10 bộ phim mang đề tài tôn giáo gây tranh cãi
Khai thác đề tài tôn giáo là một hướng đi khá rủi ro đối với các nhà làm phim vì độ nhạy cảm của công chúng trước các tình tiết và nội dung trong phim.
The Exorcist (1973): Mặc dù thành công về mặt thương mại và trở thành một trong những tượng đài phim kinh dị cho đến tận ngày nay, The Exorcist vẫn là một tựa phim lọt vào danh sách “báng bổ” của Nhà thờ Thiên chúa giáo La Mã. Tuy thánh giá cũng như thánh kinh là vũ khí hiệu nghiệm để tiêu diệt con ác quỷ đã nhập vào bé gái Regan McNeil, nhưng những lời phỉ báng, từ ngữ tục tĩu dành cho Chúa trời được gào thét xuyên suốt phim lại quá mạnh mẽ và gây “ấn tượng sâu sắc” cho cộng đồng Công giáo.
Monty Python’s Life of Brian (1979): Do nhóm hài kịch Monty Python thực hiện, bộ phim xoay quanh câu chuyện về Brian, một chàng trai Do Thái được sinh ra vào đúng thời gian và địa điểm như Chúa Jesus, rồi bị nhầm lẫn thành Đấng cứu thế. Khi vừa ra mắt tại Anh, bộ phim lập tức bị cấm trình chiếu ở nhiều thành phố có đông người dân theo đạo. Tại New York, thậm chí nhiều cha xứ và nữ tu đã ra đường biểu tình để ngăn cấm phim phát hành. Lý do chủ yếu khiến họ cảm thấy bị xúc phạm tín ngưỡng là hình ảnh cuối phim, khi nhân vật Brian bị đóng đinh y hệt như Chúa Jesus.
The Prince of Egypt (1998): Bộ phim hoạt hình năm 1998 không đặc tả chân dung một Moses khắc khổ, bi hùng với diễn biến nội tâm phức tạp như phiên bản điện ảnh Exodus: Gods and Kings mới đây. Nhẹ nhàng, phù hợp với đối tượng trẻ em mặc dù vẫn dựa trên nguyên tác là các sự kiện trong kinh Cựu ước, Hoàng tử Ai Cập là bộ phim hoạt hình gây được thiện cảm cho người xem về một chàng hoàng tử dũng cảm sẵn sàng hy sinh bản thân cho tương lai người dân. Tuy nhiên, phim bị cấm trình chiếu ở hai quốc gia Malaysia và Maldives, những nơi vốn có phần lớn dân số theo đạo Hồi. Theo đức tin của các tín đồ Islam, nhà tiên tri hay người đưa tin trong huyền tích đều đại diện cho ý Chúa, vì vậy việc đưa hình ảnh họ lên phim là một điều báng bổ.
Stigmata (1999): Là tác phẩm kinh dị tâm linh xoay quanh những bí ẩn đáng sợ và ý nghĩa thực sự của biểu tượng thánh giá, Stigmata bị toàn thể cộng đồng Thiên chúa ở Mỹ lẫn Nhà thờ Thiên chúa La Mã tẩy chay. Được xem như một biểu tượng thiêng liêng đối với các tín đồ, bản thân hình ảnh thập tự giá trong phim lại được miêu tả như nguyên nhân gây ra những sự kiện siêu nhiên thảm khốc. Chưa kể trong phim còn có một nhân vật theo chủ nghĩa vô thần, tin rằng thánh giá là dấu ấn của sự nguyền rủa và một cha xứ tìm cách che giấu những sự thật chết người.
Video đang HOT
Dogma (1999): Thuộc thể loại hài hước, Dogma là một trong những tựa phim hiếm hoi giễu nhại tôn giáo và nhà thờ. Đây cũng là một trong những bộ phim “bệ phóng” đối với Ben Affleck và Matt Damon, khi họ thủ vai hai thiên thần bị đày từ thiên đường xuống hạ giới. Cùng với Giáo chủ Hồng y Ignatius Glick, họ lập nên một “Nhà thờ thân thiện”, nơi chứa chấp và rửa tội cho những “thành phần” giống mình, trong đó có cả ma quỷ và các sinh vật thần thoại. Đến thời điểm hiện tại, phim vẫn bị Liên đoàn Thiên chúa giáo gán cho mác “báng bổ”, còn bản thân đạo diễn Kevin Smith từng nhận được ít nhất hai lá thư nặc danh hăm dọa cướp mạng sống.
The Passion of the Christ (2004): Bộ phim gây ra sự tranh cãi kịch liệt ngay từ lúc đang được thực hiện và sau khi ra mắt thì nhận được nhiều ý kiến khen chê khác nhau. Bộ phim kể lại chuyện Chúa Jesus bị phản bội và đóng đinh lên thập giá cũng là một trong những tác phẩm điện ảnh đề tài tôn giáo bạo lực bậc nhất, tạo ra một “trận cuồng phong và chiến tranh văn hoá” hồi năm 2004. Tài tử Mel Gibson chứng minh mình không chỉ là một diễn viên tài năng mà còn có khả năng tự tay tạo ra những tác phẩm để đời, bằng cách đi ngược lại những chuẩn mực “khuôn vàng thước ngọc” của Hollywood như không quảng bá rầm rộ, tự bỏ tiền túi ra làm phim hay thuê những diễn viên tầm tầm để đóng phim…
The Da Vinci Code (2006): Dựa trên cuốn tiểu thuyết ăn khách cùng tên của nhà văn Dan Brown, bộ phim với sự tham gia của tài tử Tom Hanks là hành trình đưa khán giả tới thế giới của những tri thức bị lãng quên. Kinh thánh và các niềm tin tôn giáo mà con người theo đuổi bấy lâu hoá ra đã bị cải biến, và giáo sư Langdon chính là người có sứ mệnh phủi đi lớp bụi lịch sử đã che đậy sự thật quá lâu. Không chỉ phim, mà cả cuốn tiểu thuyết gốc cũng từng bị lên án kịch liệt bởi Tòa án Thiên chúa giáo La Mã. Họ tuyên bố rằng những bí mật tôn giáo tăm tối trong phim hoàn toàn là hư cấu, đồng thời xúc phạm đến hình ảnh của nhà thờ và Giáo hoàng.
Noah (2014): Noah gây ra một cơn “đại hồng thuỷ” thực sự tại các phòng vé khi thu về hơn 44 triệu USD ngay trong tuần đầu tiên trình chiếu. Với những cái tên tài năng như Russell Crowe, Jennifer Connelly, Anthony Hopkins, Emma Waston, cùng tài năng của đạo diễn Darren Aronofsky, Noah là một cuộc hành trình tới vùng đất của những truyền thuyết, cùng cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, cũng như ước mơ hướng thiện của con người giữa bùn nhơ. Tuy nhiên, bộ phim lại bị cộng đồng các nước Tiểu Hồi giáo tẩy chay, vì họ cho rằng hình ảnh người hùng Noah được thể hiện trong phim là không đúng sự thật và xúc phạm đến tín ngưỡng.
Son of God (2014): Không như tác phẩm của Mel Gibson, Son of God đưa khán giả theo bước cuộc đời của Chúa Jesus từ khi thiếu thời tới lúc Ngài du hành tới Jerusalem. Một số điểm nhấn mà Son of God mang lại có thể kể tới như cách bóc trần những âm mưu chính trị của giới cầm quyền La Mã, hay một Barabbas hiện lên như ví dụ về lương tâm của con người đã rơi vào hố sâu không đáy của sự độc ác và ghê rợn. Với phong cách làm phim theo mô-típ các phim bom tấn với tình tiết nhanh, cảnh quay chớp nhoáng và tận dụng hiệu quả từ kĩ xảo CGI, một số nhà phê bình phim khó tính cho rằng Son of God đã “Mỹ hóa” hình ảnh của Chúa còn cốt truyện trong phim thì vẫn chứa đầy lỗ hổng.
Exodus: Gods and Kings (2014): Dựa theo câu chuyện chép trong Kinh Thánh về người hùng Moses rẽ đôi mặt nước để đưa người dân Do Thái thoát khỏi trận thảm sát của quân Ai Cập, Exodus: Gods and Kings phải hứng chịu nhiều lời phê bình cũng như tranh cãi từ trước khi ra mắt, khi phim biến tấu quá sai lệch so với huyền tích gốc. Đó là chưa kể các nhân vật Moses và vua Pharaoh Ramesses lại do hai diễn viên da trắng là Christian Bale và Joel Edgerton thủ vai. Ngoài ra, nhiều chi tiết quan trọng bị thay đổi so với nguyên bản, khi Moses từ người nô lệ giờ lại trở thành anh em kết nghĩa của Ramesses và ông vốn xuất thân là một võ tướng giỏi giang.
Theo Zing
8 cuộc tái ngộ màn ảnh đáng nhớ năm 2014
Cameron Diaz và Jamie Foxx, Keira Knightley và Benedict Cumberbatch, Emily Blunt và Meryl Streep... là những cuộc tái ngộ ấn tượng trên màn ảnh Hollywood 2014.
Philip Seymour Hoffman và Julianne Moore trong The Hunger Games: Mockingjay - Part I: Hai diễn viên gạo cội Hollywood từng có hai lần làm việc với nhau trong các tác phẩm điện ảnh nổi tiếng ngay trước thềm thế kỷ 21 là Boogie Nights (1997) và Magnolia (1999). Trong bom tấn Mockingjay, Hoffman hóa thân thành Plutarch Heavensbee, người quân sư cho Tổng thống Coin của Quận 13 - nhân vật do Moore thủ vai. Thật đáng buồn khi đây cũng là lần cuối hai người còn có thể hợp tác bởi Philip Seymour Hoffman đã qua đời hồi tháng 2/2014.
Cameron Diaz và Jamie Foxx trong Annie: Hai ngôi sao phòng vé trong thập niên trước từng cùng nhau tham gia bộ phim mang đề tài bóng bầu dục của đạo diễn Oliver Stone có tựa đề Any Given Sunday hồi 1999. Phải tới 15 năm sau, họ mới có cơ hội tái ngộ trên màn ảnh qua bộ phim ca vũ nhạc Annie. Tuy nhiên, Annie là một trong bốn tựa phim bị các hacker nhóm Guardians of Peace tung lên mạng sau khi chúng tấn công vào các máy chủ của Sony. Chính bởi vậy, phim hiện không có được doanh thu cao như mong đợi.
Jennifer Connelly và Russell Crowe; Logan Lerman và Emma Watson trong Noah: Bộ phim dựa trên Kinh thánh gây tranh cãi của đạo diễn Darren Aronofsky chứng kiến cùng lúc hai cuộc tái hợp trên màn ảnh. Bộ đôi vàng của A Beautiful Mind là Jennifer Connelly và Russell Crowe thêm một lần nữa hóa thân thành một đôi vợ chồng, lần này là Naameh và Noah. Còn đôi tình nhân trẻ dễ thương của The Perks of Being a Wallflower cách đây hai năm là Logan Lerman và Emma Watson cũng có dịp gặp lại nhau. Tuy nhiên, với Noah, Emma Watson lại thủ vai người yêu của anh trai Lerman.
Joaquin Phoenix và Reese Witherspoon trong Inherent Vice: Johnny Cash và June Carter Cash trong bộ phim đình đám Walk the Line hồi 2005 cũng có cơ hội gặp lại nhau trên màn ảnh sau gần một thập kỷ. Tuy nhiên, trong khi Joaquin Phoenix thủ vai nhân vật chính thì vai của Reese Witherspoon trong Inherent Vice chỉ là kép phụ.
Emily Blunt và Meryl Streep trong Into the Woods: Bộ phim The Devil Wears Prada - Yêu nữ thích hàng hiệu hồi 2006 đem tới cho khán giả mối quan hệ hết sức thú vị giữa hai nhân vật sếp và nhân viên của Meryl Streep và Emily Blunt. Tám năm sau, hai người tái ngộ trong bộ phim ca vũ nhạc bom tấn của hãng Disney mang tên Into the Woods. Với bộ phim mới, Emily Blunt thủ vai chính - cô vợ của chàng thợ làm bánh, bị dính lời nguyền không thể có thai của mụ phù thủy do Meryl Streep thủ vai.
Benedict Cumberbatch và Keira Knightley trong The Imitation Game: Hai tên tuổi hàng đầu nước Anh từng gặp nhau trên trường quay của Atonement, bộ phim giành giải thưởng Quả cầu vàng 2007. Dù không có nhiều cảnh diễn chung nhưng Cumberbatch và Knightley trở thành bạn thân của nhau trong suốt bảy năm qua. Tới năm nay, hai người cùng nhau xuất hiện trong The Imitation Game và đồng thời trở thành những ứng viên Oscar hàng đầu năm nay tại các hạng mục Nam diễn viên chính và Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất. The Imitation Game là tác phẩm tiểu sử kể về cuộc đời của nhà toán học thiên tài đồng tính Alan Turing và gây tiếng vang tại nhiều liên hoan phim quốc tế trong thời gian qua.
Michael Caine và Anne Hathaway trong Interstellar: Trong bom tấn The Dark Knight Rises của đạo diễn Christopher Nolan hồi 2012, Michael Caine tiếp tục là quản gia Alfred, còn Anne Hathaway hóa thân thành Miêu nữ Catwoman, người có mối quan hệ phức tạp với siêu anh hùng Batman. Hai năm sau, hai người tái ngộ trong một bom tấn khác của Nolan là Interstellar. Trong bộ phim mới thuộc thể loại khoa học viễn tưởng, họ là hai cha con nhà Brand, những người mang sứ mệnh tìm ra ngôi nhà mới cho nhân loại khi trái đất đang dần diệt vong.
Theo Zing
10 ác nhân màn ảnh ấn tượng nhất 2014 Trào lưu xây dựng tuyến nhân vật phản diện cuốn hút tại Hollywood tiếp tục được nối dài trong năm 2014 tại Hollywood với mười nhân vật sau đây. Artemisia trong 300: Rise of an Empire:Được biết đến như một trong những diễn viên táo bạo nhất nhưng người đẹp Eva Green đến từ nước Pháp còn là một diễn viên có thực...