10 chia sẻ về bố mẹ cảm động nhất Thiếu niên nói 2020: Công ơn dưỡng dục của đấng sinh thành là vô hạn
Thiếu niên nói 2020 để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả với 10 câu chuyện về tình cảm thiêng liêng giữa bố mẹ và con cái.
Trải qua 15 tập phát sóng, Thiếu niên nói 2020 khép lại đầy cảm xúc với hàng loạt câu chuyện ý nghĩa về bố mẹ và con cái. Bên cạnh những màn bày tỏ tình cảm, tri ân đấng sinh thành một cách chủ động từ các em nhỏ, cũng có không ít khoảnh khắc hiểu lầm giữa bố mẹ và con cái được hóa giải.
‘Con sẽ thay bố chăm sóc mẹ’
Vượt qua mặc cảm vì cuộc sống thiếu vắng bố, cậu bé lớp 6 Tuấn Phong thấu hiểu cho cuộc hôn nhân đổ vỡ của đấng sinh thành và cầu mong mẹ sớm tìm được 1 nửa yêu thương để sống thật hạnh phúc. Trong xã hội, ly hôn là dấu chấm hết cho một cuộc hôn nhân nhưng đó không chỉ là sự kết thúc giữa hai vợ chồng mà đôi khi còn gây ra những nỗi đau cho con cái. Tuy nhiên, với Tuấn Phong, sự mất mát của bản thân không lớn bằng tình yêu thương mà cậu bé dành cho mẹ.
Xúc động trước tình cảm của cậu bé muốn mẹ tìm bến đỗ mới hạnh phúc hơn.
Tương tự Tuấn Phong, Mỹ Nhung cũng thiếu vắng một phần tình cảm từ cha. Thế nên, cô bé càng hiểu nỗi vất vả mưu sinh đang đè nặng lên đôi vai của mẹ. Cô học sinh lớp 11 tự hứa với bản thân có trách nhiệm phải biết bảo vệ mẹ, cô bé mạnh mẽ nói lời xin lỗi cho những lần bồng bột không nghe lời và hứa sẽ thay đổi bản thân trở nên tốt hơn.
Hơn 10 năm chưa nhận được lời chúc sinh nhật từ ba, câu chuyện của cô bé Ngọc Linh trường THCS Ngô Sĩ Liên đã khiến người xem không khỏi xúc động. Dẫu có được một cuộc sống đầy đủ và tiện nghi nhất về vật chất nhưng từ sâu thẳm tâm hồn, cô bé lại thấy trống trải tình cảm của ba. Tuy nhiên với góc nhìn cảm thông, ba của Ngọc Linh một mình phải gánh vác cả gia đình và chăm sóc bà nội đã 97 tuổi. Đôi khi chính những bộn bề cuộc sống khiến bề ngoài hai ba con có vẻ xa cách nhưng sâu thẳm trong lòng ba vẫn yêu thương và dành rất nhiều tình cảm cho con gái.
Những lời xin lỗi đáng yêu nhất trên bục dũng khí
Từng cãi lời cha mẹ để theo đuổi tình yêu đầu đời, Hoàng Yến lâm vào cảnh bế tắc cảm nhận gia đình không còn yêu thương mình như trước. Rơi những giọt nước mắt hối tiếc và nói lời xin lỗi cha, Hoàng Yến chỉ mong được sự chấp nhận từ gia đình và có lại những ngày tháng yên bình bên cạnh cha như trước. Sau giây phút trải lòng trên bục dũng khí, Hoàng Yến dũng cảm trao cho người cha một cái ôm ấm áp. Vào lúc này, vết nứt tình cảm của 2 cha con có thể chưa được hàn gắn hoàn toàn nhưng chắc chắn họ đã hiểu nhau nhiều hơn.
Sau bồng bột tuổi trẻ, cô bé cảm thấy cha mẹ không còn thương như trước nữa.
Mong muốn được mẹ quan tâm, chia sẻ với mình nhiều hơn, cậu bé Phan Anh Kiệt đã mạnh dạn chia sẻ nỗi lòng. Có nhiều tâm sự nhưng không thể chia sẻ với mẹ trong suốt thời gian dài khiến cậu bé căng thẳng. Hiểu rõ sự thay đổi về tâm lý trong con, mẹ Anh Kiệt là cựu người mẫu, diễn viên Mai Thu Huyền nhận lấy trách nhiệm và cố gắng dành thời gian ở bên con nhiều hơn.
Câu chuyện của “hot boy” Phúc Kiên nói lời xin lỗi sau 4 năm dài “ghét bố” khiến người xem hiểu hơn về bản chất của mối quan hệ bố và con trai – mối quan hệ của hai người “đàn ông” nên thật khó để thể hiện cảm xúc, tình yêu thương dành cho nhau. Ngoài mặt tỏ ra lạnh lùng nhưng trong lòng bố và con trai luôn chất chứa nhiều tình cảm.
Chứng kiến cảnh con trai thi trượt cấp 3 vào ngôi trường mơ ước, người mẹ bất lực nhìn con mình trở nên kém tự tin. Thương con, mẹ đành ngậm ngùi để cho cậu bé có không gian riêng. Khi bắt đầu trưởng thành trong suy nghĩ và học được cách đối diện với thất bại, Anh Khoa nghẹn ngào nói lời xin lỗi mẹ. Xin mẹ tha thứ cho những lần tự dưng nổi cáu và “xù lông nhím” với mẹ.
Câu chuyện bị bố mẹ cho ra rìa của cô bé Yến Nhi trong tập 6 Thiếu niên nói 2020 cũng chính là tâm sự của rất nhiều em nhỏ phải làm anh chị trong nhà. Khi trở thành anh cả, chị cả, mọi thứ đều phải nhường cho em khiến các cô bé cậu bé có cảm giác bố mẹ thiên vị và rồi nảy sinh thái độ ghen tị. Tuy nhiên thực tế tâm lý chung của người lớn luôn khắc khe với những đứa con lớn hơn để làm gương cho những đứa trẻ ở sau noi theo học hỏi.
Bài học lớn nhất dành cho con chính là tình yêu thuơng
Đối với Phương Minh, tình mẹ vô cùng thiêng liêng. Mẹ cô bé bị cảm cúm khi mang thai nhưng chỉ mong con khỏe mạnh ra đời đó là ký ức cô bé mãi không quên khi được nghe người thân kể về hành trình ra đời đầy gian nan của mình. Có được cô con gái hiểu thấu công ơn dưỡng dục và hết mực yêu thương ba mẹ quả là điều đáng trân quý.
Xúc động trước câu chuyện mẹ mang bầu bị H5N1 và nghị lực để sinh con.
Không ngại “kể xấu” mẹ trên sóng truyền hình, màn đối đáp đáng yêu của Yến Thi và mẹ khiến người xem cảm nhận được tình yêu thương đong đầy. Với cô bé lớp 9, mẹ luôn là người chủ động tìm hiểu tâm tư, tình cảm của các cô con gái. Vì vậy, Yến Thi luôn xem mẹ là tấm gương để noi theo và cảm thấy may mắn khi có được một người mẹ tuyệt vời. Với tư duy giáo dục con cái một cách văn minh, hiện đại, giao tiếp và tâm sự với con giống như một người bạn. Điều đó đã xóa nhòa đi khoảng cách thế hệ giữa Yến Thi và mẹ.
Thiếu niên nói 2020 khép lại đồng thời cũng mở ra một chặng đường mới trong cách giáo dục con cái và gắn kết các mối quan hệ trong gia đình.
10 khoảnh khắc nói về ước mơ đắt giá nhất Thiếu niên nói 2020: Cứ tự tin bước tới, bố mẹ sẽ đi cùng!
Thiếu niên nói 2020 để lại trong lòng khán giả 10 bài học sâu sắc về cái giá phải trả cho việc theo đuổi đam mê trong cuộc đời mỗi người.
Đi qua gần 3 tháng phát sóng, Thiếu niên nói 2020 không chỉ để lại trong lòng khán giả những cung bậc cảm xúc từ vui nhộn đến cảm động mà còn chia sẻ những bài giá trị trên hành trình theo đuổi đam mê và hiện thực hóa giấc mơ của các bạn trẻ.
Con cái tự tin thuyết phục bố mẹ để theo đuổi đam mê
Vốn có ước mơ trở thành một Youtuber và Streamer chuyên nghiệp nhưng Gia Bửu không nhận được sự ủng hộ từ gia đình. Tuy nhiên, cô bé vẫn theo đuổi niềm đam mê và quyết tâm chứng minh bản thân của mình bằng việc học. Trong câu chuyện này, khoảng cách thế hệ có thể là nguyên nhân khiến cho mẹ và cô con gái nảy sinh những bất đồng.
Xuất hiện "cool ngầu" trên bục dũng khí, Đỗ Xuân Hoàng đã không kìm nén được cảm xúc và chia sẻ câu chuyện anh chàng bị từng bố mẹ cấm cản, ngăn chặn tiếp cận và theo đuổi đam mê vũ đạo. Cùng với chia sẻ của mình, cậu học sinh 11 tuổi muốn nhắn nhủ thông điệp: Nếu mỗi người trong chúng ta thật sự có niềm đam mê và khao khát được cháy bỏng với nó thì cho dù bất cứ điều gì cũng không thể cản bước được.
Giống với Xuân Hoàng, Cẩm Hồng lớp 11A1 trường Hội nhập Quốc tế iSchool Long An muốn được trở thành ca sĩ nhưng cô bé cảm thấy ước mơ này dường như không được gia đình ủng hộ. Sở hữu năng khiếu bẩm sinh, cô bé mang về rất nhiều thành tích trong các hoạt động văn nghệ ở trường. Đó chính là minh chứng cụ thể, chân thật nhất để thuyết phục gia đình cho bản thân theo đuổi ước mơ riêng.
Nhiều lần bị mẹ từ chối nhưng Khải Trân vẫn can đảm đứng trên bục dũng khí, một lần nữa chia sẻ câu chuyện về năng khiếu của bản thân và mong muốn được thi vào trường Kiến trúc. Tuy nhiên, khác với những lần tâm sự trước, cô bé chủ động chuẩn bị những bức tranh do mình vẽ, đặc biệt là bức tranh về mẹ chỉ để minh chứng và bày tỏ niềm đam mê dành cho môn vẽ và ước mơ trở thành kiến trúc sư. Vì những nỗ lực và sự quyết tâm của con, người mẹ thấu hiểu và chấp nhận.
Cô bé bật khóc hỏi mẹ: "Sao mẹ không cho con học vẽ?"
Khi bố mẹ trở thành người bạn đồng hành với con trên chặng đường chinh phục ước mơ
Niềm đam mê của ông dành cho bộ môn xiếc đã là nguồn cảm hứng cho cậu bé 9 tuổi - Lê Minh Nhật quyết tâm sau này lớn lên sẽ trở thành "Hoàng tử xiếc của Việt Nam". Câu chuyện này đưa đến cho khán giả bài học về sự gắn kết thế hệ, đặc biệt là cách giáo dục con cái dựa trên nền tảng là tình cảm gia đình - một trong những chất xúc tác mạnh mẽ nhất giúp các con thành - bại trên con đường theo đuổi ước mơ.
Màn biểu diễn của "Hoàng Tử xiếc Việt Nam" dành tặng "người hùng ông nội".
Đam mê đá bóng từ khi còn bé, Minh Chuyên cùng bố xem các trận cầu kinh điển của các cầu thủ quốc tế qua màn ảnh. Chính sự ủng hộ từ gia đình đã giúp cậu bé 9 tuổi tự tin và tỏa sáng khi mang về chuỗi thành tích thắng giải vô địch bóng đá của trường 2 năm liên tiếp. Lắng nghe chia sẻ của Minh Chuyên Công Vinh - Thủy Tiên đưa đến bài học thiết thực về cách định hướng con cái theo đuổi đam mê một cách đúng đắn. Cặp đôi đề cao vai trò của gia đình trong việc động viên con cái khi theo đuổi đam mê, sở thích. Thành công nào cũng phải trả giá, cái giá đó có thể đắt, nhưng khi đạt được, chúng ta sẽ đến được bến bờ của hạnh phúc.
Công Vinh - Thủy Tiên ủng hộ đam mê của cậu bé "văn võ song toàn".
Hot boy 9 tuổi - Hoàng Nam mê bóng đá được Quang Hải ủng hộ nuôi dưỡng đam mê trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Ngay từ năm lớp 1, bố đã phát hiện cậu bé có năng khiếu với bộ môn thể thao vua vì vậy em luôn được gia đình tạo điều kiện để luyện tập bên cạnh song hành với việc học tại trường. Tiếp cận và chia sẻ niềm đam mê với con là một trong những cách giáo dục con cái nên được áp dụng rộng rãi. Phát hiện con có năng khiếu từ sớm, thay vì bắt ép con tập trung học tập tạm gác đam mê, bố cậu bé trở thành người đồng hành và chia sẻ, khuyến khích con vừa học tốt vừa rèn luyện để thực hiện được ước mơ.
Biến ước mơ thành sự thật: Đam mê thôi chưa đủ hãy dấn thân và nỗ lực đến cùng
Với cách nghĩ chín chắn và dẫn chứng thực tế, Minh Khánh bản lĩnh nêu lên quan điểm về cơ hội và những khó khăn của các bạn trẻ đam mê, mong muốn theo đuổi ước mơ làm nghệ thuật. Theo Minh Khánh, để theo được ngành nghệ thuật, các bạn học sinh phải tốn kém nhiều chi phí và thời gian nhưng cơ hội để sống được với nghề lại vô cùng mong manh và bấp bênh. Và chính những rào cản này không chỉ khiến Minh Khánh mà còn những bạn trẻ khác có cảm giác sợ hãi và thu mình lại không dám tiếp tục theo đuổi niềm ước mơ. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Đức Phúc với những lời khuyên thực tế nhắn nhủ các bạn trẻ chủ động hơn, nỗ lực dấn thân và có thái độ nghiêm túc với ước mơ thì nhất định sẽ đạt được điều mình muốn.
Đức Phúc dành tặng Minh Khánh và các bạn trẻ đam mê theo đuổi nghệ thuật lời khuyên sâu sắc.
Ước mơ của Minh Mẫn không như tâm ý của ba mẹ. Cậu bé lớp 11 muốn trở thành "nghệ sĩ đường phố" nhưng không nhận được sự ủng hộ từ gia đình. Có lẽ do sự không rõ ràng và mơ hồ trong cách chia sẻ nguyện vọng mà Minh Mẫn không tìm thấy sự đồng cảm. Chính câu chuyện nào cũng giúp các em học sinh sáng tỏ việc để theo đuổi đam mê trước tiên mình phải có được 1 chỗ dựa vững chắc, hoàn thành xong việc học và tiếp tục trau dồi thêm về chuyên môn âm nhạc.
Khép lại các câu chuyện về ước mơ của các em nhỏ tại Thiếu niên nói 2020, chúng ta nhận ra rằng, ước mơ chỉ thật sự thành hiện thực khi quyết tâm của bản thân đủ lớn để hành động. Người lớn hãy tạo cơ hội cho trẻ con thực hiện đam mê và theo đuổi sở thích riêng. Đối với con cái, học tập thôi chưa đủ, chúng phải có thêm thời gian dấn thân trải nghiệm để tìm được điều gì là thích hợp nhất. Bố mẹ hãy trở thành những người bạn đồng hành, chia sẻ với các con trên bước đường theo đuổi ước mơ riêng.
Cô bé lớp 3 nhảy 'Baby Shark' cực đáng yêu thuyết phục cô giáo chủ nhiệm mời diễn đám cưới Cô học sinh lớp 3 lanh lợi, tự tin nhảy "Baby Shark" với mong muốn mang tiết mục trình diễn trong đám cưới của cô giáo. Xuất hiện trong tập 15 Thiếu niên nói 2020 Nguyễn Ngọc Khánh Thi học sinh lớp 3.1 trường Hội nhập Quốc tế iSchool IEC Quảng Ngãi bày tỏ tình cảm cực đáng yêu với cô Như Trang...