10 ngôi sao lương cao nhất lịch sử bóng đá Trung Quốc
Một số siêu sao bóng đá thế giới đã quyết định đến giải Super League và những Tevez, Lavezzi, Hulk, Oscar đã kiếm cho mình một khoản tiền khổng lồ từ việc chơi bóng ở Trung Quốc.
Việc các ngôi sao bóng đá đến Trung Quốc đã trở thành một xu hướng trong những năm trước đây. Một số đã chuyển sang các đội ở châu Á khác, trong đó có người chuyển đổi sớm hơn nhiều so với dự kiến vì họ vẫn còn có thể chơi bóng đỉnh cao tại châu Âu.
Và trong số những người đã chơi ở Chinese Super League, hầu hết đều kiếm được cho mình khối tài sản kết xù. Một cầu thủ được cho là bỏ túi mức lương gần 800.000 bảng Anh/tuần khi chơi cho Hebei China Fortune, tương đương gần 41,5 triệu bảng mỗi năm.
Nhiều ngôi sao như Tevez, Hulk, Oscar kiếm được rất nhiều tiền ở Trung Quốc. ẢNH: DAILY STAR
Super League của Trung Quốc giờ đây không còn là miền đất hứa của các siêu sao trời Âu khi quy định về mức lương trần được siết chặt, cũng như các doanh nghiệp bảo trợ cho các đội bóng ở Trung Quốc lao đao vì đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, Daily Star Sport đã điểm lại 10 ngôi sao hưởng mức lương cao chưa từng thấy trong lịch sử bóng đá Trung Quốc.
1. Ezequiel Lavezzi (798.000 bảng Anh/tuần)
Tiền đạo người Argentina rời bỏ trời Âu sau 4 năm gắn bó với PSG để chuyển sang Trung Quốc thi đấu nào năm 2016. Lavezzi có 3 năm chơi cho CLB Hebei China Fortune thuộc giải Super League của Trung Quốc, nơi anh kiếm được đến 798.000 bảng Anh mỗi tuần. Đây là mức lương cao nhất lịch sử bóng đá Trung Quốc.
Cựu tiền đạo của Napoli đã chấm dứt sự nghiệp cầu thủ vào năm 2019 ở tuổi 34. Sau 75 lần ra sân ở Trung Quốc, Lavezzi ghi được 35 bàn thắng. Dù được trả lương cao nhưng Lavezzi không mang về bất cứ danh hiệu nào cho Hebei China Fortune.
Lavezzi kiếm được khoản tiền đáng kinh ngạc ở Trung Quốc. ẢNH: DAILY STAR
2. Carlos Tevez (634.615 bảng Anh/tuần)
Ở bất kỳ nơi nào khác, mức lương hơn 600.000 bảng Anh/tuần có thể giúp bạn trở thành cầu thủ có thu nhập cao nhất giải đấu nhưng ở Trung Quốc thì không. Và đó là vì Tevez chơi bóng ở Trung Quốc cùng thời điểm với người đồng hương Argentina Lavezzi.
Dù Tevez tài năng hơn, nổi tiếng hơn Lavezzi nhưng cựu sao Manchester United và Manchester City này kiếm được ít hơn người đồng hương 160.000 bảng Anh/tuần.
Tevez gia nhập Shanghai Shenhua vào năm 2017 từ Boca Juniors. Khoảng thời gian chơi bóng ở Trung Quốc của Tevez chỉ kéo dài 7 tháng, nơi anh xem đó như là một kỳ nghỉ mà vẫn kiếm được tiền “khủng”. Sau đó, Tevez rời Trung Quốc trở lại quê nhà Argentiana thi đấu cho đội bóng thời thơ ấu Boca Juniors.
3. Oscar (500.000 bảng Anh/tuần)
Oscar từ bỏ đỉnh cao ở Premier League để đến Super League năm 2017. ẢNH: GETTY
Tiền vệ Oscar từ bỏ chơi bóng đỉnh cao ở Premier League cùng Chelsea để đến chơi bóng tại Trung Quốc vào năm 2017. Oscar đến CLB Shanghai SIPG khi mới 25 tuổi và hưởng mức lương 500.000 bảng Anh/tuần.
Nhiều người cảm thấy rằng tiền vệ người Brazil vẫn còn nhiều thứ để cống hiến ở các giải hàng đầu châu Âu nhưng Oscar đã từ bỏ tất cả để đến Trung Quốc. Oscar giúp Shanghai SIPG giành chức vô địch Super League vào năm 2018. Sau 144 trận ra sân cho CLB của Trung Quốc, Oscar ghi 44 bàn thắng.
4. Cedric Bakambu (341.000 bảng Anh/tuần)
Bakambu rời Villarreal đến Trung Quốc chơi cho Beijing Guoan vào ngày cuối cùng của năm 2018, nơi anh bỏ túi 341.000 bảng Anh/tuần. Tiền đạo này ghi 53 bàn sau 74 lần ra sân cho đội bóng thủ đô Trung Quốc, giành FA Cup vào năm 2018.
Bakambu, 30 tuổi được cho là sắp trở lại La Liga. Theo tờ El Nacional đưa tin, Barcelona đang quan tâm đến tuyển thủ người Congo này.
5. Hulk (320.000 bảng Anh/tuần)
Hulk có hơn 4 năm chơi cho Shanghai SIPG. ẢNH: GETTY
Một năm trước khi Oscar đến Thượng Hải, đồng đội người Brazil là Hulk đã chuyển sang cùng chơi cho CLB Shanghai SIPG. Hulk từ gã khổng lồ bóng đá Nga Zenit St Petersburg để đến Shanghai SIPG vào năm 2016 với mức phí chuyển nhượng 45 triệu bảng Anh và nhận lương 320.000 bảng Anh/tuần.
Tiền đạo người Brazil ở Trung Quốc đá bóng trong 4 năm rưỡi rồi rời đi vào tháng giêng vừa qua mà không có danh hiệu nào. Hulk từ chối gia hạn hợp đồng với Shanghai SIPG. Hiện Hulk đã trở về quê nhà Brazil chơi bóng cho Atletico Mineiro.
6. Graziano Pelle (263.000 bảng Anh/tuần)
Cựu tiền đạo của Southampton Pelle rời Premier League vào năm 2016 và chuyển đến Shandong Luneng (bây giờ là Shandong Taishan) với hợp đồng giúp ngôi sao người Ý này nhận 263.000 bảng Anh/tuần.
Mùa giải đầu tiên, Pelle chơi cực hay ghi 17 bàn sau 25 trận ra sân. Tổng cộng Pelle ghi 63 bàn trong tổng số 133 lần thi đấu ở Trung Quốc. Pelle rời Trung Quốc vào năm 2020 để trở lại Ý chơi cho Parma theo bản hợp đồng có thời hạn 1 năm. Hiện tại ở tuổi 36, Pelle đang thất nghiệp.
7. Stephan El Shaarawy (247.000 bảng Anh/tuần)
El Shaarawy giành FA Cup trong màu áo Shanghai Shenhua. ẢNH: DAILY STAR
Cựu sao AC Milan El Shaarawy gia nhập Shanghai Shenhua vào năm 2019 với mức phí chuyển nhượng 16 triệu euro (13,7 triệu bảng) và nhận lương tuần 247.000 bảng. El Shaarawy đã giúp CLB của mình giành FA Cup ngay mùa đầu tiên và đó cũng là chiếc cúp duy nhất El Shaarawy có được ở Trung Quốc.
Sau 2 mùa giải ở Trung Quốc, El Shaarawy rời Thượng Hải trở lại Serie A chơi cho AS Roma của HLV Jose Mourinho vào tháng giêng vừa qua dưới dạng chuyển nhượng tự do.
8. Paulinho (230.000 bảng Anh/tuần)
Cựu tiền vệ của Tottenham Paulinho không chỉ có một mà đến hai lần chơi bóng ở Trung Quốc, giữa hai lần đó là khoảng thời gian 2 năm khoác áo Barcelona.
Cầu thủ người Brazil này rời Premier League vào năm 2015 sau khi ký hợp đồng 4 năm với Guangzhou Evergrande, nơi anh kiếm 230.000 bảng mỗi tuần. Paulinho tạo ảnh hưởng ngay lập tức ở Trung Quốc với chức vô địch Super League trong 2 mùa giải ở CLB, trước khi gia nhập gã khổng lồ xứ Catalan Barca vào năm 2017.
Nhưng Paulinho đã trở lại Trung Quốc thi đấu vào năm 2019 và giành được 1 Super League khác cũng vào năm 2019. Hiện anh đã được CLB của Trung Quốc giải phóng hợp đồng sau một thỏa thuận chung giữa hai bên vào mùa hè vừa qua.
Paulinho, 33 tuổi gia nhập Al-Ahli vào tháng 7 nhưng rời đi trong hoàn cảnh đặc biệt chỉ 2 tháng sau khi đến Saudi Arabia. Hiện Paulinho là cầu thủ tự do.
9. Eder (213.000 bảng/tuần)
Eder rời Ý đến Trung Quốc chơi bóng. ẢNH: DAILY STAR
Một người có thu nhập cao bất ngờ trong danh sách này là Eder, người đã kiếm được khoản tiền lớn ở Trung Quốc. Theo tờ Statista, Eder nhận 213.000 bảng/tuần trong suốt ba năm chơi bóng ở Trung Quốc.
Jiangsu Suning, chủ sở hữu của Inter Milan đã đánh cược với một tiền đạo mới ghi 12 bàn ở Serie A sau 72 trận chơi cho Inter. Nhưng đó là “canh bạc” được đền đáp xứng đáng. Eder ghi bàn thường xuyên ở Trung Quốc và giúp CLB Giang Tô vô địch Super League 2020. Cầu thủ 34 tuổi này hiện đã trở về quê hương Brazil chơi cho Sao Paulo.
10. Marouane Fellaini (205.000 bảng Anh/tuần)
Cựu tuyển thủ Manchester United, Everton và tuyển Bỉ đã chọn Trung Quốc làm bến đỗ mới trong sự nghiệp cầu thủ của mình sau 6 năm gắn bó với “Quỷ đỏ”. Fellaini, 33 tuổi đến CLB Shandong Luneng và nhận mức lương 205.000 bảng mỗi tuần.
Bóng đá Trung Quốc và hành trình hướng tới World Cup
Đầu tư hàng tỷ USD xây học viện đào tạo, mua sắm cầu thủ và chiêu mộ HLV giỏi, nhưng bóng đá Trung Quốc vẫn lạc lối trong mê cung tham vọng mang tên World Cup.
"Bóng đá sẽ là sự nghiệp của cháu khi lớn lên. Cháu muốn trở thành Cristiano Ronaldo của Trung Quốc", Wang Kai, 13 tuổi, trả lời trong một buổi tập. "Cháu muốn sau này được chơi cho Real Madrid hoặc Barcelona, hoặc chí ít được khoác áo tuyển Trung Quốc, chiến đấu vì niềm tự hào dân tộc", He Xinje, 14 tuổi, nói về giấc mơ của mình.
Kai và Xinje là thành viên của Học viện Bóng đá Evergrande, nơi trên dưới 50 sân bóng cùng 138 chuyên gia huấn luyện làm việc ngày đêm. Học viện này đang đào tạo hơn 2.500 cầu thủ nhí, những đứa trẻ đang mang trên mình khát vọng đổi đời của bóng đá Trung Quốc.
Hành trình trở thành "Ronaldo Trung Quốc" của Kai hay chơi cho Barcelona của Xinjie còn rất dài. Nó chông chênh, khó khăn tựa như giấc mộng trở lại World Cup của nền thể thao xứ tỷ dân.
Nghịch lý bóng đá Trung Quốc
Kinh phí xây dựng Học viện Bóng đá Evergrande lên tới 156 triệu USD. Để hiện thực hóa tham vọng vô địch World Cup trong 30 năm tới, Trung Quốc sẵn lòng bỏ ra gấp nhiều lần con số này.
Trung Quốc có tiềm năng để trở thành cường quốc bóng đá với hơn 1,4 tỷ dân cùng nền kinh tế hùng mạnh. Nhiều năm đầu tư cho thể thao, Trung Quốc vươn lên cùng với Mỹ trở thành "lưỡng cường" ở Thế vận hội, đứng đầu thế giới ở nhiều bộ môn. Tuy nhiên, bóng đá nước này không mạnh như kỳ vọng. Lần gần nhất dự World Cup của Trung Quốc đã cách đây 19 năm.
Học viện Evergrande với hơn 2.500 học viên, là biểu tượng cho tham vọng đào tạo bóng đá trẻ của Trung Quốc. Ảnh: Marca.
Từng làm công tác tuyển trạch cho CLB Everton tại thị trường Trung Quốc, HLV Steve Darby nói: "Tôi không hiểu tại sao một đất nước có tới 1,4 tỷ dân như Trung Quốc không tìm nổi 11 cầu thủ ghép thành một đội bóng mạnh". Darby không phải người duy nhất bối rối. Khi tới huấn luyện tuyển Trung Quốc năm 2011, Jose Antonio Camacho khẳng định: "Tôi không tin là chúng ta không tìm được 22 cầu thủ chất lượng trong 1,3 tỷ người ở đây".
Camacho bị sa thải năm 2013 sau những trận thua 0-8 trước Brazil hay 1-5 trước Thái Lan.
Lý giải phổ biến cho thất bại của bóng đá Trung Quốc là đất nước này không có hệ thống đào tạo trẻ đủ tốt. "Khi tôi đến Trung Quốc vào năm 2012, không CLB nào có cơ sở đào tạo trẻ. Tôi đã kêu gọi thành lập các đội dành cho cầu thủ từ 12-19 tuổi, và bóng đá đã được phổ biến rộng rãi", HLV Marcello Lippi kể lại.
Học viện Bóng đá Evergrande được xây dựng thần tốc trong 10 tháng là giải pháp cho vấn đề này. Những đứa trẻ tài năng trên khắp đất nước Trung Quốc được gom về đào tạo theo mô hình tập trung. Những cầu thủ giỏi nhất được đôn lên chơi ở Guangzhou Evergrande hoặc sang các CLB khác phát triển sự nghiệp.
9 năm sau khi trường đào tạo bóng đá lớn nhất Trung Quốc hoạt động, các cấp độ trẻ quốc gia này thất bại toàn tập. Khủng hoảng nhân tài cho thấy thiếu sót không chỉ nằm ở đào tạo trẻ.
"Những đứa trẻ ở châu Âu, châu Mỹ và châu Phi chơi bóng ngay khi chúng biết đi. Sau đó, chúng thi đấu với bạn bè ở bất cứ nơi đâu, có rất nhiều CLB để tham gia tập luyện cũng như những giải đấu để thử sức. Đó là lợi thế lớn trước Trung Quốc, nơi hầu như không có sân bóng và chỉ có vài CLB", HLV Manu Merino của Học viện Evergrande chia sẻ.
Vấn đề của Trung Quốc nằm ở văn hóa bóng đá. Kayleigh Renberg-Fawcett, đồng giám đốc Trung tâm Bóng đá Trung Quốc - Anh, cho rằng cơ hội làm cầu thủ tại Trung Quốc bị giới hạn do đặc điểm của hệ thống giáo dục và sự thiếu nhận thức về lợi ích của thể thao.
Hệ thống văn hóa - giáo dục tôn trọng lề lối, quy củ, đặt nặng học tập văn hóa, thi cử và chính sách một con của Trung Quốc là rào cản để bóng đá lan tỏa trong cộng đồng.
"Sự thiếu tự do khiến lũ trẻ sống kỷ luật nhưng thiếu đam mê, sáng tạo và dũng cảm. Chúng sợ đưa ra quyết định và ngại nói lên suy nghĩ của mình", HLV Ibon Labaien nói với SCMP. "Các cầu thủ thiếu kỹ năng và hiểu biết về cuộc chơi. Tôi phải dạy lại các bước căn bản, thậm chí với những người đã thi đấu chuyên nghiệp", Mikel Lasa, chuyên gia đào tạo ở Học viện Bóng đá Evergrande, khẳng định.
Nghị lực và kỷ luật giúp Trung Quốc mạnh ở môn thể thao cá nhân nhưng ở môn chơi đòi hỏi sự sáng tạo, phá cách và tinh thần đồng đội, những đứa trẻ lớn lên trong môi trường khuôn khổ như Kai hay Xinje không dễ đi đúng hướng. Đó là khác biệt văn hóa, cần thời gian để thay đổi. Xây một vài học viện triệu USD như Evergrande là không đủ để xóa bỏ điều đó.
Sự sụp đổ của nhiều CLB cho thấy giải VĐQG Trung Quốc chưa thể là nền móng vững chãi để người Trung Quốc ôm mộng World Cup. Ảnh: Getty.
Bi kịch CSL
Học viện trẻ không phải nơi duy nhất người Trung Quốc nuôi mộng đổi đời bóng đá. Chinese Super League (CSL) cũng được đầu tư mạnh với kỳ vọng thu hút ngôi sao thế giới, qua đó nâng tầm sức mạnh và hình ảnh bóng đá Trung Quốc.
Với sự hậu thuẫn của những đế chế hùng mạnh như Evergrande, Suning, các CLB Trung Quốc vung tiền mang về dàn sao chất lượng như Hulk, Oscar, Jackson Martinez, Graziano Pelle, Marouane Fellaini, Alexandre Pato... và trả mức lương "trên trời".
CSL được đầu tư để hướng tới hai mục tiêu: quảng bá bóng đá Trung Quốc ra thế giới và nâng cao chất lượng cầu thủ bản địa. Những tài năng trẻ Trung Quốc không nhất thiết phải xuất ngoại khi ở trong nước, họ có thể đọ sức hoặc sát cánh cùng Hulk, Luis Fabiano hay Oscar hàng tuần.
Trung Quốc thành công với đích đến đầu tiên. Trên bảng xếp hạng các giải châu Á, CSL chỉ đứng sau Nhật Bản, Saudi Arabia, có đều đặn 3,5 suất đá AFC Champions League mỗi mùa. Guangzhou Evergrande là CLB thành công nhất với hai lần vô địch châu Á.
Tuy nhiên, thành công của bóng đá Trung Quốc như bong bóng xì hơi khi các doanh nghiệp hết lực đầu tư cho thể thao. Hôm 28/2, đương kim vô địch Jiangsu Suning ngừng hoạt động. Năm 2020, 11 CLB Trung Quốc không đủ điều kiện dự giải. Dịch bệnh làm lộ ra khoảng trống bên trong của CSL sau lớp vỏ hào nhoáng.
Các CLB không thể làm ra tiền nhưng lại chi tiêu thiếu kiểm soát. CSL cũng không tận dụng được đà vươn lên suốt 5 năm qua để tạo ra phong trào bóng đá ở Trung Quốc, điều mà Hàn Quốc, Nhật Bản đã làm rất tốt.
Mục tiêu giúp cầu thủ Trung Quốc nâng trình độ cũng không thành. Các đội bóng trọng dụng ngoại binh, khiến cầu thủ bản địa, đặc biệt là tài năng trẻ, đánh mất chỗ đứng. Đỉnh cao của sự ê chề là hình ảnh những cầu thủ trẻ Trung Quốc được tung vào rồi bị rút ra sau vài chục giây để đối phó với quy định sử dụng ít nhất một cầu thủ U23.
Ngoài ra, thu nhập cao ở giải quốc nội cũng triệt tiêu động lực xuất ngoại của các tài năng Trung Quốc. "Đó là sự phí phạm quá lớn", chuyên gia Darby phân tích. Wu Lei là cầu thủ Trung Quốc duy nhất đang đá ở châu Âu. Anh cô đơn trên chuyến bay trở lại lục địa già thi đấu giữa một rừng cầu thủ Nhật Bản.
Thầy trò HLV Lie Tie đang chịu sức ép lớn sau 2 trận không thành công. Ảnh: Reuters.
Áp lực cho đội tuyển
Khó khăn của CSL và học viện đào tạo trẻ cho thấy bóng đá Trung Quốc đã xây nhà từ nền móng thiếu vững chãi. "Phát triển bóng đá không bao giờ dễ dàng. Tất cả phải được thực hiện từng bước với sự cẩn trọng", chuyên gia Cameron Wilson phân tích. Còn BLV kỳ cựu Zhang Lu cho rằng: "Bóng đá Trung Quốc đã thất bại khi vội vã tìm kiếm thành công ngay lập tức".
Tiền bạc và quy mô dân số là điều kiện cần, không phải yếu tố quyết định thành công trong bóng đá. Với vỏn vẹn 4 triệu dân (bằng 1/15 dân số tỉnh Hồ Bắc), Croatia đã vào tới chung kết World Cup 2018. Băng đảo Iceland đá tứ kết Euro 2016 với dân số 333.000 dân.
Trung Quốc chưa có kế hoạch phù hợp với con người và nguồn lực ở quốc gia này. Nhưng khát vọng World Cup thì vẫn vậy. Và tuyển Trung Quốc phải gánh chịu hậu quả.
Ở vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á, đội bóng của HLV Li Tie xếp cuối bảng B với 0 điểm, 0 bàn thắng, 0 cú sút trúng đích. Khi chiến lược dài hạn không hiệu quả, Trung Quốc tìm đến kế hoạch ngắn hạn: nhập tịch cầu thủ. Lần lượt Elkeson, Aloisio, Tyias Browning và Alan khoác màu áo đỏ, được học tiếng Trung và đào tạo văn hóa. Nhưng sau hai trận, tất cả đều mờ nhạt, lạc lõng.
Trừ Browning, 3 cầu thủ nhập tịch còn lại đều đã 32 tuổi. Đây có thể là vòng loại World Cup cuối cùng của họ. Chỉ 2 trong 33 cầu thủ Trung Quốc ở đợt tập trung này dưới 22 tuổi. Độ tuổi trung bình của đội là 29,2, ngưỡng giới hạn trong bóng đá. Với 17 cầu thủ trên 30 tuổi, đội hình tuyển Trung Quốc chỉ có thể đá tới đâu hay tới đó.
Một nền bóng đá chỉ làm tốt phần ngọn thì khó có thành công.
Ngay cả lối chơi tạt cánh đánh đầu, trọng dụng cầu thủ nhập tịch HLV Li Tie đang xây dựng cũng là hệ quả của CSL. 120 đường chuyền dài và 15 quả tạt sau 2 trận (nhiều nhất bảng B) của tuyển Trung Quốc xuất phát từ đâu nếu không phải lối chơi phụ thuộc tiền đạo ngoại mà hầu hết đội CSL sử dụng?
Sau cùng, HLV Li Tie cũng chỉ là nạn nhân. Tuyển Trung Quốc thay HLV liên tục trong những năm qua nên khó đòi hỏi xây dựng một lối chơi bài bản. Li Tie chỉ "có gì dùng nấy" miễn đơn giản nhất và hiệu quả cao nhất. Đó cũng là bộ mặt của bóng đá Trung Quốc: nóng vội và bốc đồng.
Ở các học viện, những đứa trẻ Kai và Xinje đang miệt mài nuôi ước mơ bóng đá. Một số đã từ bỏ, theo học đại học để mong đợi tương lai tốt đẹp hơn. Còn với Trung Quốc, họ không thể chờ đợi những đứa trẻ mộng mơ trưởng thành mà muốn thành công phải đến ngay lập tức.
Vòng chung kết World Cup khó có chỗ cho những nền bóng đá "ăn xổi" như thế.
Alvaro Silva: Tuyển Việt Nam không phải ngại Trung Quốc Trả lời Zing, hậu vệ người Philippines cho rằng tuyển Việt Nam hoàn toàn có cơ hội giành chiến thắng trước Trung Quốc ở vòng loại World Cup lúc 0h ngày 8/10 (giờ Hà Nội).
Roma lại gây thất vọng trước Bodo Đại diện Serie A chỉ có 1 điểm sau trận hòa 2-2 trước Bodo ở bảng C Europa Conference League diễn ra rạng sáng 5/11 (giờ Hà Nội). CĐV Bodo vẫn chưa hết vui sướng sau chiến thắng lịch sử 6-1 trước Roma cách đây vài tuần. Trước đối thủ đang có phong độ không tốt, nhà đương kim vô địch Na Uy...