10 bộ phim sở hữu cú “plot twist” chất lượng trong thập niên 2010
Một bộ phim hay không nhất thiết phải có plot twist, nhưng đôi khi plot twist tốt lại có thể giúp bộ phim trở nên thỏa mãn hơn nữa.
Một cú plot twist (tạm hiểu là bước ngoặt không thể ngờ được trong cốt truyện) được xây dựng kém có thể phá hỏng một bộ phim hay. Nhưng mặt khác, một cú twist tốt có thể sẽ rất thỏa mãn.
Khi thập niên 2010 đang dần kết thúc, EW đã chọn ra các twist phim hay nhất từ năm 2010 đến năm 2019. Các twist này được lựa chọn không chỉ vì bất ngờ, mà còn mang tính chất thay đổi góc nhìn của chúng ta về bộ phim theo hướng tích cực. Kết quả là chúng ta có những cú twist đắt giá, chứ không phải dạng rẻ tiền. Với các phim được chuyển thể từ sách, nếu cú twist đó cũng có hiệu quả như chất liệu gốc thì vẫn được tính.
1. Shutter Island (2010)
Shutter Island dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Lehane, bộ phim của Martin Scorsese với sự tham gia đóng chính của Leonardo DiCaprio trong vai Marshal Edward “Teddy” Daniels, người được thuyên chuyển đến bộ phận tâm lý trên một hòn đảo biệt lập, nhằm tiến hành điều tra khi một bệnh nhân tại Bệnh viện Ashecliffe tên Rachel Solando mất tích.
Trong quá trình điều tra, anh được Chuck Aule (Mark Ruffalo) giúp đỡ, nhưng lại bị ám ảnh bởi các cơn đau nửa đầu và giấc mơ về một cô bé cùng người vợ, Dolores Chanal (Michelle Williams), vốn đã chết trong đám cháy do một kẻ tên Andrew Laeddis gây ra. Hành trình tìm kiếm Solando càng lúc càng tăm tối hơn, kỳ lạ hơn và càng lúc càng hoang tưởng hơn, cho đến khi sự thật được tiết lộ.
Daniels thật ra chính là Laeddis. Sau khi vợ anh lấy mạng đứa con của 2 người, anh ta lấy mạng vợ và trở thành bệnh nhân ở Ashecliffe. “Cuộc điều tra” này được thiết kế bởi các bác sĩ trong bệnh viện nhằm giúp anh ta thoát ra được khỏi ảo ảnh của bản thân. Khán giả sau đó buộc phải nhớ lại bộ phim từ lúc kết thúc cho đến lúc bắt đầu và nhìn kỹ hơn vào các gợi ý được sắp xếp sẵn.
2. Source Code (2011)
Source Code bắt đầu rất đơn giản: một phi công quân đội người Mỹ tên Colter Stevens (Jake Gyllenhaal) tỉnh dậy trên một chuyến tàu sẽ phát nổ sau đó. Anh ta tiếp tục tỉnh lại lần thứ 2, được một nhân vật tên Colleen Goodwin (Vera Farmiga) thông báo rằng nhiệm vụ của anh là tìm quả bom trên chuyến tàu. Anh sau đó phát hiện ra mình là một phần của một chương trình tên Source Code, được dùng để tái hiện lại 8 phút cuối cùng của nạn nhân trước khi chết. Đó là lý do tại sao anh chỉ có 8 phút để tìm quả bom.
Cú twist đầu tiên xuất hiện khi Stevens biết được rằng anh thực ra được báo đã chết ở Afghanistan 2 tháng trước. Và cú twist đỉnh nhất tiếp theo là khi anh xác định thành công quả bom. Goodwin sau đó rút đường nuôi dưỡng sự sống của anh sau 8 phút. Thế nhưng, sau 8 phút, anh vẫn còn sống và chúng ta biết được Source Code là một cánh cửa dẫn đến một thực tại khác. Stevens sau đó gửi tin nhắn đến cho Goodwin bảo với cô điều anh biết được và nhờ cô giúp đỡ những phiên bản khác của anh. Một cú twist mang chất khoa học viễn tưởng và mang đến hi vọng cho một bộ phim đã quá nhiều chết chóc.
3. The Cabin in the Woods (2012)
Trong một cú twist cũng có nét tương đồng với Source Code, The Cabin in the Woods bắt đầu khi một nhóm các nhà khoa học đang bàn luận về một nghi lễ. Phim chuyển sang một nhóm 5 sinh viên dành những ngày cuối tuần ở một cabin trong rừng. Nhóm sinh viên này hoàn toàn không biết rằng các nhà khoa học đang điều khiển các yếu tố khác trong cabin và gián tiếp điều khiển chính bản thân họ.
Mọi chuyện dần sáng tỏ khi chúng ta biết được họ đang trong một cuộc thử nghiệm. Cuối cùng, chỉ còn 2 sinh viên sống sót là Dana và Marty (Kristen Connolly và Fran Kranz). 2 người họ bước xuống một thang máy dẫn đến nơi mà các nhà khoa học đang nghiên cứu. Tại đây, họ được tiết lộ rằng mình là một phần của một nghi lễ thường niên diễn ra trên toàn thế giới nhằm thỏa mãn các thần linh ác độc cổ xưa đòi hỏi việc hiến tế con người.
Nghi lễ của Mỹ mà người xem biết được bao gồm 5 kiểu chết kinh điển trong phim kinh dị. Miễn sao “trinh nữ” (Dana) chết cuối cùng hoặc còn sống thì nhân loại sẽ được cứu. Dana từ chối lấy mạng Marty để hoàn thành nghi lễ và cả 2 quyết định rằng nhân loại chẳng đáng được cứu, sau đó cùng hút cỏ và chào đón số phận của mình.
Nhìn chung, đây là một bộ phim kỳ lạ và có khi cười, nhưng bởi vì chúng ta đã được gợi ý ngay từ đầu, sự thật cuối cùng được tiết lộ vốn là góc nhìn của các nhà làm phim về các chi tiết sáo mòn trong phim ảnh, cú twist sau đó rất có hiệu quả.
4. Gone Girl (2014)
Bộ phim giật gân hấp dẫn Gone Girl (chuyển thể rất thành công từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của Gillian Flynn) bắt đầu bằng sự biến mất của Amy Dunne (Rosamund Pike), được cho là đã chết sau khi máu của cô được phát hiện trong nhà. Một cuộc điều tra được mở ra và mọi chuyện đi từ rất xấu cho đến vô cùng tệ hại đối với người chồng của cô là Nick (Ben Affleck), sau khi anh ta bị phát hiện đang ngoại tình với sinh viên của mình còn Amy đang mang thai ở thời điểm cô mất tích. Bằng chứng chống lại Nick càng lúc càng chồng chất và khi việc vật lộn tài chính diễn ra, một cuốn nhật ký do Amy viết, kể về nỗi lo sợ cho sự an toàn của cô trước khi cô biến mất bỗng xuất hiện.
Cú twist của phim ở giữa phim khi khán giả được biết mọi chuyện đang dần đi đúng hướng kế hoạch của Amy. Cô ta làm giả cái chết và cả bào thai, sau đó gài bẫy người chồng bội bạc. Một mớ các cú twist khác nữa và Amy trở về với Nick, tiết lộ rằng cô có thai, lần này là thật và Nick ở lại với cô ta vì đứa trẻ. Đối với những người đã đọc tiểu thuyết thì các cú twist trong phim không có gì ngạc nhiên. Nhưng bởi vì Flynn chuyển thể chính cuốn sách của cô thành kịch bản nên việc xem bộ phim mang đến cảm giác thỏa mãn như lần đầu người đọc được đọc quyển sách ấy vậy.
5. Arrival (2016)
Khi người ngoài hành tinh xuất hiện trên Trái Đất, nhà ngôn ngữ học có tiếng Louise Banks (Amy Adams) và nhà vật lý học Ian Donnelly (Jeremy Renner) được giao nhiệm vụ giao tiếp với các sinh vật này và cải thiện các vấn đề phát sinh nếu có. Các sinh vật ngoài hành tinh này sử dụng các biểu tượng khác nhau và khi Louis bắt đầu học được ngôn ngữ của họ, cô bắt đầu có các hình ảnh hồi tưởng về con gái (vốn đã chết đầu phim). Dần dần, Banks và Donnelly biết được người ngoài hành tinh đến đây để giúp đỡ con người bởi trong 3000 năm, họ sẽ cần sự giúp đỡ của chúng ta để trở về. Hóa ra ngôn ngữ của họ là một công cụ thay đổi nhận thức về thời gian, khiến họ nhìn thấy các cảnh “hồi tưởng về tương lai”. Vì Louise đang học ngôn ngữ của họ nên cũng sẽ có trải nghiệm tương tự.
Kết quả là, với cú twist đau khổ nhất trong danh sách này, chúng ta biết các hình ảnh hồi tưởng liên quan đến con gái Louise vốn chưa xảy ra, nhưng chắc chắn sẽ xảy ra. Bộ phim kết thúc khi Donnelly và Banks trầm tư về tương lai và liệu họ có thay đổi cuộc sống của họ nếu biết các sự kiện tương lai sẽ diễn ra như thế nào hay không. Banks kết luận rằng, “Mặc dù biết hành trình đi tới đâu, tôi sẽ đón nhận. Và tôi sẽ chấp nhận từng phút giây của nó”. Cú twist kết nối chủ đề của phim đồng thời nhấn mạnh luồng cảm xúc buồn tuyệt đẹp của nó. Và ta chẳng thể tìm được một cái kết nào hay hơn cho Arrival.
Video đang HOT
6. Get Out (2017)
Get Out là bộ phim đầu tay của đạo diễn Jordan Peele với Daniel Kaluuya đóng vai một nhiếp ảnh gia người da màu tên Chris, đồng ý về thăm nhà người yêu da trắng của mình là Rose Armitage (Allison Williams).
Những sự kiện kỳ lạ bắt đầu diễn ra, khi mẹ của Rose cố gắng thôi miên Chris, cũng như những người giúp việc da màu của gia đình Rose cư xử rất lạ thường. Câu chuyện bắt đầu tiến đến cao trào khi một đám người giàu có da trắng tụ tập đến dinh thự của Armitage để tham gia một bữa tiệc thường niên, và bắt đầu đấu giá quanh một tấm hình của Chris.
Anh sau đó biết được mình là người da màu mới nhất được gia đình Rose “tuyển chọn” để họ và những người bạn giàu có của mình có thể đạt được một kiểu sống bất tử: Họ cấy ý thức của mình vào trong các vật chủ da màu nhằm chiếm đoạt thân thể họ thông qua thôi miên, còn linh hồn và nhận thứ của người da màu sẽ bị giam trong một nơi được gọi là Sunken Place. Những người giúp việc da màu trong gia đình được tiết lộ là ông bà của Rose đã thực hiện kỹ thuật này thành công trước đó. May mắn thay, Chris trốn thoát được trước khi trở thành nạn nhân mới, và lấy mạng gia đình Armitage. Với cú twist này, Peele hoàn thành bộ phim châm biếm xã hội này theo một cách tăm tối nhưng cũng đầy thỏa mãn.
7. Searching (2018)
Được kể hoàn toàn thông qua màn hình máy tính và điện thoại, bộ phim bí ẩn này theo chân David Kim (John Cho), người cha đang tìm kiếm đứa con gái 16 tuổi mất tích, Margot (Michelle La).
David tiến hành điều tra và biết được con gái từng trò chuyện với người phụ nữ có tài khoản tên fish_n_chips, nhưng thanh tra Vick (Debra Messing) chứng minh được rằng chứng cứ ngoại phạm của người này vẫn vững và họ không liên quan. Một số cú twist kỳ lạ diễn ra nhưng chứng cứ tiếp tục không khớp với nhau, cho đến khi bộ phim tiết lộ con trai Vick chính là fish_n_chips, người dùng tài khoản của mẹ để tiếp cận Margot, cô gái mà cậu có tình cảm. Tuy nhiên, khi gặp Margot để nói với cô sự thật thì mọi chuyện vượt ngoài tầm kiểm soát, cậu vô tình xô cô xuống vách núi. Vick biết được sự thật và nhận vụ án để bao che cho con, một cú twist vừa buồn nhưng cũng vừa đáng tin.
Searching cuối cùng cho thấy cha mẹ sẵn sàng làm bất cứ thứ gì để bảo vệ con mình, dù tốt hay xấu. Nhờ người cha cô không thôi tìm kiếm sự thật và những cơn mưa vô tình, Margot sống sót và được tìm thấy.
8. A Simple Favor (2018)
A Simple Favor có câu chuyện với khá nhiều ngã rẽ, khiến bạn có cảm giác không tả được sau khi xem phim. Nhân vật chính của phim là Anna Kendrick trong vai một vlogger tên Stephanie, tiến hành tìm kiếm sự thật khi người bạn mới của cô là Emily (Blake Lively) mất tích. Xác của Emily sau đó được tìm thấy dưới hồ với một lượng lớn heroin trong cơ thể, và sự thật là chồng cô, Sean (Henry Golding) đã rút số tiền bảo hiểm rất lớn của vợ trước khi cô mất tích. Stephanie tiếp tục theo đuổi sự thật (đồng thời cũng bắt đầu mối quan hệ với Sean) và phát hiện Emily thật ra là một người phụ nữ tên Hope McLanden và có một chị sinh đôi tên Faith. Cả 2 biến mất sau khi lấy mạng người cha bạo hành 16 năm trước và Hope bắt đầu lại từ đầu dưới cái tên Emily, trong khi Faith sa vào con đường nghiện ngập. Faith sau đó liên lạc với Emily và định tống tiền cô em, 2 người gặp nhau mà Emily dìm chết người chị, nhưng làm giả cái chết để trông như mình tự vẫn để một phần tiền bảo hiểm về tay người chồng.
Đây mới thực sự là đoạn hấp dẫn: Emily nổi giận vì chồng mình qua lại với Stephanie, còn Stephanie thì ghen vì anh ta dễ dàng quay lại với vợ. Cả 2 bắt đầu một ván cờ 4D bắt đầu bằng việc Stephanie đồng ý giúp Emily thoát tội bằng cách gài hàng Sean. Stephanie sau đó rút lời, cô ta và Sean giả vờ cãi nhau (có cảnh sát nghe lén) để cố lừa Emily thú tội. Emily đoán trước được điều đó và đã tắt tai nghe. Emily sau đó tuyên bố kế hoạch của mình là lấy mạngSean và Stephanie, làm giả vụ việc như lấy mạng người và tự vẫn. Cô bắt chết Sean và khi chuẩn bị lấy mạng Stephanie, bộ phim tiết lộ Stephanie đã quay lại mọi chuyện và đăng lên vlog. Emily bỏ chạy, bị tông xe rồi bị bắt. A Simple Favor và những cú twist của nó hợp với bộ phim bởi phim luôn mang cảm giác làm quá và hơi cường điệu, và không bao giờ cố gắng giả vờ là nó không phải thế.
9. Widows (2018)
Đúng với tên gọi của nó, Widows theo chân 4 người góa phụ ở Chicago âm mưu cướp $5 triệu để trả lại cho một ông trùm tội phạm khi chồng họ cướp số tiền này của ông ta. Khi nhóm góa phụ đã sắp thành công, thủ lĩnh của họ là Veronica (Viola Davis) phát hiện chồng bà là Harry (Liam Neeson) vốn còn sống và đang định cướp số tiền mà họ vừa cướp được. Harry được hỗ trợ từ một góa phụ khác, ban đầu từ chối giúp Veronica và sau được tiết lộ là người tình của Harry. Khi Harry định cướp số tiền và lấy mạng Veronica để bảo vệ bản thân và gia đình mới thì Veronica lại là người bóp cò trước, bắn chết Harry. Câu chuyện dường như luôn rõ ràng xuyên suốt phim cho đến cú twist cuối cùng. Đấy chính là điểm đặc biệt của nó, chẳng ai ngờ là sẽ có một cú twist như thế cả.
10. Us (2019)
Sau Get Out, Peele tiếp tục câu chuyện về một nhân vật khác, mở đầu phim bằng cảnh Adelaide (Madison Curry) đi lạc trong một ngôi nhà gương khi đang đi nghỉ mát cùng gia đình mình ở Santa Cruz, California.
Khi cha mẹ tìm thấy cô bé, cô bị sang chấn nặng đến mức không thể nói được. Cốt truyện nhảy vọt đến thời hiện tại và giờ Adelaide (Lupita Nyong’o) đã lập gia đình, trở về Santa Cruz cùng chồng và 2 đứa con để đi nghỉ mát. Đêm nọ, một nhóm doppelganger mặc đồ đỏ, đứng đầu là Red xâm nhập vào căn nhà của Adelaide. Đây là nhóm người nhân bản đang nổi loạn và tìm cách thay thế cuộc sống của các bản gốc. Trong cuộc đối đầu cuối cùng giữa Red và Adelaide thì sự thật cuối cùng được hé lộ, Adelaide và Red đã từng gặp nhau ở căn nhà gương nhiều năm trước, Red đánh ngất Adelaide rồi đưa cô bé xuống dưới đường hầm nơi những nhóm người nhân bản đang sống, sau đó chiếm lấy vị trí và nhân dạng của cô. Kết quả là chúng ta buộc phải đặt câu hỏi về góc nhìn của mình đối với Adelaide, cũng như các sự kiện diễn ra từ đầu bộ phim cho đến giờ.
Theo moveek
10 Phim sci-fi đáng xem nhất thế kỷ 21
Tính đến nay, đây là 10 phim sci-fi hấp dẫn và đáng xem nhất.
Vào những năm 2000, kỹ xảo tệ hại và kịch bản thiếu chiều sâu đe dọa sự tồn tại của thể loại khoa học viễn tưởng (sci-fi). Nhưng khoảng thời gian này vẫn có nhiều bộ phim sci-fi xuất sắc với thông điệp sâu sắc về quá khứ-hiện tại-tương lai trong sự tồn tại của loài người như giai đoạn hiện nay vẫn thường khắc họa trên màn bạc.
Những bộ phim thuộc như 2001: A Space Odyssey, Solaris, Brazil, Metropolis, và Blade Runner vẫn còn nguyên nét cuốn hút với khán giả cho đến hôm nay với kỹ xảo tuyệt đẹp, tầm nhìn tương lai chân thật, và bầu không khí viễn tưởng choáng ngợp.
Hiện nay, nhiều đạo diễn đã học hỏi cái hay của những tác phẩm phim ảnh viễn tưởng kinh điển và xây dựng nên những bộ phim lôi cuốn đến không ngờ. Dưới đây là 10 bộ phim khoa học viễn tưởng của thế kỷ 21 (tính đến thời điểm hiện tại) mà bạn nên xem lại.
10. Looper (2012)
Looper là bộ phim mang đậm tính sáng tạo đến từ nhà biên kịch kiêm đạo diễn Rian Johnson và được coi là tác phẩm chất lượng nhất của ông kể từ bộ phim Brick.
Looper lấy mốc thời gian vào 2017, thời gian mà các băng đảng Mafia sử dụng thiết bị du hành thời gian trái phép để gửi sát thủ quay về quá khứ nhằm loại bỏ các mục tiêu chúng định ra thông qua looper - vòng lặp thời gian. Một trong những sát thủ giỏi nhất là Joe và mục tiêu của anh ta là phiên bản tương lai 30 năm sau của anh ta. Không thể xuống tay, Joe phải tìm cách giải quyết mớ rắc rối này trước khi kẻ khác được cử tới để hoàn thành nhiệm vụ.
Với nội dung theo mô tuýp du hành thời gian và mô tả quan hệ nhân quả xuất phát từ quyết định của mỗi cá nhân, như việc thay đổi quá khứ hoặc tương lai, Looper mang đến một cuộc phiêu lưu gay cấn, kịch bản có chiều sâu và những khung hình ấn tượng. Kết hợp với màn diễn xuất bậc thầy của dàn ngôi sao Joseph Gordon-Levitt, Bruce Willis và Emily Blunt, bộ phim trở thành một trải nghiệm điện ảnh cuốn hút từ đầu đến cuối.
Cách Looper được xây dựng được coi là cách tiếp cận mới lạ dòng phim khoa học viễn tưởng, đồng thời biến bộ phim thành điểm dừng chân thú vị cho những ai đang tìm kiếm một trải nghiệm viễn tưởng chất lượng.
9. Snowpiercer (2013)
Bong Joon-Ho, người vừa mới ẵm giải Cành Cọ Vàng mới đây, được coi là đạo diễn xuất sắc nhất thế hệ của chúng ta. Bộ phim đáng suy ngẫm và giàu ấn tượng Snowpiercer, được chuyển thể từ truyện tranh xứ sở vang Trans Le Transperceneige, có thể là khởi đầu cho những ai nuôi ý định tìm hiểu phong cách làm phim đa dạng của ông.
Giống với Looper, Snowpiercer cũng lấy bối cảnh ở tương lai xa. Vào năm 2031, nỗ lực đảo ngược hiện tượng nóng lên toàn cầu đi sai hướng và nhấn chìm thế giới vào kỷ băng hà. Những ai còn sống phải chuyển lên con tàu mang tên Snowpiercer. Tuy nhiên, những khoang tàu được chia ra theo giai cấp xã hội: kẻ bị áp bức và kẻ áp bức. Không chịu nỗi sự bất công và kham khổ cùng cực, giai cấp bị áp bức ủ mưu nổi dậy giành quyền bình đẳng.
Bong cuốn mọi người đi theo câu chuyện của ông ấy. Ông luôn biết cách tạo những khoảng lặng cần thiết để cốt truyện có chỗ để thở và hình thành. Bộ phim là thành quả của kỹ thuật quay phim tại độc một địa điểm, điều đòi hỏi đạo diễn phải sáng tạo rất nhiều.
Với nội dung về sự tan vỡ của hệ thống giai cấp xã hội được lột tả trong phim, Snowpiercer không chỉ là phiên bản nhại lại của dự định khí hậu toàn cầu mà còn là lời chỉ trích trên các phương diện xã hội, chính trị, lẫn kinh tế của hệ thống giai cấp. Ngoài ra, bộ phim còn quy tụ dàn diễn viên ngôi sao như Chris Evan, Ed Harris, John Hutt, Tilda Swinton và Octavia Spencer.
8. Annihilation (2018)
Chất lượng của các phim do Netflix sản xuất đến nay còn là điều gây tranh cãi, nhưng Annihilation được Alex Garland viết kịch bản lẫn chỉ đạo lại là một ngoại lệ.
Trong Annihilation tồn tại một khu vực kì lạ có tên là The Shimmer. Khu vực này ngày càng mở rộng và thay đổi môi trường mà nó lan đến. Kane (Oscar Issac) là nhà khoa học đã mất tích trong khu vực này sau một chuyến thám hiểm. Thế nhưng, sau một thời gian mất tích khá lâu, anh bỗng nhiên trở về nhà trong sự kinh ngạc của vợ Lena (Natalie Portman). Sau vài lần gặp mặt, Kane đột ngột rơi vào trạng thái khủng hoảng tinh thần dẫn đến việc khiến Lena nhận thức được một nhiệm vụ tuyệt mật của chính phủ và tầm ảnh hưởng của The Shimmer lên chồng mình. Để khám phá bí ẩn sau The Shimmer, Lena dấn thân vào cuộc thám hiểm tiếp theo đến khu vực kì lạ này.
Thay vì gửi gắm những thông điệp to lớn về con người, bộ phim chỉ đơn thuần nhấn mạnh khao khát khám phá của loài người và sự đáng sợ của những cái chưa biết và mang khán giả vào thế giới huyền bí của The Shimmer. Hành trình phi thường của các nhân vật trong đây cho khán giả trải nghiệm sự rùng rợn tương tự với tác phẩm The Thing của bậc thầy kinh dị John Carpenter. Mặc dù có cốt truyện lẫn ý nghĩa giống với Stalker, Annihilation vẫn có nhiều điểm khác biệt. Với Stalker, bộ phim mang đến cuộc tranh luận tuyệt vời giữa khoa học-tôn giáo-nghệ thuật, còn trong Annihilation, các thể sống khác nhau chạm mặt, hợp nhất, và mâu thuẫn.
7. Donnie Darko (2001)
Chỉ được quay trong 28 ngày, nên nội dung của Donnie Darko có chút lộn xộn. Bộ phim bí hiểm này đã thổi bùng tranh cãi về câu chuyện của nó trong ngày ra mắt. Cho đến ngày nay, hàng chục lý thuyết vẫn được người hâm mộ đưa ra bàn luận. Đạo diễn của Donnie Darko Richard Kelly gần như biến mất sau bộ phim và nay mắc kẹt trong các dự án dở tệ, nhưng bộ phim này thực sự tuyệt vời.
Bộ phim xoay quanh nhân vật cùng tên do Jake Gyllenhaal thủ vai. Vào một đêm năm 1988, anh bị một sinh vật vừa giống người vừa giống thỏ kéo khỏi phòng và cho anh biết một bí mật: 28 ngày, 6 giờ và 42 phút từ thời điểm này, thế giới sẽ tận diệt. Không thể vượt qua cú sốc từ bí mật, Donnie cắt đứt cuộc sống xã hội và bắt đầu đi theo sinh vật bí ẩn.
Donnie Darko là tác phẩm điện ảnh để lại nhiều dấu ấn khác nhau theo thời gian. Bộ phim duy trì bầu không khí tĩnh lặng mà tràn ngập các nghi vấn dẫn khán giả đi từ khoảnh khắc căng thẳng này đến căng thẳng khác, màn diễn xuất xuất thần của Jake Gyllenhaal không chỉ góp phần tạo làm bộ phim thêm kỳ bí, mà còn biến phim thành một trong những bộ phim khoa học viễn tưởng độc đáo nhất với nét bí hiểm thâm sâu tác động đến nhận thức khán giả.
6. Children of Men (2006)
Bộ phim kinh điển của đạo diễn Alfonso Curaron này là một trong những kiệt tác điện ảnh gây sốc và đáng nhớ nhất của dòng phim dystopian trong những năm gần đây. Children of Men vừa là lời chỉ trích gay gắt lý tưởng trong xã hội hiện đại, vừa là lý do chúng ta yêu thích phim ảnh.
Thay vì chiến tranh, đói nghèo, hay bệnh tật, Children of Men đưa người xem đến một câu chuyện thảm họa rất khác các phim cùng thể loại: sự vô sinh. Trong năm 2027, đứa trẻ cuối cùng được sinh vào 2009 đã thiệt mạng trong một tai nạn kinh hoàng ở tuổi 18. Những người phụ nữ không có con trong 18 năm nay đều bị vô sinh và y học không thể lý giải nguyên do. Sự vô sinh dần đẩy con người đến bờ vực tận diệt. Bên cạnh nạn tuyệt chủng đang gần kề, thế giới phải đối mặt với sự thoát nghèo của các nước thuộc thế giới thứ 3 trong khi các nước phát triển thì chìm trong nội chiến và vấn nạn người tị nạn. Giữa loạn lạc, Theo (Clive Owen) lại cứu được một phụ nữ mang thai.
Children of Men là bộ phim táo bạo với thông điệp đánh thẳng vào những tư tưởng độc tài, nhưng hơn hết là bộ phim khiến người ta suy ngẫm sâu sắc về chính trị và tôn giáo.
Các cảnh quay dài là yếu tố trọng yếu làm nên tính hiện thực của bộ phim. Emmanuel Lubezki và Cuaron đã sáng tạo một bối cảnh hỗn loạn chân thật vô cùng bằng cách sử dụng những tông màu xám. Dàn diễn viên Owen, Micheal Caine, và Julianne Moore có màn diễn xuất không thể tuyệt vời hơn, giúp làm nên một bộ phim kinh điển.
5. Eternal Sunshine of the Spotless Mind (2004)
Eternal Sunshine of the Spotless Mind đến từ khối óc với lối tư duy đặc biệt mà lời nói khó có thể diễn tả của đạo diễn Charlie Kaufmann. Ông xây dựng chuyện tình vừa phức tạp vừa ngây thơ này dựa trên bài thơ Eloisa to Abelard của thi sĩ Alexander Pope.
Trung tâm của phim là cặp đôi Clementine (Kate Winslet) và Joe Barish (Jim Carrey). Clementine sử dụng một thủ thuật y tế kỳ lạ để xóa đi ký ức mối quan hệ 2 năm giữa 2 người. Biết được điều này, Joe đã nổi giận và muốn làm điều tương tự. Nhưng khi anh chìm vào giấc ngủ để chuẩn bị cho quy trình, anh như được sống lại khoảng thời gian ở bên người yêu và nhận ra anh không muốn mất những ký ức tươi đẹp ấy. Joe liền tìm cách ngăn chặn thủ thuật y tế bí hiểm kia.
Kaufman, qua bộ phim, mô tả hành trình khám phá nhận thức, trí nhớ, và trí tuệ của tâm trí con người bằng cách đi sâu vào ký ức và cảm xúc của hai nhân vật chính. Eternal Sunshine of the Spotless Mind là kiệt tác điện ảnh tận dụng chủ đề thời gian và không gian với nhiều hình ảnh ẩn dụ và các ý tưởng sâu sắc. Giống với Synecdoche, New York, mặc cho sự lắt léo của câu chuyện, Kaufman đã tạo nên một bộ phim gây nghiện và để lại nhiều nỗi suy tư dai dẳng.
4. Arrival (2016)
Arrival là một bộ phim của đạo diễn Denis Villeneuve lấy cảm hứng từ câu truyện ngắn Story of Your Life (tác giả: Ted Chiang).
Nhân vật chính của phim là nhà ngôn ngữ học quân sự Louise Banks (Amy Adams). Khi một con tàu ngoài hành tinh đáp xuống Trái Đất trong sự kinh hoàng của nhân loại, Louise và nhà vật lý học Ian Donnelly (Jeremy Renner) được cử đến để giao tiếp và xác định mục đích của những vị khách đến từ ngân hà. Tình hình chỉ thêm căng thẳng khi quân đội các nước muốn thực thi đòn tấn công phủ đầu.
Đạo diễn Villeneuve luôn biết cách thể hiện thành công các triết lý như các ý tưởng của nhà triết học Sartre và quan điểm Zen của Phật giáo qua các bộ phim của mình. Với Arrival, ông đem đến cho người xem mối quan hệ mật thiết giữa tư tưởng và ngôn ngữ và những kỹ thuật quay phim tuyệt vời mà học hỏi ở Terrence Malick - vị đạo diễn bậc thầy trong việc tạo nên những thước phim nên thơ đến không ngờ.
Arrival, thông qua việc vận dụng nguyên lý mỗi ngôn ngữ đều có những tác động khác nhau đến cách con người tư duy, đặt chủ nghĩa xoay quanh sự tồn tại đến từ nhà triết học người Pháp Sartre (chủ nghĩa cho rằng con người chỉ tồn tại nếu được tự do và biết nhận thức và chịu trách nhiệm cho hành động của bản thân) vào vòng nghi vấn và bình luận về cách con người nhận thức sự tồn tại của bản thân, .
3. Ex Machina (2014)
Caleb, kỹ sư phần mềm làm việc cho một công ty công nghệ lớn nhất thế giới, nhận được một phần thưởng định mệnh sau khi thắng một cuộc thi do công ty anh tổ chức: một tuần đến ở tại biệt thự biệt lập của vị CEO lỗi lạc của công ty Nathan (Oscar Isaac). Đến nơi, Caleb mới biết được mình đã được chọn để làm một phần trong thí nghiệm tương tác với trí tuệ nhân tạo (AI) mang tên Ava (Alicia Vikander).
Một AI có thể nhận thức như con người không? Làm thế nào để xác định sự nhận thức ấy? Tôi biết tôi có nhận thức, nếu những cá nhân kia cũng nói và hành động giống tôi, làm sao tôi biết được họ có sự tự nhận thức như tôi hay không? Ex Machina là một bộ phim liên tục đưa ra những nghi vấn hóc búa như vậy. Từ đầu đến cuối, phim không chỉ nói đến mối nguy hiểm của công nghệ AI, mà còn nhấn mạnh khía cạnh tiêu cực của bản tính con người.
Nhiều yếu tố trong phim, như nhân vật, bầu không khí, địa điểm, kỹ thuật quay phim, và cách phim được chỉnh sửa, đều được xây dựng để tạo sự bất an và độ căng thẳng ngầm trong phim. Các nhân vật trong đây vừa bí hiểm vừa không đáng tin cậy, khiến người xem cũng cảm thấy không thể tin tưởng điều gì trong phim. Kết hợp với nhịp phim chậm rãi, diễn xuất tuyệt vời, và thể hiện một tầm nhìn đi trước thời đại , Ex Machina đến nay vẫn được coi là một trong những kiệt tác của dòng phim khoa học viễn tưởng.
2. Blade Runner 2049 (2017)
Lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học của Philip K. Dick, bộ phim năm 1982 Blade Runner của đạo diễn Ridley Scott là một cột mốc xoay chuyển của nền điện ảnh khoa học viễn tưởng. Nhờ vào phong cách đậm chất triết lý và ngôn ngữ hình ảnh của đạo diễn Denis Villeneuve, bộ phim Blade Runner 2049 ra đời 35 năm sau đó đã trở thành một trong những dự án điện ảnh sci-fi ấn tượng nhất trong thế kỷ 21.
Lấy cột mốc 30 năm sau sự kiện ở phần đầu tiên, Blade Runner 2049 đưa khán giả đến hành trình của cảnh sát K. Sau khi anh khám phá được một bí mật kinh hoàng có khả năng nhấn chìm những gì còn lại của xã hội loài người vào bạo loạn, K phải đi tìm thợ săn tiền thưởng đã mất tích hàng thập kỷ Rick Deckard để ngăn chặn thảm họa đang chực chờ.
Villeneuve tạo ra câu chuyện tương lai chìm trong bóng tối và bị bao phủ trong những lớp bụi ô nhiễm dày đặc. Đây là thế giới đang sụp đổ và nhân vật chính của câu chuyện phải vật lộn với sự hỗn loạn để tìm lại nhân dạng của bản thân. Những yếu tố này là thành phần hoàn hảo để tái hiện bầu không khí của phần phim đầu và níu giữ sự bí ẩn cho đến giây phút cuối cùng. Nhờ vậy, bộ phim đã trở thành một tác phẩm điện ảnh không thể tuyệt vời hơn và thu hút khán giả bất chấp họ có thích phần phim đầu hay không.
Nét kỳ bí cuốn hút đến mê hoặc của phim phần lớn đến từ bàn tay thiên tài của nhà quay phim Roger Deakin. Với Blade Runner 2049, ông rốt cuộc cũng nhận được giải Oscar cho Kỹ thuật quay phim xuất sắc nhất sau 10 lần được đề cử trong sự nghiệp cầm máy. Bộ phim còn đánh dấu một trong những màn hóa thân để đời của diễn viên Ryan Gosling.
1. Her (2013)
Với Her, đạo diễn có lối tư duy đặc biệt Spike Jonze lột tả các cá nhân cô đơn và mối quan hệ ngày càng thay đổi giữa con người và công nghệ theo một cách chân thành nhất có thể. Đây không chỉ là bức tranh hiện thực về mối quan hệ mới mẻ giữa người và công nghệ, mà còn nhấn mạnh nhận thức về chủ nghĩa hiện sinh.
Her nói về hai nhân vật Theodore (Joaquin Phoenix), một người viết hộ thư tay cho mọi người, và một AI ảo mang tên Samantha (Scarlet Johansson). Sự tò mò về thế giới và cuộc sống của Samantha khiến Theodore đang trầm cảm nặng nề đem lòng yêu cô say đắm. Từ đó, mối quan hệ của họ ngày càng trở nên kì lạ hơn.
Không chỉ là bộ phim về tình yêu đơn thuần, Her còn là nỗ lực đi tìm lời giải đáp cho nhiều câu hỏi nan giải về cuộc sống đã ám ảnh nhiều nhà triết học vĩ đại như: ý nghĩa của cuộc sống là gì? Liệu ta có thể biết và tự quyết định tương lai của bản thân? Cái chết có phải là kết thúc duy nhất của con người? Chúng ta có thật sự cô đơn trong đời?
Theo moveek
25 vật phẩm tiêu biểu trong phim kinh dị 25 vật dụng kinh điển của lịch sử phim kinh dị, hãy cùng Moveek khám phá chúng nhé. Phim kinh dị là thể loại có thể biến một cánh cửa gỗ thông thường trở thành lối vào địa ngục, làm khán giả thót tim bằng những con mèo thoắt ẩn thoắt hiện, kèm theo đó là những vật dụng bình thường như cưa...