YouTube Việt Nam 2020 tràn ngập video nhảm nhí và phản cảm, chúng ta phải làm gì để thoát ra khỏi “bể” nội dung độc hại?
Đã đến lúc mỗi chúng ta phải hành động để có cách nhìn nhận và tiếp cận đúng đắn, quan trọng hơn là thoát ra khỏi “bể” nội dung độc hại luôn chờ chực, dường như có thể tác động và thâu tóm chúng ta bất kể khi nào.
Câu chuyện nấu cháo gà nguyên lông và đập heo đất ăn trộm tiền của Hưng Vlog những ngày gần đây đã làm giọt nước tràn ly. Một làn sóng phê phán dấy lên từ MXH, báo chí, truyền hình và các trang tin tức, truyền thông… không chỉ với cá nhân Hưng Vlog mà còn là toàn bộ hệ thống các video phản cảm, nhảm nhí đang tràn lan trên YouTube Việt Nam năm 2020.
Hai video phản cảm bị xử phạt gần đây của Hưng Vlog
Ngày 06/10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, xử lý những video có nội dung nhảm nhí, giật gân tràn lan trên mạng. Điều đáng nói ở đây là những nội dung này đều thu hút cả triệu lượt xem và bình luận, gây ảnh hưởng tiêu cực tới nhận thức, suy nghĩ, hành xử của người xem, đặc biệt là các em nhỏ.
Suy cho cùng, đã đến lúc cả xã hội phải hành động, mỗi chúng ta phải hành động để có cách nhìn nhận và tiếp cận đúng đắn, quan trọng hơn là thoát ra khỏi “bể” nội dung độc hại luôn chờ chực, dường như có thể tác động và thâu tóm chúng ta bất cứ khi nào.
Ai cũng có thể làm YouTube nhưng không phải nội dung nào cũng có thể xuất hiện trên YouTube
Câu nói “Ai cũng có thể làm YouTube” có lẽ được nhắc đến nhiều nhất qua câu chuyện của một trong những hiện tượng mạng thành công nhất Việt Nam – Bà Tân Vlog. Tạm gác lại những lùm xùm của cậu con trai Hưng Vlog thì bà Tân chính là minh chứng cho dù là người đã có tuổi, vóc dáng nhỏ bé, xuất phát điểm ở vùng còn thiếu điều kiện… nhưng vẫn có thể nổi tiếng và thành công; chỉ cần sự tự tin, biết nắm thời cơ, có chút máu liều và hợp gu dân mạng. Công thức thành công của bà Tân như vậy, với những thành tích xuất sắc như chỉ cần 20 ngày đã đạt nút vàng, hay hơn 1 năm đã bỏ túi 4 triệu lượt theo dõi.
Bà Tân Vlog – một trong những hiện tượng mạng thành công nhất từ trước tới nay
Sau bà Tân, có hàng loạt các cụ ông cụ bà, người trung niên khác cũng làm YouTube, dù là vay mượn cách thức của bà Tân hay có con đường riêng thì ở thời điểm đó, hành động này được xem như 1 trào lưu mới, nhận được sự ủng hộ nhất định từ người xem. Có lẽ khi ấy, người ta chỉ đơn giản nghĩ rằng các ông bà, bố mẹ tối ngày quanh quẩn trong nhà, lam lũ ngoài ruộng, cả đời làm lụng vất vả, đến khi tìm được niềm vui mới trong lúc rảnh rỗi, chẳng phải là rất đáng mừng hay sao?
Nhưng đó là chuyện của 1 năm trước.
Từ việc đáng mừng, được chào đón, chuyện các cụ ông cụ bà làm YouTube kéo sang 2020 đã bị bão hoà. Những nội dung lặp đi lặp lại, sao chép nhau, nhanh chóng khiến người xem nhàm chán, thậm chí trở thành đối tượng để bị dân mạng công kích, chỉ trích trên MXH. Như trường hợp của Bà Lý Vlog. Lúc này, đó không còn là mong muốn của các ông bà, bố mẹ nữa, mà chính những người con, người cháu lại đang đưa phụ huynh của mình trở thành nhân vật “câu view câu like” trên YouTube. Điều đáng trách nhất có lẽ là từ một trào lưu có ý nghĩa đã bị biến tướng thành công cụ để nổi tiếng và kiếm tiền. Và người xem thì đâu bị dắt mũi mãi?
Nhưng dù có vậy, những nội dung tương tự vẫn nhan nhản trên YouTube mỗi ngày, cho dù góp ý, cho dù chỉ trích, cho dù report, rồi đâu lại vào đó. Con cháu vẫn đem hình tượng bố mẹ ra để đổi lấy danh vọng, còn phụ huynh vẫn đâu may mảy người ta trên mạng “mắng chửi” mình những gì.
Video đang HOT
Ngoài câu chuyện của những cụ ông cụ bà làm vlog thì những năm gần đây trên MXH Việt Nam còn xuất hiện trào lưu làm vlog của các thanh niên nông thôn, vùng cao. Xét về mặt tích cực, đây là một hình thức hữu hiệu để quảng bá văn hoá, ẩm thực, du lịch, phong tục của từng địa phương tới khán giả trong nước và quốc tế; với những tên tuổi được lòng dư luận như Nhịp Sống Tây Bắc, Hoa Ban Food, Sang Vlog… Nhưng sự thành công của những cá nhân và ekip trên phần nào đã khiến trào lưu thanh niên nông thôn làm YouTube nở rộ, với những tác nhân làm xấu đi văn hoá nghe – nhìn của người Việt.
Với những nội dung mang tính bản sắc địa phương như chuyện ăn uống, nếu không có sự chọn lọc, phản ánh khéo léo thì sẽ dễ dàng trở thành những cách thức truyền bá phản cảm như loạt video ăn động vật sống, ăn cá sống, chế biến các món từ chất thải động vật… gây bức xúc thời gian vừa qua. Đó mới chỉ là một khía cạnh nhỏ trong vô số những thể loại nội dung nhức nhối của các thanh niên làm YouTube ở nông thôn, vùng cao.
Chỉ cần gõ vài từ khoá đơn giản trên YouTube như “ăn cá sống”, “ăn thịt sống” là có thể tìm thấy hàng trăm clip có nội dung liên quan
Mở rộng ra ngoài yếu tố ẩm thực, phong tục, trên YouTube ngày nay có hàng trăm tài khoản chuyên thực hiện những video có nội dung “troll” (chơi khăm) hoặc các video thoá mạ, chửi thề, đe doạ, tình anh em xã hội… theo xu hướng bạo lực, gọi nôm na là “giang hồ mạng”. Các video này thu hút lên đến hàng triệu lượt xem, lọt top thịnh hành, với đối tượng khán giả đông đảo nhất là người trẻ, có cả trẻ em. Loạt video này đã đặt ra những dấu hỏi lớn số đông dư luận, liệu nội dung bạo lực, phản cảm có đem lại giá trị nào cho người xem? Và tại sao chúng lại thu hút nhiều views đến vậy?
Những biện pháp xử lý và ngăn chặn nội dung độc hại trên YouTube ban đầu của Việt Nam, nhưng liệu đã đủ?
Tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi trên đây có lẽ chưa phải là vấn đề cần xem xét trước tiên, mà vốn dĩ điều đó đã phản ánh tình trạng đáng báo động của YouTube Việt Nam ngày nay. Những clip nhảm nhí và giật gân nhan nhản trên mạng, người xem dù cho có sự chọn lọc nhưng cũng khó để triệt để. Và đáng lo ngại hơn là một bộ phận thế hệ thanh niên, các em nhỏ – đang chính là người tiếp nhận và chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất từ những nội dung độc hại.
Tháng 08/2020, loạt video về trào lưu ăn cá sống gắn mác đặc sản – phong tục đã khiến cộng đồng người dân tộc Thái phẫn nộ. Vì nét đặc trưng ẩm thực của họ đã bị một số YouTuber biến tướng man rợ để tạo sự chú ý, thu hút người xem.
Lò Văn Khụt (Chiềng Ban, Sơn La) – một trong số các YouTuber làm nội dung ăn cá sống bị cư dân mạng phản ứng khi được phỏng vấn trong phóng sự tiêu điểm của Trung tâm Tin tức VTV24 đã chia sẻ đó chỉ là sở thích ăn uống riêng của anh và bạn bè, không thừa nhận là phong tục của người Thái. Khụt cũng bày tỏ làm YouTube chỉ là công việc phụ, kiếm thêm thu nhập từ 4 – 5 triệu mỗi tháng. Cả xã Chiềng Ban nơi anh ở hiện nay có tới 15 – 20 người làm YouTube. Tuy nhiên mọi người cũng xác định đây là công việc làm trong lúc nhàn rỗi, còn chính vẫn là làm nương rẫy.
Lò Văn Khụt trên sóng tiêu điểm
Nhưng cho dù với mục đích kiếm thêm thu nhập hay làm cho vui thì những video này khi xuất hiện trên MXH đã vô tình làm xấu đi hình ảnh của văn hoá vùng miền trong mắt cộng đồng, khiến chính những người bản địa bị cảm thấy xuyên tạc, xúc phạm.
Còn với câu chuyện của Hưng Vlog, hai lần bị Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang xử phạt lần lượt 7,5 triệu đồng và 10 triệu đồng do thực hiện hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin không phù hợp với thuần phong, mỹ tục đã phần nào phản ánh những biện pháp răn đe của các bộ, ngành để “làm sạch” vùng tối của YouTube.
Ngay chính YouTube cũng đang từng ngày có những cách thức để nâng cao chất lượng trên hệ thống của mình như ban hành các điều luật kiểm soát nội dung, luật quảng cáo mới, thẳng tay “đánh gậy” hoặc xoá các kênh bị phản ứng tiêu cực (kênh Hưng Troll của Hưng Vlog đã bị YouTube xoá vĩnh viễn do có nhiều nội dung không lành mạnh).
Thế nhưng, trên khía cạnh khác, một số các video có nội dung phản cảm, không phù hợp vẫn “oanh tạc” hệ thống xem video lớn nhất toàn cầu này, đặc biệt là các nội dung của hội “giang hồ mạng”. Cho dù YouTube đã có những biện pháp quản lý, cảnh cáo, nhưng còn có phần chưa chặt chẽ. Một yếu tố khác là do sự bão hoà của thông tin và ngay cả những YouTuber sản xuất các clip có nội dung giật gân, phản cảm đã có những mánh khoé “lách luật”, khiến cho việc kiểm soát không hề đơn giản.
Trước đây, thời điểm 2019 – 2020, đã có những “giang hồ mạng” bị sa lưới pháp luật, buộc phải ngừng các nền tảng MXH, việc làm clip nội dung bạo lực, thác loạn, chửi bới, ăn chơi… cũng chấm dứt. Trước Hưng Vlog, Bà Lý Vlog thì cũng có không ít cái tên bị dư luận phê phán và YouTube xử lý vì nội dung không lành mạnh như NTN Vlogs (làm video truyền bá nội dung không lành mạnh), Thơ Nguyễn (nội dung phản cảm với trẻ em), Prank HD (làm video dạy chơi chất cấm),…
Những clip có nội dung không lành mạnh, truyền bá chửi thề, bạo lực, cờ bạc, chất cấm… của Khá Bảnh, Huấn Hoa Hồng và Dương Minh Tuyền
Nhìn chung, cả cơ quan chức năng, dư luận – cộng đồng mạng lẫn đơn vị chủ quản YouTube đều đã có những biện pháp để cảnh cáo, giảm thiểu các video nội dung phản cảm, giật gân. Cho dù vẫn có những công đoạn YouTube xử lý chưa kịp thời, như việc các nội dung sau khi bị gỡ, bị khoá vẫn có thể được xuất hiện thông qua một kênh khác, ở một thời điểm khác. Nhưng suy cho cùng, các động thái trên là bước đầu cho cả quá trình dài, xây dựng chế tài quản lý và làm trong sạch nền tảng video trên mạng.
Môi trường YouTube “chưa lành mạnh” thì chúng ta cần tự có cách xem lành mạnh
Một số biện pháp để “làm sạch” nền tảng YouTube của bạn và người thân:
- Để ý tới lịch sử tìm kiếm và thói quen xem: Thuật toán hoạt động của YouTube dựa trên thói quen tìm kiếm, cách chọn video, thời gian xem, cách tương tác… của bạn khi sử dụng ứng dụng. Chính vì vậy, hãy hạn chế tìm kiếm, click và tương tác vào các video có nội dung nhảm nhí, giật gân (dù thường chúng có title và thumbnail rất hút). Nếu lỡ tìm kiếm, hãy xoá trên thanh tìm kiếm bằng cách ấn vào dấu “x” ở phần gợi ý kết quả. Nếu lỡ click, hãy trở ra và report. Bằng những cách cách này, YouTube sẽ “hiểu” là bạn không quan tâm/ không hứng thú với các nội dung tương tự.
- Nguyên tắc “không xem, không tương tác, hãy report”: Với quy tắc này, bạn đang góp phần bài trừ các nội dung độc hại trên YouTube không chỉ cho chính mình mà còn cho những người xem khác. Lựa chọn vào ba dấu chấm tuỳ chọn bên góc phải video và chọn mục “Báo cáo” => Chọn nguyên nhân hợp lý => Hoàn thành. Với lượng report đủ, YouTube sẽ có hệ thống xử lý riêng bằng cả trí tuệ nhân tạo lẫn theo cách thủ công.
- Không thể kiểm soát con em thì hãy trò chuyện, lắng nghe và khuyên nhủ: Với thế hệ trẻ ngày nay, các biện pháp kiểm soát như cài đặt YouTube Kids, cấm sử dụng, răn đe… không phải là phương pháp triệt để. Khi càng kiểm soát, càng cấm đoán, con trẻ sẽ có xu hướng tò mò, muốn tìm hiểu và khám phá hơn. Và trước nhận thức còn non nớt, những nội dung câu view, giật gân càng dễ có tác động tiêu cực tới đối tượng trẻ em, thanh thiếu niên. Chính vì vậy, thay vì sử dụng những biện pháp căng thẳng, các buổi trò chuyện, phân tích được xem là có thể tác động tới nhận thức và thói quen nghe – nhìn của con trẻ hiệu quả hơn. Tất nhiên không phải ngày 1 ngày 2, mà đó là quá trình kiên nhẫn, nỗ lực từ cả các bậc phụ huynh lẫn con em.
Kết
Trong thời đại thông tin ngày nay, chỉ cần có chiếc điện thoại cũ 2 triệu là cũng có thể làm YouTube và “đổi đời” như trường hợp của Sang Vlog, nhưng đó là cả một quá trình nỗ lực, tìm tòi và chăm chỉ của nam vlogger 25 tuổi người Đồng Nai. Sang Vlog cũng là minh chứng cho việc tiếp cận và phát triển trên mạng là không giới hạn với bất kỳ ai, cùng mảnh đất nội dung màu mỡ và vô số cơ hội để trở thành hiện tượng mới của MXH. Với công thức chung của những YouTuber thành công có thể tóm gọn trong 2 yếu tố: sáng tạo – có giá trị cho cộng đồng. Giữa một “biển” nội dung, để khác biệt phải lựa chọn sáng tạo, mà sự cẩu thả chưa bao giờ là một phần của sáng tạo. Giữa hàng trăm nghìn video trên YouTube, để giữ chân người xem phải mang lại ý nghĩa cho cộng đồng, mà sự nhảm nhí, giật gân chưa bao giờ được liệt vào hệ giá trị đó.
Ai cũng có thể làm YouTube, ai cũng có thể nổi tiếng, nhưng bất kỳ sự cẩu thả và vô trách nghiệm nào cũng sẽ dẫn đến hậu quả cho chính những cá nhân đó lẫn toàn thể xã hội. Việc xoay chuyển và thanh trừ toàn bộ “hệ sinh thái” các nội dung nhảm nhí, phản cảm trên YouTube chỉ qua vài hành động của những cá nhân đơn lẻ có lẽ là điều không thể. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát thói quen xem YouTube, văn hoá nghe – nhìn của bản thân và những người xung quanh. Không có “cầu”, ắt “cung” sẽ tàn.
Trước "liên hoàn phốt" bị netizen lên án, Hưng Vlog có phản ứng như thế nào?
Thời gian vừa qua, Hưng Vlog (con trai Bà Tân Vlog) liên tục vướng phải hàng loạt lùm xùm.
Thời gian vừa qua, "vũ trụ vlogger" liên tục xôn xao trước những lùm xùm của con trai Bà Tân Vlog là Hưng Vlog. Với "liên hoàn phốt", từ hàng loạt clip nhuộm màu đồ ăn, diễn lố, dạy làm bom nước cho đến 2 sự việc nghiêm trọng gần đây nhất là clip nấu cháo gà nguyên lông và clip có nội dung ăn trộm tiền, Hưng Vlog ngày càng bị cư dân mạng lên án gay gắt.
Đáng chú ý, 2 vụ việc gần đây nhất đã khiến Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang phải vào cuộc, lập biên bản xử phạt Hưng Vlog do các nguyên nhân thực hiện hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin không phù hợp với thuần phong, mỹ tục. Sau đó, kênh Hưng Troll của Hưng Vlog cũng đã bị YouTube xoá, các clip không thể kiếm tiền được nữa.
Trước những sự việc này, Hưng Vlog đã có phản ứng như thế nào?
Trên kênh YouTube Hưng Vlog (kênh đã đạt nút vàng của Hưng), anh chàng đang tạm dừng đăng tải clip. Clip gần nhất cũng đã được lên sóng cách đây 9 ngày (ngày 01/10).
Trên tài khoản Facebook cá nhân của Hưng Vlog, nội dung đăng tải đang tạm dừng ở ngày 01/10. Còn trên trang Fanpage, chia sẻ gần nhất cũng đã từ 6 ngày trước.
Liên lạc với Hưng Vlog, anh chàng cho biết thời gian này không muốn chia sẻ thêm bất kì điều gì.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về sự việc này.
YouTuber "dính phốt" nhiều nhất Việt Nam năm nay chính là Hưng Vlog: Liên tục bị phạt tiền vì trò câu view, dân mạng cùng kêu gọi tẩy chay Thay vì làm nội dung lành mạnh, kênh của Hưng Vlog liên tục cho ra đời những video phản cảm khiến cộng đồng mạng hết sức phẫn nộ. Gắn với danh xưng "con trai bà Tân", Hưng Vlog (tên thật là Nguyễn Văn Hưng) cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm trên YouTube không kém gì mẹ của mình. Kênh chính thức...