1 kg cà chua ở Lâm Đồng không đổi được 1 quả ở Hà Nội
Với 1.500 đồng có thể mua được 1 – 2 kg cà chua ở Đơn Dương (Lâm Đồng). Trong khi đó ở Hà Nội, với số tiền này, người dân chưa mua nổi 1 quả.
Trong khi ở Lâm Đồng, cà chua loại đẹp giá bán buôn chỉ 500 – 1.500 đồng/kg thì ở Hà Nội loại quả dập, nhỏ có giá 10.000 – 15.000 đồng/kg. Ảnh: Ngọc Lan.
Thời gian qua, nhiều vùng trồng cà chua ở huyện Đức Trọng, Đơn Dương (Lâm Đồng) đăng gặp khó khăn do cà chua được mùa nhưng rớt giá thê thảm. Hiện 1 kg cà chua tại vườn ở đây có giá bán buôn chỉ 500 – 1.500 đồng. Thậm chí nhiều hộ gia đình còn đổ bỏ hoặc cho bò ăn.
Trong khi đó, tại các tỉnh miền Bắc, đặc biệt ở Hà Nôi, giá cà chua cao gấp nhiều lần, thậm chí một số nơi còn khan hàng. Khảo sát giá cà chua ở một số chợ Hà Nội, 1 kg cà chua loại 1 (quả to, vừa chín) giá 20.000 đồng/kg. Loại 2 (quả nhỏ, xanh) giá 13.000 – 15.000 đồng/kg. Hàng dập, loại có giá 10.000 đồng/kg.
Chị Nguyễn Hà Linh (Xóm 2, Mễ Trì Hạ, Từ Liêm, Hà Nội) kể, chị đi chợ sớm, do cầm ít tiền nên cuối chợ còn 1.000 đồng lẻ ghé vào định mua quả cà chua về nấu riêu cá. Tuy nhiên, người bán hàng không bán do quả cà chua nặng hơn 1 lạng, bán giá 20.000 đồng/kg tính ra đã hơn 2.000 đồng/quả. “Mình băn khoăn mãi vì đọc trên trên mạng thấy thông tin 1.000 đồng là mua được cả cân cà chua xịn, thậm chí họ còn đem đổ bỏ, trong khi ở Hà Nội không mua nổi lấy 1 quả”, chị Linh thắc mắc.
Anh Hồng, thương lái bán buôn cà chua tại chợ Dịch Vọng Hậu cho biết, thời điểm gần đây cà chua xuống giá, giá đổ buôn cho những người bán rau quả ở chợ là 14.000 -15.000 đồng/kg. Hầu hết, cà được mua từ các vùng Hải Dương, Nam Định và một số nơi trồng màu ở ngoại thành Hà Nội . Hiện mức giá thu mua tại vườn là 8.000 – 10.000 đồng/kg. Theo anh Hồng, đây là mức thấp hơn so thời gian đầu tháng. Anh cho biết, có thời điểm cà chua mua buôn giá cũng lên đến 13.000 – 15.000 đồng/kg nhưng không phải vườn nào cũng có để bán. Thời gian này đang vào vụ cà chua, nên giá tương đối rẻ.
Video đang HOT
Giá rớt thảm, nhiều hộ nông dân ở Lâm Đồng đổ cà chua cho bò ăn.
Lý do nhiều thương lái không thu mua cà chua tại Lâm Đồng về Hà Nội bán, anh Hồng cho biết: “Nếu mua giá 2.000 đồng/kg cà chua ở Lâm Đồng, trừ công đi lại, chi phí vận chuyển về Hà Nội cũng xấp xỉ với giá mua buôn tại các ruộng ở các tỉnh lân cận Hà Nội. Hơn nữa, giống cà chua rất dễ dập, lại mau chín nên việc vận chuyển xa vừa tốn kém lại rủi ro cao. Nếu không cẩn thận thì bù lỗ đã đủ mệt chứ chưa tính đến chuyện lãi lời”. Hiện tại, với mức giá mua buôn và bán tại chợ, anh Hồng cũng lời được 4.000 – 5.000 đồng/kg.
Theo chị Nguyễn Thị Loan, một chủ ruộng trồng rau màu tại Quốc Oai, Hà Nội, giá cà chua loại 1 bán buôn tại vườn là 10.000 đồng/kg, loại 2 khoảng 6.000 – 8.000 đồng/kg. Chị cho biết, mức giá này giảm 2.000 – 3.000 đồng/kg so với thời điểm đầu tháng nên khá dễ bán. Thương lái thường đến mua ngay tại vườn. Do cà chua chín khá nhanh nên họ chỉ chọn những quả vừa chín, vỏ ngoài trơn và cứng. Còn lại những quả chín quá, bị nứt, chị Loan phải đem bán lẻ ở các chợ quanh khu vực.
Thông tin cà chua rớt giá thảm ở Lâm Đồng gần đây cũng khiến chị Loan đứng ngồi không yên. Chị cho biết, nhiều hộ gia đình đang chuyển đổi từ trồng cà chua sang trồng bắp cải và rau xanh cho mùa đông. “Tình trạng rau màu được mùa thì giá rớt, đến khi giá đắt khét thì không có hàng để bán là chuyện thường như cơm bữa. Tuy nhiên, từ bao nhiêu năm trồng màu đến nay, mức giá cà chua rẻ nhất ở đây cũng chỉ xuống mức 4.000 đồng/kg, chưa rơi vào thảm cảnh 500 đồng/kg hay phải vứt bỏ, đổ cho bò ăn như tình trạng của nông dân ở Lâm Đồng”.
Theo Tri Thức
Giáp mặt gian thương Trung Quốc: Lật tẩy trăm mưu, nghìn kế "bẩn"
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dù đã rất cẩn trọng trong việc làm ăn với các thương lái Trung Quốc, nhưng vẫn có nhiều trường hợp các chủ vựa thu mua của biển ở Cà Mau bị thương lái Trung Quốc quỵt tiền.
Trăm mưu, nghìn kế
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dù đã rất cẩn trọng trong việc làm ăn với các thương lái Trung Quốc, nhưng vẫn có nhiều trường hợp các chủ vựa thu mua của biển ở Cà Mau bị thương lái Trung Quốc quỵt tiền.
Cụ thể, tối 26.12, khi được một người quen thông báo thương lái tên A Dĩ và một người tên Kiệm (thông dịch viên của A Dĩ - PV) có mặt tại một khách sạn ơ phường 4, TP.Cà Mau, chị Ng. Th. H (chủ vựa cua ở khu vực 1, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn) tức tốc chạy xe máy hơn 50 km từ thị trấn Năm Căn lên TP.Cà Mau để tìm A Dĩ đòi tiền mua cua biển mà thương lái này đang nợ chị. Tuy nhiên, khi chị H. đến nơi thì A Dĩ và thông dịch viên của mình đã "biến" khỏi khách sạn.
Sử dụng hộ chiếu du lịch để thu mua nông sản, thủy sản.
Cũng theo lời chị H. trong vài lần giao dịch đầu tiên A Dĩ chung chi tiền mặt hẳn hoi. Nhưng tiếp sau đó thì xin khất nợ (số tiền từ 50 - 150 triệu đồng) với lý do tiền chuyển từ Trung Quốc sang không kịp, ngày hôm sau sẽ thanh toán đủ. Đúng như lời hứa, qua ngày hôm sau A Dĩ và Kiệm mang đủ tiền đến trả cho chị H.
Thấy A Dĩ làm ăn có uy tín nên chị Hiền an tâm duy trì hoạt động mua bán. Nhưng đến ngày 19 và 20.12, A Dĩ tiếp tục xin khất số tiền hơn 132 triệu đồng, hứa hôm sau sẽ trả. "Mãi không thấy A Dĩ trả tiền, tôi liên hệ thì người này nói kẹt vốn và tiếp tục xin khất lại.
Qua mấy ngày sau đó, A Dĩ gởi trả tôi 2 lần tổng số tiền là 102 triệu đồng. Còn lại 30 triệu đồng, tôi gọi điện thoại hỏi thì được thông dịch viên của A Dĩ trả lời rằng không trả nữa và trốn luôn cho đến nay" - chị H. tức tưởi.
Ông Nguyễn Hoàng Vũ, chủ vựa thu mua cua ở huyện Đầm Dơi ngán ngẩm: "Trước đó tui làm ăn với một thương lái tên là Vương Ngôn Thư. Ban đầu tay này trả tiền rất sòng phẳng, nhưng dần về sau thì diện đủ lý do để khất nợ. Đến khi số tiền nợ lên đến gần 500 triệu đồng thì hắn biến mất".
Cũng trong năm 2012 có rất nhiều chủ vựa cua ở thị trấn Năm Căn đến trình báo cơ quan chức năng về việc họ bị một thương lái Trung Quốc tên Wang Juanmei (tự A Kiều, 38 tuổi) quỵt với số tiền lên đến 17 tỷ đồng.
Trước đó, Công an TP.Cần Thơ đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực an ninh trật tự với số tiền 10 triệu đồng/người đối với Long Guo Liang (45 tuổi) và Feng Bing (46 tuổi, cùng quốc tịch Trung Quốc) về hành vi "Có hoạt động khác tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền".
Theo thông tin từ cơ quan công an, Liang và Bing và Feng Bing đã nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu Móng Cái, sau đó đến tạm trú để giám sát giết mổ vịt tại cơ sở giết mổ gia cầm của ông Võ Đức Nghĩa, tại KV.15, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, TP.Cần Thơ.
Người Trung Quốc xấu hổ cho đồng hương
"Khi đọc báo và được nghe các bạn Việt Nam kể về một số thương buôn Trung Quốc có ý đồ xấu với nông dân Việt Nam, chúng tôi cũng cảm thấy xấu hổ thay người Trung Quốc vì vốn dĩ người Trung Quốc cũng có những đức tính tốt giống người Việt Nam. Tôi phản đối một số thương lái lợi dụng lòng tin của người nông dân để lừa đảo họ như vậy."
Việc thương buôn thu mua nông sản với giá thấp hoặc thậm chí "phá giá" làm người nông dân vào cảnh khó khăn cũng xảy ra rất nhiều ở Trung Quốc. Nhưng mua những nông sản "lạ" thì chắc chỉ xảy ra ở Việt Nam, chúng tôi cũng không biết rõ mục đích là gì. Một lời khuyên cho bất cứ nông dân Việt Nam hay Trung Quốc là nên có một bản hợp đồng buôn bán nêu rõ quyền lợi và trách nhiệm của hai bên nhằm tránh tình trạng này".
Qin Si Hao (đến từ Quảng Tây, Trung Quốc, sinh viên Đại học Hà Nội)
Theo Dân Việt