10 bộ phim giúp bạn hiểu về Iran hiện tại
Do đặc thù về văn hóa, tôn giáo, đời sống xã hội, Iran là quốc gia có nhiều quy định chặt chẽ trong lĩnh vực sáng tác văn học nghệ thuật trong đó có điện ảnh. Các nhà làm phim Iran luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn khi tất cả các bộ phim sản xuất đều phải chịu sự giám sát chặt chẽ của Bộ Văn hóa nhằm đảm bảo các nghệ sỹ tuân thủ đúng các mã văn hóa, đạo đức và tôn giáo nghiêm ngặt. Mặc dù có những hạn chế nhưng các đạo diễn thuộc Làn sóng mới (New Wave Iran) đã thực hiện nhiều bộ phim mạnh mẽ nhằm ‘thử thách’ các giới hạn kiểm soát.
1. About Elly (2009)
Bề ngoài, About Elly của đạo diễn Asghar Farhadi là một bộ phim tâm lý mô tả sự năng động của một nhóm bạn học cùng đại học khi họ du lịch đến vùng biển Caspian trong một kỳ nghỉ ba ngày. Nhưng ở mức độ sâu hơn trong ý nghĩa câu chuyện thông thường này, đó là một “nghiên cứu phức hợp” về cuộc sống của tầng lớp trung lưu ở Iran. Nó đặt ra những câu hỏi có tính chất khiêu khích về tương tác nhóm, lựa chọn đạo đức, và trên tất cả, văn hóa bí mật và sự không trung thực được tạo ra bởi một xã hội hà khắc và bị quản chế chặt chẽ.
2. Bashu, the Little Stranger (1989)
Tên tuổi nhà làm phim Bahram Beyzaie trở nên nổi tiếng vì đã “đảo lộn” nghệ thuật và văn hóa truyền thống Ba Tư, qua đó đặt câu hỏi về tình hình chính trị xã hội hiện tại của Iran. Bộ phim nổi tiếng nhất của ông, Bashu, the Little Stranger ,vẫn kiên định với phong cách của Beyzaie. Đó là tuyên chiến trực diện với các vấn đề xã hội đương đại. Phim kể về câu chuyện về một cậu bé mồ côi trong thời kỳ chiến tranh Iran-Iraq dần dần tìm được vị trí của mình trong một gia đình nơi đã chấp nhận anh như một thành viên trong nhà.
3. Children of Heaven ( 1997)
Children of Heaven của đạo diễn Majid Majidi là bộ phim đầu tiên của Iran được đề cử giải Oscar phim nước ngoài xuất sắc nhất. Phim kể về cậu bé Ali, người đã đánh mất đôi giày của chị gái Zahra. Biết gia đình của mình còn rất nghèo nên hai chị em quyết định giữ kín bí mật việc đôi giày đã mất cho đến khi có thể tìm lại được. Các “mánh khóe” mà hai đứa trẻ sử dụng là chia sẻ giày của Ali cho cô chị giữa các ca học và tham gia trong một cuộc thi mà giải thưởng là đôi giày thể thao mới. Children of Heaven là bộ phim cảm động và xúc động về tình yêu thương và mối gắn kết trong gia đình.
4. No One Knows About Persian Cats ( 2009)
Kịch bản N o One Knows About Persian Cats của nhà làm phim Bahman Ghobadi do nhà báo Roxana Saberi – người bị buộc tội làm gián điệp và bị bắt giam tại Iran năm 2009 – sáng tác. Phim kể về hai nhạc sĩ trẻ đã phá bỏ các quy định của nhà chức trách bằng cách thành lập một ban nhạc rock và hoạt động bí mật ở Tehran. Bộ phim là một cuộc tấn công đáng khích lệ vào hệ thống kiểm duyệt nghệ thuật khắt khe của chế độ, đồng thời vinh danh một thế hệ những người trẻ đã nỗ lực hết mình vì tự do sáng tạo.
Video đang HOT
5. Offside ( 2006)
Phụ nữ từ lâu đã bị cấm tham dự các trận đấu bóng đá ở Iran. Offside của Jafar Panahi mô tả sự kiện diễn ra khi một cô gái cải trang để có thể vào sân xem trận đấu vòng loại World Cup và cảnh kết thúc là hình ảnh cô và các fan nữ khác giơ ngón tay trỏ như biểu tượng của chiếc bút. Niềm đam mê bóng đá của họ đối lập với sự thờ ơ của những người bảo vệ trong khi thi hành nhiệm vụ. Hầu hết trong số họ không quan tâm liệu phụ nữ có đến xem trận đấu hay không. Bộ phim đặt ra câu hỏi về những lý do thực sự cho sự áp bức này. Không ngạc nhiên khi phim đã bị cấm ở Iran.
6. Santouri ( 2007)
Santouri miêu tả một cách lộn xộn về câu chuyện cuộc đời của một nhạc sĩ tài năng bị nghiện heroin. Đạo diễn Dariush Mehrjui cho thấy nỗi bất hạnh và đau khổ của người nghệ sỹ chơi đàn santour (nhạc cụ truyền thống của người Hồi giáo). Các cơn nghiện của Ali gắn liền với những hồi tưởng về cuộc hôn nhân hạnh phúc của anh và những ngày đầu tiên anh bắt đầu chơi đàn (một loại đàn có tên là dulcimer). “Chơi santour” là tiếng lóng Iran để chỉ việc tiêm chích heroin.
7. A Separation ( 2011)
A Separation là bi kịch tàn khốc về một cặp vợ chồng phải đối mặt với tình huống vô cùng khó xử: có nên chuyển ra nước ngoài để cho con gái họ được hưởng một nền giáo dục tốt hay ở lại quê nhà để chăm sóc người cha chồng ốm yếu. A Separation của Asghar Farhadi được đánh giá là một trong những phim thành công nhất từng được thực hiện ở Iran, “điều tra” các vấn đề về tôn giáo, giới tính và học hành, đồng thời phơi bày các vết nứt ngày càng tăng trong xã hội, qua đó đề cao sức ảnh hưởng của nam giới hơn tất cả những người khác. Đây là bộ phim đầu tiên của Iran giành giải Oscar Phim nước ngoài xuất sắc nhất và cũng được đề cử giải Oscar cho Kịch bản gốc hay nhất.
8. This Is Not a Film ( 2011)
Từ lâu đã được coi là một “cái gai” trong mắt nhà cầm quyền Iran, Jafar Panahi – đạo diễn bộ phim nổi tiếng như The White Balloon, The Mirror, Crimson Gold, và Offside – đã bị bắt và bị kết án 6 năm tù vào năm 2010. Ông cũng bị cấm làm phim trong 20 năm. Tuy nhiên, hành động đáp lại hình phạt từ phía chính quyền của Jafar Panahi là ghi lại cuộc sống của chính mình trong thời gian bị quản thúc tại gia trong phim This Is Not a Film. Bằng cách nào đó, bộ phim đã được đưa trót lọt ra nước ngoài trong một ổ USB được giấu trong một chiếc bánh. Phim được trình chiếu tại Liên hoan phim Cannes.
9. Where Is the Friend’s Home? ( 1987)
Một câu chuyện đơn giản về hành trình của một cậu bé nhằm trả lại cuốn sổ tay cho người bạn. Where Is the Friend’s Home , được đạo diễn bởi Abbad Kiarostami, như một cách để tưởng nhớ và tôn vinh các hành động của chủ nghĩa anh hùng đời thường, lòng tốt, sự thơ ngây của trẻ em, và tinh thần cộng đồng ở các vùng nông thôn. Phim quy tụ dàn diễn viên không chuyên với lối diễn xuất rất tự nhiên. Cái chết của đạo diễn Kiaroastami vào năm 2016 là một sự mất mát lớn đối với điện ảnh Iran.
10. The White Balloon (1995)
Kết hợp tài năng của hai nhà làm phim nổi tiếng nhất Iran đương đại, Abbas Kiarostami và Jafar Panahi, The White Balloon mô tả những nỗ lực đáng yêu và hài hước của cô bé Razieh 7 tuổi để có thể mang về nhà con cá vàng mới trong dịp Tết truyền thống Iran. Câu chuyện được kể hoàn toàn qua đôi mắt của nhân vật chính ngây thơ trong sáng, đồng thời khám phá nhận thức phát triển của cô bé về thế giới xung quanh khi cô phải đối phó với những rủi ro khác nhau và gặp những kiểu người khác nhau trong xã hội.
Theo Thegioidienanh
"Quả bóng trắng" và cái bóng của điện ảnh Iran
Nhiều phim ngoại quốc thuộc hàng "khủng" sẽ được trình chiếu tại LHP quốc tế Hà Nội tháng 10 tới đây (27-31.10) nhờ nỗ lực của Cục Điện ảnh Việt Nam và một trong số những phim hay là "Quả bóng trắng" (White Balloon) của Iran, nền điện ảnh từng là tấm gương tham khảo cho điện ảnh Việt Nam.
Ảnh do BTC cung cấp.
Nhẩn nha với một câu chuyện giản dị
Nói điện ảnh Iran từng là tấm gương một thời kỳ, bởi những năm 90 điện ảnh Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, khủng hoảng còn Iran nổi bật trên bản đồ điện ảnh thế giới như một điểm đỏ. Phim Iran gây ấn tượng mạnh bởi những câu chuyện giản dị, nhân văn, thấm đẫm tính văn hóa bản địa, lại tuyệt đối không sex, không bạo lực.
Câu chuyện thường mở đầu tưởng như không có gì nhưng "càng về sau càng có gì" và cái kết bao giờ cũng đầy bất ngờ, gieo vào lòng người xem những câu hỏi khôn nguôi. Phim Iran kinh phí thấp và không cầu kỳ về ngoại cảnh...
"Quả bóng trắng" (White Balloon) được sản xuất năm 1995 là phim đầu tay của đạo diễn Jafar Panahi. Thời điểm xảy ra trước giao thừa 1 giờ 28 phút, Razieh - một cô bé 7 tuổi ước có một con cá vàng mới cho gia đình mình bởi đó là phong tục truyền thống vào đêm giao thừa ở Tehran, Iran.
Vào dịp Tết Nowruz, người Iran hay bày một con cá vàng trong lọ. Nhà Razieh đã có sẵn một bể cá vàng và hàng xóm cũng sang xin cá. Nhưng bé Razieh chê cá vàng ở nhà quá gày, yếu không nhiều vây nên nằng nặc đòi mẹ 100 toman để mua một con cá vàng đẹp, béo mũm mĩm mà em thấy ở cửa hàng. Razieh còn cho anh trai một quả bong bóng để anh trai xin mẹ tiền mua cá.
Không có tiền lẻ, bà mẹ đưa cho Razieh tờ 500. Razieh vội chạy ra cửa hàng nhưng trên đường, cô bé đã đánh rơi tiền sau khi tý nữa bị một kẻ làm xiếc rắn lừa lấy... Và hành trình đi tìm lại đồng tiền đã mất của Razieh không thiếu những chi tiết, câu chuyện của xã hội Iran.
Phim khá dài, với phong cách của lối làm phim truyện tài liệu. Những cuộc nói chuyện dài dòng, nhiều khi lan man phát mệt. Chuyện ông chủ hàng quần áo khăng khăng không sửa lại cổ áo cho chiếc áo mới may của khách, chuyện người đàn bà qua đường tốt bụng dắt Razieh đi tìm đồng 500 toman đã mất. Cảnh nhóm xiếc rắn bày trò để xin tiền dân phố. Anh lính nghỉ phép không có tiền về thăm gia đình ngồi tâm sự với Razieh...
Những câu chuyện đời thường, những cảnh sinh hoạt ở một khu phố vào thời khắc quan trọng trước thềm năm mới. Và những bài học nhân sinh khá nhẹ nhàng ẩn giấu trong đó.
Có vẻ chỉ những đứa trẻ trong sáng, vô tư là hết lòng vì nhau, còn người lớn, nhiều khi họ quá tất bật cho cuộc sống mưu sinh mà không chú ý đến đòi hỏi chính đáng của đứa trẻ. Nhưng bên cạnh những người vô tâm, còn đó những tấm lòng nhân ái.
Bà lão qua đường nhiệt tình dắt cô bé 7 tuổi đi tìm tiền, là ông lão bán cá sẵn sàng cho cô lấy bình cá trước, trả tiền sau, là người đàn ông trong gánh xiếc rắn, khi nhìn giọt nước mắt của cô bé đã trả lại tiền cho cô bị kẻ cùng gánh lừa chiếm đoạt... Và hình ảnh cô bé bướng bỉnh Razieh thật đáng yêu, giàu lòng tự trọng.
Nhà làm phim hiện thực
"Quả bóng trắng" đã giúp đạo diễn người Iran Jafar Panahi đoạt giải Camera d'Or - "Máy quay Vàng" tại Liên hoan phim Cannes năm 1995. Tác phẩm cũng được chọn vào danh sách đề cử "Phim nước ngoài xuất sắc" ở Oscar năm đó.
Ngoài ra, bộ phim còn đạt những giải thưởng danh giá khác như: Giải phim nước ngoài hay nhất tại Cinefest Sudbury 1995; Giải phim nước ngoài hay nhất tại Giải thưởng Phê bình Phim New York 1996; Giải Vàng tại Liên hoan Phim Quốc tế Tokyo 1996.
Sinh năm 1960 trong gia đình theo đạo Hồi ở thành phố Mianeh, tây bắc Iran, đạo diễn Jafar Panahi, là người khởi xướng cho Làn sóng Điện ảnh mới của Iran.
Sau phim đầu tay "White Balloon" là "The Mirror" (1997) tiếp tục là câu chuyện về số phận của trẻ em Iran, đến phim thứ ba "The Circle" (2000) kể về số phận phụ nữ Iran trong xã hội Hồi giáo hà khắc. Mặc dù bị cấm ở Iran, phim nhận được nhiều giải thưởng tại các LHP quốc tế, lớn nhất là giải Sư Tử Vàng của LHP Venice (Italia).
Hai tác phẩm tiếp theo là "Crimson Gold" (2003) và "Offside" (2006) phản ánh sâu sắc hiện thực xã hội Iran với nhiều phê bình, chỉ trích. Trong khi "Crimson Gold" giành giải Un Certain Regard ở LHP Cannes (Pháp), "Offside" giành Giải Gấu Bạc cho kịch bản xuất sắc ở LHP Berlin (Đức).
Với những tác phẩm mang đậm phong cách điện ảnh nhân văn khắc họa hiện thực trần trụi, khắc nghiệt ở Iran, đạo diễn Jafar Panahi được thừa nhận là một trong số ít nhà làm phim Iran đương đại nổi tiếng.
Theo laodong.vn
5 kiệt tác điện ảnh từng bị cấm chiếu Với nhiều lý do khác nhau, những bộ phim giàu giá trị nghệ thuật này từng bị cấm chiếu ở một số nước. 1. Ben-Hur (1959) Được chuyển thể từ tiểu thuyết Ben-Hur: A Tale of the Christ, Ben-Hur (1959) là một bộ phim sử thi của đạo diễn William Wyler, do Mỹ sản xuất. Dù đã thành công rực rỡ khi đoạt...