10 lựa chọn diễn viên sai lầm của các phim siêu anh hùng
“Catwoman”, “Ghost Rider” hay “Batman v Superman: Dawn of Justice” thất bại ngay từ khâu chọn diễn viên và khiến chất lượng tác phẩm càng trở nên dở tệ.
Jesse Eisenberg trong Batman v Superman: Dawn of Justice (2016): Ở nguyên tác, đối địch lớn nhất của Superman là một gã đàn ông gần 50 tuổi, lạnh lùng, tính toán, cực kỳ thông minh, và thực tế chẳng sở hữu bất cứ siêu năng lực nào. DCEU khiến các fan ngạc nhiên khi chọn Jesse Eisenberg khi ấy mới 33 tuổi, có ngoại hình hoàn toàn khác với Lex Luthor trong truyện tranh. Eisenberg chắc chắn không phải là diễn viên tồi, nhưng lối diễn của anh không phù hợp với gã ác nhân. Mang đến những câu thoại lắp bắp cùng nhiều hành vi hệt như một đứa trẻ to xác, phiên bản Lex Luthor của anh gây ra tranh cãi lớn, và có fan cho rằng anh hợp với vai The Riddler hơn.
Jamie Foxx trong The Amazing Spider-Man 2 (2014): Electro là một đối thủ quen thuộc của Người Nhện ở truyện tranh suốt hơn 40 năm qua. Trên màn ảnh, khán giả có dịp làm quen với gã qua phần thể hiện của Jamie Foxx. Maxwell Dillon là một người thần tượng Spider-Man, nhưng hàng loạt sự kiện dẫn tới việc gã trở thành “người điện” Electro, gieo rắc tai ương cho New York. Jamie Foxx là một diễn viên tài ba, nổi tiếng qua các vai diễn tự tin, ngầu. Do đó, anh thực sự không hợp với gã “đụt” không thích giao tiếp với người khác như Maxwell Dillon, dù đã được hóa trang kỹ lưỡng. Ngay cả khi đã biến thành Electro, Foxx lại tỏ ra hơi lố trong việc lột tả tên ác nhân.
Malin Akerman trong Watchmen (2009): Ở nguyên tác Watchmen, Laurie Juspeczyk / Silk Spectre là một phụ nữ cô độc, bị quá khứ ám ảnh và đang gắng khẳng định chỗ đứng của bản thân. Nữ diễn viên Malin Akerman đã hoàn toàn thất bại trong việc lột tả sự phức tạp bên trong tâm hồn người phụ nữ, và khán giả có lẽ chỉ nhớ tới bộ đồ bó sát quyến rũ của Silk Spectre, cũng như cảnh “ nóng” có phần kệch cỡm giữa cô với Nite Owl II (Patrick Wilson). Akerman không phải là diễn viên tồi. Nhưng cho tới trước Watchmen, cô chủ yếu chỉ tham gia phim hài, và minh tinh có lẽ chỉ nên tập trung vào điều mà mình giỏi nhất.
Topher Grace trong Spider-Man 3 (2007): Đạo diễn Sam Raimi gây bất ngờ khi chọn ngôi sao của That 70’s Show vào vai đại kình địch Venom của Người Nhện trong Spider-Man 3. Bản thân Topher Grace khi ấy cũng hết sức ngạc nhiên khi mình nhận được cuộc gọi từ đạo diễn Sam Raimi. Nhưng cách đây hơn 10 năm, Grace còn rất non kinh nghiệm, và anh thất bại trong việc lột tả hai mặt đối lập của Eddie Brock và Venom. Bản thân nhân vật cũng có ít đất diễn trong một bom tấn hết sức chật chội, và phiên bản quái nhân vì thế nhanh chóng chìm vào quên lãng.
Nicolas Cage trong Ghost Rider (2007): Ghost Rider thực chất là Johnny Blaze – tay lái xe biểu diễn đã bán linh hồn cho quỷ Satan để đổi lấy sức mạnh siêu nhiên và ra tay trừng phạt những kẻ tội lỗi. Ở nguyên tác, Blaze thực tế mới chỉ gần 30 tuổi. Nhưng trên màn ảnh, nhân vật lại do Nicolas Cage lần đầu thể hiện khi đã 43 tuổi. Chưa dừng lại tại đó, lối diễn xuất có phần tưng tửng của tài tử hoàn toàn không hợp với hình ảnh Ghost Rider đen tối, bị ám ảnh bởi quá khứ như truyện tranh. Hậu quả là loạt phim Ghost Rider bị khai tử chỉ sau hai tập và đón nhận vô số lời chê bai từ cả báo chí lẫn công chúng.
Vinnie Jones trong X-Men: The Last Stand (2006): Cựu danh thủ bóng đá người xứ Wales là một diễn viên tay ngang, thi thoảng lại gây cười cho khán giả bằng các vai diễn khách mời (cameo). Nhưng khi nhận một vai diễn thực thụ, Vinnie Jones lập tức cho thấy sự non nớt. Đó là dị nhân Juggernaut trong X-Men: The Last Stand. Bản thân nhân vật vốn được nhiều độc giả yêu thích, nhưng khi đặt chân lên màn ảnh lại bị biến thành “cây hài”. Phục trang dành cho Juggernaut trông cũng sơ sài, và những câu thoại lố bịch đến từ gã dị nhân càng khiến The Last Stand trở nên đáng quên.
Video đang HOT
Jessica Alba trong Fantastic Four (2005): Xuyên suốt sự nghiệp, Jessica Alba thường được nhắc đến bởi bề ngoài xinh đẹp, thay vì tài năng diễn xuất. Đó có lẽ cũng là lý do khiến Fox chọn cô cho vai Susan Storm/The Invisible Woman ở Bộ tứ Siêu đẳng bản 2005. Trong nguyên tác, Susan là người thông minh, nhạy cảm, luôn quan tâm đến người khác, và thường xuyên đứng ra giải quyết khúc mắc trong đội. Nhưng phiên bản điện ảnh của Alba hoàn toàn không lột tả được những điều đó, và người xem khó lòng có thể tin rằng đây lại là tiến sĩ gene tài ba bậc nhất trên Trái đất.
Halle Berry trong Catwoman (2004): Không sử dụng nhân vật Selina Kyle trong nguyên tác truyện tranh DC, đạo diễn Pitof quyết định tạo ra một Miêu Nữ hoàn toàn mới, có danh tính thật là nhà thiết kế đồ họa Patience Phillips và do Halle Berry đảm nhận. Kết quả cuối cùng, đây là một trong những bộ phim tệ hại nhất mọi thời đại bởi kịch bản ngớ ngẩn, phần dựng phim thô ráp, các nhân vật một chiều đáng quên. Halle Berry khi ấy mới nhận tượng vàng Oscar đã lập tức phải ẵm thêm giải Mâm xôi vàng vì Catwoman bởi phần trình diễn kệch cỡm, tẻ nhạt. Nhiều người cho rằng cô chấp nhận đóng phim chỉ bởi khoản cát-xê cao ngất, chứ thừa biết chất lượng kịch bản tệ ra sao. Hậu quả là sự nghiệp của Berry trở nên lận đận suốt từ đó tới nay.
George Clooney trong Batman & Robin (1997): Kế nhiệm Val Kilmer để trở thành Người Dơi, nhưng tài tử quyến rũ bậc nhất Hollywood lại “góp công” vào việc tạo ra thảm họa điện ảnh dòng siêu anh hùng. Đến giờ, George Clooney vẫn tỏ ra hối tiếc về màn hóa thân thành Batman cách đây hơn 20 năm. Anh có vẻ ngoài bảnh bao, tươi tắn, và hoàn toàn không phù hợp với một nhân vật có cá tính phức tạp như Bruce Wayne/Batman. Theo dõi lại bộ phim, khán giả có thể cảm nhận Clooney thiếu thoải mái ra sao khi khắc họa nhân vật.
Sylvester Stallone trong Judge Dredd (1995): Nhân vật thẩm phán Dredd nổi tiếng từ cuối thập niên 1970 nhờ các bộ truyện tranh, nhưng phải tới năm 1995 mới có cơ hội bước lên màn ảnh lớn với ngôi sao hành động hàng đầu Sylvester Stallone. Nhưng cuộc hợp tác giữa ông và đạo diễn mới Danny Cannon hoàn toàn thất bại. Kịch bản phim xa rời nguyên tác, diễn xuất lên gân quá mức – đặc biệt ở khuôn mặt – của Stallone khiến nhân vật trở nên lố bịch. Fan của nguyên tác còn tức giận khi Dredd để lộ mặt với người khác chỉ sau 20 phút đầu phim, có lẽ bởi ê-kíp muốn mặt Sly xuất hiện càng nhiều càng tốt. Mãi đến 2012, Judge Dredd mới có phiên bản remake với Karl Urban trong vai chính. Phim nhận nhiều lời khen, nhưng lại đạt doanh thu thấp nên không thể có phần hai.
Theo zing.vn
Captain Marvel: Sẽ khác biệt và đem tới thách thức cho MCU
Bộ ảnh đầu tiên từ "Captain Marvel" - bom tấn xoay quanh nữ hùng cùng tên do Brie Larson thể hiện - khiến khán giả hết sức tò mò về tác phẩm tiếp theo thuộc MCU.
Khi Brie Larson hứa hẹn cùng tạp chí Entertainment Weekly rằng họ sẽ cùng nhau "khuynh đảo mạng Internet", công chúng tưởng rằng trailer của bộ phim Captain Marvel sẽ sớm xuất hiện.
Tuy nhiên, hôm 6/9, chỉ có bộ ảnh đầu tiên từ bom tấn bao gồm 10 tấm, cùng trang bìa EW số mới nhất với hình ảnh Brie Larson trong bộ phục trang siêu anh hùng, được tung ra. Dẫu vậy, loạt thông tin kèm theo mà tạp chi EW đem đến thực sự khiến Captain Marvel trở nên đáng chờ đợi.
Một câu chuyện khác biệt
Captain Marvel là bộ phim riêng về nhân vật cùng tên. Nhưng đây dự kiến không phải là tác phẩm hoàn toàn kể về nguồn gốc nhân vật, dù nữ hùng chưa một lần chính thức xuất hiện ở MCU, mà mới chỉ được hé lộ ở phần after-credits của Avengers: Infinity War qua hình ảnh một chiếc logo.
Mô-típ từ người thường trở thành anh hùng (còn được gọi là zero-to-hero) đã trở nên khá nhàm chán trong dòng phim siêu anh hùng. Lấy ví dụ như Doctor Strange (2016), bộ phim xoay quanh thầy phù thủy quyền năng (Benedict Cumberbatch) sở hữu phần hình ảnh và kỹ xảo hết sức ấn tượng.
Song, với câu chuyện Stephen Strange trở thành Doctor Strange, khán giả dường như đã được thấy ở rất nhiều tác phẩm khác, và thậm chí còn mang hơi hướm rất giống với Iron Man (2008).
Marvel Studios muốn tạo ra sự khác biệt khi giới thiệu Captain Marvel (Brie Larson) tới cho khán giả.
Trên thực tế, MCU đã tìm cách tỏ ra sáng tạo hơn trong việc giới thiệu các nhân vật mới. Như với Black Panther, siêu anh hùng Báo Đen (Chadwick Boseman) ban đầu là nhân vật phụ ở Captain America: Civil War (2016). Gây được thiện cảm nhất định, nhân vật được đà tiến lên, ra mắt phim riêng đầu tiên hồi đầu năm.
Không chỉ giới thiệu kỹ lưỡng về Black Panther, đó còn là bộ phim mang tới cho khán giả những bí mật không ngờ của vương quốc Wakanda. Để rồi đây trở thành chiến địa giữa nhóm Avengers và bè lũ tay sai của Thanos (Josh Brolin) trong Avengers: Infinity War mới đây.
Còn với Spider-Man: Homecoming, Peter Parker (Tom Holland) lập tức tung hoành trên màn ảnh, và khán giả không còn phải theo dõi lại bi kịch bác Ben bỏ mạng ra sao, hay chàng trai trẻ quyết tâm tập luyện, sáng chế và trở thành siêu anh hùng thế nào.
Captain Marvel có lẽ hơi khác, bởi lúc này, cô rõ ràng không thể nổi tiếng bằng Spider-Man. Nữ hùng cũng chưa một lần xuất hiện trong MCU như Black Panther trước khi có phim riêng. Có lẽ đội ngũ làm phim vẫn cần một vài cảnh hồi tưởng khi cô còn là nữ phi công gan dạ Carol Danvers.
Captain Marvel ban đầu là nữ phi công gan dạ Carol Danvers trên Trái đất.
Song, theo chia sẻ từ ê-kíp thực hiện bộ phim trên EW, Captain Marvel từ đầu tác phẩm đã là một người hùng có tiếng tăm và đặc biệt mạnh mẽ. Cô được so sánh như câu trả lời của Marvel dành cho Superman của DC, và thậm chí có thể dịch chuyển các hành tinh. Nói cách khác, Captain Marvel hoàn toàn có thể đấu tay đôi sòng phẳng với Thanos.
Có lẽ thử thách dành cho Captain Marvel không phải đến từ đối thủ, mà chủ yếu đến từ chính nội tâm cô gái. Như đồng đạo diễn Anna Boden đã phát biểu: "Điều khiến cô ấy trở nên đặc biệt là thẳm sâu trong Captain Marvel, nữ hùng vẫn là con người, với tràn đầy sự nhân hậu và cả những tâm tư đầy rắc rối".
Thách thức nào dành cho Marvel Studios?
Quả không khó để nhận ra rằng trong thời gian tới, Marvel Studios cùng Disney sẽ đẩy mạnh quảng bá cho Captain Marvel, với nội dung và thông điệp xoay quanh chuyện đây là nữ siêu anh hùng đầu tiên thuộc MCU có phim riêng.
Sau 20 tác phẩm, MCU rốt cuộc cũng có cớ để khiến luồng chỉ trích "trọng nam khinh nữ" nhắm về phía họ phải lắng xuống. Cũng thật kỳ lạ khi Black Widow (Scarlett Johansson) - một nhân vật được nhiều người yêu thích - tới nay vẫn chưa có phim riêng, trong khi số phận của đả nữ sau Avengers 4 hiện là dấu hỏi lớn.
Trên thực tế, MCU đã có chút "tiến bộ" với Ant-Man and The Wasp khi đưa Chiến binh Ong lên làm tiêu đề tác phẩm. Và cả tác phẩm đó lẫn Captain Marvel tới đây đều là những sự kiện xảy ra trước Avengers: Infinity War.
Captain Marvel xảy ra trong thập niên 1990. Phục trang nhân vật trong bức ảnh thể hiện rõ điều đó khi Carol Danvers mặc chiếc áo phông có in logo của ban nhạc Nine Inch Nails.
Với Captain Marvel, bộ phim lấy bối cảnh thập niên 1990, và có sự tham gia của một số gương mặt quen thuộc như Samuel L. Jackson (vai Nick Fury khi còn trẻ và vẫn nguyên đôi mắt), Lee Pace (vai Ronan the Accuser), Djimon Hounsou (vai Korath), và Clark Gregg (vai Mật vụ Coulson).
Còn giới thiệu cả tộc người Skrull nổi tiếng trong thế giới truyện tranh Marvel, nhưng nhiệm vụ lớn nhất của Captain Marvel có lẽ là giải thích xem liệu nữ hùng đã ở đâu trong suốt các sự kiện kể từ Iron Man (2008) tới nay, và tại sao cô lại vắng mặt khi tên Thanos tác oai tác quái khắp dải ngân hà.
Có một điều thú vị rằng các bộ phim xoay quanh nữ siêu anh hùng trong thời gian qua thường là phần tiền truyện. Như Wonder Woman (2017) hay Wonder Woman 1984 (2019) tới đây đều là những sự kiện xảy ra trước Batman v Superman: Dawn of Justice (2016) hay Justice League (2017) rất lâu.
Còn nếu Black Widow của MCU có phim riêng, dự án được cho là sẽ kể về quá khứ của đả nữ, với giai đoạn cô được huấn luyện để trở thành một nữ điệp viên tài ba như lúc nay.
Kể cả Captain Marvel, loạt tác phẩm đều mang thông điệp tôn vinh phái đẹp. Nhưng với bối cảnh quá khứ, đội ngũ nhà làm phim dường như ngầm cho rằng mọi chuyện đã trở nên tốt đẹp hơn đối với phụ nữ hiện đại, và lẽ ra họ phải được hưởng những điều tốt đẹp hơn từ trước đây.
Các bộ phim riêng về nữ siêu anh hùng thường là phần tiền truyện.
Dù thế nào thì Marvel Studios đã cho thấy phần nào đó "sự mát tay" đối với các người hùng thuộc phái đẹp. Ant-Man and The Wasp mới vượt qua cột mốc doanh thu 600 triệu USD toàn cầu, và cho thấy khán giả xem ra không quá quan tâm đến giới tính đằng sau các bộ phục trang, mà chỉ muốn biết diễn biến tiếp theo trong MCU là ra sao.
Tuy nhiên, họ vẫn cần phải cẩn trọng với thị trường Bắc Mỹ. Bởi Ant-Man and The Wasp mới chỉ thu 214 triệu USD, qua đó đứng thứ 15 về mặt doanh thu trong số 20 tác phẩm MCU đã ra mắt tại Bắc Mỹ.
Captain Marvel sẽ ra rạp từ ngày 8/3/2019. Thời điểm ngày Quốc tế Phụ nữ vốn thường được Disney dành cho các bộ phim mang đậm màu sắc giả tưởng hoặc cổ tích như Alice in Wonderland (2010), Oz: The Great and Powerful (2013), hay mới đây là A Wrinkle in Time (2018).
Song, đó còn là thời khắc đánh dấu tác phẩm Watchmen (2009) của Zack Snyder tròn 10 tuổi. Một thập kỷ trôi qua, và dòng phim siêu anh hùng quả thực đã có quá nhiều biến chuyển.
Theo New.zing.vn
Các thương hiệu điện ảnh bom tấn đứng lên từ 'đống tro tàn' Lần lượt nhiều loạt phim như "Batman", "X-Men", "Star Wars" hay "Fast & Furious" từng rơi vào tình cảnh tuyệt vọng, để rồi có những cuộc tái xuất đầy ấn tượng và ngoạn mục. Batman với Batman Begins (2005): Batman & Robin (1997) luôn bị coi là "điểm đen" của dòng phim siêu anh hùng bởi phần nội dung nông cạn, hời hợt...