10 phu vàng nhí băng rừng trốn khỏi bãi vàng
Do bị các chủ bãi vàng buộc làm việc như lao động cả ngày lẫn đêm, 10 phu vàng đã băng rừng núi chạy trốn.
Sáng 1/4, mặc dù đang được chăm sóc an toàn tại Trung tâm Công tác xã hội trẻ em tỉnh Quảng Nam nhưng 2 em Phạm Văn Hảo (17 tuổi) và Phạm Văn Cường (19 tuổi, dân tộc Mường, trú ở Cao Xuân, xã Ngọc Khuê, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa) vẫn chưa hết sợ sệt.
Hảo, Cường đã có những ngày làm việc khổ sai, bị chủ bãi vàng hành hạ tại các bãi khai thác vàng ở xã Phước Thành của huyện Hiệp Đức; xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam.
Em Phạm Văn Hảo cho biết, trước đó có một người đàn ông ở quê rủ vào Quảng Nam làm việc với mức lương 4 triệu đồng, có tất cả 38 người cùng đi trên một chuyến xe. Đến ngày 19/2, người đàn ông này đưa tất cả 38 người vào một bãi vàng tại xã Phước Thành của huyện Phước Sơn. Tại đây các em bị bọn cai bãi bắt làm việc cả ngày lẫn đêm vô cùng cực khổ. Nếu trái ý là bị đánh ngay nên không ai dám cãi lại.
Em Phạm Văn Hảo và Phạm Văn Cường vẫn chưa hết lo sợ khi trốn thoát khỏi bọn chủ bãi vàng hành hạ dã man.
Làm tại đây được một tháng cực khổ quá, không được chủ bãi trả tiền công như đã hứa, nên các em phải bỏ bãi đi bộ ra thị trấn Khâm Đức mấy chục cây số để đón xe về quê.
Em Cường cho biết: “Khi đi bộ ra đến thị trấn Khâm Đức, chúng em lại được một người đàn ông tiếp tục dụ dỗ dẫn đi xuống bãi vàng Tam Lãnh, huyện Phú Ninh để tiếp tục lao động khổ sai. Tại bãi vàng Tam Lãnh, chúng em tiếp tục bị đày ải, bắt làm cả ngày lẫn đêm trong hầm vàng cực khổ. Nếu không nghe lệnh sẽ bị hành hung ngay tức khắc”.
Em Hảo vẫn chưa hết sợ hãi kể lại: “Tại bãi vàng Tam Lãnh, tụi em bị chủ bãi hù dọa đủ kiểu, bắt tụi em làm việc cả ngày lẫn đêm cực khổ quá, do không chịu nổi nên em bị sốt rét luôn. Chịu không nổi nên 10 phu vàng nhí đã lên bàn tính trốn thoát khỏi bãi vàng Tam Lãnh bằng đường rừng núi”.
Video đang HOT
Hàng ngày các em phải chui xuống hầm đào vàng trong điều kiện làm việc hết sức nguy hiểm.
Sau một ngày một đêm băng rừng trốn chạy, đến khoảng 4-5 giờ chiều ngày 28/3, 10 phu vàng chạy trốn đến ngã 3 xã Tiên Thọ liền bị mấy người chủ bãi vàng ở Tam Lãnh cầm gậy gộc đuổi theo vây bắt đánh đập, may mà có người dân can thiệp và báo cáo với chính quyền xã Tiên Thọ cứu giúp tụi em.
Ông Nguyễn Thế Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội trẻ em tỉnh Quảng Nam cho biết: “Ngày 29/3, trung tâm đã tiếp nhận 2 em Hảo và Cường, sau vài ngày được trung tâm chăm sóc hiện sức khỏe của Hảo và Cường đã tốt lên. Trung tâm cũng đã thông báo với gia đình ở quê các em. Các chủ bãi vàng đã bóc lột sức lao động, làm việc như nô lệ làm cho các em rất lo sợ, có em bị sốt rét nữa. Hiện trung tâm đã làm ổn định tâm lý cho 2 em. Trung tâm hiện đang quản lý, chăm sóc chặt chẽ, đồng thời đã báo cáo với công an để có phương án bảo vệ chứ mấy chủ bãi biết 2 em ở đây sẽ tìm tới dụ dỗ bắt lại”.
Theo Khampha
Lở bãi vàng: Đêm hãi hùng qua lời kể phu vàng
Trong câu chuyện với PV Tiền , những phu vàng may mắn sống sót chưa hết bàng hoàng khi kể về vụ sạt lở núi tại bãi vàng "thổ phỉ" ở xã Minh Lương (Văn Bàn, Lào Cai), chôn vùi bạn bè, người thân của họ.
"Không thấy chính quyền địa phương đâu"
Qua sự giới thiệu của người dân địa phương, PV Tiền Phong tìm đến nhà anh Bùi Văn C. (SN 1992, ở xã Tuân Đạo, Lạc Sơn, Hòa Bình), người may mắn thoát chết sau vụ sạt lở tại bãi vàng tại xã Minh Lương. C. cho biết mới làm ở lán vàng cho ông chủ tên H. được một tháng. C. kể, mấy hôm trước vụ sạt lở, khu vực bãi vàng mưa tầm tã ngày đêm. "Lán trại ở lưng chừng núi, địa hình dốc. Chiều 4/9 đã có vài lán bị sạt, nhưng không ai làm sao" - C. nói.
"Đến khoảng 1 giờ sáng 5/9, tôi đang ngồi ở lán uống nước chuẩn bị đi làm thì xảy ra sạt lở. Chỉ nghe "ụp" một cái, cả đống đất khổng lồ sạt xuống lán bên cạnh. Lúc ấy, trong lán có khoảng 27 người đang ngủ" - C. kể. Chỉ trong thoáng chốc, cả vạt núi bị sạt, xóa sạch vết tích của chiếc lán 2 tầng phu vàng dùng để ngủ. Đất và cây rừng ập xuống, cuốn trôi sâu vài chục mét. Đội thợ đang ngủ có cả người Hòa Bình, Thái Nguyên.
Bãi vàng "thổ phỉ" luôn tiềm ẩn nguy cơ chết người.
"Đất, cây rừng, chăn màn vùi lấp lên mọi người. Anh em mang đèn xuống soi, thấy tay chân nạn nhân nhô ra thì bới đất lôi lên" - C. nói. C. cũng cho hay, anh em phu vàng tìm được 3 - 4 người, có cả người bị thương và người chết. Đến khoảng 3 giờ sáng, việc tìm kiếm phải tạm dừng do mưa mỗi lúc một to.
"Lúc ấy, hình như có gần chục người chết, phần lớn người Hòa Bình" - C. nhớ lại. Cũng theo C., một số người bị thương được đưa lên, nhưng do không cấp cứu kịp thời, lại thêm trời mưa lạnh nên họ không qua khỏi". Sau khi tìm kiếm, C. và một vài người thay phiên nhau khiêng 2 xác nạn nhân xuống xã Minh Lương trình báo.
Theo ông Bùi Văn Rưn, Chủ tịch UBND xã Tuân Đạo (Lạc Sơn, Hoà Bình), xã cũng không nắm được cóbao nhiêu người địa phương "đầu quân" cho các bãi vàng. Riêng tại vụ sạt lở tại bãi vàng ở Minh Lương, ngoài 5 người chết, xã xác nhận có thêm 5 người bị thương nặng.
"Hai người khiêng một người. Có vài người khác đi cùng, khi mỏi thì lại thay nhau. Trời mưa, đường trơn nên thỉnh thoảng bị ngã" - C. nói. Sau đó, C. đi rửa bùn đất cho mấy người bị thương, đưa qua Trạm y tế xã Minh Lương, xong lại đưa sang BV ở Thái Nguyên chữa trị.
Làm cùng ca với C. có anh Bùi Văn Rừn (xã Tân Lập, Lạc Sơn, Hòa Bình), người được Tiền Phong nhắc đến trong 2 bài báo trước. Anh Rừn kể, đến chiều 5/9, anh em phu vàng vẫn tiếp tục tìm kiếm những người tử nạn. "Chỉ có anh em phu vàng tự tìm kiếm, không thấy chính quyền địa phương đâu. Cách lán khoảng 30-40m, chúng tôi tìm được thi thể 4 người, trong đó có em trai tôi là Bùi Văn Rự" - anh Rừn nói. Theo anh Rừn, em trai anh mới làm được khoảng 20 ngày thì xảy ra vụ sạt lở.
Trong câu chuyện, cả anh C. và anh Rừn đều nhắc tới sự may mắn. "May mắn là trước đó vài ngày chủ bãi vàng đổi lịch cho tôi sang ca đêm. Nếu làm ca ngày thì đêm đó tôi đã ngủ trong lán, chắc cũng toi đời" - C. nói.
Sống chết mong manh
May mắn thoát chết, anh C. mang về cho mẹ được gần 4 triệu đồng tiền lương một tháng làm ở bãi vàng. C. kể, trên bãi vàng, mọi người làm việc theo dây chuyền, người đào quặng, người bốc vác, người lọc quặng... Theo C., bãi vàng tại xã Minh Lương là "vàng nước", lẫn trong đất, phải lọc qua thủy ngân để "bắt" vàng. "Có một cái máy giống máy xát gạo, lọc xong, vàng dính lại, chủ vàng sẽ lấy thứ đó đi cô lại thành vàng" - C. nói.
Phu vàng C. kể lại sự việc với PV Tiền Phong .
Làm công cho chủ bãi, những phu vàng như C. chỉ biết cun cút làm theo sự sai bảo, cũng chả biết chủ vàng lời lãi ra sao. Ca đêm như của C. làm việc từ 17 giờ 30 đến 5 giờ sáng hôm sau, có nghỉ ăn uống giữa ca. Phu vàng cũng không mấy khi xuống dưới làng, xã chơi vì đường xa và khó. "Đồ ăn đã có người địa phương vận chuyển lên bán" - C. nói.
Phu vàng Bùi Văn Rừn cho biết thêm, trên núi có điện chạy bằng máy phát. Mỗi ca làm việc khoảng 20 - 30 người. Phải chui vào hầm sâu trong lòng núi. "Cơm nước có người nấu riêng. Cơm có thịt, rau, 6 người một mâm đầy đủ 3 bữa" - anh Rừn nói. Cũng theo anh Rừn, chủ bãi vàng hạn chế phu uống rượu để tránh xảy ra đánh nhau. "Ông chủ cũng có mang thuốc lên, chủ yếu là thuốc đau bụng và nhức đầu" - anh Rừn nói.
Về thu nhập, phu vàng Bùi Văn N. cho biết mỗi tháng trung bình được chủ bãi trả 4 triệu đồng, nuôi ăn. Anh N. cũng cho hay thỉnh thoảng có thấy công an lên truy quét, yêu cầu chủ bãi dừng hoạt động. "Công an chủ yếu làm việc với chủ bãi, còn mình chỉ là người đi làm thuê, họ không để ý" - N. cho biết.
Nhà N. có 3 người làm tại bãi vàng Minh Lương, cũng may hôm sạt lở, N. và em trai xin về quê nghỉ nên thoát nạn. Bố của N. ở bãi vàng bị đất vùi lấp đã thiệt mạng. "Bây giờ thì tởn rồi, không dám đi làm vàng nữa" - N. nói.
Cùng ở xã Tuân Đạo, nhà bà Bùi Thị Si có con trai là Bùi Anh Tú (SN 1995) cũng bị chết trong vụ sạt lở bãi vàng. Bà Si bị bệnh thần kinh, chỉ nhớ con trai đi làm vàng và mang về rất nhiều tiền. Lúc nhóm PV Tiền Phong đến, bà Si đang chăm sóc bàn thờ Tú để ở góc nhà.
Theo Trường Phong - Mai Xuân Tùng (Tiền Phong)
Những phụ nữ phải sinh con trong rừng Người Giẻ Triêng ở vùng cao huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam quan niệm phụ nữ chưa chồng mà có con sẽ mang lại xui xẻo cho dân làng. Vì thế, lệ làng buộc những cô chửa hoang hoặc "ăn cơm trước kẻng" phải vào rừng sinh con. Ở nhiều xã miền núi của huyện Phước Sơn như Phước Lộc, Phước Thành... bây...