10 nước chi tiêu khủng nhất cho quốc phòng trong năm 2018
Mỹ, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ nằm trong top 5 nước chi tiêu nhiều nhất cho quân sự-quốc phòng trong năm 2018, theo viện nghiên cứu uy tín IISS.
Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở ở Anh trong ấn phẩm “The Military Balance 2019″ đã thống kê chi tiêu quốc phòng của 15 nước hàng đầu thế giới trong năm 2018.
10 nước đầu tiên trong danh sách này là 1- Mỹ ( với mức chi khủng 643,3 tỷ USD), 2- Trung Quốc (168,2 tỷ USD), 3- Saudi Arabia (82,9 tỷ USD), 4- Nga (63,1 tỷ USD), 5- Ấn Độ (57,9 tỷ USD), 6- Anh (56,1 tỷ USD), 7- Pháp (53,4 tỷ USD),8- Nhật Bản (47,3 tỷ USD), 9- Đức (45,7 tỷ USD), và Hàn Quốc (39,2 tỷ USD).
Theo IISS, tổng chi tiêu quốc phòng của các nước NATO khu vực châu Âu là 264 tỷ USD, tức là trên Trung Quốc nhưng vẫn dưới Mỹ.
Đồ họa và dữ liệu của IISS về top 15 nước rót nhiều tiền nhất cho quân sự-quốc phòng trong năm 2018. (Nhấp chuột vào ảnh để xem ở chế độ lớn hơn).
Như vậy theo bảng xếp hạng của IISS (viện này cũng là cơ quan tổ chức Đối thoại Shangri-La nổi tiếng), Mỹ và Trung Quốc vừa là 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới vừa là 2 quốc gia đứng ở top 2 thế giới hiện nay về ngân sách quốc phòng. Riêng Mỹ vẫn bỏ xa các nước khác trong danh sách top 15.
Video đang HOT
Saudi Arabia – một nước giàu có nhờ nguồn dầu lửa phong phú và là cường quốc hàng đầu của Trung Đông, đứng ở vị trí thứ 3. Nga tuy gặp khó khăn về kinh tế, chịu nhiều lệnh trừng phạt o ép từ phương Tây nhưng vẫn đầu tư rất nhiều cho quốc phòng, ở mức thứ 4 thế giới. Ấn Độ – nước đông dân thứ 2 thế giới, chiếm lĩnh vị trí thứ 5.
Đáng lưu ý có Israel là một nước nhỏ về diện tích và dân số nhưng xếp ở bậc 14 với ngân sách quốc phòng là 21,6 tỷ USD. Iraq bị chiến tranh tàn phá nặng nề trong các năm qua nhưng vẫn lọt vào danh sách 15 nước hàng đầu về chi tiêu quân sự này (Iraq nằm cuối bảng, với mức chi tiêu là 19,6 tỷ USD)./.
Theo Trung Hiếu/VOV.VN
Đối thoại Shangri-La 2019 : Nhu chế cương, trong khác ngoài
Nhìn nhận và đánh giá thế nào về quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay, qua những gì diễn ra tại Đối thoại Shangri-La năm 2019? Phân tích của TG&VN.
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa gặp nhau trước khi bắt đầu Đối thoại an ninh Shangri-La, tại Singapore, ngày 31/05/2019 (Reuters).
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ hiện không được ổn thoả. Nó nhập nhằng giữa găng và dịu, giữa tiếp tục leo thang căng thẳng và sẵn sàng nhanh chóng hoà giải, giữa có nhiều chuyện gay cấn chưa thể được giải quyết và giữ cho quan hệ không hề bị đổ vỡ. Diễn đàn Đối thoại Shangri-La ở Singapore năm nay diễn ra trong bối cảnh tình hình quan hệ như thế giữa Mỹ và Trung Quốc.
"Đến hẹn lại lên"
Sau 8 năm vắng bóng, lần đầu tiên Trung Quốc lại cử bộ trưởng quốc phòng tới tham dự. Quyền bộ trưởng quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cũng tham dự lần đầu tiên. Họ cũng đã gặp nhau tay đôi bên lề cuộc Đối thoại. Bài phát biểu của họ tại diễn đàn được chú ý bởi dù họ có trình bày quan điểm của chính phủ Trung Quốc và chính phủ Mỹ về chính trị an ninh khu vực hay thế giới thì ẩn hiện phía sau đều về mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Đối thoại Shangri-La Singapore là diễn đàn an ninh có uy tín nhất định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhưng thực chất chỉ là sự kiện "đến hẹn lại lên", như Hội nghị an ninh Munich ở Đức hay thậm chí Diễn đàn kinh tế thế giới Davos ở Thuỵ Sỹ. Ồn ào mấy ngày rồi bị quên lãng cho tới năm sau. Ở đó, vấn đề chỉ được đề cập đến chứ không được giải quyết, thuyết trình chứ không thảo luận, được nói ra quan trọng hơn những gì nói ra được nghe. Vì thế, tất cả những gì diễn ra ở khuôn khổ diễn đàn này cần phải được sàng lọc hiện tượng nếu muốn nhận diện bản chất.
Còn nhiều mắc mớ
Giữa Mỹ và Trung Quốc hiện tại có nhiều mắc mớ hơn so với trong thời gian trước. Liên quan đến Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thiết lập được cơ chế đối thoại song phương giữa Mỹ và Triều Tiên để giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, chuyện chiến tranh hay hoà bình trên bán đảo Triều Tiên và khả năng bình thường hoá quan hệ giữa hai nước mà chưa phải dựa cậy gì nhiều tới vai trò của Trung Quốc.
Liên quan đến Đài Loan, cả 40 năm sau khi Mỹ có bộ Luật về quan hệ với Đài Loan, Trung Quốc vẫn chưa thành công với việc làm suy xuyển mối quan hệ đặc biệt giữa Mỹ và Đài Loan. Mỹ vẫn tiếp tục cung cấp vũ khí cho Đài Loan. Chừng nào Mỹ vẫn còn như vậy thì chừng ấy Trung Quốc chưa thể thu phục được Đài Loan bằng biện pháp quân sự.
Ở khu vực Biển Đông, bất đồng quan điểm và cọ sát lợi ích giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng, không chỉ quyết liệt mà còn cơ bản. Xung khắc thương mại giữa hai bên vẫn chưa được giải quyết. Đàm phán thương mại chưa biết đến khi nào mới có thể được kết thúc thành công.
Hiện tượng và bản chất
Nếu nhìn vào bản chất cuộc cạnh tranh chiến lược hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc thì giữa hai bên rồi đây nếu có được thì chỉ có thể dịu bớt chứ không thể có được hài hoà. Hai bên sẽ không xô đẩy nhau vào chiến tranh thương mại và càng không để xảy ra đụng độ quân sự với nhau ở khu vực Biển Hoa Đông và Biển Đông. Nhưng rõ ràng là chừng nào ông Trump còn cầm quyền ở Mỹ thì chừng đó Trung Quốc còn bị khó khăn chứ không được dễ dàng với Mỹ trên mọi phương diện quan hệ song phương. Nếu như tới đây ông Trump chính thức ứng cử tổng thống Mỹ lần nữa thì chuyện xử lý quan hệ của Mỹ với Trung Quốc sẽ càng được ông Trump coi trọng vì tác động dân tuý của nó càng thêm quyết định đối với triển vọng được tái đắc cử tổng thống của ông Trump. Trung Quốc không thể không trù liệu đến và chuẩn bị ứng phó sớm với kịch bản này.
Trung Quốc đáp trả Mỹ quyết liệt trong chuyện xung khắc thương mại và cả ở diễn đàn Đối thoại Shangri-La Singapore năm nay. Trong khi chưa tung ra hết mọi con chủ bài để đáp trả đủ mức ngang ngửa với mức độ xung khắc thương mại của Mỹ, Trung Quốc không khoan nhượng trong cuộc khẩu chiến với Mỹ trên dư luận và ở Singapore. Ở đây có thể thấy mức độ phản ứng của Trung Quốc vẫn còn kiềm chế, lấy cương chế cương trong các tuyên bố và phát ngôn, nhưng vẫn còn lấy nhu chế cương trong thực chất, phản ánh nhận thức của Trung Quốc là với Mỹ thì phải đáp trả thích đáng nếu muốn làm cho Mỹ không tiếp tục lấn tới, nhưng hiện tại chưa phải là thời điểm và bối cảnh thích hợp và có lợi nhất để chơi sát ván với Mỹ mà Trung Quốc vẫn còn cần thời gian để củng cố và tăng cường thế và lực, để tập hợp lực lượng và bài binh bố trận.
Dùng nhu chế cương và duy trì sự khác biệt giữa trong và ngoài như thế này là cách Trung Quốc chơi con bài thời gian trong quan hệ với Mỹ.
Ở Singapore vừa qua, người ta chứng kiến cuộc khẩu chiến quyết liệt giữa quyền bộ trưởng quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan và bộ trưởng quốc phòng Mỹ Nguỵ Phượng Hoà.
Thật ra, nó chỉ đặc biệt thu hút được chú ý ở phương diện ông Shanahan lần đầu tiên tham dự Đối thoại Shangri-La Singapore và lần đầu tiên kể từ năm 2011 Trung Quốc lại cử bộ trưởng quốc phòng tham dự sự kiện này thôi chứ còn mọi tuyên bố và thông điệp, lập luận và giải thích, răn đe và cảnh báo của cả hai phía đều không mới mẻ gì. Bên này nhắc nhở bên kia về chỉ giới đỏ mà chớ nên bước qua. Và sẽ chẳng có bên nào rồi đây bước qua lằn ranh ấy đâu.
Dịch Dung
Theo baoquocte
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch phát biểu về 'ngăn ngừa xung đột' tại Đối thoại Shangri-la 18 Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch : Nếu các nước cùng tuân thủ luật pháp quốc tế thì biển Đông sẽ trở thành vùng biển hòa bình, hợp tác và phát triển. Trong phiên thảo luận sáng 2/6 tại Đối thoại Shangri-la lần thứ 18, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch có bài phát biểu với chủ đề...