10 năm sau thảm họa kép, Nhật Bản vẫn miệt mài tìm lời giải cho cảnh báo sớm sóng thần
Trong 10 năm kể từ khi trận động đất kéo theo sóng thần đã làm rung chuyển bờ biển miền đông Nhật Bản, các nhà khoa học vẫn miệt mài đi tìm câu trả lời cho một hệ thống cảnh báo sớm chính xác hơn.
Cơn sóng thần lịch sử xảy ra sau thảm họa động đất tại thành phố Miyako, tỉnh Iwate, Nhật Bản ngày 11/3/2011. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo Japan Times, chỉ 15 phút sau khi xảy ra trận động đất, một cơn sóng thần chết người xuất hiện xé toạc cộng đồng dân cư ven biển phía Đông Nhật Bản.
“Tốc độ đánh vào bờ của một cơn sóng thần tương đương với tốc độ của một chiếc máy bay phản lực. Một khi đã vào đất liền, nó ngang với tốc độ chạy của kỷ lục gia điền kinh thế giới Usain Bolt”, Nobuhito Mori – Giáo sư tại viện Nghiên cứu Ngăn ngừa Thảm họa thuộc Đại học Kyoto – lý giải.
Bên cạnh đó, hướng đi và diễn biến của cơn sóng thần cũng trở nên khó đoán hơn khi chúng len lỏi vào các tuyến phố, tòa nhà. “Đó là lý do vì sao cảnh báo sớm luôn quan trọng”, Giáo sư Mori nhấn mạnh.
Ngày 11/3/2011, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) ban bố cảnh báo sóng thần 3 phút sau khi trận động đất xảy ra. Trung tâm Cảnh báo Sóng thần Thái Bình Dương thuộc Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA) cũng đưa ra cảnh báo khu vực sau đó 6 phút.
Video đang HOT
NOAA cho biết trước tiên họ phải xác định xem trận động đất có xảy ra ở lưu vực đại dương hay không, tình trạng biến đổi hình dạng dưới đáy đại dương có xảy ra hay không và loại chuyển động mà nó tạo ra.
Sau thảm họa, cảnh báo của JMA đã bị chỉ trích vì đánh giá thấp quy mô của sóng thần. Cơ quan này thừa nhận dự báo không chuẩn xác đã dẫn đến việc sơ tán chậm. Một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất chỉ có 15 phút để sơ tán. Đến tháng 3/2013, cơ quan này đã nâng cấp hệ thống cảnh báo và đưa ra các quy trình phân tích mới dựa trên độ lớn tối đa có thể có của một trận động đất.
Sóng thần là một chuỗi các đợt sóng cực cao do sự dịch chuyển lớn và đột ngột của đại dương sau một trận động đất. Theo cơ sở dữ liệu sóng thần toàn cầu, từ năm 1900, hơn 80% các cơn sóng thần được tạo ra do động đất ở các đường ranh giới mảng. Tuy nhiên, sóng thần cũng có thể là kết quả của lở đất và hoạt động núi lửa. Một khi sóng thần hình thành, tốc độ của nó phụ thuộc vào độ sâu của đại dương và khoảng cách giữa các đỉnh sóng có thể lên tới hàng trăm km.
Giáo sư Mori nhận định sóng thần khó để phát hiện sớm hơn động đất và cần nhiều thời gian để phân tích và đưa ra cảnh báo.
“Dự báo sóng thần hiện tại của JMA dựa trên việc lựa chọn kịch bản sóng thần gần giống nhất tổng hợp từ một số lượng lớn cơ sở dữ liệu liên quan đến tâm chấn và thông tin đứt gãy. Điều này khiến cho việc dự báo sóng thần mất nhiều thời gian vì trước tiên cần phải có thông tin nguồn”, Giáo sư Mori giải thích.
Người dân sơ tán khỏi khu vực bị tàn phá sau thảm họa động đất sóng thần tại Natori, tỉnh Miyagi, Nhật Bản ngày 14/3/2011. Ảnh: AFP/TTXVN
Các nhà khoa học đang nghiên cứu các cách để gia tăng tốc độ cảnh báo máy tính mà không làm giảm mức độ chính xác. Tháng 2 vừa qua, nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Khoa học Thảm họa Quốc tế (IREDeS), Viện Nghiên cứu Động đất Đại học Tokyo và Phòng thí nghiệm Fujitsu đã trình bày một mô hình trí tuệ nhân tạo mới có thể khai thác sức mạnh của siêu máy tính nhanh nhất thế giới, Fugaku, để dự đoán lũ lụt ở các khu vực ven biển trước khi sóng thần đổ bộ vào đất liền.
Trong một vài năm trở lại đây, hệ thống cảnh báo sóng thần của JMA đã được cải thiện thông qua nhiều hệ thống bổ sung khác nhau, cho phép JMA ước tính độ cao sóng thần và thời gian ập vào của cơn sóng chính xác hơn. Hệ thống cảnh báo thu thập dữ liệu từ các cảm biến sóng thần dưới đáy đại dương ở xa hơn, phao GPS, máy đo sóng thần khu vực ven biển, máy đo địa chấn chuyển động mạnh băng thông rộng và phao DART.
Giáo sư Mori cho biết việc lắp đặt một mạng lưới đài quan sát đáy biển quy mô lớn vào năm 2017 để phát hiện sóng thần và động đất được gọi là S-net cho đến nay đã tỏ ra hiệu quả. Ông Mori tin rằng phao GPS và thiết bị cảm biến sóng thần dưới đáy đại dương là những cách chính xác nhất để theo dõi sóng thần.
10 năm thảm họa động đất - sóng thần tại Nhật Bản: Nỗi đau vẫn âm ỉ
Ngày 11/3, tròn 10 năm sau thảm họa động đất sóng thần tại Nhật Bản, những dấu vết tàn phá của thiên nhiên dù không còn nhiều nhưng trong tâm thức của không ít người dân nơi đây vẫn còn đó những nỗi đau âm ỉ.
Người dân tưởng niệm các nạn nhân của thảm họa động đất và sóng thần năm 2011 tại Minamisoma, tỉnh Fukushima, Nhật Bản, ngày 11/3/2021. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Trong số 3 tỉnh chịu tác động mạnh nhất gồm Iwate, Miyagi và Fukushima, thì thành phố Ishinomaki ở Miyagi chịu thiệt hại nặng nề nhất với khoảng 3.300 người dân đã vĩnh viễn ra đi trong thảm họa.
Tại Công viên Ishinomaki Minamihama, khoảng 50 quan chức địa phương và khách mời đã tham gia lễ khánh thành tượng đài tưởng niệm các nạn nhân trước khi công viên chính thức mở cửa vào ngày 28/3 tới. Phát biểu mở đầu buổi lễ, Thị trưởng thành phố Ishinomaki, Hiroshi Kameyama, chia sẻ là nơi chịu nhiều mất mát hơn cả, thành phố muốn lưu giữ những ký ức để nhắc nhở đời sau về một sự hy sinh lớn lao.
Tên của hơn 3.600 nạn nhân, tương đương 90% dân số của Ishinomaki, được khắc trên tượng đài đặt ở mạn phía Tây của lối vào chính công viên, gần Trường tiểu học Kadonowaki vốn bị sóng thần cuốn trôi chỉ còn trơ lại vài tàn tích. Trong số những nạn nhân vẫn có những có dòng chú thích mất tích và có cả những người qua đời sau đó do di chứng từ thảm họa như bệnh tật hay thậm chí là tự vẫn.
Rie Sato, 44 tuổi, người đã vĩnh viễn mất đi người em gái yêu quý Ikumi trong sóng thần, đã đại diện cho gia đình các nạn nhân tham gia buổi lễ. Sato chia sẻ với cô mọi cảm xúc vẫn nguyên vẹn như cách đây 10 năm. Dù chính quyền thành phố dự định mời nhiều gia đình nạn nhân tham gia buổi lễ hơn nhưng do đại dịch COVID-19 nên số lượng người tham gia được hạn chế.
Trong khi đó, Richard Halberstadt, người Anh, đã sinh sống lâu năm tại Ishinomaki, lại dành tâm sức xây dựng một văn phòng chuyên cung cấp thông tin về thảm họa này, về những thiệt hại và tiến trình tái thiết thành phố. Tình yêu dành cho thành phố Ishinomaki đã thúc giục Halberstadt, từng là giảng viên tại Đại học Senshu 10 năm trước, ở lại đây dù Đại sứ quán Anh tại Nhật Bản liên tục khuyên anh về nước vì lo ngại nguy cơ rò rỉ phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.
Người dân tưởng niệm các nạn nhân của thảm họa động đất và sóng thần năm 2011 tại thị trấn Namie, tỉnh Fukushima, Nhật Bản, ngày 11/3/2021. Ảnh: Kyodo/ TTXVN
Tại thành phố Higashimatsushima kế bên, người thợ mộc Shinichi Endo vẫn lặng lẽ làm việc tại xưởng mộc của mình trong ngày kỷ niệm. Anh Shinichi Endo, 52 tuổi, đã mất cả 3 người con trong thảm họa năm 2011. Anh không tham gia những sự kiện tưởng niệm quy mô lớn mà lựa chọn những buổi lễ riêng tư với một nhóm nhỏ những người đồng cảnh ngộ.
Người thợ mộc 52 tuổi chia sẻ: "Nỗi buồn vì không còn được nhìn thấy những đứa con của mình sẽ không bao giờ nguôi ngoai, dù là 10 năm hay 20 năm" và anh đã cảm nhận cuộc sống không còn ý nghĩa trong suốt một thời gian dài sau thảm họa. Tuy nhiên, anh đã dần thay đổi nhờ sự hỗ trợ và sẻ chia từ những người xung quanh để giờ đây, sau 10 năm, anh có thể nói ra rằng "tôi không còn muốn chết".
Dòng chia sẻ đầy ám ảnh của Endo có lẽ cũng là lời nhắn gửi của không ít người dân chịu mất mát to lớn trong thảm họa. Dù 10 năm hay nhiều năm nữa, với họ, những vết sẹo tinh thần vẫn còn đó và những người ở lại đang nương tựa vào nhau để bước tiếp, để hồi sinh cuộc sống tại chính nơi in dấu đau thương này.
Nhật Bản tưởng niệm các nạn nhân của thảm họa động đất và sóng thần năm 2011 Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 11/3, tại Nhà hát Quốc gia ở thủ đô Tokyo, Chính phủ Nhật Bản đã tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân của thảm họa động đất và sóng thần năm 2011, với sự tham dự của Nhật hoàng Naruhito và Hoàng hậu Masako, Thủ tướng Yoshihide Suga và nhiều quan khách khác. Nhật hoàng...