10 năm đi hái lá chuối rừng, mỗi ngày lãi 600-700 ngàn đồng
Hơn 10 năm nay với nghề thu mua lá chuối rừng, vợ chồng chị Dương Thị Mai ở xóm Soi 1, xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên không chỉ giúp gia đình có cuộc sống khấm khá mà còn nuôi cả gia đình 7 miệng ăN, trong đó có 3 đứa con ăn học đến nơi đến chốn, bằng bạn bằng bè…
Chị Mai kể với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, chị lấy chồng là người xã bên từ năm 20 tuổi, rồi sau đó lần lượt 3 đứa con ra đời. Nhưng lúc bấy giờ kinh tế gia đình chủ yếu phụ thuộc vào nghề làm ruộng là chính nên vô cùng khó khăn, thiếu trước hụt sau, nhất là tiền tiêu luôn túng thiếu.
Rồi 3 đứa lại tiếp tục đi học, bao nhiêu thứ phải lo, nhà thì đông người lo cái ăn đã vất chứ đừng nói là lo cho các con học hành bằng bạn bằng bè.
Chị Mai tâm sự: “Trước đây, nhiều lúc nghĩ đến các con mà thấy thương. Cũng muốn lo cho chúng ăn học đầy đủ mà chỉ có mỗi làm ruộng thôi thì khó quá.Thú thật, không lọi đâu ra tiền mặt, mua mắm muối cũng phải chịu, có khi tới mùa mới trả được…”.
Vợ chồng chị Mai đi thu mua lá chuối từ các hộ dân về để bán lại cho các đại lý trong vùng.
Do thấy nghề làm ruộng vất vả mà thu nhập lại chẳng được là bao nên anh chị đã quyết định thay đổi công việc để cuộc sống khấm khá hơn. Nhận thấy nhu cầu sử dụng lá chuối tươi của người dân trong việc gói các đồ ăn, thực phẩm như nem, giò, chả hay gói bánh, gói xôi ngày càng lớn nên vợ chồng chị đã đi thu mua lá chuối rừng từ các hộ dân về để bán lại cho các đại lý trong vùng.
Dần dần nguồn thu nhập từ thu gom, buôn bán lá chuối ổn định nên từ đó chị Mai và chồng đã gắn bó lâu dài với nghề này.
“Tính đến nay, vợ chồng tôi đã heo nghề thu mua lá chuối này đã được hơn chục năm. Thú thật, ngày đầu đi chặt lá chuối, tôi cũng không nghĩ rồi sẽ gắn với cái nghề dính mủ này lâu đến thế. Tuy vất vả, đi lại nhiều, rồi quần áo lúc nào cũng lấm lem mủ chuối, nhưng cuộc sống của nhà tôi khá hơn hơn trước rất nhiều. Với 3 đứa con thì 1 đứa học đại học, 1 đứa đang học tiếng Nhật và 1 đứa học cấp 3. Trong nhà chi tiêu, mua sắm, rồi đám xá, con cái ăn học cũng tốn lắm tiền, nhưng không phải lo nghĩ quá nhiều như hồi xưa nữa….”, chị Mai cười hiền lành.
Chị Mai cho biết từ khi đến với nghề thu mua lá chuối này, cuộc sống của vợ chồng anh chị đỡ vất vả hơn trước rất nhiều
Video đang HOT
Tính đến nay vợ chồng chị Mai đã gắn bó với nghề thu mua lá chuối được hơn 10 năm
Chị Mai cho biết, trung bình mỗi ngày vợ chồng chị thu mua được khoảng 6 – 7 tạ lá chuối. Vào những đợt cao điểm như giáp Tết Nguyên đán, mỗi ngày vợ chồng anh chị có thể thu mua tới trên 1 tấn lá chuối. Với mức giá mua vào ở thời điểm hiện tại là 1.500 đồng/kg lá chuối và bán ra với giá từ 2.500 – 3.000 đồng/kg, mỗi ngày vợ chồng chị lãi khoảng 600.000 – 700.000 đồng.
Chị Mai cho biết, trung bình mỗi ngày vợ chồng chị thu mua được khoảng 6 – 7 tạ lá chuối
Chị Mai chia sẻ, tuy thu nhập từ nghề này không phải cao nhưng cũng đủ trang trải cuộc sống gia đình với 7 miệng ăn và nuôi 3 đứa con ăn học không phải thiếu thốn. Đặc biệt, nghề bán lá chuối có thu nhập và công việc tương đối ổn định, ngày nắng cũng như ngày mưa không lo hết hàng và hoàn toàn không có rủi ro do đó không bao giờ bị lỗ vốn.
“Mua được nhiều thì ăn nhiều mà mua được ít thì ăn ít. Hơn nữa việc giá cả thu mua lá chuối có lên hay xuống cũng không ảnh hưởng gì đến thu nhập của chị chỉ có điều nếu giá lên cao thì tiền vốn bỏ ra sẽ nhiều hơn thôi, làm nghề này không bao giờ lo bị đọng vốn, giao hàng đến đâu cầm chắc tiền đến đó…”, chị Mai nói thêm.
Theo chị Mai, nghề này có thu nhập và công việc tương đối ổn định không kể ngày nắng hay mưa
Theo chị Mai, lá chuối chị thu mua chủ yếu là loại lá chuối rừng để bán cho các cơ sở gói nem chua vì chỉ lá chuối rừng khi gói nem chua mới có thể lên men tốt được và vệ sinh tàu lá dễ dàng. Theo chị Mai, lá chuối rừng phải lựa chọn những lá to, màu xanh và không bị rách. Cứ trung bình khoảng 20 – 25 ngày là lại được cắt 1 lứa lá. Mỗi cây chuối sẽ kiếm được từ 4 – 5 lá đẹp. Sau khi hái, lá chuối sẽ được dọc sống rồi phân loại đẹp và xấu, những lá bị sâu hoặc rách sẽ phải loại bỏ rồi cuộn lại bó thành từng bó.
Lá chuối sau khi hái sẽ được dọc bỏ phần sống lá
Rồi cuộn lại thành từng bó
Và cho lên xe để chuyển đi cho các đại lý
Thị trường bán lá chuối của chị Mai chủ yếu cho các đại lý trên địa bàn huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên và một số tỉnh lân cận như Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh. Chị Mai cho biết, khi đã quen với các mối rồi thì chị chỉ cần chuyển lá chuối qua xe khách đến đại lý rồi họ chuyển tiền lại cho mình. Khi được hỏi như thế có gì để bảo đảm thì chị Mai bảo làm ăn phải trên tinh thần tin tưởng nhau là chính mới lâu dài được.
Trung bình mỗi tháng từ việc thu mua lá chuối vợ chồng chị Mai cũng kiếm về thu nhập khoảng hơn 10 triệu đồng
Nghề thu mua lá chuối đã gắn bó suốt một khoảng thời gian dài với vợ chồng chị Mai giúp anh chị vươn lên để có cuộc sống an nhàn hơn sau bao năm khó khăn vất vả. Trung bình mỗi tháng từ việc thu mua lá chuối anh chị cũng kiếm về thu nhập khoảng hơn 10 triệu đồng. Nhờ đó vợ chồng chị có thể nuôi 3 đứa con ăn học mà không phải suy nghĩ quá nhiều.
Chị Mai thổ lộ, qua đọc trên mạng, chị thấy mọi người đang cổ vũ cho xu hướng tiêu dùng xanh, trong đó có việc thay thế túi ni lông, dây nhựa bằng các vật liệu thay thế từ tự nhiên, trong đó có sử dụng lá chuối. “Nếu xu hướng này tiếp tục được nhiều người ủng hộ, chắc chắn vợ chồng tôi theo nghề hái lá chuối, buôn bán là chuối dài dài…”, chị Mai dí dỏm chia sẻ.
Theo Danviet
Thái Nguyên: Phát gần 2000 khẩu trang miễn phí chống virus Corona
Trước tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona diễn biến phức tạp, khẩu trang y tế trở thành mặt hàng khan hiếm do nhu cầu người dân tăng cao.
Do vậy, hình ảnh hiệu thuốc trên địa bàn xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên phát khẩu trang miễn phí khiến nhiều người ấm lòng.
Qua tìm hiểu được biết, chủ hiệu thuốc là dược sĩ tân dược Lê Thị Điệp kinh doanh cửa hàng thuốc tân dược số 1 tại chợ Cầu, xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.
Chia sẻ với PV Dân Việt chị Điệp cho biết: Tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp đang diễn biến ngày càng phức tạp và có chiều hướng lây lan trên diện rộng. Hơn nữa, hiện tại nhiều cơ sở và hiệu thuốc trên địa bàn đang "cháy" khẩu trang và khan hiếm mặt hàng này nên gia đình chị đã nghĩ đến việc tặng miễn phí khẩu trang cho người dân có nhu cầu.
Trong buổi sáng 1/2 gia đình chị Lê Thị Điệp đã phát miễn phí gần 2000 chiếc khẩu trang y tế cho người dân (Ảnh: Bạn đọc)
Theo chị Điệp, ban đầu gia đình chị chỉ dự định phát khoảng 1500 chiếc. Tuy nhiên, do số lượng người dân đến quá đông nên chị đã quyết định phát nốt số khẩu trang còn lại của cửa hàng.
"Chỉ tính riêng trong buổi sáng 1/2, gia đình tôi đã phát miễn phí gần 2000 chiếc khẩu trang cho người dân trên địa bàn", chị Điệp cho biết.
Chị Nguyễn Thị Lan Anh, một người dân được nhận khẩu trang miễn phí tại đây cho biết: "Giữa lúc nhiều cửa hàng trên địa bàn đang lợi dụng thời điểm dịch bệnh để có cơ hội tăng giá bán khẩu trang lên gấp 2, gấp 3 thậm chí gấp 10 lần, việc làm của gia đình chị Điệp như một nghĩa cử cao đẹp, giúp đỡ mọi người".
Cũng trong ngày 1/2, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên đã thành lập 3 đoàn đi kiểm tra tại 4 địa phương của tỉnh gồm: TP.Thái Nguyên, TP.Sông Công, huyện Đại Từ và huyện Phú Lương.
Nhiều chủ cơ sở kinh doanh khẩu trang y tế và thuốc sát khuẩn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên ký cam kết không găm hàng và bán theo đúng giá niêm yết.
Theo đó, các đoàn đã tiến hành kiểm tra 30 cơ sở tại các huyện, thị, thành nói trên. Tại thời điểm kiểm tra, phần lớn các cơ sở đều không còn khẩu trang y tế để bán; các sản phẩm như thuốc sát khuẩn tay, chân, miệng tuy không trong tình trạng quá khan hiếm nhưng số lượng còn lại cũng rất hạn chế; một số cơ sở đã hết hàng. Số ít cửa hàng còn khẩu trang y tế bán nhưng số lượng không nhiều và đều không niêm yết giá; có cửa hàng bán với giá lên tới 25.000 đồng/chiếc.
Quá trình kiểm tra, lực lượng QLTT đã tập trung tuyên truyền, nhắc nhở và yêu cầu các chủ cửa hàng ký cam kết với nội dung: Trong thời gian khởi phát dịch bệnh, mặt hàng khẩu trang y tế và sản phẩm sát khuẩn tay, chân, miệng được niêm yết giá đầy đủ; bán đúng giá niêm yết, có đầy đủ chứng từ nguồn gốc cũng như bảo đảm về chất lượng; không găm hàng, đầu cơ tích trữ; đảm bảo quyền lợi của người mua hàng theo đúng quy định của pháp luật. Nếu vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật.
Nếu người dân phát hiện cơ sở nào đầu cơ, găm hàng và tăng giá đột biến nhằm trục lợi mà có bằng chứng cụ thể, có thể gọi tới đường dây nóng của Cục để phán ánh, Cục QLTT tỉnh sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo danviet.vn
Thái Nguyên: Nhanh giàu hơn nhờ nuôi ngựa bạch, gà ngon Những năm qua, từ nguồn vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), nhiều hội viên, nông dân ở huyện Phú Bình (Thái Nguyên) đã tích cực phát triển kinh tế, từng bước nâng cao thu nhập và vươn lên khá giàu. Nhiều mô hình như nuôi ngựa bạch, gà ta thả đồi....đang cho thu nhập cao. Có vốn yên tâm làm ăn...