1 tạ thịt thú rừng, 200 chai rượu lậu chuyển về… làm đám cưới (?)
Tại trụ sở công an, tài xế khai, chở 216 chai rượu ngoại nhãn hiệu Black cùng khoảng hơn 1 tạ thú rừng để… phục vụ đám cưới.
Trưa nay (9/1/2013), Thiếu tá Nguyễn Văn Hùng – Đội trưởng Đội CSGT CA huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) – cho biết, vụ phát hiện và bắt giữ số lượng lớn rượu, thú rừng… được Tổ tuần tra CSGT huyện thực hiện vào lúc 9 giờ 45 phút sáng cùng ngày, tại km16 quốc lộ 1A đường tránh TP Vinh.
Vào giờ nói trên, Trung uý Trần Ngọc Thanh cùng các anh Hồ Xuân Trung và Lê Việt Anh đang tuần tra kiểm soát thì nhận được tin báo của quần chúng nhân dân có chiếc xe mang biển số 34L – 2096 chở rượu ngoại, thú rừng lậu. Tổ công tác CSGT Hưng Nguyên triển khai lực lượng, tiến hành dừng xe kiểm tra.
Qua kiểm tra trong khoang chở hành khách, phía dưới ghế ngồi, lực lượng CSGT phát hiện một số lượng hàng hoá lớn gồm: 18 thùng rượu (mỗi thùng 12 chai) nhãn hiệu Black do nước ngoài sản xuất 8 thùng các tông lớn trong có hàng trăm gói thuốc bột màu trắng (tài xế khai là thuốc xử lý hồ nuôi tôm) có xuất xứ từ Hàn Quốc.
Phía sau cốp xe có 4 thùng xốp chứa 12 cá thể thú rừng (chưa phát hiện động vật gì), tổng trọng lượng khoảng hơn 1 tạ đã được làm sạch, ướp đá. Đặc biệt bên trong còn có rất nhiều bịch tiết dùng để đánh tiết canh. Tại thời điểm kiểm tra, tất cả số hàng trên đều không có hoá đơn chứng từ hợp lệ.
Tại trụ sở công an huyện Hưng Nguyên, tài xế xe khách khai tên là Cao Minh Hoàng (SN 1980, trú Thạch Khôi, Gia Lộc, Hải Dương). Hoàng cho biết mua số hàng trên ở Quảng Trị, đưa về quê phục vụ đám cưới, với giá 150.000 đồng/hộp 12 chai.
Trao đổi với PV Dân trí, Thiếu tá Nguyễn Văn Hùng – Đội trưởng CSGT Hưng Nguyên – cho biết: “Số rượu này là rượu ngoại, hiệu Black và là rượu lậu, không có giấy tờ hợp lệ. Loại rượu này giá trên thị trường là khoảng 150.000 đồng/chai. Tài xế Hoàng bảo chỉ phải bỏ ra 150.000 đồng để mua một thùng 12 chai là nói dối. 4 thùng xốp chứa thú rừng đã có mùi hôi rất khó chịu. Hiện chúng tôi vẫn chưa xác định được 12 cá thể này là thuộc vào loại động vật gì, đang nhờ kiểm lâm xem xét”.
Cũng tại cơ quan công an huyện Hưng Nguyên, tài xế Cao Minh Hoàng khai nhận mua rượu từ Quảng Trị và thú rừng ở Đồng Nai chở về quê để phục vụ đám cưới. Còn các gói bột là dùng để xử lý hồ nuôi tôm. Khi được công an yêu cầu xuất trình giấy tờ thủ tục hợp lý thì tài xế Hoàng nói: “để quên”.
Video đang HOT
Được biết, số lượng hàng hoá nói trên tổng trị giá khoảng 50-60 triệu đồng. Hiện vụ việc đang được CA huyện Hưng Nguyên tiếp tục điều tra làm rõ.
Số rượu Black mà Hoàng cho biết mua với giá 150.000/12 chai
Những gói thuốc “xử lý hồ nuôi tôm”
Chiếc xe được đưa về trụ sở CA huyện Hưng Nguyên làm rõ.
Theo Dantri
Uống rượu thuốc phiện: Xử lý thế nào?
Đó là nhận định của lãnh đạo cảnh sát phòng chống ma túy và các luật sư sau vụ bắt hơn 5.000 lít rượu ngâm cây anh túc (thuốc phiện) tại cơ sở buôn bán đá quý Thúy Gấu (Từ Liêm, Hà Nội).
Ngày 27/12, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường - Công an Hà Nội, cho biết đang đánh giá hàm lượng ma túy có trong số rượu thu tại cơ sở Thúy Gấu, điều tra nguồn gốc cây và quả thuốc phiện ngâm rượu. Loại rượu ngâm thân, quả cây anh túc này thường được dân nhậu gọi là "rượu 138" (tên Kế hoạch 138 do UBND tỉnh Yên Bái đề ra nhằm kiểm soát, xử phạt đối với người trồng cây thuốc phiện).
Phải có tiền lệ
Theo một lãnh đạo của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy (Bộ Công an), về vụ bắt giữ số rượu có ngâm cây anh túc vừa qua tại Hà Nội, với số lượng như vậy bước đầu có thể nhận thấy cơ sở này có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy. Nói đến chất ma túy được hiểu là bao hàm những thứ liên quan đến ma túy từ dạng lỏng, dạng rắn, heroin, cocain, nhựa cần sa, nhựa thuốc phiện, lá, hoa, quả cây cần sa, quả thuốc phiện. Luật quy định việc tàng trữ, sản xuất, hay vận chuyển trái phép chất ma túy đều sẽ bị xử lý.
Uống rượu ngâm bằng quả, cây, rễ thuốc phiện vẫn là thói quen xấu của một số người (Ảnh minh họa)
Theo luật sư Nguyễn Quang Tiến (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), nhằm trấn áp tội phạm về ma túy nên luật quy định đối tượng vi phạm sẽ bị xử lý hình sự luôn, không phụ thuộc vào số lượng chất ma túy nhiều hay ít. Còn việc quy định về số lượng, hoặc các hành vi như phạm tội có tổ chức, phạm tội nhiều lần... mà Bộ luật Hình sự quy định là để áp dụng khung hình phạt với hành vi phạm tội đó.
Đối với trường hợp người nào có hành vi uống rượu ngâm chất ma túy (như loại "rượu 138") và kết quả xét nghiệm là dương tính thì cũng được coi là hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Nó chỉ khác nhau ở cách thức đưa vào cơ thể. Hành vi này sẽ bị xử lý hành chính, nếu đã nghiện sẽ bị đưa đi cai nghiện.
Theo luật sư Tiến, Bộ luật Hình sự cũng có đề cập đến quả thuốc phiện tươi và quả thuốc phiện khô, nhưng trong trường hợp này lại là quả thuốc phiện đã ngâm rượu. "Có lẽ cần phải có hướng dẫn thêm mới áp dụng để xử lý được. Vụ việc này khá hy hữu, nếu giải quyết tốt sẽ tạo thông lệ để xử lý những trường hợp tương tự mà theo tôi đang tồn tại khá nhiều trong đời sống hiện nay" - ông Tiến nhận định.
Vận chuyển, sử dụng "rượu 138": Xử lý khó
Nhưng đó là trên lý thuyết, còn trên thực tế, trao đổi với phóng viên, một cán bộ điều tra thuộc Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm ma túy - Công an tỉnh Hòa Bình cũng cho biết, việc người dân sử dụng "rượu 138" hiện nay khá phổ biến và đúng là những vấn đề pháp lý về loại rượu đặc biệt này vẫn còn nhiều điều phải bàn.
Rượu ngâm các loại thảo dược không rõ nguồn gốc được chủ cửa hàng Thúy Gấu ngâm trong các thùng và chậu lớn sau đó sang chiết sang các chai nhỏ
Tuy nhiên, cán bộ này cho rằng, trong trường hợp một người dân sử dụng "rượu 138" với lượng lớn và bị lực lượng chức năng phát hiện có phản ứng dương tính với ma túy thì cũng có thể xử phạt hành chính với người đó. Tuy vậy, trường hợp này rất khó xảy ra vì khi ngâm rượu, hàm lượng chất gây nghiện trong thân, củ, rễ của cây anh túc cũng đã giảm đi đáng kể, khó có thể tạo nên một hàm lượng đủ lớn để có thể phát hiện được khi xét nghiệm nhanh.
Bên cạnh đó, để xác định người đó có thật sự nghiện ma túy hay không, cơ quan chức năng phải dựa vào kết quả điều tra tại địa phương, gia đình, xác định xem người đó có tiền sử sử dụng các chất gây nghiện không. Nếu đã xác định rõ thì mới có thể đưa người đó đi cai nghiện bắt buộc theo quy định của pháp luật, còn nếu không thì chỉ xử phạt hành chính.
Với trường hợp vận chuyển "rượu 138" mà bị bắt quả tang trên đường, lực lượng chức năng cũng sẽ tùy vào số lượng rượu mà xử lý. Nếu chỉ là khối lượng nhỏ, một vài bình ngâm để sử dụng trong gia đình, thì cơ quan chức năng cũng khó mà xử lý bởi khi này, rất khó xác định được hàm lượng chất gây nghiện hay ma túy trong "rượu 138" là bao nhiêu.
Theo 24h
Đừng đùa với rượu thuốc phiện Khoảng 5.000 lít rượu ngâm cây anh túc vừa được Phòng cảnh sát môi trường Công an Hà Nội bắt giữ tại cơ sở buôn bán đá quý Thúy Gấu (Mễ Trì,Từ Liêm, Hà Nội). Câu hỏi đặt ra là uống rượu ngâm anh túc hại gì, lợi gì? "Rượu 138", đó là tên được dân nhậu sử dụng để gọi các loại...