10 mẫu giày sneakers đắt nhất nửa đầu năm 2021
Lấy dữ liệu từ các trang thương mại điện tử, Complex liệt kê ra những đôi giày có giá bán lại tăng mạnh nhất hiện nay.
10. “Ứng cử viên” của danh sách những đôi giày đắt nhất nửa đầu năm 2021 là Nike Air Max 97 Swarovski Polar Blue WMNS. Swarovski và Nike giới thiệu biến thể tinh tế khác so với dự án ban đầu, ra mắt năm 2017. Trở lại vào ngày 25/3, đôi giày 400 USD có sự khác biệt ở dấu swoosh. Nó được đổi thành màu xanh trong khi trước đó là đỏ. Trên thị trường bán lại, nó được chào với giá từ 575 USD. Ảnh: Sole Collector.
9. Tiếp nối màu xanh bạc hà và nâu, Pharrell Williams và adidas tung ra phiên bản NMD Hu với màu trắng kem, có tên Pharrell Williams x adidas NMD Hu Cream. Nó được trình làng vào ngày 5/2 với giá 220 USD, do robot công nghệ cao trình bày. Thiết kế nổi bật với dòng chữ “Human Race” bằng tiếng Hàn ở thân trên. Trên thị trường bán lại, nó có giá từ 602 USD. Ảnh: adidas Original.
8. Nike SB Dunk Low Street Hawker gây ấn tượng với vẻ ngoài đầy màu sắc. Đặc biệt, hai chiếc trái – phải mang hai sắc thái khác nhau. Nó được thiết kế bởi Jason Deng – nghệ sĩ người Quảng Châu, Trung Quốc. Ảnh: Lockwood Avenue.
Mẫu giày được lấy ý tưởng từ ẩm thực đường phố, với tên gọi thuần Việt là “gánh hàng rong”. Giày được lên kệ vào ngày 22/1 với giá 110 USD. Nó đứng ở vị trí thứ 8 với mức giá bán lại từ 625 USD. Ảnh: Bonkers Shop.
7. Lấy cảm hứng từ Nike SB Dunk, A Bathing Ape Court Sta Mist Grey thể hiện hình dáng tinh túy của đôi giày thể thao trượt băng. Nó khoác lên mình hai tông màu chủ đạo là xám và tím, phản chiếu bản phối Purple Pigeon của SB Dunk. Đối với người không biết, họ có thể gọi thiết kế 319 USD là giày “Dunk giả”. Song ở thị trường bán lại, nó có giá từ 626 USD. Đôi giày này được giới thiệu vào ngày 2/2. Ảnh: Getswooshed.
6. Phiên bản Bad Bunny x adidas Forum Low ra mắt vào ngày 17/3 được bổ sung các chi tiết như khóa, nút bật tắt và bản phối màu hồng mới so với mẫu giày Forum Low hoops ban đầu. Đôi giày nâu có giá bán lẻ là 160 USD. Trên thị trường bán lại, nó có giá 724 USD. Ảnh: Outpump.
5. Kể từ khi ký hợp đồng với Nike, vận động viên trượt ván chuyên nghiệp Paul Rodriguez và thương hiệu đã cho ra mắt 10 đôi giày ký hiệu. Các phiên bản “What The” của Nike như những lời tri ân dưới dạng giày thể thao, kết hợp nhiều bản phát hành trước đó thành một sản phẩm mới. Ảnh: Concepts.
Video đang HOT
Nike SB Dunk Low What the P-Rod là mẫu giày thể hiện sự tôn vinh với Paul Rodriguez – nhân vật trở thành trung tâm cho sự nổi tiếng của dòng giày trượt ván nhà Nike. Nó thu hút sự chú ý nhờ vẻ ngoài đầy họa tiết và màu sắc. P-Rod được lên kệ ngày 24/5 với giá 150 USD. Với sức hấp dẫn của mình, nó được chào trên thị trường bán lại với giá 832 USD. Ảnh: pochta.
4. Đầu năm, The Whitaker Group (do James Whitner làm chủ) có cơ hội giới thiệu mẫu giày mới kết hợp với Nike, có tên Whitaker Group x Nike Waffle One. Whitner đã đề nghị cựu nhà thiết kế thương hiệu Jordan – Frank Cooke – thực hiện dự án mang lại vẻ ngoài cổ điển cho một đôi giày. Ảnh: Social Status.
Nó được lấy cảm hứng từ những vận động viên chạy bộ của Nike trong quá khứ. Thiết kế này có số lượng hạn chế 500 đôi, được đánh số riêng. Ra mắt vào ngày 26/2 với con số 120 USD, Waffle One được bán lại với giá khoảng 1.000 USD. Ảnh: Social Status.
3. Union x Air Jordan 4 Taupe Haze là một trong hai thiết kế nằm trong bộ sưu tập mới của Union và thương hiệu Jordan, bao gồm bản phối Desert Moss. Bộ sưu tập được tung ra để kỷ niệm 30 năm thành lập Union Los Angeles. Tuy nhiên, Taupe Haze được ưa chuộng nhờ vẻ ngoài dịu dàng hơn. Nó được trình làng vào ngày 20/6 với giá 225 USD. Song nó đang có giá bán lại 946 USD. Ảnh: fotoMAGAZIN.
2. Sự hợp tác của Supreme và Nike mang tên Supreme x Nike SB Dunk Low Mean Green, lên kệ ngày 4/3 với giá bán lẻ 110 USD. Hai thương hiệu kết hợp cho ra bộ giày gồm 4 phối màu: Xanh lá, xanh dương, đen và đỏ nâu. Ảnh: HIGHXTAR.
Việc thương hiệu trượt ván ra mắt sản phẩm giày trên dòng SB Dunk được dự đoán trở thành “bản hit” trên thị trường bán lại. Song đôi giày màu xanh dương lọt top những thiết kế đắt nhất với giá trên 1.400 USD. Ảnh: Highsnobiety, UP TO DATE.
1. Từ đầu năm nay, Highsnobiety dự đoán Trophy Room x Air Jordan 1 là đôi giày có giá bán lại cao trong năm nay. Đây là đôi giày con trai Michael Jordan – Marcus – thiết kế. Anh đã tái hiện đôi giày đầu tiên cha mình mang trong bộ sưu tập kết hợp cùng Nike. Số lượng giới hạn 12.000 đôi đã đảm bảo cho mẫu giày hơn 2.700 USD này kiếm bội tiền. Nó được ra mắt vào ngày 10/2 với giá gốc 190 USD. Ảnh: House of Heat.
Thị trường bán lại giày giá cao gây bất lợi cho các thương hiệu?
Sự gia tăng của các cửa hàng và trang web khiến việc bán lại giày phiên bản giới hạn trở thành ngành kinh doanh "béo bở".
Theo Vogue Business, bán lại giày thể thao trở thành ngành kinh doanh có lợi nhuận cao những năm gần đây. Công việc này khuyến khích nhiều cửa hàng và nền tảng chuyển sang hình thức bán lại. Trọng tâm là giày thể thao phiên bản giới hạn.
Định giá thị trường bán lại giày
Một trong những mô hình kinh doanh sáng tạo hiện nay là thương hiệu bán lẻ liên kết với nhà đấu giá. Mục đích của việc hợp tác là tiếp cận các khách hàng mới, có mức chi tiêu cao.
Theo ước tính từ công ty đầu tư Cowen, các chuyên gia bán lại giày thể thao đã xây dựng được cộng đồng lớn những người đam mê thời trang đường phố. Đại diện công ty này cho biết thị trường bán lại toàn cầu được định giá 6 tỷ USD vào năm 2019, trong khi tổng doanh số bán giày thể thao chạm ngưỡng 100 tỷ USD. Nó được dự báo trị giá 30 tỷ USD vào năm 2030.
Khi thị trường nóng lên, những trang web bán lại chịu áp lực phải tìm cách để chống lại đối thủ cạnh tranh. Bởi về cơ bản, các thương hiệu này làm giống nhau về mọi khâu như xác thực sản phẩm, giúp giao dịch diễn ra suôn sẻ nhất có thể.
Thị trường bán lại toàn cầu được đính giá 6 tỷ USD vào năm 2019. Ảnh: Highsnobiety.
Loại đầu tư mới
Tháng 7/2019, công ty bán lẻ Stadium Goods từng hợp tác với nhà đấu giá Sothebys để bán 100 đôi giày. 99 đôi trong số đó được mua bởi một nhà sưu tập với giá 850.000 USD.
Caitlin Donovan - phó chủ tịch kiêm trưởng bộ phận bán hàng của nhà đấu giá Christies - cho rằng giày thể thao là loại tài sản đang có sức hấp dẫn lớn với nhà sưu tập.
"Chúng tôi nhận thấy sự quan tâm rộng rãi từ các khách hàng khác nhau. Với mỗi lần giao dịch, chúng tôi thấy con số kỷ lục mới cho những đôi giày thể thao đắt nhất trong phiên đấu giá", Caitlin nói.
Mặt khác, uy tín là một trong những yếu tố then chốt đối với người bán. Các nhà đấu giá có danh tiếng tốt giúp công ty bán lẻ nâng cao uy tín thông qua sự liên minh.
Anusha Couttigane - nhà phân tích thời trang - nhận định phong cách đường phố ngày càng được ưa chộng. Những xu hướng này khiến các nhà đấu giá nhận ra giá trị của giày thể thao, dù họ không có nhiều chuyên môn trong việc tiếp cận tệp khách hàng.
Christies không có nhiều đối tượng cho giày Nike vì đó không phải là cơ sở khách hàng điển hình của họ. Ảnh: The Sole Supplier.
Ảnh hưởng của thị trường bán lại với thương hiệu
Sự tăng trưởng liên tục của thị trường bán lại phụ thuộc vào chiến lược tiếp thị tiến bộ từ các thương hiệu lớn như Nike, adidas, Louis Vuitton, Gucci... Đồng thời, các trang web bán lại muốn tiến gần hơn đến thương hiệu.
Các nhãn hàng nhận ra những nền tảng bán lại mang đến lợi thế nhưng cũng có trở ngại.
Về mặt tích cực, việc tham gia vào các trang web bán lại giúp tăng khả năng hiển thị cho thương hiệu thời trang trên "chợ xám". Đây vốn là vấn đề thường xuyên đối với hàng xa xỉ. Khi sản phẩm được giao dịch trên thị trường đồ cũ, thương hiệu khó biết được khách hàng là ai. Việc hợp tác với công ty bán lại cung cấp khả năng hiển thị của người tiêu dùng đó.
Doanh nghiệp bán lại có thể rút bài học về tiếp thị từ các nhà đấu giá. Bởi họ là những chuyên gia quản lý và kết nối để thu hút người tiêu dùng sang trọng.
Các nền tảng bán lại mang đến lợi thế, đồng thời gây trở ngại cho thương hiệu. Ảnh: Sohu.
Mặt khác, công ty bán lại đang mở rộng phạm vi tiếp cận của mình. Họ mở cửa hàng và mang về bộ sưu tập thời trang từ các thương hiệu. Theo ý kiến của chuyên gia, những món đồ giới hạn khiến nhu cầu mua sắm tăng cao. Điều này tạo xu hướng đẩy giá lên cao đối với các nhà cung cấp.
Từ đó, mối quan hệ giữa thương hiệu và khách hàng sẽ trở nên căng thẳng là mối lo ngại của thương hiệu.
"Thương hiệu tung ra đôi giày với giá 150 USD. Nó đột nhiên được bán lại với giá 300 USD. Điều này sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa thương hiệu và người tiêu dùng", Matt Powell - phó chủ tịch và cố vấn cao cấp của NPD Group - nói.
Ngoài ra, việc dập tắt vấn đề hàng giả là ưu tiên hàng đầu của các bên. Thành công của việc bán lại chủ yếu dựa vào việc cải thiện quy trình xác thực.
Hoạt động kinh doanh bán lại giày ngày một phát triển. Ảnh: Ape To Gentleman.
Giải mã màu sắc của giày sneakers Bên cạnh mục đích thẩm mỹ, nhiều thương hiệu tập trung nghiên cứu để chọn ra tông màu độc lạ khi thiết kế giày thể thao. Các thương hiệu như adidas, Reebok hay New Balance đang hướng đến những tông nổi bật như xanh lam, tím nho... khi thiết kế giày thể thao, theo The New York Times . Trong khi đó, một...