1% công chức “cắp ô” hay “mốt” báo cáo tô hồng
Trong phiên thảo luận về báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 20-9, khi bị chất vấn về thực hư vấn đề 30% công chức “cắp ô”, không làm được việc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình giải thích, đã yêu cầu địa phương báo cáo. Kết quả bước đầu, số cán bộ công chức chưa hoàn thành nhiệm vụ chỉ trên dưới… 1%.
Minh họa: Lê Trí Dũng
Con số 1% công chức “cắp ô” khiến dư luận phải bật cười bàn tán, bình luận suốt cả tuần qua mà vẫn chưa lắng xuống. Người bảo không thể có chuyện ấy. Người lại bảo do cách báo cáo của chúng ta xưa nay vẫn thế, cái kiểu báo cáo tô hồng, thành tích là chính, khuyết điểm là phụ. Thành tích bao giờ cũng có tên tuổi rõ ràng, còn khuyết điểm bao giờ cũng là “một bộ phận không nhỏ”. Thành tích thì có gạch chương, gạch mục cẩn thận, còn khuyết điểm thì chỉ là “ngoài ra”, “bên cạnh đó”… Dường như cái cách làm báo cáo này đang trở nên phổ biến như một thứ trào lưu, một thứ “mốt” của các cơ quan ban, ngành, đoàn thể. Cũng có ý kiến lại còn hài hước cho rằng con số 1% là quá lớn và đặt câu hỏi: chẳng nhẽ nhiều thế sao? Cũng có ý kiến thì khẩn thiết đề nghị cán bộ lãnh đạo hãy đi “vi hành”, xem công chức nhà ta làm ăn thế nào?
30% và 1%?
Còn nhớ trong cuộc họp thứ nhất Ban chỉ đạo Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức được tổ chức hồi đầu năm, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra những câu hỏi: Chế độ công chức hiện vẫn nặng tính bao cấp, chưa phát huy được trí tuệ của cán bộ. Liệu 2,8 triệu công chức hiện nay có cống hiến hết mình hay không? Hay việc chạy công chức vẫn diễn ra do chế độ thi cử đầu vào bất cập. Trong bộ máy có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu “sáng cắp ô đi, tối cắp về”. Tại cuộc họp này Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định nếu không đổi mới chế độ công vụ, công chức thì sẽ thất bại trước nền kinh tế thị trường.
Từ sau phát biểu của Phó Thủ tướng, trong nhiều cuộc họp và cả trên bàn nghị sự, câu chuyện “30% công chức cắp ô” đã được nhắc lại nhiều lần. Đó đúng là một thực tế đang diễn ra bởi những bất cập từ việc đào tạo, tuyển chọn và đề bạt, bổ nhiệm công chức hiện nay đã cho “ra lò” những công chức kém chất lượng. Sau phát biểu của Phó Thủ tướng, nhiều tờ báo cũng tiến hành điều tra tại một số cơ quan công sở của Nhà nước và “bắt quả tang” không ít công chức tại các cơ quan Nhà nước “ăn cắp” giờ Nhà nước đi nhậu, đi uống cà phê, đi đánh bạc trong giờ làm việc.
Cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm công chức hiện nay còn nặng về bằng cấp mà chưa có cơ sở để đánh giá năng lực thực tiễn đang là nguyên nhân dẫn đến chất lượng công chức ngày càng yếu đi. Bằng cấp thì cần là có, muốn là được. Bất cứ ai cũng thể “mua” bằng cấp như ngoài chợ, “mua” dễ như mua rau. Trong dân gian lại đúc kết câu nói gần như đã thành tục ngữ mới về quy chế tuyển dụng nhân sự ở Việt Nam: Thứ nhất hậu duệ, Thứ nhì quan hệ; Thứ ba tiền tệ;Thứ tư trí tuệ. Và ngay cả trong các kỳ họp Quốc hội, không ít lần câu tục ngữ mới này đã được các vị đại biểu Quốc hội nhắc lại tại nghị trường. Việc tuyển chọn công chức theo cách thức trên đã làm chất lượng công chức kém, không đủ trình độ đáp ứng công việc, nhiều công chức đến cơ quan nhưng không biết làm gì. Bên cạnh đó, có những công chức vào bằng cửa “hậu duệ” nên cứ yên tâm, yên vị “dung dăng dung dẻ” mà không bao giờ bị “bật gốc”. Tệ hại hơn là những loại công chức này lại nhanh chóng tiến thân, chen lấn, xô đẩy, giẫm đạp lên những công chức có trình độ, làm việc nghiêm túc để đạt tới những chức vị cao hơn, để được hưởng những cái mà họ không đáng được hưởng và không có quyền được hưởng. Chính sự không công bằng này đã gây ra tình trạng chảy máu chất xám, làm thui chột, gây ức chế và mất hưng phấn làm việc của những công chức có trình độ, có trí tuệ nhưng không được thừa nhận.
Không phải ngẫu nhiên Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra con số 30% công chức không làm việc “sáng cắp ô đi, tối cắp về”. Thử hỏi so sánh con số của Phó Thủ tướng, so sánh với thực tế đang diễn ra thì con số 1% là gì? Chả nhẽ con số của Phó Thủ tướng lại “vênh” nhiều với con số của các địa phương báo cáo thế sao?
Báo cáo chung chung, tô hồng đang là “mốt”
Video đang HOT
Qua kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm tra các báo cáo vừa qua đều cho thấy tình trạng báo cáo chung chung, báo cáo tô hồng đang rất phổ biến ở mọi ngành, mọi cấp hiện nay. Thông qua các kỳ họp này, nhiều đại biểu Quốc hội tỏ ra thất vọng khi các bản báo cáo còn xa rời thực tế. Báo cáo phòng chống tham nhũng thì rất quyết liệt, rất quyết tâm nhưng chả kết tội được ai, chả xử được ai. Báo cáo thẩm tra về thực hiện Luật Tiết kiệm chống lãng phí thì cũng nói chung chung tình trạng lãng phí khắp nơi, nhiều cơ quan lãng phí không được chỉ ra mà lại chỉ ra “nhân dân lãng phí”, khiến cho một đại biểu phải thẳng thắn đề nghị “đừng đánh giá nhân dân lãng phí, nhân dân nghèo lấy đâu ra mà lãng phí”. Đã không ít lần các đại biểu Quốc hội đề nghị chỉ rõ xem “một bộ phận không nhỏ là ai”, là “bao nhiêu phần trăm”, “bộ phận không nhỏ ấy” đang ở đâu? Nhưng phần lớn các báo cáo hiện nay đều vẫn còn “những bộ phận không nhỏ” và cũng không chỉ ra được đang ở đâu? Sự tha thứ của nhân dân chỉ có giới hạn. Xin đừng lãng phí niềm tin của nhân dân thêm nữa!
Quay trở lại báo cáo 1% công chức “cắp ô”, dư luận mong muốn có một con số trung thực, một báo cáo trung thực. Muốn vậy trước hết cần một cuộc thanh tra sâu rộng và nghiêm túc trong mọi cấp ngành để làm rõ việc tuyển dụng bằng những con đường nào: Trường hợp nào là “hậu duệ”, trường hợp nào là “tiền tệ”, trường hợp nào là “quan hệ” và trường hợp nào là “trí tuệ”. Phải chống tiêu cực trong công tác tuyển dụng. Ít ra thì những trường hợp “tuyển dụng đen”, tuyển dụng không minh bạch phải được công bố, thế mới mong làm sạch môi trường làm việc để phát huy trí tuệ của những người tài muốn đóng góp thật sự cho đất nước, loại bỏ bớt những công chức “cắp ô” ra khỏi môi trường làm việc. Thế mới mong đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức” đã được Thủ tướng phê duyệt vào cuối 2012 nhằm xây dựng một nền công vụ “chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả phát huy tác dụng.
Công chức là những người thực thi công vụ của Nhà nước. Nếu không đổi mới công tác tổ chức cán bộ thì mục tiêu xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp trách nhiệm, minh bạch, hiệu quả sẽ bị phá sản.
TS Đỗ Văn Đương – Ủy viên thường trực Ủy ban tư pháp Quốc hội: Công chức “cắp ô” lãng phí gây hại hơn tham nhũng
Tôi nghĩ con số 1% công chức không hoàn thành nhiệm vụ mà Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình báo cáo là căn cứ trên con số báo cáo của các bộ ngành tổng kết hàng năm gửi về. Vì các cơ quan Nhà nước từ trên xuống dưới hàng năm đều bình xét thi đua, trong đó có những cấp độ: lao động thi đua, lao động hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, lao động hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ, trong đó tỷ lệ không hoàn thành nhiệm vụ thường đóng một con số rất nhỏ, 1% hoặc có đơn vị không có ai là không hoàn thành nhiệm vụ.
Nhưng tôi nghĩ thực tế con số công chức không làm được việc phải chiếm 30%, 30% nữa là có làm việc nhưng không hiệu quả, chỉ còn lại một số ít thực sự làm việc và có hiệu quả thì lại phải gánh quá nhiều công việc cho cả phần của những người không làm được việc. Một công chức trong một năm Nhà nước phải rót vào mấy trăm triệu không chỉ tiền lương mà còn rất nhiều chi phí khác như trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị… Như vậy một người làm việc không hiệu quả cũng có nghĩa là lãng phí tiền của nhân dân, là mồ hôi công sức của bao nhiêu người lao động. Hàng chục nghìn người như thế thì con số lãng phí sẽ lớn đến mức nào. Lãng phí ở đây còn gây hại hơn cả tham nhũng.
Tôi đã từng nói trong một kỳ họp Quốc hội nếu tôi là người được quyết định, tôi đuổi hết 30% công chức “sáng cắp ô đi tối cắp về”. Dân phải đóng thuế để nuôi đội ngũ công chức “ăn bám” này thì bất công quá. Mặc dù việc tinh giản biên chế trong các cơ quan Nhà nước đã được nói đến từ lâu nhưng có vẻ như càng ngày càng phình ra. Lâu nay trong các cơ quan Nhà nước của ta thường tồn tại sự cả nể. Không làm được việc hay làm việc không hiệu quả cũng không có chuyện cho thôi việc hoặc kỷ luật. Trong những cuộc bầu bán, lên chức thì những người này vì có quan hệ, có tiền tệ… lại được leo lên một chức cao hơn. Trong nhiều cơ quan tôi dám chắc nhiều lãnh đạo đơn vị thực sự là những người không có tài nhưng họ vẫn được ngồi vào chiếc ghế đó vì những lý do khác nhau. Nhiều đơn vị thi tuyển công chức chỉ là hình thức, còn đằng sau đó đã quyết định hết rồi. Vì vậy mới có chuyện người tốt nghiệp đại học bằng giỏi không xin được việc nhưng người học chuyên tu, học tại chức, đại học từ xa… lại nghiễm nhiên vào được các cơ quan Nhà nước… Đây cũng là vấn đề các cử tri rất bức xúc, nhưng để phát hiện, để chỉ mặt đặt tên là ai thì rất khó vì chúng ta chưa có cơ chế để phát hiện. Bên cạnh đó có nguyên nhân từ sự nể nang, thiếu kiên quyết. Một điều đáng nói nữa là cơ chế sử dụng, đánh giá cán bộ, thi đua khen thưởng có nhiều kẽ hở khiến cho nhiều nơi những kẻ xu nịnh, có tiền lại được cất nhắc, đề bạt, những người có tài, làm việc hiệu quả nhưng không có quan hệ, không có tiền bạc thì chỉ ngồi một chỗ, không có điều kiện đóng góp tài năng, sức lực của mình cho đất nước.
Khánh Huyền (Thực hiện)
Đinh Kiều Nguyên
Theo ANTD
Công văn "xin phép khi ghi hình CSGT" có nhiều dấu hiệu sai trái
Qua xem xét, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp) Lê Hồng Sơn khẳng định, các nhóm vấn đề trong công văn 1042 của Cục CSGT đường bộ - đường sắt nêu thể hiện sự thiếu thận trọng và có nhiều nội dung sai trái, cần phải được xử lý.
Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) vừa có báo cáo nhanh kết quả kiểm tra sơ bộ Công văn 1042 của Cục Cảnh sát Giao thông đường bộ, đường sắt. Qua xem xét, Cục Kiểm tra văn bản đã kết luận bước đầu về tính hợp pháp của Công văn 1042: "Chúng tôi thấy việc nêu 2 nhóm hành vi có lời nói đe dọa, lăng mạ và hành vi chống đối cảnh sát giao thông với hành vi quay phim, chụp ảnh hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được phép đồng ý của cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ đã thể hiện sự thiếu thận trọng khi kết nối các nhóm hành vi có bản chất, mức độ khác nhau".
Nữ cảnh sát giao thông phân làn trên đường phố Hà Nội
Theo Cục Kiểm tra văn bản, Công văn nội dung trên có thể hiểu, khi bất kỳ người nào quay phim, chụp ảnh hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm đều buộc phải "được phép đồng ý" của cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ. Và từ đây cảnh sát giao thông có quyền yêu cầu xuất trình giấy tờ để xác định là "được phép" hay chưa, và xác định "đúng là nhà báo hay giả danh nhà báo".
"Những nội dung trên là không phù hợp với các quy định hiện hành về quyền nhà báo (hoặc người dân) khi quay phim, chụp ảnh bởi vì pháp luật hiện hành chỉ quy định trường hợp vì bí mật nhà nước, các khu vực an ninh, quốc phòng mà có quy định cấm hoặc hạn chế người dân hoặc phóng viên quay phim, chụp ảnh thì mới buộc công dân phải tuân thủ khi quay phim, chụp ảnh", Cục Kiểm tra văn bản phân tích.
Trong khi đó, theo Cục Kiểm tra văn bản về nguyên tắc, cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ duy trì trật tự an toàn giao thông đường bộ được giao phải thực hiện đúng quy định của pháp luật.
"Qua rà soát, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật chưa thấy có quy định nào của pháp luật cấm công dân quay phim, chụp ảnh cán bộ, công chức và chiến sĩ công an đang thi hành công vụ (nếu không thuộc trường hợp cấm, hạn chế). Như vậy, việc công dân quay phim, chụp ảnh lực lượng cảnh sát giao thông tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm không phải hành vi bị pháp luật cấm", Cục Kiểm tra văn bản khẳng định.
Hơn nữa theo Cục Kiểm tra văn bản, cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông cũng không được quyền truy hỏi người đang quay phim, chụp ảnh là được phép hay không được phép, cũng không được quyền truy xét về giấy tờ để xác định là nhà báo hay giả danh nhà báo.
Một nội dung nữa trong văn bản được Cục Kiểm tra văn bản xem xét kỹ là: "nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản". "Theo chúng tôi nội dung này càng thể hiện rõ hơn việc trao quyền cho cảnh sát giao thông truy hỏi, truy xét về giấy tờ, danh tính của người quay phim, chụp ảnh để xác định "đúng là nhà báo" hay "giải danh nhà báo. Nội dung "tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản" còn giao quyền tập hợp thông tin (hồ sơ) để thông báo cho cơ quan chủ quản cũng không phù hợp với nhiệm vụ của cảnh sát giao thông khi tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm", Cục Kiểm tra văn bản tiếp tục khẳng định.
Đánh giá của Cục Kiểm tra văn bản việc quay phim, chụp ảnh cảnh sát giao thông tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm không phải là ghi hình ảnh riêng tư của một hay một vài cá nhân cụ thể, không thuộc phạm trù bí mật đời tư theo quy định của Bộ Luật Dân sự. Thực chất đây là ghi hình người thi hành công vụ của cơ quan, cá nhân đại diện cho Nhà nước tại nơi công cộng (công khai) là bình thường, không cần phải được cảnh sát giao thông hay bất kỳ cá nhân nào có mặt ở nơi công cộng này "cho phép".
Nhờ sự giám sát của người dân - hình ảnh đẹp của lực lượng CSGT được tôn vinh
"Đó là việc giám sát hoạt động lực lượng thực thi công vụ hết sức bình thường của mỗi công dân. Nhờ những hoạt động này mà những hình ảnh đẹp của lực lượng cảnh sát giao thông được tôn vinh, những sai phạm được kịp thời phát hiện, xử lý", Cục Kiểm tra văn bản cho hay.
Cục Kiểm tra văn bản thể hiện rõ quan điểm rằng, đối với mọi công dân khác (ngoài nhà báo) quay phim, chụp ảnh trong các trường hợp đã nêu, cũng không phải là hành vi sai trái. Người dân hoàn toàn có quyền thực hiện việc này nếu không thuộc trường hợp pháp luật cấm hoặc hạn chế. Cũng không phải vì người đang quay phim, chụp ảnh không phải là nhà báo mà dễ dàng quy kết là "giả danh nhà báo". Việc xác định một công dân quay phim, chụp ảnh là nhà báo hay giải danh nhà báo tại nội dung công văn 1042 là điều không phù hợp với chức năng, thẩm quyền của cảnh sát giao thông khi tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm.
"Cục Kiểm tra văn bản thấy rằng công văn 1042 có nhiều nội dung có dấu hiệu sai trái cần phải được xử lý... Về phía Bộ Tư pháp, Cục Kiểm tra văn bản đề nghị lãnh đạo Bộ cho tổ chức họp với đại diện Cục Cảnh sát Giao thông đường bộ, đường sắt và một số cơ quan, đơn vị liên quan trao đổi thêm về nội dung có dấu hiệu sai trái của công văn 1042", Cục Kiểm tra văn bản nêu.
Quang Phong
Theo Dantri
Yêu cầu kiểm điểm nữ phó phòng nhận tiền "bồi dưỡng" Một nữ phó phòng thuộc Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Trà Vinh nhận tiền "bồi dưỡng" của doanh nghiệp, vừa bị Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu cơ quan quản lý kiểm điểm, xử lý vi phạm. Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Trần Khiêu (*) vừa có văn bản gửi Trưởng Ban Quản lý (BQL) Khu Kinh tế tỉnh...