10 công ty bị ghét nhất nước Mỹ
Dựa theo chỉ số thỏa mãn khách hàng ASCI, Business Insiderđưa ra danh sách 10 công ty sẽ bị ghét nhiều nhất năm nay, trong đó có cả Facebook, Nokia, Citigroup…
1. JC Penney
JC Penney bắt đầu đi từ hãng bán lẻ bình thường trở thành một trong những công ty gặp thảm họa trong quản lý vào những năm gần đây. Cựu Giám đốc bán lẻ của Apple, Ron Johnson nắm chức CEO của JC Penney từ tháng 11/2011 và nhanh chóng thay đổi chính sách giá bán của hãng. Ngay sau đó, công ty nhận được những phản ứng tiêu cực từ phía khách hàng. Doanh thu của JC Penney giảm 20% ngay trong quý đầu tiên Ron Johnson thực hiện kế hoạch của mình. Khách hàng trung thành của công ty lần lượt chuyển sang tiêu dùng sản phẩm của các hệ thống bán lẻ khác. Cổ phiếu của JC Penney giảm 40% sau khi Johnson lãnh đạo. Các cổ đông rất khó chịu khi hoạt động của công ty không mang lại cho họ cổ tức. Steve Kernkraut, nhà phân tích bán lẻ của Durban Capital cho biết: “Đây là một thảm họa và nó sẽ còn kéo dài. JC Penney đã mắc một sai lầm quá lớn”.
2. Dish Network
Dish Network được khách hàng đánh giá là công ty có dịch vụ nghèo nàn trong một cuộc khảo sát gần đây. Đây là năm thứ hai Dish Network được “vinh danh” một trong 10 công ty bị đánh giá tồi tệ nhất. Dish còn có những hành động bất ngờ khi cắt bớt một số kênh truyền hình, chương trình rất ăn khách và nhận được phản ứng tiêu cực của người dùng ngay sau đó. Các nhân viên làm việc tại đây cũng có cùng đánh giá với khách hàng. Họ cho rằng, môi trường làm việc ở đây là “thấp kém và không đáng tin cậy”.
3. T-Mobile USA
Năm 2011, T-Mobile có kế hoạch để AT&T Inc. mua lại chi nhánh ở Mỹ từ công ty mẹ, Deutsche Telekom. Tuy nhiên, AT&T phải hủy bỏ kế hoạch sau khi Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng thương vụ này sẽ ảnh hưởng đến sự cân bằng trên thị trường lĩnh vực này. Deutsche Telekom đang trở thành điểm đen trong ngành viễn thông Mỹ. Nhà mạng này đang mất điểm thê thảm khi dịch vụ 4G của hãng tỏ ra thua kém quá nhiều so với các đối thủ cạnh tranh khác như AT&T, Verizon…. Dịch vụ hỗ trợ khách hàng của T-Mobile cũng là vấn đề rất đáng lưu ý. Để tìm lại sự hài lòng của khách hàng, hãng đã liên kết với MetroPCS, đồng thời phân phối điện thoại iPhone như các đối thủ. Tuy nhiên, sự thay đổi trên quá nhỏ và quá muộn, kết quả là T-Mobile đã mất 1,558 triệu thuê bao trong 3 quý đầu năm 2012.
4. Facebook
Facebook tự tạo khoảng cách với các nhà đầu tư của mình sau thương vụ IPO đình đám nhưng không mang lại hiệu quả thực sự cho họ. Từ mức giá 35 USD khi IPO, cổ phiếu của Facebook đã giảm xuống dưới 20 USD trong vòng chưa đầy 3 tháng. Ngoài ra, tính riêng tư của người dùng Facebook không được tôn trọng đúng mực, khiến sự hài lòng của khách hàng giảm đi đáng kể. Facebook tự cho mình quyền đăng lại bất cứ ảnh nào trong tài khoản Instagram của người dùng. Theo ACSI, Facebook là một trong số những công ty bị ghét nhất ở Mỹ và xếp thứ tư trong danh sách này.
5. Citigroup
Citigroup từng sa thải Ceo Vikram Pandit, người dẫn dắt ngân hàng này vượt qua khủng hoảng tài chính, sau đó lại có kế hoạch cắt giảm hàng nghìn lao động của tập đoàn. Điều này làm động lực làm việc và niềm tin của nhân viên vào Citigroup giảm xuống rất nhiều. Chưa dừng lại ở đó, CEO kế nhiệm Pandit, ông Michael Corbat còn có ý định sa thải thêm 11.000 nhân viên. Sự nôn nóng cắt giảm chi phí hoạt động của ban lãnh đạo Citigroup đã làm ảnh hưởng đến lợi ích các cổ đông dài hạn. Theo Interbrand, giá trị thương hiệu của CitiGroup đã giảm 12% trong năm 2012, chỉ còn bằng 2/3 đối thủ J.P. Morgan Chase & Co. CitiGroup cũng có tên trong danh sách 10 công ty có dịch vụ khách hàng tồi nhất nước Mỹ.
6. Research In Motion (RIM)
RIM BlackBerry từng là smartphone ưu việt nhất nhất ở Mỹ và trên thế giới. Tuy nhiên, theo số liệu được Comscore công bố gần đây, thị phần của RIM đã giảm 7,3% tại Mỹ và sẽ còn tiếp tục đi xuống trong năm 2013. Sau khi ra mắt sản phẩm Blackberry Storm và nhận những lời chỉ trích thậm tệ từ khách hàng, RIM đã không còn khả năng tung ra mẫu mã nào đó có thể thu hút sự chú ý của công chúng nữa. Một số chiến lược của RIM còn làm tổn hại đến thương hiệu của gây bực tức cho khách hàng. Năm 2011, hãng chịu khoản tổn thất 485 triệu USD trong thương vụ máy tính bảng PlayBook. Blackberry 10, smartphone mới nhất của hãng cũng bị trì hoãn tới vài tháng. Theo báo cáo của Interbrand, giá trị thương hiệu của hãng đã giảm 39% trong năm 2012.
7. American Airlines
AMR, công ty mẹ của American Airlines, đã hủy hoại mối quan hệ của nó với các cổ đông, chủ sở hữu trái phiếu, phi công, khách hàng, nhà cung cấp, và hầu hết các nhân viên khác chỉ trong một thời gian ngắn. Trong thời gian gần đây, American Airline cho biết sẽ cắt giảm nghĩa vụ với các nhà sản xuất máy bay và chủ nợ, gây ảnh hưởng đến tình hình tài chính của họ. Hãng còn tranh cãi với phi công về các khoản bồi thường trong nhiều tháng qua. Hình ảnh của American Airline trong mắt khách hàng cũng trở nên tệ hại với vụ việc hành khách bị đánh đập. Do đó, American Airlines còn xuất hiện trong cả danh sách những hãng hàng không có dịch vụ khách hàng tệ nhất và mức độ hài lòng của nhân viên thấp nhất.
8. Nokia
Video đang HOT
Nokia đánh mất vị thế số 1 mà hãng từng nắm giữ rất lâu trong làng điện thoại thế giới, nhường lại vị trí đó cho Samsung. Trong 5 năm qua, kể từ khi iPhone xuất hiện, Nokia đã không tận dụng những ưu thế của mình và tụt lại trong lĩnh vực smartphone. Ngay cả khi liên minh với Microsoft, hãng cũng không tránh khỏi sự sụt giảm thị phần nhanh chóng trước các đối thủ quá mạnh là Apple và Samsung. Hệ quả là cổ đông của Nokia tỏ ra rất thất vọng. Giá cổ phiếu Nokia giảm 20% và giá trị thương hiệu của công ty công nghệ Phần Lan này giảm tới 16% trong năm 2012.
9. Sears
Đầu tháng 1, CEO của Sears đã từ chức vì lí do “gia đình”, để lại hai thương hiệu vốn là biểu tượng của Mỹ, Sears và Kmart. Eddie Lampert, cho chủ tịch kiêm nhà sáng lập Sears sẽ trở thành CEO mới và mang gánh nặng duy trì hai thương hiệu này. Đây là vị CEO thứ 5 trong vòng 7 năm qua của hãng. Sears đã mất 60% thị phần trong 5 năm qua, và thất thoát 500 triệu USD trong quý gần nhất, 2,8 tỷ USD trong vòng 1 năm trở lại đây. Các đối thủ cạnh tranh của hãng như Walmart, Target Corp. đều đã xuất hiện trong danh sách S&P 500. Các nhân viên của cả Sears và Kmart cho biết họ không thích thú gì nhiều khi làm việc cho công ty này.
10. Hewlett-Packard (HP)
2012 là một năm tồi tệ của HP khi công ty này được đánh giá là thương hiệu máy tính tệ hại thứ 2 tại Mỹ. Ngược lại với hoạt động kinh doanh tốt đẹp trong 5 năm trước, HP đã thua lỗ tới 12,6 tỷ USD trong vòng 12 tháng tính từ 10/2011. Kết quả là cổ phiếu của hãng giảm tới 40%, 27.000 nhân viên bị sa thải và vướng vào rắc rối pháp lý vì thương vụ mua lại công ty dữ liệu Autonomy. Theo khảo sát của Glassdoor, các nhân viên của HP cũng không thích môi trường làm việc tại đây
Theo VNE
Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
Trong bối cảnh Hy Lạp đã được coi như vỡ nợ, Nhật Bản tăng trưởng âm, Mỹ liên tục bơm tiền mà chưa gặt hái thành công, sự bứt phá của Đông Á được xem như cứu cánh cho kinh tế toàn cầu.
Dưới đây là 10 sự kiện đáng chú ý của kinh tế thế giới năm 2012.
1. Kinh tế Đông Á tăng trưởng ấn tượng
Thái Lan đã phục hồi sau trận lụt lịch sử năm 2011. Ảnh: Fine Art America
Trong bản báo cáo cập nhật công bố cuối năm, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định Đông Á - Thái Bình Dương ngày càng giữ vai trò trọng và hiện đóng góp 40% vào tốc độ tăng trưởng toàn cầu. Kinh tế khu vực tăng trưởng 7,5%, thấp hơn kết quả 8,3% của năm 2011 nhưng các tín hiệu hiện tại cho thấy sẽ phục hồi tốt hơn trong năm 2013 (dự báo sẽ đạt 7,9%).
Nhu cầu nội địa đang được xem là động lực phát triển của các nước trong khu vực khi các thị trường nhập khẩu lớn vẫn khó khăn. Thái Lan đã phục hồi sau trận lụt tệ hại hồi 2011. Philippines cũng tăng trưởng mạnh mẽ. Đà suy giảm của Việt Nam, Indonesia không tệ như quan ngại trước đó. Myanmar thì ngày càng hấp dẫn với phần còn lại của thế giới. Nếu kinh tế Trung Quốc không chậm lại, đà tăng trưởng chung của cả khu vực có thể còn tốt hơn nữa.
Một số nguy cơ có thể ảnh hưởng tới động lực tăng trưởng của khu vực đó là nợ công châu Âu, vách đá tài khóa tại Mỹ và khả năng cắt giảm mạnh đầu tư tại Trung Quốc. Ngoài ra, động thái nới lỏng tiền tệ của bộ ba Mỹ - EU và Nhật Bản có thể khiến dòng tiền nóng ồ ạt đổ vào, gây bong bóng tài sản, tín dụng tăng trưởng ngoài tầm kiểm soát và sẽ tệ hại hơn nữa nếu dòng tiền này rút ra bất thình lình trong tương lai.
2. Mỹ liên tục kích thích kinh tế
Mỹ liên tục tung gói kích thích kinh tế trong năm nay. Ảnh: NYT
Kinh tế Mỹ năm 2011 phục hồi rất chậm chạp bất chấp việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) liên tục thực hiện các biện pháp kích thích. Tháng 9, FED tung gói nới lỏng tiền tệ (QE3), giữ nguyên lãi suất 0% và chương trình hoán đổi trái phiếu để bơm khoảng 85 tỷ USD vào thị trường mỗi tháng. Nỗ lực này khó có thể cứu kinh tế Mỹ trong dài hạn do không giải quyết triệt để vấn đề việc làm. Bên cạnh đó, các nước châu Á còn lo ngại dòng tiền nóng từ Mỹ sẽ gây ra biến động tỷ giá và bong bóng tài sản.
Nếu như năm 2011, Mỹ chỉ đau đầu vì đàm phán nâng trần nợ công thì năm nay, họ phải giải quyết thêm cả vách đá tài khóa, nếu không muốn chương trình tăng thuế và giảm chi tiêu công tự động này có hiệu lực vào tháng 1 tới. Tiến trình này gặp bế tắc do cả Tổng thống tái đắc cử Barrack Obama và Hạ viện Mỹ đều chưa thống nhất được kế hoạch ngân sách 2013. Nếu thất bại, Mỹ sẽ kéo theo cả thế giới vào tình trạng suy thoái.
3. Hy Lạp 'vỡ nợ'
Hy Lạp nhiều lần đứng trước nguy cơ ra khỏi eurozone trong năm nay. AFP
Tiếp tục là tâm điểm của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu năm nay, Hy Lạp nhiều lần đứng trước nguy cơ rời eurozone. Tháng 3, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody còn cho rằng, việc nước này và các chủ nợ tư nhân đạt thỏa thuận hoán đổi trái phiếu để giảm khoản nợ 107 tỷ euro là bằng chứng Athens đã vỡ nợ. Trước đó, eurozone đã đồng ý chi 130 tỷ euro giúp quốc gia này không phá sản.
Hy Lạp đã phải mạnh tay cắt giảm ngân sách để đáp ứng yêu cầu của nhóm giải cứu, như giảm lao động tại khu vực kinh tế công, hạ lương tối thiểu hay thậm chí cho thuê đảo để lấy tiền trả nợ. Tỷ lệ thất nghiệp tại đây luôn ở mức gần 25%. Còn tăng trưởng GDP 2012 được dự đoán tiếp tục giảm, đánh dấu năm thứ 5 liên tiếp Hy Lạp suy thoái.
Tình hình cả châu Âu cũng không khá khẩm hơn khi cuộc khủng hoảng nợ công đã kéo dài sang năm thứ 4 và được dự đoán còn tiếp diễn do không giải quyết được vấn đề việc làm. Tồi tệ nhất là khủng hoảng còn bắt đầu lan ra cả các nền kinh tế mạnh ở vùng lõi eurozone như Đức và Pháp.
4. Trung Quốc tăng trưởng thấp nhất từ 1999
Bất động sản là một trong hai lĩnh vực có nhiều công ty "đã chết" nhất Trung Quốc. Ảnh: Xinhua
Không tăng trưởng âm như Nhật Bản, nhưng kinh tế Trung Quốc năm nay cũng cho thấy sự suy yếu rõ rệt. Theo nhận định của WB, GDP nước này tăng 7,9% trong năm, giảm mạnh so với kết quả 9,3% của năm trước và thấp kỷ lục từ 1999 đến nay. Nhu cầu nội địa yếu, cùng với việc thị trường Âu - Mỹ chưa hồi phục đã khiến cả tăng trưởng GDP, lạm phát, sản xuất và xuất khẩu của nước này đều liên tục giảm sút.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn phải giải quyết tàn dư của bong bóng bất động sản, các công ty "còn sống mà thực ra đã chết", nạn tín dụng đen hoành hành và dòng vốn nóng đang dần rút khỏi thị trường. Dù đã nhiều lần thực hiện các biện pháp kích thích như hạ lãi suất, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc hay tung cả trăm tỷ USD nâng cấp cơ sở hạ tầng, kinh tế nước này dường như vẫn chưa thể lấy lại đà tăng ấn tượng trong suốt thập kỷ qua.
Ban lãnh đạo mới của Trung Quốc, bầu trong Đại hội Đảng lần thứ 18 của nước này, được kỳ vọng sẽ lật ngược tình thế bằng nhiều biện pháp cải tổ. Đặc biệt là trong việc kiểm soát hệ thống tài chính và kìm hãm quyền lực của công ty nhà nước.
5. Nhật Bản lần đầu tiên tăng trưởng âm
Nhật Bản đã tăng trưởng âm trong quý III. Ảnh: CNN
Sau thảm họa động đất sóng thần hồi tháng 3 năm ngoái, kinh tế Nhật Bản lại chịu thêm nhiều cú sốc lớn trong năm nay khi căng thẳng thương mại với Trung Quốc khiến sản lượng công nghiệp liên tục tụt dốc. Sau cả thập kỷ giảm phát, Nhật Bản chính thức tăng trưởng âm trong quý III và được dự báo tiếp tục suy thoái trong quý IV do xuất khẩu và du lịch yếu, bất chấp hàng loạt gói kích thích với tổng quy mô hàng trăm tỷ USD được tung ra nửa cuối năm 2012. Nợ công nước này cũng cao nhất thế giới với tỷ lệ 220% GDP năm 2011.
Cuộc bầu cử giữa tháng 12 đưa cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trở lại chính trường với niềm hy vọng ông sẽ tăng cường các biện pháp nới lỏng tiền tệ để vực dậy kinh tế nước nhà. Tuy nhiên, giới phân tích lại cho rằng việc này sẽ chẳng có mấy tác dụng vì không thể làm tăng nhu cầu thực trong nền kinh tế.
6. Căng thẳng thương mại Nhật - Trung lên đỉnh điểm
Người Trung Quốc đập phá một siêu thị của Nhật. Ảnh: Bloomberg
Việc Nhật Bản - Trung Quốc tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông đã nhanh chóng bùng phát thành căng thẳng thương mại khi đầu tháng 9, hàng nghìn người Trung Quốc tràn ra đường biểu tình và tẩy chay hàng hóa Nhật Bản. Một số người quá khích còn đập phá ôtô và cửa hàng của người Nhật. Sau vụ việc trên, hàng loạt nhà máy của Canon, Panasonic hay Toyota tại Trung Quốc đã phải tạm thời đóng cửa.
Căng thẳng thương mại khiến cả hai nước đều bị thiệt hại nặng nề. Hàng xuất khẩu của Nhật Bản vào Trung Quốc giảm mạnh, thậm chí còn bị dồn ứ tại cửa khẩu. Doanh thu ôtô Nhật tại đây lao dốc với tốc độ hai chữ số. Còn với Trung Quốc, tăng trưởng FDI từ Nhật chỉ bằng một phần ba năm ngoái. Kinh tế nước này còn bị đe dọa khi hàng loạt công ty Nhật cân nhắc rút sản xuất khỏi đây để chuyển sang Đông Nam Á.
Giới phân tích nhận định, căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á có thể cả khu vực này lao đao. Nhất là khi Trung Quốc vẫn đang được coi là điểm sáng toàn cầu trước viễn cảnh ảm đạm tại châu Âu và Mỹ. Tuy vậy, việc nước này bỏ Hội nghị thường niên IMF/WB tại Tokyo (Nhật Bản) đầu tháng 10 đã khiến cộng đồng quốc tế rất bất bình. Họ cho rằng hành động "giận dỗi" này chỉ chứng tỏ Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng cho vị trí "anh cả" của kinh tế thế giới.
7. Myanmar hấp dẫn cả thế giới
Tổng thống Obama và lãnh đạo phe đối lập tại Myanmar - bà Aung San Suu Kyi. Ảnh: Guardian
Việc Myanmar chấm dứt 5 thập kỷ dưới quyền kiểm soát của quân đội và thực hiện hàng loạt cải cách kinh tế - chính trị trong hơn một năm qua đã khiến hình ảnh nước này với thế giới được cải thiện đáng kể. Chỉ trong năm 2012, hàng loạt quốc gia và tổ chức như Mỹ, Na-uy, Australia, Nhật Bản và EU đã dỡ bỏ lệnh cấm vận với Myanmar. Myanmar đang trở thành nam châm thu hút FDI thế giới, như Việt Nam 20 năm trước. Ngân hàng thế giới (World Bank) còn nhận định nước này là điểm sáng của kinh tế châu Á.
Sự kiện gây chú ý nhất tại Myanmar năm nay chính là chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barrack Obama ngày 19/11, ngay sau khi tái đắc cử. Ông là Tổng thống Mỹ đầu tiên tới đây trong vòng 50 năm qua. Việc này đã cho thấy tầm quan trọng của Đông Nam Á, đặc biệt là Myanmar, đối với kinh tế thế giới.
Các công ty Việt Nam cũng không bỏ qua cơ hội vàng này. Nhiều doanh nghiệp Việt đã ồ ạt đầu tư vào địa ốc, bán lẻ, nông nghiệp tại đây, như Hoàng Anh Gia Lai, C.T Group hay BIDV.
8. IPO của Facebook không thành công như kỳ vọng
Cổ phiếu Facebook trượt dốc không phanh sau IPO. Ảnh: AP
Việc mạng xã hội lớn nhất thế giới - Facebook thực hiện IPO đã trở thành tâm điểm chú ý suốt từ năm ngoái. Sự kiện này gây ồn ào do nhiều lần bị trì hoãn, giá trị thương vụ (16 tỷ USD) lớn thứ ba tại Mỹ từ trước đến nay, giá mục tiêu IPO liên tục bị đẩy cao, đồng sáng lập bỏ quốc tịch để né thuế, và trên hết là việc hàng nghìn người sẽ thành tỷ phú hoặc triệu phú chỉ trong một đêm. Vì vậy, các nhà đầu tư trên khắp thế giới đều kỳ vọng giá cổ phiếu Facebook sau đợt phát hành này sẽ tăng vùn vụt.
Tuy nhiên, ngay trong phiên giao dịch đầu, cổ phiếu hãng này chỉ đi ngang và liên tục giảm những ngày sau đó. Thậm chí, có thời điểm, mức giá này chỉ bằng gần một nửa giá IPO là 38 USD.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đên sự thất bại bất ngờ này của Facebook. Giới phân tích cho rằng cổ phiếu Facebook đã bị các ngân hàng bảo lãnh, dẫn đầu là Morgan Stanley, định giá quá cao. Thêm vào đó, việc hệ thống máy tính của sàn Nasdaq gặp trục trặc ngay ngày IPO càng khiến các nhà đầu tư chán nản với việc giao dịch. Đến đầu tháng 11, sau khi Facebook công bố doanh thu quảng cáo qua di động quý III, vốn là mối lo ngại lớn với các nhà đầu tư, cao vượt dự báo, cổ phiếu hãng này mới tăng điểm trở lại.
9. M&A châu Á bùng nổ
SoftBank đã chi hơn 20 tỷ USD cho thương vụ Sprint - Nextel. Ảnh: Gadgets
Triển vọng kinh tế ảm đạm tại Mỹ và châu Âu khiến hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) toàn cầu 2012 kém sôi động hẳn. Theo giới phân tích, tổng giá trị các M&A năm nay có thể giảm 15% so với năm 2011, xuống mức thấp nhất 3 năm.
Tuy nhiên, tình hình tại riêng châu Á lại hoàn toàn trái ngược. Với nền tảng tài chính mạnh và tốc độ tăng trưởng tốt, nhiều doanh nghiệp châu Á đã rất tích cực thâu tóm các công ty khác, không chỉ trong khu vực mà còn trên toàn thế giới. Xu hướng này đã có từ 5 năm trước, nhưng nó chỉ thực sự bùng nổ khi cuộc khủng hoảng khiến tài sản tại Mỹ và châu Âu rẻ đi rất nhiều.
Với họ, M&A xuyên quốc gia chính là cách mới để mở rộng kinh doanh bên cạnh phương pháp giành thị phần nội địa truyền thống. Hai thương vụ nổi bật nhất khu vực này là Tập đoàn Dầu khí hải dương quốc gia Trung Quốc (CNOOC) chi 18 tỷ USD mua Nexen của Canada, và SoftBank (Nhật Bản) chi 20,1 tỷ USD mua 70% Sprint Nextel (Mỹ).
10. Năm đại hạn của các ngân hàng thế giới
HSBC có thể bị phạt gần 2 tỷ USD vì cáo buộc rửa tiền. Ảnh: AFP
Trong một loạt scandal của các đại gia ngân hàng thế giới, tệ hại nhất phải kể tới nghi án thao túng lãi suất liên ngân hàng London (Libor). Có tới 16 ngân hàng trên thế giới đã bị điều tra như Barclays, HSBC, Citigroup hay JPMorgan Chase. Trong đó, Barclays phải nộp phạt gần nửa tỷ USD. Cả Chủ tịch lẫn CEO ngân hàng này đều từ chức sau đó ít lâu.
Việc Mỹ thắt chặt các quy định về phòng chống rửa tiền cũng làm lộ tẩy những sơ hở tại hai ngân hàng lớn nhất Anh là HSBC và Standard Chartered. Họ phải đối mặt tổng án phạt lên tới 2,5 tỷ USD. Rajat Gupta, cựu thành viên HĐQT Ngân hàng Goldman Sachs, cũng bị Mỹ kết tội vi phạm quy định giao dịch nội gián khi tiết lộ bí mật ngân hàng cho một người bạn.
IPO của Facebook cũng khiến 4 ngân hàng bảo lãnh gặp "vạ" do bị nghi ngờ che giấu thông tin bất lợi để đẩy giá mục tiêu IPO lên cao. Sau sự việc này, Morgan Stanley, ngân bảo lãnh chính cho Facebook, đã bị phạt 5 triệu USD.
Theo VNE
Phố Wall buồn thiu vì tiền thưởng Tiền thưởng trong ngành tài chính Mỹ năm nay dự kiến sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tuy không gây bất ngờ, thực tế này khiến nhân viên làm việc ở Phố Wall kém vui trong những ngày cuối năm này. Năm nay, Phố Wall đã mất đi 1.200 việc làm, và vào tuần trước, Citigroup tuyên...