10 nhà máy nước sạch bỏ hoang, dân dùng… nước bẩn
Tỉnh Quảng Bình hiện có hơn 50 nhà máy cung cấp nước sạch. Trong số đó có 10 công trình được đầu tư hàng chục tỉ đồng nhưng đang bị “ bỏ hoang”. Hàng trăm ngàn người dân vẫn phải sử dụng nguồn nước nhiễm phèn, ô nhiễm.
Quá lãng phí!
Quảng Bình là địa phương nằm trong vùng khí hậu khắc nghiệt của dải đất miền Trung. Hễ đến mùa khô, hạn hán kéo dài, nơi đây lại thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất. Về mùa mưa thường xảy ra lũ lụt, làm cho nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm phèn, ô nhiễm nặng. Chính vì vậy, nhu cầu sử dụng nước sạch sinh hoạt là một trong những vấn đề cấp thiết của người dân nơi đây.
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, tỉnh Quảng Bình đã huy động các nguồn vốn để đầu tư hàng trăm tỉ đồng xây dựng công trình cấp nước cho người dân. Qua quá trình đầu tư và đưa vào sử dụng, bên cạnh các công trình cấp nước đã phát huy hiệu quả thì vẫn còn nhiều công trình với số vốn đầu tư hàng chục tỉ đồng nhưng không phát huy tác dụng.
Ông Lê Hồng Quân, Trưởng thôn Trung Thôn, xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch rất bức xúc vì hàng trăm hộ dân thôn này đã nộp tiền lắp đặt hệ thống ống dẫn nước hơn 6 năm nay nhưng vẫn phải dùng nguồn nước nhiễm bẩn
Theo số liệu của Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Bình, hiện tại tỉnh này có hàng chục công trình cấp nước tiền tỉ chưa dùng đã hỏng hoặc không thể đưa vào hoạt động. Đó là các công trình như: Nhà máy nước sạch sinh hoạt Rào Đá ở xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh; Nhà máy nước ại Phong, xã Phong Thủy; Công trình nước sạch xã An Thủy và Hoa Thủy (huyện Lệ Thủy); Công trình nước sạch Cự Nẫm (huyện Bố Trạch)…
Điển hình cho các công trình “đắp chiếu” là Dự án nhà máy nước sạch sinh hoạt Rào Đá.Công trình có tổng vốn đầu tư hơn 22 tỉ đồng, dự tính khi đi vào hoạt động sẽ cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 100.000 hộ dân của 13 xã thuộc huyện Quảng Ninh. Công trình được khởi công xây dựng và hoàn thành vào năm 2010. Tuy nhiên từ đó đến nay, nhà máy này không một lần đi vào hoạt động, trong khi người dân thuộc diện hưởng lợi từ dự án hiện vẫn phải chịu cảnh dùng nước nhiễm phèn, ô nhiễm để sinh hoạt, ăn uống.
Video đang HOT
Nhà máy nước sinh hoạt Rào Đá được đầu tư 22 tỉ đồng nhưng đến nay vẫn “đắp chiếu” do chưa có hệ thống ống dẫn nước
Hay như Dự án cung cấp nước sạch sinh hoạt xã Quảng Trung được triển khai xây dựng vào cuối năm 2005. Công trình do Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Bình làm chủ đầu tư, với tổng số vốn hơn 1 tỉ đồng. Đến tháng 12 năm 2006, công trình được hoàn thành và bàn giao lại cho UBND xã Quảng Trung quản lý. Tuy nhiên, sau khi bàn giao công trình không phát huy tác dụng, khiến hàng trăm hộ dân nơi đây phải sử dụng nguồn nước nhiễm phèn, ô nhiễm.
Nước ở nhà máy nước sạch Quảng Trung cũng bị nhiễm phèn
Vì sao công trình bỏ hoang?
Theo điều tra của phóng viên , nhiều công trình, nhà máy cung cấp nước sạch ở Quảng Bình được thi công rất cẩu thả, chất lượng kém và một số công trình vừa xây xong nhưng do người dân không có nhu cầu sử dụng nên bỏ hoang. Đơn cử như công trình nước sạch sinh hoạt xã Hoa Thủy, huyện Lệ Thủy được đầu tư gần 3 tỉ đồng nhưng do người dân không có nhu cầu sử dụng nên sau khi hoàn thành, công trình bị bỏ hoang từ đó đến nay.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Được, Giám đốc Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Bình cho hay, việc một số công trình cấp nước không phát huy tác dụng hoặc hoạt động kém hiệu quả là do đầu tư theo kiểu phong trào, “xin” dự án mà không xuất phát từ nhu cầu thực tế của địa phương và người dân; do chất lượng công trình kém… Ngoài ra, trong quá trình lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư không tuân thủ các quy định hiện hành dẫn đến lựa chọn một số đơn vị thi công không đủ năng lực. Do quá trình giám sát lỏng lẻo nên không tuân thủ thiết kế khiến nhiều công trình sau khi đưa vào sử dụng đã bị nứt vỡ, hỏng.
Công trình cấp nước sạch sinh hoạt xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch bỏ hoang hơn 6 năm nay
“Trung tâm sẽ tiến hành kiểm tra chất lượng tất cả các công trình để từ đó có hướng xử lý, khắc phục theo đúng quyết định 131 của Chính phủ. Theo đó, những công trình đạt tiêu chuẩn theo quy định nhưng hiện đang bỏ hoang thì sẽ khôi phục lại các hạng mục đã hư hỏng để người dân sử dụng nhằm tránh lãng phí”, ông Được khẳng định.
Thiết nghĩ, trước khi triển khai các dự án cung cấp nước sạch sinh hoạt, các nhà chức trách tỉnh Quảng Bình cũng như các đơn vị liên quan cần phải có quá trình khảo sát thực tế, tìm hiểu nhu cầu của người dân và có biện pháp quản lý chặt chẽ trong quá trình thi công, nhằm tránh gây lãng phí về kinh tế cũng như gây bức xúc cho người dân.
Theo Dantri
Công trình nước sạch đắp chiếu, dân khát nước
Hàng ngàn hộ dân ở 2 thôn Trung Thôn và Biểu Lệ (xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) đang phải sử dụng nước nhiễm phèn, trong khi công trình nước sạch vừa khánh thành đã bị bỏ hoang từ 6 năm nay...
Nước nhiễm phèn nặng
Về 2 thôn Trung Thôn và Biểu Lệ, nói đến chuyện nước sinh hoạt, ai cũng ngán ngẩm. Ông Lê Hồng Quân - Trưởng thôn Trung Thôn cho biết, hiện hơn 1.000 hộ dân ở 2 thôn này vẫn phải sử dụng nước nhiễm phèn, trong khi công trình nước sạch khánh thành chưa kịp sử dụng đã bị bỏ hoang 6 năm nay.
Theo ông Quân, hầu hết người dân ở đây đều phải xây bể hứng nước mưa dùng để nấu cơm ăn, nước uống. Nhà nào không dùng bể hứng nước mưa thì phải lọc qua bể chứa cát, sau đó đun sôi rồi lọc lại một lần qua bình lọc mới sử dụng được. Đến mùa khô, nước mưa trong bể cũng hết nên bà con phải mua từng can nước sạch từ các xã khác hoặc những thuyền buôn nước ngọt trên sông Gianh với giá từ 70-120 nghìn đồng/m3.
Cũng theo ông Quân, các hộ nơi đây đều đào giếng sâu hơn 10m nhưng nước vẫn nhiễm phèn nặng, màu vàng khè đào sâu hơn chút nữa thì lại bị nhiễm mặn không dùng được. Cũng không thể đào sâu hơn vì càng đào xuống sâu hơn thì nước có hiện tượng nhiễm mặn. Người dân ở đây cho biết, nước giếng ở đây chủ yếu chỉ dùng để tắm rửa, giặt giũ nhưng khi áo quần khô vẫn còn mùi chua khó chịu và hoen ố hết. "Không có nước sạch vẫn phải cắn răng dùng nước phèn rứa thôi, ngày mô da dẻ cũng được đắp một lớp phèn ri, nỏ biết khi mô phát bệnh nữa" - chị Nguyễn Thị Minh (thôn Biểu Lệ) than thở.
Để có nước sạch sử dụng, hàng ngày chị Nguyễn Thị Minh (thôn Biểu Lệ) phải lọc qua nhiều công đoạn.
Công trình nước sạch "đắp chiếu"
Về công trình nước sạch bị bỏ hoang, Trưởng thôn Lê Hồng Quân cho biết, năm 2002, Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Bình đầu tư công trình nước sạch hơn 2 tỷ đồng phục vụ nhu cầu người dân nơi đây. Theo thiết kế, nước được bơm từ 3 giếng khoan lên bể lọc, sau đó đẩy lên bể chứa nước được đặt đầu nguồn thôn Biểu Lệ. Từ đây nước sẽ được đưa về bằng các đường ống chính theo trục xương cá. Người dân chịu chi phí mua đồng hồ, dây ống... kéo nước từ trục chính về nhà.
Ông Được cho biết: "Chúng tôi sẽ tiến hành đánh giá lại chất lượng công trình, nếu đúng tiêu chuẩn thì sẽ khôi phục lại các hạng mục đã hư hỏng để người dân sử dụng".
Đến năm 2006 công trình được thi công xong và bàn giao cho chính quyền xã. Người dân vui mừng vì sau bao năm giờ đã có nước sạch để dùng. Người dân đã mua ống, mua đồng hồ để kéo nước về người gần trục ống chính mất vài trăm ngàn, người xa lên đến tiền triệu. Thế nhưng, chẳng hiểu vì sao, chỉ được một thời gian ngắn ống nước tịt hẳn, công trình "đắp chiếu" lau lách, rêu phong mọc xanh rì từ đó. Ông Quân cho biết, thôn đã nhiều lần phản ánh lên trên, nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra đã về làm việc, tuy nhiên mọi việc đâu vẫn hoàn đấy.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Được - Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết: Ngay sau khi công trình hoàn thành năm 2006, đơn vị đã bàn giao cho xã quản lý. Tuy nhiên sau một thời gian công trình không phát huy tác dụng, tỉnh đã lập đoàn kiểm tra và kết luận: "Do nhu cầu sử dụng nước của người dân trong xã chưa cao, thu nhập của người dân còn thấp, mật độ dân thưa nên gặp nhiều khó khăn, ý thức thực hiện cam kết về nộp tiền đóng góp chưa cao, chất lượng công trình, công tác bảo vệ, bảo quản chưa tốt... Về phía đơn vị cũng đã thực hiện lấy mẫu nước đưa đi kiểm tra nhưng vẫn đảm bảo các yêu cầu cho phép".
Theo 24h
Xác định dân dùng thuốc trừ sâu Motox 5EC để bắt cua đồng Từ những thông tin đồn đại, quan chức tỉnh Quảng Bình đã vào cuộc và bước đầu xác nhận có chuyện một số người dân ở địa phương dùng thuốc trừ sâu để bắt cua đồng. Ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết: loại thuốc bảo vệ thực vật mà một số người...