10 ông bố đáng nhớ nhất trên màn ảnh Việt năm 2017
Phim Việt 2017 đa dạng với nhiều chủ đề, câu chuyện, nhân vật nhưng các ông bố lại là một dạng nhân vật khá ấn tượng trong năm.
2017 là một năm đáng chú ý của phim Việt, cả điện ảnh lẫn truyền hình. Rất nhiều bộ phim đã ra mắt, hay có, dở có, kỉ lục mới cũng có mà ngã ngựa đau đớn cũng có luôn. Từ kỉ lục doanh thu 171 tỉ đến những sự im lặng đáng sợ của phim ra rạp, hay những hiện tượng phim truyền hình, tạo nên một năm nhộn nhịp mà cũng nhiều cảm xúc cho điện ảnh nước nhà.
Thế nhưng, dẫu cho là bao nhiêu thể loại từ phim học đường đến phim tình cảm, phim đề tài xã hội cho đến phim thời trang, hành động thì vẫn có một dạng nhân vật mà hầu như phim nào cũng có nhưng để lại ấn tượng khá mạnh: những ông bố.
Khoan nói rằng phim nào chẳng có bố, vì nói vậy chẳng khác gì bảo phim nào mà không có con người!? Những ông bố ấn tượng trên phim Việt năm nay không đơn thuần là những người chỉ mang chức danh phụ huynh cho có. Họ tác động vào phim, khiến nhân vật chính thay đổi và khiến khán giả ghi nhớ, hoặc, chính họ là những nhân vật chính.
Đông Hùng ( Chạy đi rồi tính)
Từ những ngày đầu năm, khán giả hẳn đã nhớ đến ông bố Đông Hùng ( Hứa Vĩ Văn) trong Chạy đi rồi tính. Dù chỉ là một ông bố không có công ăn việc làm rạng rỡ, ở nhà lo chuyện nội trợ để vợ đi làm ca sĩ nhưng khi biến cố xảy ra, chính sự can trường lẫn mềm mỏng của Đông Hùng đã khiến cả gia đình vượt qua hoạn nạn, tình cảm lạnh nhạt với người vợ cũng được hâm nóng. Cũng nhờ Đông Hùng, khán giả mới được diện kiến một hình tượng rất khác lạ của “soái ca” Hứa Vĩ Văn.
Lệ Liễu (Lô tô)
Đến tháng 3, khán giả được diện kiến ông bố có biệt danh Lệ Liễu ( Hữu Châu), chủ gánh hát Phù Hoa trong phim Lô tô. Có thể gọi Lệ Liễu là một ông bố không trọn vẹn khi mà Lệ Liễu không thể đường hoàng trở thành một người chở che. Vì ông không biết mình đã có một đứa con. Nhưng ngay khi biết cô gái lưu lạc trong đoàn hát chính là con gái mình, kể cả có chút ghen tuông khi hai cha con đều đang “chấm” chung một gã đàn ông, nhưng Lệ Liễu vẫn dành nhiều hy sinh và nhẫn nhịn cho con. Cuối phim, ông còn chấp nhận “đội lốt” đàn ông một lần nữa trong đời để chủ hôn cho con gái.
Bố của Hoàng và Linh Đan ( Em chưa 18)
Tháng 4 là sự tấn công màn ảnh của một nhóm các ông bố tuyệt vời. Đầu tiên là Em chưa 18, bộ phim này đã mang đến 2 ông bố khiến ai cũng phải ganh tị. Một người ( Quang Minh) thì nhất mực thương con, lo cho con, nghiêm khắc nhưng xem con như người bạn, sẵn sàng lắng nghe và hành động để con được hạnh phúc.
Người còn lại (NSƯT Nguyễn Chánh Tín) thì dù ở xa, nói chuyện có vẻ như chẳng thương yêu gì đứa con trai hư hỏng nhưng thực chất lại khá tâm lý. Từng câu chữ, chia sẻ của ông giống như một liều thuốc xoa dịu tâm trạng rối bời của đứa con đang lạc lối trong tình yêu, mở ra một cú chuyển mình mạnh mẽ.
Ông Tư và ông Phát ( Có căn nhà nằm nghe nắng mưa)
Ngay sau đó là 2 ông bố chịu nhiều đắng cay trong Có căn nhà nằm nghe nắng mưa: ông Tư ( Lê Bình) và ông Phát (Tấn Thi). Cả 2 ông đều mất con và chịu những uẩn ức không thể bày tỏ cùng ai, lại phải sống trong sự thù hằn và ngờ vực. Thế nhưng thay vì cái không khí u ám nặng nề, khán giả lại cảm nhận được tình phụ tử tuôn chảy trong câu chuyện của họ. Kể cả là đầu hàng số phận hay trở thành một kẻ cục cằn, ông Tư và ông Phát cũng vì quá thương con. Dù cuối cùng một người đã ra đi khi còn chưa hội ngộ con trai nhưng cái gút mắc giữa hai gia đình đã được gỡ, khán giả phần nào thấy nhẹ nhõm khi cái gai trong lòng ông Phát đã được nhổ đi.
Anh Mộc ( Cha cõng con)
Video đang HOT
Tất nhiên không thể bỏ qua anh Mộc ( Ngô Thế Quân) trong Cha cõng con, bộ phim đã nói lên tình cha con từ cái tên. Là một gã bắt cá nghèo ở vùng núi Bắc bộ, Mộc cùng bé Cá chưa bao giờ bị gánh nặng đồng tiền đè lên vai. Kể cả những khi bão lũ hoành hành, hai cha con vẫn thương nhau, đưa nhau qua khó khăn bằng sự lạc quan nhất.
Thế nhưng, khi bé Cá mắc bệnh nan y, phải lên thành phố chữa trị, người ta mới không thể nào kiềm lại nước mắt bởi tình thương của anh Mộc dành cho con. Cõng con qua hết thảy những đoạn đường gian nan nhất, kể cả là leo lên toà nhà chọc trời hay đi tìm tổ của những con chim sắt, anh Mộc cũng sẽ đi, miễn là con khỏi bệnh. Dù dòng đời có xô ngã hạnh phúc của họ, ám lên đó những áp lực khủng khiếp của đồng tiền, nhưng chính tình phụ tử lại như một dòng nước mắt len chảy qua từng ngóc ngách cảm xúc khi xem phim.
Phan Quân (Người phán xử)
Và làm sao bỏ qua được ông bố cực kì quan trọng trên màn ảnh nhỏ của năm: “người phán xử” Phan Quân. Gần như là ông bố ấn tượng duy nhất trên truyền hình trong năm nay, nhưng Phan Quân chính là một ông bố đáng nể, đáng sợ và đáng thương bậc nhất. Là một ông trùm vùng biên, một kẻ phán xử được thế giới ngầm kính sợ, thế nhưng Phan Quân gần như “bó tay” trong việc dạy con.
Cả đứa con quý tử lẫn đứa con rơi đều chống đối ông ít nhiều, như để minh chứng cho sự cân băng khi Phan Quân có cả xã hội ngoài kia nhưng không thể có được gia đình. Thế nhưng qua mỗi tập phim, nhân vật này lại được lật mở, từng góc khuất tâm lý và tình yêu thương trong Phan Quân lại được khơi ra, khiến người xem càng đồng cảm. Dù mang kết cục tù tội, nhưng Phan Quân thực sự là một ông bố chiếm được rất nhiều cảm tình của người xem đài.
Tâm ( Lôi Báo)
Cuối năm, khán giả lại gặp một ông bố ấn tượng trong Lôi Báo của đạo diễn Victor Vũ. Là một gã hoạ sĩ, rồi bất đắc dĩ trở thành siêu anh hùng Lôi Báo, Tâm ( Cường Seven) dường như chẳng mảy may bận tâm đến đứa con trai nhỏ tên Bù. Chỉ đến khi trải qua cuộc chiến sinh tử, đối mặt với viễn cảnh vợ con sẽ bị giết chết, Tâm mới nhận ra gia đình chính là nơi anh cần trở thành một anh hùng, rằng Lôi Báo trước khi được ai đó hâm mộ thì đã là thần tượng của con trai mình rồi.
Ông bố “thả nọc heo” (Khi con là nhà)
Bộ phim Việt cuối cùng của năm, Khi con là nhà (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng) cũng giới thiệu đến một ông bố lạ kì, đen đúa, mê cờ bạc, làm nghề “thả nọc heo” và bị lạc con trai. Phim chưa công chiếu, chưa biết ông bố nhà quê của Lương Mạnh Hải sẽ để lại ấn tượng tốt đẹp nào nhưng một bộ phim với 2 diễn viên chính là bố và con thì chắc chắn ông bố Lương Mạnh Hải cũng sẽ khiến khán giả ghi nhớ.
Đối với bạn, ông bố nào trong năm khiến bạn ấn tượng và “thương” nhất?
Theo Trí Thức Trẻ
'Cha cõng con': Bởi tình phụ tử vốn luôn thiêng liêng
Là tác phẩm điện ảnh nghệ thuật không dành cho số đông, nhưng nếu khán giả mở lòng và kiên nhẫn, "Cha cõng con" sẽ mang đến sự rung động bởi những tình cảm rất đỗi chân thành.
Thể loại: Tâm lý
Đạo diễn: Lương Đình Dũng
Diễn viên chính: Ngô Thế Quân, Đỗ Trọng Tấn
Zing.vn đánh giá: 7/10
Được thai nghén suốt 10 năm trời, Cha cõng con là bộ phim điện ảnh đầu tay của đạo diễn Lương Đình Dũng - người vốn nổi tiếng qua nhiều tác phẩm băng đĩa hài, phim quảng cáo trong quá khứ.
Tác phẩm tâm huyết của anh không hào nhoáng, không có sự tham gia của ngôi sao, nhưng vẫn có kinh phí lên tới 18 tỷ đồng. Đồng hành với Lương Đình Dũng là nhà quay phim, NSND Lý Thái Dũng, nhà soạn nhạc người Hàn Quốc Lee Dong Jun (Taegukgi), dựng phim người Pháp Julie Béziau...
Ngoài ra, Cha cõng con còn có quãng thời gian hậu kỳ kéo dài tới gần một năm tại Thái Lan. Tất cả mong muốn đem đến những thước phim ấn tượng cho khán giả trên nền là một câu chuyện cảm động.
Tình phụ tử thiêng liêng là nội dung chủ đạo
Trái ngược với ê-kíp làm phim hùng hậu, dàn diễn viên của Cha cõng con chủ yếu là những gương mặt tay ngang. Ngô Thế Quân - người đảm nhiệm vai bố Mộc - vốn là họa sĩ thiết kế, nay lại theo học Đông y, và mới chỉ tham gia vỏn vẹn hai phim điện ảnh.
Còn Đỗ Trọng Tấn - bé Cá lém lỉnh mà ngoan ngoãn - được Lương Đình Dũng tuyển chọn cùng một số em nhỏ khác từ làng trẻ SOS Việt Trì. Có lẽ chính bởi sự xa lạ với máy quay, bộ đôi mang đến cho khán giả cảm giác chân thực mà lạ lẫm, như thể họ bước ra từ chính cuộc sống đời thường, chứ không phải "màn bạc" xa hoa.
Cả Ngô Thế Quân và Đỗ Trọng Tấn đều là diễn viên không chuyên. Nhưng họ được đạo diễn Lương Đình Dũng tin tưởng giao cho hai vai chính của Cha cõng con.
Từ cái giọng ngọng nghịu của bé Cá cho đến nụ cười hiền hậu pha lẫn nét khắc khổ của anh Mộc, hay cả ánh mắt lấp lánh của lũ trẻ khi nghe anh Mù kể chuyện, tất cả có thể khiến người xem lầm tưởng rằng đây là một bộ phim tài liệu.
Được ghi hình tại nhiều nơi như Hà Giang, Quảng Bình, Sài Gòn, Hà Nội... nhưng bối cảnh của Cha cõng con không có tên gọi xác định. Khán giả chỉ biết ở một vùng quê miền núi nghèo xơ xác nào đó, hai cha con Mộc - Cá đang sống và đùm bọc lẫn nhau trong ngôi nhà xập xệ bên sông.
Vợ mất sớm, anh Mộc cứ thế ở vậy nuôi con. Mỗi lần lũ về, hai cha con vội vàng gói ghém đồ đạc, dìu dắt nhau lên cái lán chung - nơi nhiều gia đình khác xung quanh cũng lên tránh lũ.
Người lớn lo lắng, nhưng bọn trẻ lại rất vui. Bởi chúng có dịp được tụ tập, được nghe chú Mù kể câu chuyện về thành phố không bao giờ ngủ, về tòa nhà cao chạm đến mây, cũng như tổ của những "con chim sắt" vẫn thường bay vụt qua trên không trung... Chúng nuôi giấc mơ thật giản dị: "Ngày nào đó lớn lên, tao sẽ lên thành phố".
Cuộc sống đạm bạc của anh Mộc và bé Cá những tưởng cứ thế êm đềm trôi qua, nhưng không. Đến một ngày, Cá bỗng nôn ra máu rồi trở nên yếu dần. Cực chẳng đã, anh Mộc đành "cõng" con lên thành phố khám bệnh trước khi mọi chuyện trở nên quá muộn, với không một mảnh giấy tùy thân.
Buồn nhưng không sến
Nội dung Cha cõng con thực sự không quá mới lạ hay gay cấn, khó lòng có thể thu hút số đông đại chúng. Nhưng điều mà ê-kíp làm phim muốn hướng tới và gửi gắm cho khán giả là sự tử tế, chỉn chu đến mức cầu toàn ở mọi khâu.
80 ngày quay, một năm hậu kỳ, thậm chí chẳng ngại kéo cả đoàn từ Hà Nội ngược lên Hà Giang nếu thấy cảnh quay chưa đủ thuyết phục, Cha cõng con là bộ phim thể hiện rõ sự nghiêm túc của đạo diễn Lương Đình Dũng và các cộng sự.
Câu chuyện trong Cha cõng con buồn, nhưng không hề bi lụy. Nhìn vào cha con Mộc - Cá, người xem có lẽ sẽ tìm thấy nhiều niềm tin hơn vào cuộc sống.
Thay vì lái tác phẩm theo hướng bạo liệt, câu nước mắt khán giả, nhà làm phim chỉ cố gắng kể một câu chuyện rất đỗi giản dị, chân phương về tình phụ tử. Có những chi tiết nhỏ nhưng lại thể hiện rõ tình yêu mà anh Mộc dành cho bé Cá.
Đó là khi anh làm lụng vất vả nhưng không bao giờ la mắng con, bán từng con cá bắt được với giá 5.000 đồng để mua áo cho con mặc, cho phép bé mang chú gà con về nhà rồi "đèo bòng" nó khi đưa Cá lên Hà Nội khám bệnh...
Dĩ nhiên, trường đoạn gây ra nhiều cảm xúc nhất xảy ra ở cuối phim, khi anh Mộc nuốt nước mắt, lau mồ hôi, cõng con lên trên đỉnh của "tòa nhà tương lai", để bé Cá có thể thỏa ước nguyện khi đang chống chọi lại căn bệnh hiểm nghèo.
Không cần nhiều lời thoại, chỉ ngần ấy hành động thôi cho thấy tình yêu mà anh Mộc dành cho bé Cá, mà một người cha dành cho con trai, có thể lớn lao đến thế nào.
Bởi phần nội dung ấy, Cha cõng con tràn ngập nỗi buồn của những phận người nghèo khổ nơi vùng sâu vùng xa, nơi mà ánh sáng văn minh vẫn còn là điều xa xỉ. Nhưng tác phẩm không hề bi lụy. Người cha vẫn tâm niệm sẽ bắt "đủ 160.000 con cá" để chữa bệnh cho con.
Đến một người như anh Mộc còn chưa gục ngã thì chẳng có lý gì khán giả lại mất hết hy vọng vào cuộc sống.
Ấn tượng từ kỹ thuật quay phim, âm nhạc
Cha cõng con không chỉ có câu chuyện của gia đình anh Mộc - bé Cá, mà còn sở hữu tuyến nhân vật phụ khá đầy đặn. Mỗi người đều có hoàn cảnh khác nhau, mang những nỗi niềm khác nhau, nhưng cùng chia sẻ phận nghèo.
Anh chàng mù to cao vạm vỡ, từng có quá khứ "oai hùng" nơi phố thị. Nhưng sau biến cố, người thanh niên đành trở về quê, ôn lại ký ức xưa cũ qua những câu chuyện kể cho đám trẻ. Hay người đàn bà bỗng chốc mất cả gia đình sau trận lũ quét, ngày ngày ôm khư khư đôi ủng của con trai, gây ra sự ám ảnh dù nhân vật chẳng hề cất lời.
Cha cõng con ghi điểm bởi phần hình ảnh và nhạc phim ấn tượng đến từ những người giàu kinh nghiệm là quay phim Lý Thái Dũng và nhà soạn nhạc Lee Dong Jun.
Khán giả cũng không thể quên hai ông cháu đã hai năm sống trong bệnh viện, chật vật và khánh kiệt tới nỗi ông phải đi xin cơm cháy cho cháu, tìm cách bắt trộm con gà yêu của bé Cá về để nấu cháo... Đó là những số phận nhỏ nhoi, luôn tồn tại trong xã hội mà chẳng mấy khi được nghề đời để ý.
Nhờ tập hợp được một ê-kíp xuất sắc, Cha cõng con sở hữu phần hình ảnh và nhạc nền ấn tượng. NSND Lý Thái Dũng mang đến nhiều góc quay lạ, mô tả trọn vẹn vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên vùng núi phía Bắc. Kết hợp với phần nhạc nền giàu cảm xúc đến từ nhà soạn nhạc Hàn Quốc, Cha cõng con ghi điểm cả về phần nghe lẫn phần nhìn.
Song, dù chỉ dài chưa đầy 90 phút, Cha cõng con vẫn còn rườm rà bởi cách kể chuyện có phần lê thê. Điều đó không ít lần khiến cảm xúc mà tác phẩm muốn đem lại cho khán giả chưa thực sự "chín". Ngoài ra, âm thanh và đài từ của các nhân vật phụ đôi lúc còn khiến người xem nhớ tới... phim truyền hình.
Đạo diễn Lương Đình Dũng nổi tiếng là người đam mê, chịu "cháy hết mình" với những dự án mà mình đề ra. Thực hiện Cha cõng con đối với anh là một lựa chọn cực kỳ mạo hiểm, nhất là trong bối cảnh thị trường điện ảnh ưa chuộng các tác phẩm giải trí hơn.
Dù còn tồn tại khiếm khuyết, Cha cõng con thực sự là "màn chào sân" điện ảnh đáng ghi nhớ của Lương Đình Dũng và khán giả có quyền đặt hy vọng ở dự án tiếp theo của anh.
Cha cõng con chính thức khởi chiếu trên toàn quốc từ 5/4.
Theo Zing
Chuyện tình không lối thoát của kẻ mang "thân sâu hồn bướm" Là câu chuyện xoanh quanh những phận đời trái ngang của một đoàn hát, lấy cảm hứng từ bộ phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, bộ phim Lô Tô đã làm rung động được nhiều khán giả, tuy vậy, kịch bản vẫn còn nhiều khuyết điểm Trailer phim Khơi lên được sự đồng cảm phận người chuyển giới Nhân...