Yoshihide Suga – từ con nhà nông tới thủ tướng Nhật tương lai
Là con trai một nông dân, Suga lớn lên ở vùng nông thôn tỉnh Akita và chuyển tới Tokyo vừa học đại học vừa làm thêm kiếm tiền.
Nếu Shinzo Abe được cho là sinh ra để làm Thủ tướng, con đường trở thành ngôi sao chính trị của ứng viên tiềm năng kế nhiệm của ông lại khác hẳn. Yoshihide Suga đã được nhiều nhà phân tích chính trị coi là ứng viên có nhiều khả năng nhất thay thế Thủ tướng Abe, người từ chức vào tháng trước do không đủ sức khỏe vì căn bệnh viêm đại tràng mãn tính.
Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga vẫy tay sau cuộc tranh luận về bầu cử lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do ở trụ sở đảng tại Tokyo hôm 9/9. Ảnh: Reuters.
Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền hôm nay bỏ phiếu chọn Suga là chủ tịch đảng thay thế Abe. Tân chủ tịch LDP gần như chắc chắn trở thành thủ tướng tiếp theo, bởi các nghị sĩ đảng này đang chiếm đa số tại quốc hội Nhật Bản, nơi bỏ phiếu bầu lãnh đạo chính phủ. Trở thành thủ tướng sẽ là đỉnh cao sự nghiệp chính trị đáng kinh ngạc và khó tin với người đàn ông 72 tuổi này.
Abe và Suga gắn bó với nhau gần một thập kỷ, từ khi ông Abe trở thành Thủ tướng năm 2012. Abe khi đó tiếp tục trở thành nhà lãnh đạo lâu nhất của Nhật Bản từ khi Thế Chiến II kết thúc.
Suga là cánh tay phải của Abe suốt thời gian lãnh đạo, từng làm thư ký nội các của thủ tướng, vai trò kết hợp giữa chánh văn phòng và thư ký báo chí. Nhưng cả hai lại có xuất thân khác hẳn nhau.
Abe sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống chính trị với bố là ngoại trưởng. Ông cũng có họ hàng với hai cựu thủ tướng. Ông được coi là một điển hình trong hệ thống chính trị đảng phái coi trọng quan hệ dòng tộc của Nhật Bản.
Video đang HOT
Suga lại là con trai của một nông dân, nổi tiếng là người thực dụng, một nhà thương thảo lão luyện sau hậu trường. Ông lớn lên ở vùng nông thôn tỉnh Akita, chuyển đến Tokyo sau khi tốt nghiệp trung học. Suga làm đủ công việc vặt để có tiền học đại học. Ông vừa làm thuê cho một nhà máy sản xuất bìa cứng, vừa làm ở chợ cá Tsukiji.
Sau khi tốt nghiệp, Suga bước vào thế giới quay cuồng của người làm công ăn lương Nhật Bản, nhưng công việc không kéo dài lâu. Chính trị là thứ định hình và tác động đến thế giới, mà đó mới là việc mà ông muốn làm.
Vì vậy, Suga quyết định ứng cử vào hội đồng thành phố ở Yokohama. Dù thiếu quan hệ và kinh nghiệm chính trị, ông bù đắp nó bằng sự tháo vát và chăm chỉ. Ông gõ cửa từng nhà để vận động tranh cử, đến thăm 300 hộ gia đình mỗi ngày và đã tới tổng cộng 30.000 hộ, theo LDP. Vào thời điểm cuộc bầu cử hội đồng thành phố diễn ra, Suga đã đi mòn 6 đôi giày.
Phong cách ấy của ông không thay đổi từ sau chiến dịch đó. Ngày nay, Suga nổi tiếng là một người đáng tin cậy và được việc. Đó là những phẩm chất khiến ông trở thành cánh tay phải xuất sắc cho Abe. Ông là đồng minh quan trọng trong hàng loạt quyết sách kinh tế quan trọng của Abe được biết tới với tên “Abenomics”, chính sách kích thích tiền tệ, tăng chi tiêu chính phủ và cải cách cơ cấu, nhằm khởi động nền kinh tế trì trệ lâu năm của Nhật Bản.
Nếu được bầu làm thủ tướng, Suga được kỳ vọng sẽ trở thành một “Abe thứ hai”, theo nhận xét của Kazuto Suzuki, hiệu phó kiêm giáo sư chính trị quốc tế ở Đại học Hokkaido.
Suzuki cho hay có thể các thành viên của LDP đang tận dụng tối đa sự nổi tiếng của Abe trong thời gian ngắn sau khi ông tuyên bố từ chức, dù tỷ lệ ủng hộ của ông suy giảm trước đó. Trong một cuộc thăm dò của Mainichi, một trong những tờ báo lớn nhất Nhật Bản, trước khi Abe tuyên bố từ chức, 58,4% số người tham gia khảo sát cho biết không hài lòng với cách ông xử lý Covid-19. Tỷ lệ ủng hộ Abe giảm còn 36%, mức thấp nhất từ năm 2012 tới nay.
Brad Glosserman, chuyên gia về chính trị Nhật Bản, cho rằng Suga vẫn chưa cho thấy mình là người “thực sự rời khỏi đường lối của Abe hay đường lối của LDP nói chung”.
“Câu chuyện về cuộc đời ông ấy rất thú vị. Ông ấy thể hiện được mình là một người tự lập. Câu hỏi là tính cách ấy sẽ tỏa sáng ở mức độ nào”, Glosserman nói.
Đây sẽ là một nhiệm vụ khó khăn. Abe từ chức trong bối cảnh nhiều người bất bình vì cách ông xử lý Covid-19 và Nhật Bản đang đối mặt một cuộc khủng hoảng kinh tế mới, hai yếu tố tạo cơ hội cho các đối thủ chính trị của ông.
Các vấn đề lớn như nợ công và già hóa dân số vẫn tồn tại dai dẳng bất chấp lời kêu gọi cải cách bình đẳng giới nơi công sở của Abe. Các nhà phê bình cho rằng ông đã thất bại trong việc giải quyết khoảng cách giới hay những vấn đề lớn ngăn cản phụ nữ tham gia nhiều hơn vào kinh tế và chính trị.
Suga buộc phải sớm thể hiện bản thân trước công chúng. Chính phủ phải tổ chức cuộc tổng tuyển cử khác vào tháng 10/2021, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Taro Kono tuần trước cho hay có thể kêu gọi bầu cử sớm vào tháng tới.
Trong vai trò Chánh văn phòng nội các, Suga được nhiều người coi là phát ngôn viên thành công vì có thể truyền đạt thông điệp mà không làm lu mờ thông tin hay hình ảnh của Abe. Nhưng chính kỹ năng này lại cho thấy một vấn đề trong công việc phát ngôn, công việc đòi hỏi khả năng hùng biện và thần thái để truyền đạt thông tin đến công chúng.
“Không ai biết người đàn ông này thực sự như thế nào. Ông ấy chỉ đứng sau hậu trường”, Glosserman nói về Suga. “Trước công chúng Nhật Bản, ông ấy chưa phát triển và thể hiện một hình ảnh để họ sẵn lòng đi theo và ủng hộ mình”.
Nhật có thể tổng tuyển cử sớm
Thủ tướng kế nhiệm ông Abe có thể giải tán quốc hội để tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn, theo một thành viên cấp cao đảng cầm quyền.
"Tìm kiếm quyền lực dân bầu cho một nội các mới thành lập và đang nhận được sự ủng hộ cao của dư luận là một lựa chọn đang được xem xét", Shunichi Suzuki, chủ tịch Đại Hội đồng đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Nhật Bản hôm 6/9 nói trong một chương trình truyền hình.
Theo ông Suzuki, tân thủ tướng kế nhiệm ông Shinzo Abe có thể giải tán quốc hội để tổ chức tổng tuyển cử sau khi lên nắm quyền vào tuần sau. Suzuki khẳng định sau khi thành lập nội các, tân thủ tướng có quyền lập tức giải tán hạ viện và kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử sớm.
Chủ tịch Đại Hội đồng đảng Dân chủ Tự do (LDP) Shunichi Suzuki phát biểu ở Tokyo, Nhật Bản, tháng 8/2017. Ảnh: Reuters.
Thủ tướng Abe, 66 tuổi, lãnh đạo tại vị lâu nhất Nhật Bản, hôm 28/8 tuyên bố sẽ từ chức vì sức khoẻ yếu và không muốn bệnh tật ảnh hưởng đến các quyết sách quan trọng. Ông gửi lời xin lỗi tới người dân Nhật Bản và thêm rằng mình không có quyền lựa chọn người kế nhiệm.
LDP sẽ tổ chức bầu chủ tịch theo diện hẹp vào ngày 14/9, với thành phần tham gia bỏ phiếu là các nghị sĩ của đảng tại quốc hội và ba đại diện của đảng ở mỗi tỉnh thành, thay vì tổ chức bỏ phiếu mở rộng với hơn một triệu đảng viên tham gia. Hạ viện dự kiến bầu tân thủ tướng vào 16/9 và tân chủ tịch LDP gần như chắc chắn trở thành thủ tướng, do đảng này chiếm đa số trong hạ viện.
Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga, chính trị gia trung thành lâu năm với Abe, hôm 31/8 tuyên bố ra tranh cử lãnh đạo đảng LDP nhằm tránh để khoảng trống chính trị trong đại dịch Covid-19.
Thăm dò mới nhất của tờ Asahi Shimbun tiến hành tuần trước cho thấy tỷ lệ ủng hộ Suga ngày càng tăng sau khi ông được sự hậu thuẫn của các phe chủ chốt trong đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền để trở thành tân chủ tịch đảng kế nhiệm Abe.
Nếu không tổ chức bầu cử sớm, người kế nhiệm Abe chỉ có thể nắm quyền đến khi cuộc tổng tuyển cử tiếp theo dự kiến được tổ chức vào tháng 10/2021. Trong cuộc tổng tuyển cử này, cử tri Nhật sẽ bầu các nghị sĩ tại hạ viện, những người có quyền quyết định trong việc bầu thủ tướng tiếp theo.
Chính sách kỳ lạ ở quê hương tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga Quê hương của tân Thủ tướng Yoshihide Suga là tâm điểm của những vấn đề nhức nhối ở nước Nhật với dân số già, trong khi chính quyền căng mình kiếm nguồn thu từ thuế. Vùng đất nơi tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga sinh ra, thành phố Yuzawa, tỉnh Akita, là tâm điểm của nhứng vấn đề nhức nhối của đất...