10 lời khuyên dành tặng các nàng độc thân muốn tiết kiệm khi sống một mình
Bằng cách làm theo những lời khuyên đơn giản này, sống một mình có thể tiết kiệm hơn bạn nghĩ.
Sống một mình có thể cực kỳ thoải mái và tự do nhưng cũng có thể đắt hơn đáng kể nếu ở ghép hoặc sống cùng bố mẹ. Nếu bạn muốn sống một mình nhưng yếu tố chi phí khiến bạn lăn tăn, hoặc nếu bạn đang sống một mình và đang tìm cách cắt giảm chi phí, thì đây là 10 gợi ý hữu ích rất đáng để bạn cân nhắc:
Để làm cơ sở cho những lời khuyên này, bạn nên bắt đầu với ngân sách cá nhân. Chìa khóa của hầu hết mọi chuyên gia tài chính cá nhân đều là lập ngân sách để có được cái nhìn tổng quan thực tế về sức khỏe tài chính của bạn.
Đơn giản chỉ cần liệt kê thu nhập cố định và chi phí cố định của bạn, ví dụ: tiền lương hàng tháng của bạn dưới dạng thu nhập và tiền thuê nhà, hóa đơn, đăng ký, v.v. của bạn dưới dạng chi phí.
Khi bạn đã có cái nhìn tổng thể về thu nhập và chi tiêu của mình, bạn có thể chuyển sang thực hiện những điều chỉnh nhỏ trong thói quen chi tiêu để biến ước mơ về một cuộc sống tự lập mà vẫn tiết kiệm thành hiện thực.
1. Tìm nhà nhỏ hơn
Có một phòng ngủ rộng rãi thì còn gì tuyệt vời hơn, nhưng tiết kiệm một khoản tiền hàng tháng sẽ còn tốt hơn. Hãy cân nhắc việc thuê một căn hộ studio. Nếu phòng ngủ là điều bắt buộc, hãy xem những căn hộ có diện tích nhỏ hơn hình vuông thường sẽ có mức giá thấp hơn.
Mặc dù nó có vẻ hạn chế, nhưng một căn hộ nhỏ hơn thực sự thích hợp để sống một mình. Bạn sẽ đỡ tốn thời gian lau chùi và bảo trì hơn. Hơn cả thế bạn có thể tối đa hóa việc sử dụng từ mỗi cm của nơi này. Điều hòa không khí và hóa đơn tiền điện cũng có thể ở mức thấp hơn giúp làm tăng thêm khoản tiết kiệm của bạn.
2. Sống tối giản
Chủ nghĩa tối giản thường bị mọi người hiểu nhầm. Mục đích của nó là sống với mọi thứ ít hơn chứ không phải keo kiệt với bản thân, đó là một cách khá tốt nếu được thực hiện đúng cách.
Bằng mọi cách, hãy mua những thứ bạn cần. Bạn có thực sự cần một bộ sofa lớn, giường đôi, 10 đôi giày thể thao mà bạn có thể sử dụng vài tháng một lần?
Bạn có thể tiết kiệm khoản tiền đó để trang bị nội thất cho ngôi nhà đã thuê của mình bằng cách mua đồ nội thất cũ – chỉ những món hàng ngày mà bạn thực sự cần. Hãy thử hỏi bạn bè và gia đình xem họ có những món đồ mà họ không còn dùng đến nữa hoặc tham gia các cộng đồng mua bán đồ thanh lý cũng là một gợi ý hay ho.
3. Nấu ăn tại nhà
Video đang HOT
Nếu bạn không biết nấu ăn và phải bắt đầu từ đâu, hãy xem các công thức nấu ăn đơn giản và làm theo trên mạng. YouTube là một nguồn tài nguyên tuyệt vời, cùng với các blog về ẩm thực hay những trang web. Bạn có thể thử nghiệm với các phong cách, món ăn khác nhau vừa có thể tìm được cách tạo ra những món ăn đậm chất của bạn mà còn tiết kiệm kha khá nữa.
Bạn sẽ ngạc nhiên vì đồ ăn tự chế biến ngon, rẻ và tốt cho sức khỏe như thế nào. Nếu thiếu thời gian là lý do của bạn, bạn có thể chuẩn bị bữa ăn, nấu ăn và dự trữ thực phẩm sẵn trong một tuần. Lên thực đơn trước sẽ làm giảm chi tiêu trong việc bạn mua hàng tại siêu thị hoặc đi chợ.
4. Giảm tiêu thụ thịt
Mặc dù điều này không áp dụng cho người ăn chay nhưng thịt là một trong những mặt hàng đắt nhất trong bất kỳ danh sách mua sắm nào. Cắt giảm thịt một vài ngày trong tuần hoặc giảm khẩu phần và thay thế bằng rau có thể giúp bạn tiết kiệm kha khá tiền.
5. Mua số lượng lớn hàng tạp hóa của bạn
Đi siêu thị hay tạp hóa mỗi khi bạn cần một thứ gì là thói quen thường ngày nhưng lại là một việc tốn kém và mất thời gian. Bạn cũng có nhiều khả năng mua những thứ mà bạn thậm chí không cần.
Nguyên tắc tương tự cũng áp dụng cho mua sắm trực tuyến, bạn có thể tốn nhiều tiền hơn cho phí vận chuyển và mua phải những thứ thừa thãi chỉ vì nó đang được giảm giá.
Thay vào đó, hãy lập một danh sách mua sắm chi tiết và thực hiện nó. Mua số lượng lớn các mặt hàng không dễ hư hỏng sẽ có thể rẻ hơn rất nhiều và việc có một tủ đựng thức ăn chứa đầy đủ đồ cũng có khả năng khuyến khích bạn nấu ăn ở nhà hơn.
6. Mua các nhãn hiệu bình dân
Từ thuốc men đến hàng tạp hóa và các sản phẩm tẩy rửa gia dụng, các sản phẩm thông thường, không có thương hiệu có xu hướng rẻ hơn. Mặc dù bạn có thể muốn hỏi ý kiến bác sĩ trước khi chuyển sang nhãn hiệu thuốc rẻ hơn, nhưng sử dụng nhãn hiệu rẻ hơn cho các vật dụng hàng ngày hoặc chọn thịt và rau ở chợ là một ý tưởng tuyệt vời.
Ví dụ: đậu Hà Lan tươi đúng mùa thực sự ngon hơn so với đậu Hà Lan đông lạnh có thương hiệu. Hay thực phẩm đông lạnh của một thương hiệu rẻ hơn có thể có hương vị giống như một thương hiệu đắt tiền hơn. Hãy dành thời gian thử nghiệm để tìm ra những gì phù hợp nhất với bạn.
Bạn cũng có thể tự làm dung dịch tẩy rửa bằng baking soda, giấm và các vật liệu khác. Có nhiều cách làm handmade để tạo ra những món đồ chăm sóc cá nhân của riêng bạn.
7. Trồng các loại rau gia vị của riêng bạn
Các loại rau sống là một bổ sung tuyệt vời cho các món ăn nấu tại nhà nhưng chúng có thể trở nên đắt do thời hạn sử dụng ngắn.
Thay vào đó, hãy gieo trồng những loại rau bạn thường xuyên sử dụng. Các loại cây rau: mùi, húng quế, bạc hà, thì là, hành, ớt,… tương đối dễ trồng và nhanh thu hoạch. Bạn cũng có thể thử trồng rau để ăn mặc dù mất nhiều thời gian hơn để thu hoạch nhưng đó cũng có thể trở thành sở thích rất thú vị.
8. Đầu tư thời gian vào việc bảo trì thường xuyên
Bạn càng chăm bảo dưỡng nhiều thứ, chúng càng tồn tại lâu hơn. Vì vậy, nếu bạn chăm sóc các thiết bị đắt tiền của mình, bạn sẽ giúp chúng sống khỏe và bền hơn. Việc sửa chữa và sử dụng lại những thứ bị lỗi nhẹ thay vì mua đồ mới để thay thế cũng là một ý kiến hay.
9. Tiệc tại nhà
Sống một mình không có nghĩa là sống biệt lập. Để vẫn có thể gặp gỡ bạn bè mà ít tốn kém, hãy thử sắp xếp các bữa tiệc tại nhà – nơi bạn bè và gia đình của bạn mang theo một số đồ ăn và thức uống.
Đây không chỉ là một cách tuyệt vời để dành thời gian với những người bạn yêu thương mà còn là cơ hội tuyệt vời để thử các mẹo nấu ăn và trao đổi cùng nhau.
10. Nhiều dòng thu nhập
Bên cạnh việc giảm chi phí, cách khác để trang trải cuộc sống một mình là tăng thu nhập của bạn. Hơn nữa, bạn cũng có thể làm theo một số cách hữu ích để kiếm tiền trực tuyến:
Bạn có tài năng ăn nói, có thể đăng ký tiếp thị sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử. Bạn biết thiết kế đồ họa? Hãy nhận thêm các dự án của tạp chí và trang web. Hay sở thích trồng trọt mát tay của bạn giúp thu hoạch một mẻ rau mùi lớn? Hãy thử hỏi hàng xóm của bạn có muốn mua một ít từ bạn không.
Từ các dự án viết lách tự do đến việc dắt những chú chó đi dạo trong khu phố của bạn – khả năng kiếm thêm một ít tiền vào thời gian rảnh rỗi của bạn là vô tận. Tương tự, nếu bạn cuối cùng tiết kiệm được một số tiền bằng cách sử dụng các mẹo này, bạn có thể đầu tư và xem nó phát triển thêm một nguồn thu nhập khác.
Khi nào để dành được NHIỀU TIỀN quá là không tốt: Check nhanh 4 dấu hiệu dưới đây để biết!
Không phải lúc nào tiết kiệm cũng tốt đâu!
Khi nói tài chính cá nhân, ai nấy đều nghĩ có càng nhiều tiền trong quỹ tiết kiệm càng tốt. Có một khoản để dành khổng lồ vừa giúp bạn không rơi vào khủng hoảng, vừa đảm bảo có muốn mua nhà, mua xe cũng không chật vật vất vả xoay tiền.
Tuy nhiên, có nhiều người lại sở hữu số dư sổ tiết kiệm quá cao. Vô hình trung, thói quen tiết kiệm và khoản để dành của họ lại tác động xấu đến cuộc sống thường ngày. Hay nói đúng hơn, việc để dành quá nhiều tiền của họ đang là hành động dư thừa, lãng phí. Lãng phí ở đây không phải về mặt tiền bạc mà là lãng phí cơ hội làm giàu, thời gian "vàng bạc" và có thể khiến bạn nghèo dần.
Phần lớn mọi người đều đang cố tiết kiệm, hoặc tiết kiệm chưa đủ, rất hiếm ai tiết kiệm quá nhiều. Song nếu quan tâm, đây là 4 dấu hiệu bạn thể hiện rõ nhất tiền để dành của bạn quá nhiều và cần phải dừng việc tiết kiệm lại gấp, dùng tiền đó cho những mục đích khác.
1. Quỹ khẩn cấp dư thừa quá mức cần thiết
Quỹ khẩn cấp được đặt ra với mục đích backup cho những biến động không lường trước được của cuộc sống. Theo lời khuyên của các chuyên gia, quỹ khẩn cấp chỉ nên khoảng chừng 3 - 6 tháng lương của bạn mà thôi. Khi bạn đã có đủ số tiền ấy, chuyện cố gắng tích cóp 10% tiền lương mỗi tháng cho quỹ khẩn cấp là hoàn toàn dư thừa. Thay vào đó, bạn nên sử dụng tiền cho những mục đích tài chính khác, đảm bảo tốt chất lượng sống.
2. Có rất nhiều tiền nhưng chất lượng cuộc sống lại không tốt
Có nhiều người vì muốn tiết kiệm nhiều nhất có thể thường xuyên bỏ qua rất nhiều nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống. Họ ăn những thức ăn rẻ tiền nhưng không đủ dinh dưỡng, ngưng giao tiếp xã hội vì sợ tốn tiền khi ra ngoài, không dám đi du lịch - nghỉ ngơi hay khám sức khỏe định kỳ vì nghĩ mình không cần...
Tất cả những điều trên hoàn toàn không đúng tí nào. Mục đích của tiết kiệm là đảm bảo cuộc sống luôn ổn định. Nếu bạn sống kham khổ trong khi có nhiều tiền, bạn đã đi sai hoàn toàn tôn chỉ của việc tiết kiệm, tích cóp. Bạn đã vất vả làm việc để lo lắng cho tương lai, chuyện được nghỉ ngơi, dùng tiền tận hưởng cuộc sống là hoàn toàn xứng đáng. Thay vì tiếp tục tích cóp, bạn nên cho bản thân cơ hội được nâng cao chất lượng sống, mở rộng các mối quan hệ... Chỉ khi làm được những điều đó, bạn mới có thêm nhiều cơ hội được gặp gỡ những người ở "tầng mây khác" và tăng khả năng kiếm tiền, làm giàu.
3. Bỏ qua tất cả những mục tiêu tài chính khác
Thông thường người ta tiết kiệm vì hai lý do: Dài hạn là cho cuộc sống sau khi nghỉ hưu và ngắn hạn là mua nhà, mua xe, kết hôn, sinh con, trả nợ... Thế nhưng những người tiết kiệm cực đoan chỉ đam mê rót tiền vào sổ tiết kiệm mà ngó lơ những mục tiêu tài chính khác. Họ không mua nhà, không mua xe, không lập gia đình, kết hôn... Thậm chí có người còn không trả nợ.
Tiền bạc không phải là tài sản giá trị duy nhất. Sở hữu thêm nhà - xe hay xây dựng tổ ấm riêng của mình, trả hết nợ nần để không rơi vào khủng hoảng tài chính chính là con đường ngắn nhất đảm bảo cuộc sống an toàn nhanh chóng và thiết thực hơn liên tục đổ tiền vào tiết kiệm.
4. Có nhiều khoản tiết kiệm nhưng không có khoản đầu tư nào
Có những người có đến 5 - 7 cuốn sổ tiết kiệm nhưng lại chẳng có khoản đầu tư nào. Tiết kiệm lúc này chính là lãng phí tiền bạc khi tự tay "chặn đứng" cơ hội "đổi đời" của bản thân bạn.
Nếu bạn còn trẻ và cách những mục tiêu tài chính ngắn hạn, dài hạn quá xa, dành tiền để đầu tư - kinh doanh thay vì tiết kiệm là điều khôn ngoan. Đầu tư tương đối rủi ro nhưng tìm hiểu kỹ, có kiến thức có thể giúp bạn nhanh chóng dư dả, kiếm được nhiều hơn lãi suất tiết kiệm.
Ảnh: Tổng hợp
5 bài học tài chính nhất định phải nằm lòng: Trước 40 tuổi, bạn không thành đại gia thì cũng có thể thoát nghèo Kế hoạch tài chính được xem là một trong những cách thức tích lũy tài sản hiệu quả để một người trở nên giàu có và cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Tuy vậy, nói thì dễ đấy, đến khi bắt tay vào thực hiện lại là một vấn đề khác. Nhiều người trẻ tuổi thường băn khoăn với câu hỏi:...