10 năm trả nợ thay mẹ chồng, nàng dâu ôm hận rời đi vì chỉ sinh được con gái
10 năm ròng rã gánh khoản nợ cho nhà chồng, tôi nghĩ mình sẽ nhận được sự cảm thông của họ. Vậy mà chỉ vì không sinh được con trai nối dõi, tôi phải ôm hận ra đi.
Bước chân về gia đình giàu có, mẹ chồng tử tế, tôi nghĩ mình sẽ có tương lai hạnh phúc. Nhưng sau ngày cưới 1 tháng, tôi mới biết mình nhầm. Gia đình chồng tôi do đầu tư tràn lan, đứng trước nguy cơ phá sản.
Mẹ chồng nhân cơ hội con trai cưới, tổ chức rình rang, mời bạn bè, các mối quan hệ làm ăn nhằm mục đích thu một khoản tiền mừng.
Chủ nợ đến nhà vây kín, la ó đòi trả tiền, xiết nhà… Bao nhiêu vàng cưới mẹ trao cho con dâu, bà ngọt nhạt tìm cách lấy lại trả nợ.
Ảnh: Bích Nguyễn
Trong lúc vợ mang bầu, bố mẹ gặp khó khăn, bị khủng bố vì nợ nần, chồng tôi bỏ vào Nam làm ăn. Chán nản, tôi định quay về nhà mẹ đẻ nhưng chứng kiến bố chồng đột quỵ, mẹ chồng khổ sở, tôi không nỡ mà tiếp tục cùng bà đương đầu sóng gió.
Để giải quyết các khoản nợ lớn, tôi bàn với mẹ bán căn nhà đất, mua căn hộ chung cư nhỏ sống, trang trải bớt nợ nần. Số nợ còn lại khoảng hơn 3 tỷ, tôi đứng ra xin khất và trả dần.
Mặc dù mẹ chồng là người vay nhưng chủ nợ biết bà lớn tuổi khó đòi, ép tôi phải ký giấy nhận trả nợ thay. Thương mẹ chồng, nghĩ mình về làm dâu, coi như trách nhiệm, tôi đồng ý.
Cứ thế ròng rã, tôi vừa đi làm, vừa lo trả nợ thay nhà chồng. Chồng tôi hàng tháng vẫn gửi tiền về nuôi con, động viên vợ nên tôi được an ủi phần nào.
Có con dâu ôm cho khoản nợ, mẹ chồng tôi nhẹ gánh, tâm trạng thư thái, bà chỉ dành thời gian chăm sóc chồng, tham gia hội hè. Đến đâu, mẹ chồng cũng nức nở khen ngợi con dâu.
Con gái 5 tuổi, chồng tôi chuyển ra Bắc. Vợ chồng đoàn tụ, tôi sinh thêm cô con gái nữa. Lương chồng vẫn vậy, chỉ đủ đóng tiền học và lo ăn uống cho con, mọi chi tiêu, điện nước trong nhà, tôi vẫn lai lưng ra gánh vác.
Tôi làm phiên dịch cho công ty nước ngoài, tối đến ôm thêm tài liệu dịch cho các nơi. Mỗi ngày tôi chỉ ngủ được 4 tiếng.
Video đang HOT
Nhìn tôi, bạn bè không nhận ra cô hoa khôi thời đại học. Trước đây tôi đầy đặn, mái tóc dài mượt, khuôn mặt tươi như hoa thì giờ da dẻ xác xơ, đôi mắt trũng sâu.
Nghe chuyện tôi gánh khoản nợ tiền tỷ cho nhà chồng, bạn bè kêu tôi dại. Họ khuyên, tôi làm được đồng nào, lo cho mình và con. Gia đình chồng dẫu sao cũng khác máu tanh lòng.
Tôi cho rằng, quãng thời gian dài cùng trải qua vất vả, khó khăn, tình cảm mẹ chồng – nàng dâu rất tốt đẹp. Chồng cũng tu chí làm ăn. Bấy nhiêu đó với tôi là quá đủ, không cần so đo hơn thiệt.
Vậy mà chẳng ai lường trước được sự đời. Chỉ vì khó khăn trong việc sinh con trai mà tôi bị họ đối xử tệ bạc. Số nợ cũ trả gần xong, mẹ chồng bắt đầu giục vợ chồng tôi sinh thêm cậu con trai nối dõi.
Bao năm nay bà vẫn mong mỏi có thằng đích tôn nhưng hoàn cảnh nợ nần nên chưa đề cập. Nay mọi thứ đã ổn định, bà khuyên tôi cố gắng đẻ thêm. Dẫu sao chồng tôi là con trưởng của dòng họ, cần đứa con hương hỏa.
Lần nào chồng tôi về quê, cũng bị chú bác dèm pha vì tội sinh hai con ‘vịt trời’, bé thì ăn hại, lớn thì bay đi. Mỗi lần như vậy, mẹ chồng tôi tức nghẹn họng.
Tôi từng xác định chỉ dừng lại hai con là đủ, không có ý định sinh thêm. Nhưng đêm nào chồng cũng thủ thỉ, nịnh nọt, cuối cùng tôi đồng ý.
Thả suốt 1 năm trời, tin vui mãi chưa đến. Tôi đi khám bệnh, bác sĩ chẩn đoán tôi bị suy buồng trứng, nội tiết kém, cộng thêm tuổi tác cao, công việc vất vả, khả năng thụ thai tự nhiên là khó.
Phương pháp can thiệp duy nhất là thụ tinh ống nghiệm. Hai vợ chồng tôi quyết định gom tiền, tìm mụn con trai.
Hai lần cấy phôi với bao hi vọng đều thất bại. Chồng tôi thay đổi thái độ, lạnh nhạt vợ con ra mặt. Mẹ chồng ra lườm vào nguýt. Từ chỗ hay cười nói, bà quay ra chỉ trích tôi là loại đàn bà vô phúc, không biết đẻ.
Hai đứa con gái chứng kiến bà nội đối xử với mẹ thậm tệ, chúng cũng phản ứng. Bà nội cho rằng tôi xúi giục con cái láo hỗn.
Rồi tôi đau khổ phát hiện chồng ngoại tình với cô gái làm nghề cắt tóc, gội đầu. Ngày anh đưa cô ấy về nhà thông báo, sắp có con trai, lòng tôi chết lặng.
Chồng ép tôi ký đơn ly hôn. Tôi từ chối liền bị anh đánh đập. Ngày nào anh cũng tra tấn tinh thần tôi. Tôi nhẫn nhịn chịu đựng vì thương các con thiếu cha.
Sau trận đòn thừa sống thiếu chết, tôi nhập viện cấp cứu. Mẹ con tôi anh bỏ mặc, dập dìu qua lại chăm người phụ nữ kia.
Không thể chịu được, tôi đồng ý ly hôn. Tôi đề cập đến số tiền mình bỏ ra trả nợ giúp mẹ chồng, bà trắng trợn quát, bảo tôi tự nguyện trả, bà không ép. Giờ tôi không có quyền đòi.
Tủi nhục, ê chề, tôi đưa hai con đi. Ngay chiều hôm đó, mẹ con họ thuê xe ô tô đón nhân tình của chồng tôi về. Bao năm hi sinh, thứ tôi nhận lại chỉ là đớn đau….
Theo Vietnamnet.vn
Cô gái bị mẹ bạn trai hẹn gặp đưa cho 200 triệu yêu cầu chia tay gấp, cô bình bản nói với bà 1 câu khiến cục diện thay đổi hẳn
Khi An vừa tới điểm hẹn, mẹ bạn trai liền rút ví ra một phong bì dày cộp để xuống mặt bàn bảo...
Dù thời buổi hiện đại nhưng nhiều gia đình vẫn đặt nặng vấn đề môn đăng hộ đối. Vì chuyện này mà nhiều cô gái vừa bước chân tới cổng nhà bạn trai đã bị xem thường. Đây cũng chính là 1 trong những lý do khiến các cặp đôi có yêu mà chẳng có cưới.
Câu chuyện của Khánh An chia sẻ dưới đây cũng vậy. Song thật may với tài ứng xử khéo léo, cô đã khiến mẹ bạn trai phải thay đổi cái nhìn về mình mà vui vẻ chấp nhận cho cô về làm dâu.
An tâm sự: "Em với Phong - chồng em yêu nhau từ năm thứ 2 đại học, em là gái nông thôn, bố mẹ làm ruộng, chân lấm tay bùn. Để nuôi được các con ăn học, bố mẹ em phải tích cóp, tằn tiện lắm.
Học xong ra trường, em ở lại thành phố làm việc rồi gặp Phong trong một lần đi dự sinh nhật người bạn chung. Lúc hai đứa quen nhau, em không hề biết anh ấy là con nhà giàu có. Hơn năm yêu, hai đứa cũng đi chơi nhiều với nhau, song lúc nào em cũng thấy Phong giản dị từ phong cách ăn mặc tới cách tiêu tiền.
Thấy tâm đầu ý hợp, hai đứa cũng xác định chuyện tình cảm lâu dài. Rồi anh đề nghị được đưa em về giới thiệu với gia đình anh, có gì còn tính chuyện kết hôn. Bởi khi ấy em cũng đã 27 tuổi, còn anh 30. Cả hai đều không còn trẻ nữa".
Ảnh minh họa
An kể, hôm về nhà Phong cô cũng run lắm, hồi hộp cả đêm không ngủ được. Ngồi sau xe Phong 30 phút thì đến nhà. Vừa vào tới cửa An đã thấy bố mẹ anh ngồi đợi sẵn ở phòng khách.
An tả: "Khi đó chỉ có bố Phong cười tươi, đon đả chào hỏi em. Mẹ anh thì mặt lạnh tanh nhìn em một lượt từ trên xuống dưới rồi hỏi một loạt câu hỏi như thể hỏi cung. Song tới khi nghe em giới thiệu, nhà em dưới quê, bố mẹ làm ruộng, em chỉ là nhân viên văn phòng, bà liền thở dài quay đi. Cả bữa cơm sau đó bà cũng không hỏi chuyện, khiến em cảm giác như ngạt thở, căng thẳng vô cùng".
Linh tính mách bảo với An rằng dường như cô đã không ghi được điểm trong mắt mẹ chồng tương lai. Thậm chí lúc về, mẹ Phong còn viện cớ có việc cần nói để không cho anh đưa An về.
Quả đúng với dự cảm của An, mẹ Phong không ưng cô thật. Chỉ 2 ngày sau, mẹ Phong đã gọi điện hẹn gặp cô để nói chuyện. Bà còn dặn cô không được nói cho Phong biết cuộc hẹn của hai người.
An chia sẻ, qua giọng điệu, cô đoán chắc mẹ Phong đến gặp mình làm gì. Vậy mà lúc gặp, cô vẫn không khỏi sốc. Khi An vừa tới điểm hẹn, mẹ bạn trai liền rút ví ra một phong bì dày cộp để xuống mặt bàn bảo:
"Không nói nói bác cũng thừa hiểu cháu yêu con trai bác chẳng qua vì tiền. Nay bác chuẩn bị cho cháu 200 triệu, chỉ với yêu cầu duy nhất là cháu hãy chia tay thằng Phong. Cô gái quê như cháu không hợp với gia đình bác đâu".
Sốc thực sự trước hành động của mẹ bạn trai, tủi thân và tự ái dâng trào tận cổ nhưng An vẫn cố kìm nén cảm xúc mà nhẹ nhàng đáp: "Vì cháu xuất thân nhà quê nên bác xem thường, điều này cháu có thể hiểu. Song mới gặp cháu buổi đầu tiên mà bác đã đánh giá cháu yêu anh Phong vì tiền thì cháu nghĩ có lẽ bác đã hơi nóng vội.
Cháu yêu anh Phong bằng tình cảm chân thành, không tính toán. Điều này chỉ người trong cuộc mới cảm nhận được, cháu không thể giải thích để bác hiểu hết. Song nếu như bác đã không tác thành cho cháu với Phong đến với nhau thì cháu cũng sẽ tôn trọng ý bác mà rời xa anh ấy. Còn số tiền kia cháu không thể nhận được, xin bác hãy cất đi. Từ nhỏ cháu đã được bố mẹ dạy, đối với những gì mình không tự tay làm ra thì nhất định không được nhận, dù là của bất cứ ai".
Ảnh minh họa
Nói rồi An xin phép đứng dậy về để mẹ Phong ngây người ngồi bên xấp tiền trước mặt. Cô nghĩ tình yêu của mình với Phong tới đây là chấm dứt và sẽ vui vẻ chấp nhận rút khỏi cuộc đời anh coi như có duyên nhưng không có phận. Ai ngờ vừa về tới nhà thì An nhận được tin nhắn từ mẹ Phong:
"Sang tháng được ngày, bác sẽ bảo Phong dẫn về nhà cháu để hai bên nói chuyện người lớn. Nếu được hai đứa cưới luôn trong năm nay để bác còn có cháu bế bồng. Bác thật sự rất thích cô gái ngay thẳng, quyết đoán như cháu. Chuyện vừa rồi chỉ là bác thử lòng cháu thôi".
Đọc tin nhắn của mẹ Phong mà An vừa mừng vừa tủi. Chuyện đã trôi qua gần 2 năm, cô với Phong giờ đã về chung 1 nhà mà mỗi lần nghĩ lại chuyện đó, An vẫn còn thấy căng thẳng. An chia sẻ thêm, hiện tai cuộc sống làm dâu của cô khá thoải mái vì mẹ chồng nàng dâu hiểu nhau rồi nên hai bên bớt va chạm đi rất nhiều.
Hải Hương
Theo toquoc.vn
Phụ nữ không chỉ hơn nhau ở tấm chồng mà còn hơn nhau ở bà mẹ chồng nữa Xưa nay mâu thuẫn khiến vợ chồng ra tòa ly hôn thường thì vợ chồng cãi nhau thì ít mà mẹ chồng - nàng dâu mâu thuẫn thì lại nhiều. Mẹ chồng tuy không sống với con dâu cả đời Nhưng lại là người quyết định sự MAY MẮN hay là BẤT HẠNH đối với nàng dâu.Phụ nữ kết hôn muốn sướng, muốn...