can thiệp vào Nam Sudan.
"Thử nhìn khắp châu Phi mà xem, quân đội Mỹ sẽ cực kỳ thận trọng khi đặt chân đến khu vực này", ông Downie nhận định.
Theo TNO
Thái Lan: Nguy cơ xảy ra nội chiến Hôm qua 22-12, hàng nghìn người biểu tình chống chính phủ đã tham gia cuộc tuần hành quy mô lớn tại Thủ đô Bangkok của Thái Lan nhằm gây sức ép buộc Thủ tướng Yingluck Shinawatra phải từ chức. Người biểu tình chiếm giữ các tuyến giao thông tại Bangkok hôm 22-12 Ít nhất 1.000 người chủ yếu là phụ nữ cũng tập...