1 ngày, 2 đám ma đưa người “bệnh lạ”
Ông Phạm Văn Nhọc mắc “bệnh lạ” ở Quảng Ngãi, đã tử vong sau 8 ngày được đích thân Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo đưa ra Bệnh viện C (Đà Nẵng) điều trị.
Đến khoảng 16 giờ ngày 7/5, ông Phạm Văn Nhọc (55 tuổi, ngụ Làng Rêu, Ba Điền, Ba Tơ, Quảng Ngãi) đã trút hơi thở cuối cùng ở Bệnh viện C (Đà Nẵng).
Ông Phạm Văn Bút, Chủ tịch UBND xã Ba Điền, cho biết vào khoảng 1 giờ ngày 8/5, thi thể ông Nhọc đã được đưa về thôn Làng Rêu. Hiện gia đình đang lo ma chay cho ông Nhọc.
Sáng 8/5, không khí tang tóc bao trùm cả thôn nghèo Làng Rêu. Ngồi bên quan tài cha, anh Phạm Văn Trôn (con trai ông Nhọc) buồn thiu. Trên người vẫn còn nguyên bộ quân phục, anh Trôn cho biết vừa về đến nhà lúc sáng khi hay tin cha mất.
Video đang HOT
Người dân giết trâu để lo ma chay cho người tử vong vì “bệnh lạ”
“Mấy khi trước nghe cha bệnh nặng, em định về thăm cha nhưng chưa đến phép do mới đi lính được có 9 tháng. Chiều qua nghe người nhà điện vào, em đã cấp tốc xin phép đơn vị về lo ma chay cho cha. Em buồn lắm, ngày em đi cha còn khỏe mạnh mà giờ đã thế này rồi. Cha đi rồi, nhà chỉ còn mình mẹ không biết ai lo cho mẹ nữa đây” – anh Trôn bật khóc.
Đi sâu vào xóm 5 (thôn Làng Rêu), chúng tôi nghe tiếng khóc thảm thiết từ đám tang của bà Phạm Thị Ngợt (SN 1952, cũng tử vong ngày 7/5). Gia đình và người thân đang giết trâu, giết lợn để lo ma chay cho bà Ngợt.
Người nhà đau buồn bên thi thể bà Ngợt
Theo người nhà của ông Nhọc và bà Ngợt, bác sĩ vẫn không cho người nhà biết bất kỳ thông tin hay nguyên nhân dẫn đến cái chết của hai người.
Thống kê của ngành y tế, tính đến trưa 8/5, trên địa bàn huyện Ba Tơ có 200 người mắc “bệnh lạ”, riêng xã Ba Điền có 190 trường hợp trong đó có 21 người tử vong, mới nhất là trường hợp ông Phạm Văn Nhọc chết chiều 7/5.
Theo N.Hà (Người Lao Động)
Bộ Y tế nhận định nguyên nhân gây "bệnh lạ"
Ngày 7/5, Bộ Y tế đã có báo cáo về các yếu tố nguy cơ gây ra hội chứng viêm da dày sừng lòng bàn tay, bàn chân (hay được gọi là "bệnh lạ") tại huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi).
Theo nhận định ban đầu của Bộ Y tế thì nhiều khả năng các trường hợp mắc bệnh do bị nhiễm độc, có thể do tiếp xúc trực tiếp hoặc qua thực phẩm bị nhiễm độc.
Qua khảo sát ban đầu, các chuyên gia khẳng định, đây là một thể bệnh không có yếu tố chứng tỏ nhiễm trùng (từ virus, vi khuẩn, Rickettsia) do không có trường hợp nào sốt khi khởi phát bệnh. Bệnh có tái phát và không tiến triển cấp tính.
Ngoài ra, 100% bệnh nhân có men gan tăng, các xét nghiệm huyết học cho thấy tình trạng dinh dưỡng kém. Với các trường hợp bệnh, không có sự khác biệt rõ rệt về tuổi, giới ở nhóm người nhiễm bệnh, không có bằng chứng lây từ người sang người.
Nhận định ban đầu của Bộ Y tế cho thấy nguyên nhân gây bệnh lạ có thể do thực phẩm nhiễm độc
Để khống chế tối đa trường hợp tử vong, phác đồ điều trị mới hội chứng viêm da dày sừng lòng bàn tay, bàn chân của Bộ Y tế đã được thực hiện trong đó chú trọng đến hồi sức, chống độc tổ chức phun thuốc diệt côn trùng, mò, vẹt, tiệt trùng, tăng cường dinh dưỡng cho người dân ở các xã thuộc địa bàn huyện Ba Tơ.
Bộ Y tế cũng đề nghị UBND tỉnh đẩy nhanh việc cấp gạo trắng cho các hộ gia đình, đồng thời thu đổi gạo ủ, gạo mốc vận động người dân đi bệnh viện điều trị ngay khi có các biểu hiện của hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân.
Trước đó, vào ngày 4/5, Bộ Y tế cũng đã ban hành phác đồ mới điều trị bệnh viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân (bệnh lạ) ở Quảng Ngãi. Theo đó, các ca bệnh được chẩn đoán sống trong vùng dịch tễ, có các biểu hiện lâm sàng tổn thương cơ bản gồm: mảng da đỏ thẫm, ranh giới rõ với da lành, dày sừng nứt nẻ, bong vảy ở bàn tay, bàn chân. Có đau rát tại thương tổn, xét nghiệm có thể men gan tăng.
Bộ Y tế cũng lưu ý các đối tượng dễ có nguy cơ tiến triển nặng gồm trẻ em, người già, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh mạn tính, suy dinh dưỡng, thiếu vi chất, thiếu máu.
Việc điều trị các ca bệnh ở mức độ nhẹ được chỉ định tại bệnh viện huyện hoặc các đơn vị chuyên khoa da liễu bằng các biện pháp điều trị tại chỗ tổn thương da. Với mức độ nặng và biến chứng phải điều trị tại khoa hồi sức cấp cứu của các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh hoặc trung ương. Khi cần phải hội chẩn với các chuyên khoa có liên quan.
Về diễn biến mới nhất của căn bệnh này tại Quảng Ngãi: Vào ngày hôm qua (7/5), bà Phạm Thị Ngớt (SN 1952), ở thôn Làng Rêu, xã Ba Điền, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi đã tử vong tại Bệnh viện huyện Ba Tơ do mắc hội chứng viêm da dày sừng lòng bàn tay, bàn chân (thường gọi là bệnh lạ).
Cái chết của bà Ngớt khiến dân làng càng thêm hoang mang, lo sợ. Con đường duy nhất từ UBND xã Ba Điền về các làng Rêu, Gò Nghênh bị người dân dùng hàng rào tre chặn lại, không cho "nội bất xuất, ngoại bất nhập".
Tính đến thời điểm này, riêng tại xã Ba Điền có 171 trường hợp mắc hội chứng viêm da dày sừng lòng bàn tay, bàn chân, trong đó có 20 trường hợp tử vong.
Theo N.Anh (Vietnamnet)
Cậu bé 7 tuổi có thể chết vì trời lạnh Cậu bé Aidan Smith không bao giờ ra ngoài trời mà không có mũ, khăn, găng tay và bộ trang phục đặc biệt trùm kín mít, chỉ để hở hôi mắt. Bởi vì cậu có thể bị sốc phản vệ nếu nhiễm lạnh. Nguy cơ sốc phản vệ lúc nào cũng thường trực xảy ra nếu cậu tiếp xúc với bất cứ thứ...