10 năm tù oan: Điều tra lại từ đầu
Vụ án “giết người” 10 năm trước sẽ được điều tra lại từ đầu.
Tòa án Nhân dân tối cao – nơi diễn ra phiên tái thẩm
Ngày 6/11, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã tái thẩm, đồng ý với kháng nghị của VKSND Tối cao và ra quyết định hủy cả 2 bản án phúc thẩm, sơ thẩm đối với vụ án “giết người” 10 năm trước tại thôn Me (Bắc Giang) để điều tra lại từ đầu.
Trước đó, (4/11), các cơ quan tố tụng đã đọc quyết định tạm đình chỉ thi hành án và trả tự do cho phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn (Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang).
Như đã đưa tin, 10 năm trước (năm 2004), tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, Huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang xảy ra một vụ án mạng. Nạn nhân là chị Nguyễn Thị Hoan bị sát hại bằng hung khí với nhiều vết thương ở đầu mặt và bụng.
Không lâu sau, Cơ quan cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Bắc Giang) đã bắt và khởi tố ông Nguyễn Thanh Chấn về tội giết người. Ông Chấn bị kết án chung thân. Tuy nhiên, sau nhiều lần ông Chấn kêu oan, cơ quan chức năng vào cuộc. Mới đây, sau 10 năm giấu mặt, đối tượng Lý Nguyễn Chung (người cùng thôn) đã ra đầu thú, nhận tội giết người.
Viện KSND Tối cao đã ra bản kháng nghị tái thẩm đối với vụ án.
Video đang HOT
Với việc hủy án, vụ “giết người” 10 năm trước sẽ được điều tra lại từ đầu theo đúng thủ tục tố tụng hình sự.
Trước đó, VKSND Tối cao cũng cho biết, cơ quan điều tra đã khởi tố bị can Lý Nguyễn Chung (24 tuổi, người thôn Me, đang sống tại Đắk Lắk) về tội giết người cướp tài sản.
Tuy nhiên, nếu Lý Nguyễn Chung bị tuyên án về tội này, nhiều nhất cũng chỉ là 12 năm tù. Sở dĩ như vậy vì khi vụ án xảy ra, Chung chưa đến 16 tuổi.
Theo Khampha
Vụ ông Nguyễn Thanh Chấn: Điều gì gây nên oan ức?
Bên lề Quốc hội sáng 5/11, đại biểu Dương Trung Quốc đã trao đổi về vụ án oan giết người khiến ông Nguyễn Thanh Chấn phải ngồi tù 10 năm qua.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc
- Những ngày gần đây, vụ án oan 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn đang khiến dư luận rúng động. Ông cảm nhận như thế nào về vụ án này?
Thứ nhất là tôi mừng cho họ, nhưng vẫn suy nghĩ về cái gì gây nên oan ức đó. Xem cái này tôi hay nghĩ đến các bộ phim hình sự của Mỹ, đó là nhiều khi người ta phải tự đi giải quyết việc của mình, tự giải oan cho mình.
Tất nhiên ở đây là vấn đề xã hội, vấn đề rất lớn. Cái gì khiến cho sau 10 năm mọi chuyện mới sáng tỏ. Vậy câu chuyện cách đây 10 năm là như thế nào? Tỷ lệ án oan là bao nhiêu? Trong án oan ấy có bao nhiêu án oan được giải? Đó là một câu hỏi rất là khó, là một ẩn số.
Nếu theo dõi ở Quốc hội ta sẽ thấy một thực trạng là ngay phía cơ quan tham gia vào quá trình điều tra tố tụng đều nói sự quá tải của mình, về số lượng những vụ án và chất lượng của các cơ quan tham gia... Đặc biệt tôi chú ý đến việc áp lực khối lượng xét xử được nhân lên, bởi việc xét xử đi, xét xử lại rất nhiều lần qua các cấp, mà mỗi cấp lại có những kết luận gần như trái ngược lại nhau. Nó tạo ra cảm giác rằng, phải chăng chính sự đưa đẩy ấy, và đằng sau sự đưa đẩy ấy có những mặt tiêu cực. Chính vì thế mà ở đây tôi cho rằng, nó có vấn đề liên quan đến chất lượng của bộ máy điều tra, bộ máy xét xử.
- Ông nghĩ như thế nào khi một công dân vô tội phải ký vào các bút lục nhận tội?
Điều này là rất nhiều. Có thể nói nó là một cái thực trạng khá phổ biến. Chỉ khi ra tòa thì họ mới khai, bởi vì chắc chắn thời kỳ tạm giam là thời kỳ họ bị khống chế, chịu nhiều áp lực trực tiếp. Họ chỉ biết rằng khi ra tòa họ mới có thể nói điều họ muốn nói thì việc họ phải khai thuận theo điều tra là điều dễ hiểu.
Về nguyên tắc là chúng ta cấm việc sử dụng những nhục hình. Nhưng điều đó có thực thi được hay không thì vẫn là một ẩn số. Ở đây chính là vai trò của các luật sư. Nếu luật sư được tham gia tố tụng ngay từ đầu, và được thực thi hết trách nhiệm của mình, thì đấy chính là yếu tố đảm bảo giám sát ngay trong quá trình điều tra, để tránh hiện tượng tiêu cực, nhất là dẫn đến việc phạm nhân phải khai theo lời của cơ quan điều tra.
- Theo cảm nhận của ông, cải cách tư pháp 10 năm qua đã làm được những điều như ông nói chưa?
Chưa làm được. Chúng ta thấy vai trò của luật sư tuy đã thay đổi rất nhiều, nhưng mà luật sư số lượng rất ít. Điều kiện khả năng cho số đông những người dân, nhất là những người dân không có điều kiện rất là hạn chế. Tôi cho điều này dẫn đến tình trạng đó. Nhưng vấn đề còn lại là khi xảy ra hồi đó (cách đây 10 năm), nếu các cơ quan điều tra đi đến cùng sự việc thì sẽ khắc phục được phần nào. Tôi lấy ví dụ như việc có ép cung hay không ép cung? Bị ép cung bởi vì áp lực, trong đó có những hành vi mà pháp luật không cho phép?
- Chúng ta có nhiều vụ án oan sai, nhưng vụ án này là do hung thủ ra đầu thú. Còn những vụ khác thì cơ hội được minh oan sẽ không thể xảy ra?
Lẽ ra thông thường cơ quan điều tra phải là người góp phần. Nhưng vụ việc này, hung thủ ra đầu thú không biết là do họ tự giác hay chịu áp lực của xã hội, trong đó có câu chuyện gia đình phải tự đi giải oan cho mình. Và hiện trạng tự xử như thế không giống như những hiện trạng khác. Nó thể hiện sự giảm sút của vai trò pháp luật.
- Cách đây vài năm, tại mỗi kỳ họp Quốc hội, án oan sai được đưa ra nói rất mạnh mẽ nhưng gần đây không có mấy. Phải chăng án oan đang ít đi? Hay các đại biểu Quốc hội không quan tâm đến vấn đề này nữa?
Tôi chưa rõ là việc này trong quá trình gia đình làm thì các cơ quan dân cử, HĐND, đại biểu Quốc hội đã tiếp cận được chưa, và đã tạo ra áp lực theo quy định của pháp luật hay chưa? Thí dụ như hiện nay tôi cũng có một vài vụ án đang đặt vấn đề, nhưng nhiều khi chính bản thân chúng tôi đưa yêu cầu Tòa án Tối cao, Tòa án Tối cao chưa trả lời thì đã xử lại rồi. Nếu lần này có cơ hội để mà chất vấn Chánh án TAND Tối cao thì tôi sẽ hỏi.
- Theo ông, làm sao để không có những người bị kết án oan như những vụ vừa rồi, hay nói cách khác cải cách tư pháp phải giải quyết bài toán này thế nào?
Đây là một câu trả lời khó, nhưng rõ ràng là phải làm sao cho mọi chuyện minh bạch trong quá trình xét xử, và hỗ trợ tư pháp cho các phạm nhân, nhất là đối với những người không có điều kiện để tự bảo vệ mình.
- Xin cảm ơn ông.
Xuân Hưng - (ghi)
Theo_VnMedia
Ông Nguyễn Thanh Chấn được công nhận vô tội Sau nhiều giờ họp kín, chiều 6/11, Hội đồng tái thẩm TAND Tối cao đã chấp nhận kháng nghị của VKSND Tối cao, tuyên hủy bản án phúc thẩm đã tuyên ông Chấn. Người thân òa khóc khi ông Chấn được xe công an đưa về nhà. Theo nguồn tin của PV, Hội đồng tái thẩm gồm nhiều thẩm phán có kinh nghiệm...