10 HLV hưởng lương cao nhất Premier League
Pep Guardiola dẫn đầu danh sách với mức lương 20 triệu bảng mỗi năm, trong khi Marcelo Bielsa hay Ralph Hasenhuttl cũng có tên trong top 10.
1. Pep Guardiola (20 triệu bảng/mùa): Chiến lược gia người Tây Ban Nha giúp Man City trở thành thế lực tại Anh với 2 chức vô địch Premier League, nhưng liên tục lỡ hẹn với mục tiêu Champions League. Mùa giải vừa qua, Man City thất bại ở cả hai đấu trường này. HLV Pep Guardiola từng được liên hệ để trở về Barca nhưng từ chối và tiếp tục gắn bó với đội chủ sân Etihad nhằm hiện thực hóa mục tiêu còn dang dở. Ảnh: Getty Images.
2. Jose Mourinho (15 triệu bảng/mùa): Tottenham Hotspur là điểm đến tiếp theo trong sự nghiệp của chiến lược gia người Bồ Đào Nha sau khi ông rời Man Utd. Mùa giải vừa qua, “Gà trống” thất bại trong mục tiêu giành vé dự Champions League vì khủng hoảng lực lượng. Ở kỳ chuyển nhượng hè, HLV Mourinho vẫn chưa có sự bổ sung nào đáng chú ý. Ông khẳng định Tottenham cần mua thêm tiền đạo để chia lửa với Harry Kane.
3. Juergen Klopp (15 triệu bảng/mùa): Cựu thuyền trưởng Borussia Dortmund đưa Liverpool vô địch Champions League 2018/19, giúp CLB giành Premier League sau 30 năm chờ đợi. Nhiệm vụ của HLV Klopp hiện tại là bảo vệ thành công những danh hiệu đạt được trong quá khứ. Sau nhiều năm với sự kiên nhẫn và chính sách chuyển nhượng hợp lý, Liverpool đã lột xác dưới thời chiến lược gia người Đức.
4. Carlo Ancelotti (11,5 triệu bảng/mùa): Nhiệm vụ của chiến lược gia người Italy mùa giải năm nay là đưa Everton giành vé dự cúp châu Âu. Đội chủ sân Goodison Park tỏ ra tích cực trên thị trường chuyển nhượng mùa hè này khi mang về những hợp đồng chất lượng như James Rodriguez, Allan, Abdoulaye Doucoure…
Video đang HOT
5. Brendan Rodgers (10 triệu bảng/mùa): Mức lương cao thứ 5 tại Premier League là phần thưởng xứng đáng cho những đóng góp của cựu thuyền trưởng Liverpool với Leicester. Mùa giải vừa qua, “Bầy cáo” suýt giành vé dự Champions League nếu các trụ cột không dính chấn thương và xuống phong độ ở giai đoạn bóng đá trở lại sau dịch Covid-19.
6. Marcelo Bielsa (8 triệu bảng/mùa): Sau khi đặt bút ký vào bản hợp đồng gia hạn thêm một năm với Leeds United, chiến lược gia người Argentina trở thành HLV hưởng lương cao thứ 6 tại Premier League. Đây là phần thưởng cho việc đưa đội bóng giàu truyền thống hàng đầu nước Anh trở lại sân chơi Premier League sau 16 năm chờ đợi. Ở trận khai màn mùa giải mới, Leeds sẽ đối đầu đương kim vô địch Liverpool.
7. Ole Gunnar Solskjaer (7,5 triệu bảng/mùa): Chiến lược gia người Na Uy là người được chọn để giúp Man Utd lấy lại vị thế ông lớn trong quá khứ. Dưới thời HLV Solskjaer, Man Utd sử dụng nhiều ngôi sao trẻ và thi đấu với lối chơi tấn công cống hiến. Ông cũng nhận được sự tin tưởng từ ban lãnh đạo trong công tác chuyển nhượng. Mùa giải vừa qua, bản hợp đồng Bruno Fernandes thi đấu ấn tượng và góp công lớn giúp Man Utd cán đích thứ 3 chung cuộc tại Premier League.
8. Ralph Hasenhuttl (6 triệu bảng/mùa): Chiến lược gia người Áo đã có gần 2 năm dẫn dắt Southampton tính đến nay. Mùa giải năm ngoái, ông giúp đội chủ sân St Mary’s cán đích thứ 11 chung cuộc tại Premier League. Ngoài Danny Ings, Southampton không sở hữu nhiều ngôi sao đáng chú ý, nhưng vẫn có thể thi đấu sòng phẳng với các ông lớn nhờ lối chơi tập thể.
9. Frank Lampard (5,5 triệu bảng/mùa): Trở lại đội bóng cũ trên cương vị HLV, cựu tiền vệ Chelsea đối mặt không ít khó khăn nhưng vẫn giúp “The Blues” giành vé dự Champions League với vị trí thứ 4 chung cuộc tại Premier League. Sau mùa giải dính án cấm chuyển nhượng, Chelsea đang trở lại mạnh mẽ khi chi tới hơn 200 triệu bảng tính đến nay. HLV Lampard được kỳ vọng giúp đội chủ sân Stamford Bridge cạnh tranh ngôi vô địch mùa tới.
10. Mikel Arteta (5 triệu bảng/mùa): Trở lại đội bóng cũ như một phương án “chữa cháy” sau thời gian HLV Unai Emery cầm quyền, Arteta để lại dấu ấn và giúp “Pháo thủ” vô địch FA Cup. Mục tiêu của HLV Arteta ở mùa giải năm nay là giữ chân các trụ cột như Pierre-Emerick Aubameyang, Alexander Lacazette… để cạnh tranh danh hiệu.
Nhìn lại hành trình bá vương của Liverpool
Trong suy nghĩ của nhiều người, đội quân của Juergen Klopp đăng quang Premier League 2019-2020 là điều đương nhiên. Nhưng nếu chúng ta nhớ lại những ngày đầu của nhà cầm quân người Đức ở Anfield cách đây gần 5 năm, cảm giác sẽ rất khác.
Klopp được chào đón ở Anfield, nhưng phải 5 năm sau thì ông mới đưa được Liverpool lên ngai vàng Premier League.
Ngày Klopp tới Anfield, Liverpool đang ở trong giai đoạn tệ hại về mặt phong độ, khi chỉ thắng được 1 trong 9 trận trước đó.
Họ cũng chỉ ghi được 11 bàn trong 11 trận của giai đoạn này. Chất lượng đội hình thấp tới mức đáng báo động. Những ngôi sao trong chức vô địch hụt hồi 2014 đều đã ra đi. Luis Suarez và Raheem Sterling lần lượt đòi chuyển sang Barca và Man City. Đội trưởng Steven Gerrard chia tay vào cuối mùa. Daniel Sturridge thì nằm viện nhiều hơn đá bóng. Chính người tiền nhiệm của Klopp là Brendan Rodgers cũng phải thừa nhận rằng, Liverpool cần phải được tái thiết. Nhưng tái thiết từ đâu? Ngay từ đầu, Klopp đã biết rằng ông đang phải đối mặt với một thách thức khổng lồ. "Ai cũng muốn thành công thật nhanh, nhưng tất cả đều phải sẵn sàng để kiên nhẫn, để đầu tư một lượng thời gian cần thiết nhằm hướng tới thành công", Klopp nói vào cuối mùa giải đầu tiên.
Nhưng từ lúc ấy, ông đã khẳng định rằng "đấy sẽ là một chuyến phiêu lưu tuyệt vời".
Nói tới Klopp là nói tới gegen-pressing, là chiến thuật gây sức ép điên cuồng sau khi mất bóng để vừa ngăn đối phương có cơ hội phản công vừa mở ra cơ hội tấn công cho chính mình.
Chính vị HLV người Đức ngay trong ngày đầu tiên nhận việc cũng khẳng định các cầu thủ của ông sẽ "chạy nhiều hơn, chiến đấu dữ dội hơn". Và thực tế đã chứng minh lời Klopp. Trận đầu tiên với Klopp, Liverpool chỉ hòa được 0-0 với Tottenham. Nhưng đó là lần đầu tiên có một đội bóng chạy nhiều hơn đội quân của Pochettino trong cả mùa giải.
Nhưng "pressing game" của Klopp có một vấn đề. Trong khi phát huy hiệu quả rất cao trước những đội bóng thích chơi kiểm soát, thể hiện rõ nhất ở thắng lợi 4-1 trước Man City không lâu sau trận đấu với Tottenham, lối chơi ấy khiến The Kop bế tắc toàn tập trước những đội bóng chủ động lùi sâu để hạn chế khoảng trống phía sau lưng hàng thủ.
Mùa 2016-2017, Liverpool bất bại trước các đối thủ ở nửa trên của BXH, nhưng lại để thua tới 5 trận trước các đối thủ ở nửa dưới.
Sự xuất hiện của Mohamed Salah vào mùa Hè năm 2017 chính là một bước ngoặt.
Không thể nói Salah đã tạo nên một cuộc cách mạng về chiến thuật ở Liverpool, nhưng anh là điều kiện cần để Klopp tiến hành cuộc cách mạng đó. Salah chính là người mà Liverpool không có. Trước khi anh tới, người ghi được nhiều bàn thắng nhất cho Liverpool trong mùa giải trọn vẹn đầu tiên của Klopp là Philippe Coutinho chỉ có 14 bàn. Hai mùa trước đó, những chân sút tốt nhất của họ là Sturridge và Gerrard chỉ có được 13 bàn. Trong mùa đầu tiên, Salah ghi tới 44 bàn.
Với sự có mặt của Salah, Klopp bắt đầu có cái nhìn rõ ràng hơn về lối chơi mà ông muốn xây dựng. Khi Salah và Mane đều có xu hướng bó vào trung lộ để khai thác khoảng trống mà Firmino tạo ra trong vai trò một số 9 ảo, họ cần những hậu vệ cánh có thể dâng cao như một tiền vệ, không chỉ để bảo đảm bề rộng, mà còn mở ra một hướng lên bóng mới. Đúng hơn là hướng chủ đạo. Trent Alexander-Arnold và Andrew Robertson trở thành nguồn kiến tạo chính của đội.
Mùa 2018-2019, cả hai đều có mặt trong Top 5 cầu thủ có nhiều đường chuyền thành bàn nhất ở Premier League.
Với một hệ thống tấn công hoàn chỉnh có thể khoan thủng mọi hệ thống phòng ngự bằng nhiều cách khác nhau, Liverpool không còn cần tới gegen-pressing nữa. Khi có cơ hội thì họ vẫn dùng và dùng tốt, nhưng không có thì cũng chẳng sao. Ưu tiên của đội bóng bây giờ là kiểm soát.
Với những cầu thủ như Fabinho và Naby Keita. Bản rock metal dữ dội đang chuyển mình thành một bản giao hưởng ngọt ngào, dìu dặt, nhưng không thiếu những nốt cao.
Ngoài những thay đổi đúng đắn về mặt chiến thuật, một yếu tố khác làm nên thành công của Liverpool là chuyển nhượng đúng đắn. Ở chỗ thiếu đâu thì mua đấy. Salah giải quyết vấn đề bàn thắng. Alisson giải quyết cơn đau đầu thủ môn. Van Dijk nâng tầm vị trí trung vệ. Những cầu thủ này đều không hề rẻ.
Và dù đã xây dựng được một hệ thống rất ổn cả về mặt chiến thuật lẫn nhân sự, Klopp và đội ngũ trợ lý vẫn liên tục tìm kiếm những chi tiết có thể giúp họ tạo ra lợi thế. Bóng chết là một trong những khía cạnh được quan tâm nhất. Và kết quả là có thể thấy rõ. Mùa 2017-2018, họ ghi 13 bàn nhưng cũng để thủng lưới 12 lần từ bóng chết. Sau một mùa Hè rèn luyện, các con số này lần lượt là 29 và 8. Việc Liverpool thuê HLV ném biên Thomas Gronnemark cũng là điều chưa có tiền lệ ở Premier League.
Đội hình của Liverpool đã thay đổi thế nào sau 5 năm qua? Juergen Klopp đã thay đổi Liverpool rất nhiều trong suốt 5 năm qua và điều đó được thể hiện qua chất lượng đội hình của CLB. HLV Juergen Klopp tiếp quản chiếc ghế nóng tại sân Anfield từ Brendan Rodgers năm 2015. Sau 5 năm làm việc, ông đã ghi tên mình vào lịch sử CLB khi trở thành HLV đầu tiên giúp...