10 phim hoạt hình 3D có kỹ xảo lung linh nhất
“ Beowulf”, “Up”, “ Cloudy with a Chance of Meatballs”, “Tangled”… là những bộ phim hoạt hình 3D có kỹ xảo hình ảnh tuyệt đỉnh.
The Nightmare Before Christmas (1993): Thời điểm tác phẩm của Henry Selick và Tim Burton ra đời đánh dấu một bước ngoặt mới cho dòng phim hoạt hình 3D. Phong cách hoạt hình stop-motion với tạo hình nhân vật độc đáo, quái dị giúp The Nightmare Before Christmas tới nay vẫn là bộ phim rất được ưa thích trong mỗi dịp lễ Giáng sinh.
Finding Nemo (2003): Ra đời từ 12 năm trước, Finding Nemo tới nay vẫn thường được coi là bức tranh đại dương đẹp nhất trong thế giới hoạt hình và là một đỉnh cao của xưởng Pixar. Đại dương bao la trong phim được thể hiện gần y như thực tế, còn các loài cá đa dạng được đội ngũ làm phim tái hiện sau nhiều chuyến đi xuống đáy biển.
Beowulf (2007): Nổi tiếng là người đam mê kỹ xảo 3D, đạo diễn Robert Zemeckis đem đến cho khán giả một tác phẩm hoàn hảo về mặt hình ảnh trong năm 2007. Dù Beowulf là một tác phẩm hoạt hình, các nhân vật trong phim trông không khác người diễn xuất biểu cảm (motion capture) là bao. Ngoài ra, những trận chiến giữa người và quái vật cũng được thể hiện rất sinh động trên màn ảnh.
Up (2009): Sử dụng công nghệ 3D tân tiến nhất tại thời điểm ra mắt, Up vừa mang những hình ảnh sặc sỡ, đẹp mắt, vừa sở hữu cốt truyện lôi cuốn, cảm động. Khán giả dễ bị choáng ngợp bởi ngôi nhà bóng bay rực rỡ vút cao trên bầu trời xanh, những mảng rừng xanh mướt và khu thung lũng hùng vĩ tại thác nước Thiên đường.
Cloudy with a Chance of Meatballs (2009): Cỗ máy tạo thức ăn từ mây của Flint Lockwood biến thành thảm họa khi toan nhấn chìm hòn đảo Swallow Falls trong đồ ăn, thức uống. Các hiệu ứng 3D tập trung vào các món ăn khiếnCloudy with a Chance of Meatballs không khác gì một bữa đại tiệc khổng lồ trên màn ảnh với những cơn mưa thịt viên, bánh mì, mì spaghetti…
Final Fantasy VII: Advent Children Complete (2009): Final Fantasy là dòng game nhập vai nổi tiếng đến từ Nhật Bản. Riêng phần VII thường được đánh giá là thành công nhất và thậm chí còn sản xuất một bộ phim riêng mang tên Advent Children vào năm 2005, kể lại những sự kiện diễn ra sau trò chơi. Phải 4 năm sau, sau nhiều trau chuốt và chỉnh sửa, hãng Square Enix mới cho ra đời phiên bản quốc tế của phim, với phần hình ảnh sắc sảo, các hiệu ứng cháy nổ, biểu cảm gương mặt nhân vật cực kỳ chân thực và chi tiết.
Video đang HOT
Coraline (2009): Tác phẩm đến từ xưởng Laika là viên ngọc sáng của dòng phim hoạt hình stop-motion trong những năm gần đây. Câu chuyện ma quái xoay quanh cô bé Coraline trở nên sống động, ám ảnh nhờ tạo hình và sự đa dạng trong biểu cảm của các nhân vật quái dị, cùng một thế giới đầy ma mị được tạo nên từ những khuôn hình đất sét.
Tangled (2010): Phần hình ảnh trong Công chúa tóc mây được trau chuốt tỉ mỉ, từ tạo hình của Rapunzel với mái tóc thần óng ả, hình ảnh của thành phố với từng viên gạch lót đường, cho tới rừng núi trùng điệp ở phía xa xa, từng cư dân với những bộ phục trang khác nhau… Điểm nhấn của Tangled là cảnh Rapunzel và Flynn dưới bầu trời đêm rực sáng bởi những chiếc đèn trời – một khung cảnh lãng mạn, nên thơ nhưng không kém phần kỳ vĩ.
Frozen (2013): Riêng về mặt hình ảnh, khán giả theo dõi Frozen hoàn toàn bị chinh phục khi nữ hoàng Elsa sử dụng phép thuật để tạo nên tòa lâu đài băng giá trên núi, hay khi cả vương quốc bao phủ trong băng tuyết. Kỹ xảo của bom tấn thậm chí còn có phần vượt trội Tangled và đây là một trong những lý do giúp bộ phim có doanh thu toàn cầu lên tới 1,27 tỷ USD.
How to Train Your Dragon 2 (2014): Phần hai của Bí kíp luyện rồng xứng đáng là đỉnh cao về mặt hình ảnh của hãng DreamWorks sau nhiều tác phẩm ấn tượng trải dài suốt gần một thập kỷ. Những pha bay lượn trên không trung của Răng sún và Hiccup, cảnh các chú rồng bay lượn, giang cánh trên nền trời xanh thẳm đem đến cho khán giả trải nghiệm đã mắt.
Theo Zing
15 sinh vật nổi tiếng nhất thế giới hoạt hình
Chuột Mickey, vịt Donald, Tom và Jerry, cừu Shaun... là những sinh vật hoạt hình đáng yêu và được hàng triệu khán giả trên toàn thế giới yêu mến.
Chuột Mickey: Là "con đẻ" thuộc thế hệ đầu của Walt Disney, chuột Mickey nhanh chóng trở thành biểu tượng bất tử của xưởng phim hoạt hình này suốt từ đó tới nay. Mickey cũng là một trong những nhân vật hư cấu hiếm hoi được vinh danh trên Đại lộ Hollywood.
Vịt Donald: Ban đầu, chú vịt Donald thường xuất hiện như một nhân vật phụ bên cạnh chuột Mickey. Nhưng nhờ sự yêu mến từ khán giả, Donald dần dà có những tập phim riêng và từ đó nổi tiếng không hề kém gì người bạn thân của chú.
Tom và Jerry: Cuộc đối đầu bất tận giữa hai đối thủ truyền kiếp, một mèo một chuột, từng chinh phục không biết bao nhiêu thế hệ khán giả trong suốt hơn bảy thập kỷ. Các tập phim thường xoay quanh mưu đồ bắt lấy chuột Jerry của chú mèo Tom, song chúng phần lớn thất bại. Thi thoảng, hai nhân vật lại hợp tác với nhau khi "kẻ thù chung" xuất hiện. Trong thời kỳ thuộc quyền sở hữu của hãng Metro-Goldwyn-Mayer từ năm 1940 tới 1957, Tom và Jerry giành đến 7 tượng vàng Oscar ở hạng mục Phim hoạt hình ngắn xuất sắc.
Simba: Thập niên 1990 rực rỡ của hãng Disney đạt đến đỉnh cao vào năm 1994 nhờ bộ phim hoạt hình The Lion King - Vua sư tử. Câu chuyện xoay quanh chuyến hành trình tìm lại ngôi vị chúa tể thế giới hoang dã của chú sư tử Simba chinh phục khán giả mọi lứa tuổi, và thắng đến hai giải Oscar về nhạc phim trong đầu năm 1995.
Timon và Pumbaa: Bên cạnh nhân vật chính Simba, The Lion King còn đem đến một bộ đôi không kém phần nổi tiếng khác nhờ sự nhí nhảnh, vui tươi là chú lười Timon và lợn rừng Pumbaa. Simba, Timon và Pumbaa tạo nên bộ ba "bất đắc dĩ", cùng nhau ngân nga khúc ca Hakuna Matata nổi tiếng trong rừng sâu. Sau thành công của The Lion King, hãng Disney thậm chí còn thực hiện một series hoạt hình riêng về Timon và Pumbaa, kể về những chuyến phiêu lưu đầy hài hước của bộ đôi này.
Nemo: Nemo là chú cá hề có chiếc vây bị tật, sinh ra và lớn lên dưới sự che chở của ông bố hay lo lắng trong bộ phim hoạt hình Finding Nemo của hãng Pixar. Tuy nhiên, Nemo sẽ chẳng thể nào được trải nghiệm đại dương nếu như cứ nghe lời bố. Sự bạo dạn của cậu đưa cả hai cha con vào một chuyến hành trình không thể nào quên. Tạo hình dễ thương và gần gũi của Nemo giúp đây trở thành một trong những chú cá được trẻ em trên toàn thế giới biết đến nhiều nhất.
Chuột Remy: Trong bộ phim hoạt hình Ratatouille thắng giải Oscar đầu năm 2008, chú chuột nhỏ bé Remy là tâm điểm của câu chuyện khi mang trong mình khát vọng được trở thành đầu bếp tại một nhà hàng 5 sao ở Pháp. Phía sau câu chuyện về chú chuột muốn làm bếp còn là những bài học về cuộc sống, ước mơ và niềm đam mê bên trong mỗi cá nhân dù xuất thân của họ là gì đi chăng nữa. Chính bởi vậy, Remy chiếm được cảm tình của rất nhiều khán giả, cho dù loài chuột nói chung vẫn thường hay bị coi là xấu xí, bẩn thỉu.
101 chú chó đốm: Dựa trên câu chuyện cùng tên của nhà văn Dodie Smith, 101 chú chó đốm lấy bối cảnh tại London, kể lại câu chuyện 101 con chó đốm con chống lại dã tâm lột da chúng của nhà thiết kế thời trang Cruella de Vil. Bộ phim hoạt hình kinh điển ra mắt năm 1961, xây dựng nên hình ảnh vững chãi của những chú chó đốm trong lòng công chúng suốt hơn năm thập kỷ qua.
Scooby-Doo: Scooby-Doo vốn là một chú chó ngớ ngẩn, rất sợ ma nhưng hay gặp phải tình huống "tránh của nào, trời trao của ấy". Chú vốn là thú cưng của cậu chủ trẻ Shaggy trong loạt phim hoạt hình trinh thám nổi tiếng cùng tên, lần đầu ra mắt năm 1969. Dù ngờ nghệch và nhát gan, Scooby-Doo vẫn được khán giả, đặc biệt là trẻ em, yêu mến bởi tính cách vui nhộn và sẵn sàng xả thân khi cậu chủ và bạn bè lâm nguy.
Mèo đi hia: Xuất hiện trong loạt phim Shrek và sau đó có một tập phim riêng, Puss in Boots - Mèo đi hia là một tay kiếm kỳ tài nhưng cũng hết sức đáng yêu. Nhân vật mèo hào hoa này do tài tử Antonio Banderas lồng tiếng trên màn ảnh và có nhiều trò chơi ăn theo.
Po: Khó ai có thể ngờ rằng chú gấu trúc béo tròn Po lại là "thần long đại hiệp" như trong truyền thuyết của loạt phimKung Fu Panda. Tạo hình đáng yêu và tính cách hài hước giúp Po mau chóng trở thành một trong những nhân vật hoạt hình được yêu mến nhất, dù cậu mới chỉ "ra đời" từ năm 2008.
Răng sún: How to Train Your Dragon - Bí kíp luyện rồng là bộ phim hoạt hình được đánh giá rất cao hồi 2010. Tác phẩm của DreamWorks trình làng khán giả câu chuyện tình bạn hài hước nhưng cũng hết sức cảm động giữa cậu bé Hiccup người Viking và chú rồng Răng Sún. Trải qua nhiều thử thách, tình bạn ấy không hề bị mai một và Răng Sún dần dà chiếm trọn cảm tình của khán giả, thậm chí là còn nhiều hơn cả nhân vật chính Hiccup.
Bộ tứ chim cánh cụt trong Madagascar: Skipper, Kowalski, Rico va Binh Nhì ban đầu vốn chỉ là những nhân vật phụ trong loạt phim Madagascar. Nhưng nhờ sự hài hước, lém lỉnh mà dần dần chúng trở nên nổi tiếng, sánh ngang với sư tử Alex và những người bạn. Thậm chí, trong năm 2014, hãng DreamWorks còn xuất xưởng một bộ phim riêng về các chú chim cánh cụt mang tựa đề The Penguins of Madagascar.
Sóc Scrat: Không có bất kỳ lời thoại nào, nhưng Scrat vẫn tạo ra được sức cuốn hút và trở thành một trong những tâm điểm của loạt phim hoạt hình Ice Age - Kỷ băng hà. Trong khi các nhân vật chính luôn phải bận tâm đến những hiểm họa lớn, đe dọa an nguy của muôn giống loài, thì Scrat chỉ bận tâm tới những quả hạt dẻ của cậu, thậm chí là đến mức ám ảnh và gây ra những tình huống dở khóc dở cười.
Cừu Shaun: Chú cừu Shaun lần đầu xuất hiện trên sóng truyền hình năm 1995 bên cạnh hai nhân vật nổi tiếng khác của xưởng phim hoạt hình Aardman là Wallace và chó Gromit. Chỉ với đúng bốn phút ngắn ngủi, chú cừu đáng yêu chinh phục khán giả nước Anh, qua đó được thực hiện riêng nhiều loạt phim hoạt hình riêng mang tên Shaun the Sheep. Năm 2015, cừu Shaun và những người bạn tấn công lên màn ảnh rộng qua bộ phim Shaun the Sheep Movie, ra mắt từ ngày 27/2.
Theo Zing
10 phim kinh dị cho một đêm Giáng sinh kinh hoàng Mùa Giáng sinh thường là thời điểm dành cho những bộ phim gia đình hoặc tình cảm lãng mạn. Nhưng cũng có không ít tác phẩm kinh dị dành cho ai ưa cảm giác mạnh trong ngày lễ này. Child's Play (1988): Trong đêm Giáng sinh, điều háo hức nhất của trẻ em là những món quà nơi gốc cây thông từ ông...