1 người từng nghiện “cứu” 100 người thoát nghiện
12 năm cặp kè với “nàng tiên nâu” anh chẳng khác gì một con sói hung hãn trong giang hồ. Ma túy đã biến một công tử đất Hà Nội thành một kẻ bảo kê, trộm cắp, lừa đảo, đòi nợ thuê… Nay trở lại đời thường, anh muốn làm nhiều việc có ý nghĩa. Gần ba năm qua, anh đã giúp hơn 100 người nghiện ma túy thoát khỏi vòng tay của “ả phù dung”, động viên họ tránh xa chốn để có cuộc đời tươi mới hơn.
Nguyễn Thế Trung là đứa con duy nhất trong một gia đình bố mẹ làm viên chức Nhà nước. Trung sinh năm 1976, do điều kiện kinh tế khá giả, lại là con một nên được gia đình chiều chuộng từ bé. Bố mẹ anh cho anh ăn học tử tế cũng mong sau này anh thành đạt, nên người nhưng chuyện xảy ra thật bất ngờ.
Vào những năm 1992, Trung nghe theo lời một số bạn bè xấu, bỏ học và thử chơi hêrôin. Cứ mỗi khi bạn bè rủ rê, hoặc hứng thú hay chán chường Trung lại tìm đến ma túy. Khi gia đình phát hiện ra thì anh đã nghiện được một thời gian khá dài. Để thỏa mãn cơn nghiện, Trung đã lừa lọc, sử dụng mọi mánh khóe để kiếm tiền mua thuốc. Trong đó có cả những việc như đâm thuê chém mướn, trộm cắp… Có một việc mà bây giờ cứ mỗi khi nhắc đến anh lại day dứt, ăn năn: “Ngày ấy tôi thường cùng với các con nghiện khác làm một trò bịp gọi là ghi lô đề. Có một hôm tôi đánh con 50 nhưng hôm đó đề lại ra 80, thế là tôi dùng thuốc tẩy để bôi và sửa con số lại thành 80. Sau đó đến nhà người ta dùng vũ lực để đòi tiền, biết bao nhiêu lần như vậy và mỗi lần đều đẫm máu…”.
Bao nhiêu đồ đạc, xe cộ trong gia đình Trung đều đem cầm đồ hết, vì thế mà kinh tế gia đình anh rơi vào cảnh khánh kiệt còn cha mẹ anh thì ngày càng đau ốm, tiều tụy. Mẹ Trung tâm sự: “Lúc đó tôi đã nghĩ rằng trước sau con mình rồi sẽ chết. Nếu không chết vì sốc thuốc thì cũng chết vì tù tội hoặc vì những ân oán, chém giết giang hồ. Với cha nó lúc ấy, thằng Trung sống cũng như đã chết rồi, cứ mỗi khi nhắc đến nó là ông ấy lại im lặng…”.
Gia đình Trung đã rất nhiều lần cho anh lần đi trại cải tạo bắt buộc, hàng trăm lần khóa cửa, xích chân, dùng thuốc cai nghiện nhưng đều thất bại trước muôn phương ngàn kế của Trung.
Nước mắt ngày về
Trung không nhớ đã biết bao lần anh cai nghiện không thành, cứ cai đi lại cai lại. Cai nghiện, lại tái nghiện, Trung không thể nào thoát khỏi cái vòng tội lỗi khắc nghiệt ấy, Trung cai nghiện nhiều đến mức những cán bộ ở các Trung tâm cai nghiện trong thành phố Hà Nội đều nhớ mặt anh. Mẹ Trung khổ sở đi tìm anh. Mỗi lần tìm được anh, Trung đều nói: “Mẹ về đi, con không về đâu. Lúc nào hết tiền mua thuốc con sẽ về”. Nước mắt bà lại rơi xuống mỗi khi nhìn thằng con trai gày còm vật lộn với chiếc kim tiêm. Cứ nghe có chùa nào linh là bà lại sắm lễ đến vái. Có lẽ chính sự kiên trì và tình yêu bao la của người mẹ là liều thuốc giúp Trung thoát ra khỏi sự u mê của khói thuốc.
Video đang HOT
Một lần mẹ Trung nghe đến Trung tâm giải cứu người nghiện của Hội thánh Tin Lành Ân Điển ở thị xã Tiền Hải, Thái Bình. Bà thương con nên bàn với chồng rồi thuyết phục Trung đến trung tâm đó xem sao. Không ai có thể ngờ rằng sau hơn mười năm Trung vật vờ trong khói thuốc, đấu đá, vật lộn trong giới giang hồ lại có lúc tỉnh ngộ ra. Cuối năm 2003, Trung theo mẹ về Thái Bình cũng chỉ là để làm vui lòng người mẹ già, anh không tin rằng mình có thể dứt nghiện được. Vì anh đã có vô số lần thử cai, nhưng chưa bao giờ cưỡng lại được sự dẫn dắt của khói thuốc.
Tại trung tâm, anh được những người hướng dẫn giúp đỡ nhiệt tình và được chứng kiến những người cùng cảnh ngộ như mình được giải phóng khỏi ma túy. Sau ngần ấy năm lang bạt trong giang hồ và mê muội trong khói thuốc lần đầu tiên anh được chứng kiến những người đã dứt cơn nghiện chăm sóc, quan tâm đến nhau. Anh bày tỏ: “Người mẹ của tôi là động lực chính để tôi tự cai. Hơn nữa, tình yêu thương ở nơi đây đã giúp tôi thoát khỏi những tháng ngày nghiện ngập, đao búa. Cách đối xử nơi đây khác xa với cách hành xử ngoài giang hồ bặm trợn”.
Có lẽ con người khi tĩnh tâm lại, suy nghĩ về những tháng ngày lầm lỗi đã qua sẽ cảm thấy mình ích kỷ, nhỏ bé, từ đó mà ăn năn, hối cải. Mẹ anh cũng bất ngờ vì tính từ ngày đầu tiên Trung bước vào trung tâm này học tập, rèn luyện khi được trở về không thấy có biểu hiện nghiện lại. Cai nghiện thành công Trung xin ở lại trung tâm để chăm sóc, hướng dẫn những người mới vào trung tâm, quyết định ấy cha mẹ anh cũng ủng hộ.
Anh hứa với cha mẹ mình không bao giờ quay trở lại đời sống xưa nữa. Cũng bởi anh thấu hiểu được sự tàn phá khủng khiếp của ma túy. Trung kể: “Mỗi khi lên cơn nghiện, người tôi vã mồ hôi, toàn thân tôi bủn rủn, người lúc ấy có cảm giác như dòi bò trong xương. Tôi không thở được, miệng thì há hốc, có khi thì nôn oẹ, có lúc hộc cả máu mồm ra. Mỗi khi nghĩ lại tôi lại thấy rùng mình…”.
Phép màu cuộc sống
Giữa năm 2009, một cô gái đem lòng yêu mến Trung, không lâu sau thì hai người cưới nhau. Hạnh phúc đã mỉm cười, là người vợ hết mực yêu thương đã sinh cho anh một công chúa đáng yêu. Niềm vui của anh hôm nay là kết tinh của ý chí con người anh cùng nước mắt tin yêu của gia đình. Nhìn những gì anh trải qua, vấp ngã và đứng dậy, tôi hiểu ra rằng, sự tỉnh ngộ và trở về với cuộc sống đời thường không bao giờ là muộn. Chuyện Trung cai được nghiện và muốn giúp người khác cai nghiện là một điều hoàn toàn khó tin với gia đình, hàng xóm, nhưng đã thật sự trở thành hiện thực.
Hiện tại, anh đang điều hành hai Trung tâm cai nghiện tại Thọ Lộc (Phúc Thọ – Hà Nội). Trung ước mong đem ý nghĩa cuộc sống đến với mọi người, đặc biệt là những người đồng cảnh ngộ như anh. Mười năm nay, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, Trung đã giúp đỡ hơn 100 trường hợp nghiện ma túy trở về với cuộc sống bình thường. Hầu hết trong số họ tìm được ý nghĩa thật cho cuộc đời mình, và không ít người sau khi thoát nghiện đã tình nguyện ở lại trung tâm để cùng anh giúp đỡ những người nghiện khác. Theo Trung, để cắt cơn cho người nghiện không phải là một điều khó, điều đó thì trại cai hoặc những trung tâm cai nghiện nào cũng có thể làm được. Cái mà người cai nghiện cần là ý chí để họ hoàn toàn thoát khỏi “cái chết trắng”. Hơn thế nữa, gia đình phải kề vai, sát cánh cùng họ, để họ có động lực hoàn lương, không tái nghiện.
Sau bao năm tháng vùi dập cuộc đời trong khói thuốc và lang bạt trong giang hồ Trung thấu hiểu được sự tù túng, trôi nổi, bất cần đời của những người nghiện. “Những người nghiện họ luôn lầm tưởng rằng cuộc đời họ không mục đích, họ mộng du trong một thế giới vô định. Ở cái thế giới đó họ cần có một bàn tay nắm lấy họ, yêu thương họ, cho họ những lời khuyên để họ trở về với đời sống thực”, Trung vui vẻ cho biết. Lại sắp một năm nữa qua đi, một năm với nhiều điều anh dự kiến đã thực hiện được. Tâm hồn anh cũng đang rộn ràng trong tình yêu gia đình, công việc và những dự định.
Theo ANTD
Tàn tạ vì ma túy "đá"
Những khuôn mặt thất thần, những bước chân thơ thẩn và những ánh mắt vô hồn. Đôi khi, đâu đó bùng lên tiếng cười sằng sặc hoặc có người vẫy vùng điên loạn...
Học viên cai nghiện ma túy được điều trị tại Trung tâm Thanh Đa
Đó là cảnh tượng đập vào mắt khi bước vào khu... thư giãn của học viên cai nghiện thuộc Trung tâm điều dưỡng & cai nghiện ma túy Thanh Đa (Trung tâm Thanh Đa, TP.HCM). Ở đây thống kê trong tháng 12/2012, số học viên sử dụng ma túy "đá" (ma túy tổng hợp) chiếm gần 38% số học viên đang điều trị, chủ yếu là giới trẻ 16-28 tuổi.
Tính cả năm 2012, số học viên có sử dụng ma túy đá đến đây trị liệu là 326 người, tăng so với các năm 2011 (235 người), năm 2010 (135 người). Có 71 trường hợp trong số này phải điều trị tâm thần do rối loạn hành vi và mất kiểm soát.
Hung bạo và ảo giác
Khâm (tên các nhân vật đã được thay đổi - PV), 16 tuổi (Q.Tân Bình), đang cai nghiện tại Trung tâm Thanh Đa, xài hàng đá hai năm, giọng còn lo lắng kể: "Càng chơi em cảm giác cái đầu mình không bình thường, luôn lo lắng, đa nghi, thiếu kiềm chế, dễ bộc phát". Khi chạy xe ngoài đường, Khâm luôn có cảm giác mọi người xung quanh là công an đang theo dõi, nhìn thấy người khác nói chuyện cứ nghĩ nói xấu mình.
Còn Trương, 22 tuổi (huyện Bình Chánh), sau khi cai nghiện ở một trung tâm về vẫn không yên, bạn bè rủ chơi không cưỡng lại nổi. "Một lần sau khi phê thuốc, nhìn đám bạn mình cứ nghĩ nó đang gài bẫy mình để công an bắt. Sợ quá mình chạy vào công an phường tố cáo...", Trương nhớ lại. Được đưa vào Trung tâm Thanh Đa, cơn phê thuốc chưa hết, Trương cầm ghế tấn công học viên cùng phòng vì cho rằng người này chuẩn bị đánh mình.
Tệ hơn, Thông - một học viên khác - "đập đá" từ năm 2008, đến đầu năm 2010 bắt đầu thấy "muốn nổ cái đầu", đôi khi không kiểm soát được hành vi của mình như chửi bố mẹ, đập phá... Thông nghi ngờ bố mẹ đang tìm cách hại mình như bỏ thuốc độc vào cơm.
Ở trung tâm còn có Thương - 18 tuổi - học lớp 10 tại TP Hà Nội. Cách đây mấy tháng, Thương cứ nghe ong ong trong tai lời nói chỉ cách đối phó với người khác đang hãm hại mình, đang ngủ cũng nghe tiếng hăm dọa. Trong suy nghĩ của Thương, mọi người xung quanh - kể cả người thân - không ai thương mình. Bố mẹ thấy vậy mới đưa Thương vào TP.HCM chữa trị.
Nặng nề hơn là Trang, 17 tuổi (Long An), hay tự cãi lộn một mình, thấy người khác lao tới đánh mình. Theo lời kể của nhiều học viên, sau khi "đập đá" họ rơi vào cảm giác nóng nảy, dễ gây sự và tấn công người khác, kể cả người thân. Một số người từng phạm pháp hình sự do nghĩ người khác sắp tấn công, mình nên... "tiên hạ thủ vi cường", chủ động đánh trước.
Dễ dẫn đến tội ác
Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy - giám đốc Trung tâm Thanh Đa - cho biết ma túy đá là loại ma túy tổng hợp, khi sử dụng sẽ tác động mạnh vào hệ thần kinh trung ương. Nhiều bạn trẻ "ưa chuộng" loại ma túy này bởi nó đem lại cảm giác hưng phấn nhanh, mạnh, tâm trạng phấn khích, khoái cảm. Sử dụng ma túy đá liều cao làm cho người dùng trở nên lắm lời, hung hăng, táo tợn, mất ngủ và không còn khả năng suy xét. "Sử dụng ma túy đá lâu ngày thường dẫn đến hậu quả thay đổi hành vi, tâm tính, đôi khi dẫn đến hoảng loạn, có ý nghĩ thù địch, lú lẫn, lo âu và dễ bị dẫn đến ảo giác, hoang tưởng", ông Duy nói.
Cũng theo ông Duy, người nghiện hàng đá có khuynh hướng tăng liều cao hơn để đạt được cảm giác phê trước đó. Ở người nghiện dài ngày, liều cao dẫn đến trầm cảm nặng, có ý tưởng và hành vi tự sát. Ngoài ra, do bị kích động hoang tưởng, ảo giác, người nghiện dễ gây tội ác hình sự hoặc phấn khích phóng xe tốc độ cao, lạng lách gây tai nạn chết người.
Bác sĩ Duy nhận định do có giá cao nên ma túy đá chỉ được dùng phổ biến trong nhóm thanh niên con nhà khá giả ở những thành phố lớn. Điều ông Duy lo lắng là tuy có dấu hiệu số người sử dụng ma túy đá có xu hướng gia tăng nhanh nhưng hiện VN chưa có con số thống kê về số lượng người sử dụng và phác đồ điều trị. Ông Đỗ Thế Minh, chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP, cũng xác nhận tình trạng mua bán ma túy tổng hợp với số lượng lớn và người dùng ngày càng nhiều so với trước đây. Và điều đó, với ông, rất đáng lo ngại.
Thường gây án khi còn "phê" thuốc
Theo đại tá Lê Anh Tuấn - Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của Công an TP.HCM - chưa có con số thống kê đầy đủ về tỉ lệ đối tượng phạm pháp hình sự bị bắt có sử dụng ma túy đá, tuy nhiên quá nửa số đối tượng bị bắt trong các vụ trộm, cướp khai có "đập đá" trước khi gây án. "Đối tượng gây án đã sử dụng ma túy trước đó nên thực hiện hành vi phạm tội rất liều lĩnh, manh động, sẵn sàng chống trả", đại tá Tuấn cho biết.
Thống kê của Công an TP.HCM cho thấy, trong năm 2012, chỉ riêng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC47) đã thu giữ 71kg ma túy tổng hợp, chủ yếu là methamphetamine (còn gọi là hàng đá) và hàng chục ký ma túy các loại. So với năm 2010, số ma túy tổng hợp bị phát hiện đã tăng gần 15 lần. Theo đánh giá của phòng PC47, trong thời gian tới, tình trạng sử dụng, buôn bán, sản xuất ma túy đá sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp.
Theo xahoi
Cơ sở cai nghiện tự nguyện Tiêu Vĩnh Ngọc: Việc làm cao cả Hãy buông xuôi tất cả, nhưng với anh thì không. Anh luôn tin rằng anh sẽ làm được, anh sẽ cai nghiện được cho em mình, anh sẽ phá bỏ được số phận nghiệt ngã. Hình ảnh ở một trung tâm cai nghiện. (Ảnh minh họa). Cuộc đời và sự hình thành Cơ sở cai nghiện Tiêu Vĩnh Ngọc Anh sinh năm 1966...