10 người bị thương do nổ bóng bay đêm Trung thu
Chùm bóng bay ở một điểm vui chơi tại TP Đồng Hới (Quảng Bình) phát nổ trong đêm Trung thu khiến 10 người xung quanh bị thương, nhập viện cấp cứu.
Ba trẻ em bị thương do nổ bóng bay. Ảnh: Quảng Hà
Khoảng 22h tối 15/9, tại điểm vui chơi ở đường Thống Nhất (TP Đồng Hới, Quảng Bình), chùm bóng bay phát nổ khiến 10 người xung quanh bị thương, nhập viện cấp cứu, trong đó có 3 trẻ em.
Một người chứng kiến sự việc kể có nam thanh niên dùng bật lửa để đốt dây cột bóng bay nhằm lấy bóng thì cả chùm phát nổ. Vụ nổ khiến hiện trường trở nên hỗn loạn, nhiều người vứt xe máy, ôtô bỏ chạy.
Các nạn nhân nhập viện với nhiều vết bỏng trên cơ thể, ở các vị trí như mặt, cánh tay… Bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Văn Sơn, Phó khoa cấp cứu Bệnh viện Việt Nam – Cuba Đồng Hới, cho biết các nạn nhân bị bỏng khí hidro cấp độ 2 và 3. “Một số bệnh nhân nhẹ được cấp thuốc rồi cho về nhà, trong khi số khác chuyển khoa tiếp tục điều trị”, vị bác sĩ cho hay.
Hoàng Táo
Video đang HOT
Theo VNE
Đề xuất không thả bóng bay trong Lễ khai giảng
Những quả bóng bay tưởng như vô hại nhưng khi gặp lửa sẽ gây cháy nổ gây thương tích cho những người đứng gần.
Cầm bóng bay chứa Hydro thành từng chùm dễ gây nổ liên hoàn.
Lễ Khai giảng năm học mới diễn ra, các chuyên gia y tế lo ngại, sẽ có người nhập viện do nổ bóng bay. Bởi cách đây không lâu tại Hải Phòng đã xảy ra một vụ nổ bóng bay trong đúng ngày khai giảng khiến 3 người bỏng nặng.
Bóng bay rất dễ cháy nổ
Chia sẻ với phóng viên, bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, theo thống kê tại Bệnh viện, khoảng 10 năm gần đây, mỗi năm bệnh viện có hàng chục trường hợp nguy kịch vì cháy bóng bay và nổ bình khí hydro trong những ngày lễ, ngày Tết và Lễ Khai giảng.
Theo bác sĩ Thống, những quả bóng tưởng như vô hại này lại rất dễ gây tổn thương chỉ cần có tia lửa như hút thuốc hay dòng điện đi qua là bóng có thể cháy nổ. Ngay cả khi thả bóng bay lên trời trúng vào các dây điện cao thế, hoặc vô tình mang vào bếp cũng có thể gây cháy nổ.
BS Nguyễn Thống lý giải, bóng bay thường được bơm khí hydro (hoặc acetylene) là những chất khí rất dễ cháy. Khi bóng ở gần nguồn nhiệt sẽ tạo ra sự co giãn, tăng áp suất khí làm bể bóng, khí hydro thoát ra kết hợp với oxy gây cháy nổ, tạo sức ép khiến cả chùm bóng nổ theo, gây thương tích cho những người đứng gần.
"Khí hydro khi cháy nổ, nhiệt độ còn cao hơn cháy gas, nên rất nguy hiểm", bác sĩ Thống cảnh báo.
Bỏng do nổ bóng bay có bơm khí hydro thường rơi vào chỗ hiểm và mất thẩm mỹ như đầu, mặt, cổ, tai, hai bàn tay và nhiều người bị cùng lúc. Nếu lúc bóng nổ, nạn nhân vô tình hít nhiều khí hydro, có thể sẽ bị lơ mơ, ói mửa, co giật, hôn mê, thậm chí tử vong.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, trẻ nhỏ dễ bị ngộ độc nếu tiếp xúc bằng miệng (ngậm, mút...) trực tiếp vào bóng. Bởi dung dịch màu dùng để tạo màu sắc cho những quả bóng bay không phải màu thực phẩm. Màu dùng ở đây là màu dành cho ngành công nghiệp như: ngành in, ngành nhuộm. Chất màu này phần lớn là các hợp chất mạch vòng nên rất độc. Trẻ nhỏ khi ngậm, mút, tiếp xúc trực tiếp với bột màu rất độc này.
Trong quá trình sản xuất bóng bay, nhà sản xuất buộc phải sử dụng thêm một số chất phụ gia bao gồm các hóa chất như chất lưu hóa, chất xúc tác, chất dẻo hóa, chất chống ôxy hóa, các chất tạo màu công nghiệp...
"Hầu hết các loại bóng bay trên thị trường hiện nay đều rất độc khi cho trẻ nhỏ thổi, ngậm, mút hay cầm tay. Nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển về thể chất và tinh thần chưa hoàn chỉnh của trẻ", PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng cảnh báo.
Do đó, các chuyên gia y tế đề xuất không nên sử dụng bóng bay trong ngày lễ, ngày khai giảng. Nếu vẫn tiếp tục sử dụng, phải hết sức cẩn thận, tránh cầm quả to (gây nổ lớn), tránh cầm một chùm bóng (dễ bị nổ liên hoàn), tránh xa lửa, tránh ngậm, mút....
Đề xuất cấm sản xuất bóng bay chứa hydro
Thầy Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội cho biết, năm nay trường không có chủ trương thả bóng bay trong lễ khai giảng.
"Trường không tổ chức thả bóng bay trong lễ khai giảng còn học sinh tự mang đến thì nhà trường cũng không cấm", thầy Lâm cho hay.
Cũng theo Thầy Tùng Lâm, thả bóng bay rất lãng phí và nguy hiểm, đặc biệt là có nguy cơ cháy nổ. Do đó, Nhà nước nên có lệnh cấm và kiểm soát ngay từ khâu sản xuất bóng bay chứa khí hydro.
"Nhà nước phải cấm sản xuất, cấm bán và có cảnh báo loại bóng bay nào nguy hại cho sức khỏe còn nhà trường không kiểm soát nổi", ông Lâm nói.
Còn thầy Đào Tuấn Đạt, Hiệu trưởng trường THPT Anhxtanh cho biết, hiên nay việc quản lý và hướng dẫn các biện pháp an toàn phòng cháy, chữa cháy cho người mua và bán bóng bay chứa hydro chưa chặt chẽ. Hầu hết các bình, chai khí ngoài thị trường đều không được kiểm định nên tiềm ẩn nguy cơ gây nổ. Vì thế, để hạn chế tối đa mức độ nguy hiểm, trường THPT Anhxtanh không cho phép học sinh thả bóng bay trong Lễ khai giảng.
Trẻ nhỏ là đối tượng bị bỏng do bóng bay nhiều nhất nên khi trẻ chơi đùa với bóng bay, người lớn cần để ý. Nếu bị bỏng do bóng bay phát nổ, cần sơ cấp cứu ban đầu như bỏng nhiệt, bị bỏng ở phần nào thì cho ngâm vào nước sạch phần đó và đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời điều trị. Phụ huynh tuyệt đối không được bôi kem đánh răng hay bôi nước mắm lên vết bỏng sẽ dễ làm nhiễm trùng... (Bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng Khoa Bỏng, Bệnh viện Xanh Pôn)
Theo Diệu Thu (Dân Việt)
Bé sơ sinh bị bỏ rơi trong đêm rét buốt Một bé gái khoảng 5 ngày tuổi, chưa rụng rốn, được đặt trong một chiếc làn nhựa màu đỏ bỏ trước cửa trạm y tế phường Đồng Phú, TP Đồng Hới (Quảng Bình). Khoảng 22h đêm 21/12, chị Nguyễn Thị Thơm (38 tuổi), cán bộ Trạm y tế phường Đồng Phú, TP. Đồng Hới (Quảng Bình) phát hiện một cháu bé bị bỏ...