10 bộ phim gây thất vọng lớn trong lịch sử điện ảnh
Có rất nhiều tác phẩm điện ảnh khiến người ta phát sốt và chờ đón trước giờ ra rạp. Nhưng điều đó chưa chắc đã đồng nghĩa với chất lượng tác phẩm.
Fifty Shades of Grey (2015): Chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết phòng the 50 sắc thái của E.L. James, tác phẩm điện ảnh do Sam-Taylor Johnson thực hiện là chủ đề nóng của giới truyền thông trong suốt năm 2014. Đoàn làm phim hứa hẹn đem tới nhiều cảnh giường chiếu nóng bỏng, lôi kéo lượng khán giả lớn tới rạp trong mùa lễ Valentine 2014. Song, bản thân chất lượng của Fifty Shades of Grey thì không hề xứng đáng với bầu không khí nó tạo ra trước giờ ra rạp.
The Interview (2014): Tác phẩm giễu nhại hình ảnh nhà lãnh đạo tối cao của CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un khiến hãng Sony Pictures bị nhiều nhóm hacker nước này tấn công, chịu thiệt hại hàng triệu USD và phải hủy buổi họp báo ra mắt vào phút chót. Tổng thống Obama chỉ trích quyết định của Sony, còn nhiều rạp chiếu phim vẫn trình chiếu The Interview như tiếng nói chống lại hành động khủng bố mạng. Trên thực tế, bộ phim của Seth Rogen – James Franco gây chú ý nhờ những lùm xùm đó, còn bản thân tác phẩm chỉ dừng lại ở mức trung bình, nếu không muốn nói là đáng quên.
Prometheus (2012): Đây là dự án khoa học viễn tưởng đầy tham vọng của đạo diễn Ridley Scott. Giữ kín nội dung phim cho tới phút chót, đáng buồn thay, Prometheus lại trở thành tác phẩm mà “trailer hay hơn phim”. Bộ phim có thể thỏa mãn trí tưởng tượng của các fan dòng khoa học viễn tưởng, nhưng hàng loạt lỗ hổng trong câu chuyện là điều không thể chối cãi. Giờ thì Ridley Scott sẽ tìm cách khắc phục chúng bằng phần tiếp theo mang tên Alien: Covenant (2017).
Twilight (2008): Thành công của loạt tiểu thuyết Chạng vạng khiến bộ phim chuyển thể trở thành đề tài bàn tán sôi nổi trước thềm mùa đông 2008. Nhờ lượng fan trung thành khổng lồ, thành công về doanh thu, dẫn tới bốn phần tiếp theo, là điều được dự đoán từ trước. Nhưng The Twilight Saga đồng thời trở thành “chủ đề tiếu lâm” cho giới phê bình và trên nhiều diễn đàn điện ảnh suốt nhiều năm, bởi lối diễn xuất khô cứng của dàn diễn viên và nội dung có phần ngô nghê. Hai ngôi sao Kristen Stewart và Robert Pattinson hẳn còn phải mất lâu nữa mới thoát được khỏi cái bóng của Chạng vạng.
Snakes on a Plane (2006): Trong thời kỳ blog đang nở rộ, bộ phim hành động giật gân xoay quanh chiếc máy bay bị loài rắn tấn công là đề tài nóng sốt trong mùa hè 2006. Tuy nhiên, Snakes on a Plane trở thành bài học nhãn tiền cho các nhà sản xuất, khi chuyện được nhắc tới nhiều trên mạng Internet chưa chắc đã chuyển hóa thành kết quả phòng vé. Phim rơi xuống hạng 6 trên bảng xếp hạng phòng vé chỉ sau đúng hai tuần. Điều kỳ lạ là giới phê bình ưu ái cho phim điểm 68% trên Rotten Tomatoes, nhưng người dùng IMDb chỉ cho nó 5,6 điểm.
Video đang HOT
The Matrix Revolutions (2003): Bốn năm sau khi tạo ra cuộc cách mạng điện ảnh với The Matrix (1999), chị em đạo diễn nhà Wachowski thực hiện cùng lúc hai phần tiếp theo, tiếp tục theo chân nhân vật người hùng Neo (Keanu Reeves) ở thế giới tương lai khi máy móc cai trị loài người. The Matrix Reloaded thu tới hơn 742,1 triệu USD, với chất lượng ở mức khá. Song, 6 tháng sau, tập cuối The Matrix Revolutions lại trở thành nỗi thất vọng lớn đối với cả giới phê bình lẫn người hâm mộ và đạt doanh thu còn kém hơn cả tập đầu.
Star Wars Episode I: The Phantom Menace (1999): 16 năm trước, người ta cũng xếp hàng chờ đợi The Phantom Menace, tập đầu tiên trong bộ ba phim kể lại sự ra đời của “Chúa tể bóng tối” Darth Vader. Theo ước tính, đã có 2,2 triệu người Mỹ trốn hoặc nghỉ làm để tới rạp theo dõi bom tấn trong sáng 19/5/1999. Nhưng nó rốt cuộc trở thành tập phim bị fan Star Wars ghét bỏ nhất, khiến cha đẻ loạt phim là George Lucas bị chỉ trích nặng nề. Diễn xuất khô cứng của dàn sao và nhân vật Jar Jar Binks vô duyên tới mức khó chịu là lý do chính của câu chuyện.
The Godfather: Part III (1990): 16 năm sau The Godfather: Part II, đạo diễn Francis Ford Coppola thực hiện phần tiếp theo của một trong những tác phẩm điện ảnh vĩ đại nhất lịch sử. Vẫn còn đó những gương mặt cũ, nhưng Part III không thể tạo ra sự màu nhiệm. Ngoài ra, chuyện nhà làm phim để con gái Sofia Coppola sắm vai Mary Corleone cũng gây ra nhiều tranh cãi. Phim nhận 7 đề cử Oscar nhưng không một lần được xướng tên chiến thắng. Có lẽ The Godfather: Part III là nạn nhân của sự vĩ đại đến từ chính hai tập Bố già trước.
King Kong (1976): Đạo diễn Dino De Laurentiis làm lại tác phẩm kinh điển King Kong năm 1933 bằng công nghệ điện ảnh tân tiến của thập niên 1970. Các nhà sản xuất không ngần ngại quảng cáo đây là “sự kiện điện ảnh thú vị nhất mọi thời đại”, kết hợp với tạp chí Time và chuỗi đồ ăn nhanh Burger Chef để thu hút sự chú ý của công chúng. Dù gặt hái thành công doanh thu, bộ phim lại bị giới phê bình ghẻ lạnh và đánh giá là một trong những phiên bản King Kong tệ nhất.
Macabre (1958): Đạo diễn William Castle gây chú ý cho tác phẩm kinh dị hạng B của mình bằng cách ký hợp đồng bảo hiểm với khán giả, hứa trả cho ai do quá sợ khi xem phim mà lăn ra chết 1.000 USD (tương đương 8,2 triệu USD ở thời điểm năm 2015). Nhiều y tá giả được thuê túc trực ngay trong các phòng chiếu, còn xe cứu thương hết ca được thuê để đỗ ngoài rạp chiếu phim. Nhưng rốt cuộc thìMacabre chẳng gây sợ hãi đến thế và chỉ là một tác phẩm tầm thường.
Theo Zing
10 đại gia bảnh trai nhất trên màn ảnh Hollywood
Hollywood từng nhiều lần đem đến hình ảnh những tay chơi vừa giàu có, lại vừa đẹp trai và gây ấn tượng mạnh cho người xem, đặc biệt là khán giả nữ.
Patrick Bateman trong American Psycho (2000): Mặc dù ghê sợ trước những tội ác gây ra bởi bàn tay vấy máu của hắn, người xem vẫn không thể phủ nhận rằng Patrick Bateman có một sự nghiệp kinh doanh hết sức thành công và đáng mơ ước. Tuy chỉ mới 27 tuổi, Bateman đã sở hữu một ngân hàng đầu tư tại Phố Wall. Cuộc sống của hắn ngập tràn trong những thú vui xa xỉ: quần áo đắt tiền, các câu lạc bộ vui chơi hạng nhất, phụ nữ xinh đẹp vây quanh, bộ sưu tập siêu xe, rạp hát cao cấp tại nhà và hẳn một căn hộ sang trọng ở American Gardens có trị giá hàng triệu USD. Nhân vật đầy ám ảnh này do tài tử Christian Bale thủ vai.
Danny Ocean trong Ocean's Eleven (2001): Hóa thân thành tên trộm hào hoa trong loạt phim Ocean's Eleven là George Clooney, người đàn ông trong mộng của biết bao cô gái. Danny Ocean từng phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ nhưng phải chịu án tù 5 năm khi bị buộc tội gian lận. Sau khi ra tù, Ocean thành lập nên một nhóm siêu trộm nhằm lên kế hoạch cướp năm sòng bạc tại Las Vegas ngay trong dịp đầu năm mới. Khi phần một của bộ phim kết thúc, nhóm trộm của Ocean bỏ túi suôn sẻ 160 triệu USD, số tiền đảm bảo giúp Danny Ocean có được cuộc sống vương giả trong nhiều năm trời.
Bruce Wayne trong Batman Begins (2005):Bruce Wayne luôn nằm trong danh sách các vị tỷ phú màn ản giàu có nhất, điển hình như bảng xếp hạng tài sản của tạp chí Forbes dành cho những nhân vật hư cấu. Wayne Enterprises của anh thống trị thị trường ở rất nhiều lĩnh vực công nghiệp. Tập đoàn này có trên dưới 170.000 nhân công và tổng tài sản ước tính khoảng 60 tỷ USD. Là chủ nhân cũng là cổ đông lớn nhất của tập đoàn, dĩ nhiên Bruce Wayne cũng sở hữu khối tài sản khổng lồ ngay từ khi anh còn rất trẻ. Anh thường che mắt mọi người bằng lối sống hợm hĩnh, phô trương tiền bạc; nhưng thực chất bên trong, anh dùng của cải cho mục đích cao cả hơn là chống lại bè lũ tội phạm và bảo vệ sự yên bình cho người dân thành phố Gotham.
Adrian Veidt trong Watchmen (2008): Biểu tượng cho sự thành công của Adrian Veidt chính là tòa tháp The Veidt cao 90 tầng, có biểu tượng chữ V bằng vàng trên đỉnh như lời nhắc nhở về tầm ảnh hưởng của người đàn ông này trong văn hóa cũng như nền kinh tế toàn cầu. Giống như nhiều vị tỷ phú khác, anh được thừa hưởng gia tài triệu đô từ cha mẹ, nhưng Veidt đã đem tất cả đi làm từ thiện rồi tự mình gây dựng lại cơ nghiệp từ hai bàn tay trắng. Dựa vào hình ảnh anh hùng Ozymandias của chính bản thân, Veidt thành lập và phát triển Veidt Industries thành tập đoàn tầm cỡ toàn cầu, chủ yếu trên các lĩnh vực hóa mỹ phẩm, công nghệ tự động, công nghiệp và di truyền học.
Tony Stark trong Iron Man (2008):Là nhân vật nổi tiếng nhất trong vũ trụ điện ảnh của Marvel Studios tính đến thời điểm hiện tại, Tony Stark (Robert Downey Jr.) không bao giờ giấu diếm sự giàu có của bản thân. Sau khi cha anh qua đời trong một tai nạn máy bay, Tony Stark được thừa hưởng tập đoàn Stark Industries, nhà thầu quân sự, quốc phòng, năng lượng lớn nhất thế giới có trị giá lên đến hàng trăm tỷ USD. Cuộc sống của vị đại gia này cũng từng bắt đầu bằng những thú tiêu khiển xa hoa vô bổ, cho tới một ngày anh nhận ra những công nghệ quân sự của Stark Industries đang bị đem đi để gieo rắc tội ác ở khắp nơi. Từ đó, anh tập trung tiền của và trí tuệ vào những kĩ thuật công nghệ giúp anh trở thành siêu anh hùng Iron Man, đi bảo vệ nền hòa bình của thế giới.
Carlisle Cullen trong Twilight (2008):"Ông ấy thật trẻ trung, có mái tóc vàng rực rỡ và đẹp trai hơn bất cứ ngôi sao điện ảnh nào mà tôi từng gặp", đó là lời nhận xét của Bella, nhân vật chính trong loạt The Twilight Saga, khi nhận xét về Carlisle Cullen. Do Peter Facinelli thủ vai, cha của Edward Cullen vốn được sinh ra từ khoảng năm 1640 tại London. Ông là người có tấm lòng từ bi và là một trong số những ma cà rồng "ăn chay", không trực tiếp uống máu từ con người. Sau 350 năm hoạt động và cống hiến trong ngành y, ông tích lũy được lượng của cải tương đối lớn để chi trả cho những tài sản cao cấp như xe Mercedes S55 AMG hay căn nhà tuyệt đẹp ở ngoại ô Washington.
Britt Reid trong The Green Hornet (2011):Cậu ấm trẻ tuổi nhà Reid được thừa kế cả một đế chế báo chí, xuất bản và in ấn mang tên The Daily Sentinel, tờ báo cuối cùng trên toàn nước Mỹ không thuộc về bất cứ tập đoàn truyền thông nào mà thuộc sở hữu của tư nhân. Có ước tính giá trị lên đến 600 triệu USD, The Daily Sentinel làm ăn suôn sẻ tới mức có thể mang đến cho Britt Reid một cuộc sống nhung lụa bên trong tòa biệt thự sang trọng. Nhưng bản tính thích phiêu lưu khám phá đã khiến anh tìm đến người trợ thủ Kato. Rồi cùng với nhau, họ tạo thành cặp đôi ăn ý trong cuộc chiến chống tội phạm ở Los Angeles dưới biệt danh The Green Hornet.
Jay Gatsby trong The Great Gastby (2013): Jay Gatsby của Leonardo DiCaprio là một điển hình của nỗ lực "thanh niên nghèo vượt khó", khi anh không từ thủ đoạn nào để kiếm tiền, kể cả phi pháp như tham gia các tổ chức tội phạm, buôn bán rượu lậu và các loại trái phiếu bị đánh cắp. Phần lớn động lực làm giàu của anh là đến từ tình yêu mãnh liệt với Daisy, cô gái xinh đẹp luôn được bao bọc trong sự sang trọng và xa hoa. Khi đã trở nên giàu có, anh sống trong một biệt thự lộng lẫy, đầy những gấm vóc lụa là, xe hơi đời mới và những tiệc tùng đúng nghĩa "ném tiền ra cửa sổ" cốt chỉ để thu hút sự chú ý của Daisy.
Christian Grey trong Fifty Shades of Grey (2015): "Anh ấy không chỉ đẹp trai, - anh ấy còn là biểu tượng thu nhỏ của vẻ đẹp nam tính", đó là những dòng nhận xét về nhân vật Christian Grey trong loạt truyện khiêu dâm 50 sắc thái. Grey được miêu tả là một người đàn ông cao, gầy, nhưng lại khá cơ bắp; có bờ vai rộng, mái tóc màu đồng tối và đôi mắt màu xám nhạt. Từ 100.000 USD được người tình cũ tặng cho để khởi nghiệp, Christian Grey xây dựng nên cả một cơ ngơi là tập đoàn Grey Enterprises Holdings, Inc. Lúc này, Christian Grey có thể kiếm được trung bình 100.000 USD trong mỗi giờ. Anh dùng tiền để thu hút phụ nữ và sắm sửa những thứ "đồ chơi" sang trọng như biệt thự hoành tráng, xe Audi, trực thăng riêng... cũng như để bảo vệ bí mật đen tối của bản thân: anh là một kẻ bạo dâm. Nhân vật Christian Grey trong phiên bản điện ảnh của 50 sắc thái do Jamie Dornan thủ vai.
Lex Luthor trong Batman v Superman: Dawn of Justice (2016): Lex Luthor tuy chỉ là một người thường nhưng lại là kẻ thù số một của Superman nhờ vào trí tuệ và tham vọng của hắn. Dưới sự lèo lái của Luthor, tập đoàn LexCorp do hắn thừa hưởng từ người cha ngày một lớn mạnh, xuất hiện trong nhiều lĩnh vực quan trọng như công nghệ, năng lượng, truyền thông... Lex Luthor còn liên minh, hỗ trợ các tổ chức tội phạm để chống lại Superman và che mắt những hoạt động kinh doanh mờ ám của hắn ta. Từng có rất nhiều người hóa thân thành Lex Luthor và phiên bản mới nhất của nhân vật này sẽ do Jesse Eisenberg đảm nhận trong siêu bom tấn Batman v Superman: Dawn of Justice sắp tới.
Theo Zing
Universal và trận càn quét phòng vé chưa từng có "Straight Outta Compton" vừa nối dài chuỗi chiến thắng của Universal trong năm 2015. Ngay từ tháng 7, hãng phát hành đã cán mốc doanh thu 5 tỷ USD với một tốc độ chưa từng thấy. Trong lịch sử, mới chỉ có ba hãng phát hành vượt qua cột mốc doanh thu 5 tỷ USD trong một năm, bao gồm: Paramount với 5,17...