‘Yêu’ trong khi ngủ – một kiểu mộng du
Trên cơ thể người vợ đầy những vết sẹo, dấu vết của những lần ông xã đột nhiên tỉnh giấc và “yêu” vợ. Có điều, anh không hề nhớ gì về việc này.
Ảnh minh hoạ
Qua các cuộc điện thoại tư vấn, bác sĩ Lê Thúy Tươi được nghe nhiều về tình trạng “ dâm miên”, tức là tình dục trong khi ngủ. Khi được khuyên đi gặp bác sĩ tâm thần, bệnh nhân thường ngại “ai lại đi nói chuyện ấy ra, lấy phải người chồng như vậy thì thôi em ráng chịu. Nói ra người ta cười cho…”.
Từ những câu chuyện thật
Cặp vợ chồng đến gặp bác sĩ Lê Thúy Tươi xin tư vấn. Họ nhìn nhau trong giây lát rồi anh chồng bảo: “Em nói đi”. Sau mấy giây chần chừ, chị vợ than thở: “Chúng em lấy nhau đã bốn năm, bác xem trên người em đầy những vết sẹo…”. Chị khóc nấc lên, còn anh chồng cúi mặt như một kẻ phạm tội. Nhìn chị vợ héo hon, những vết sẹo trên tay, trên ngực chứng tỏ chị bị cào cấu đến chảy máu mới có “chiến tích” như vậy, bác sĩ nắm tay chị thông cảm.
Sau khi lau những giọt nước mắt, chị kể tiếp: “Anh đang ngủ bỗng bật dậy, cởi quần áo em ra, cào cấu tứ tung, ôm chặt lấy em không cho chống cự, rồi làm. Sau đó lăn ra ngủ ngay lập tức. Sáng hôm sau em hỏi tại sao anh làm thế rồi cho anh xem những thương tích. Anh ngạc nhiên bảo anh đâu có biết gì và đâu có đánh em, rồi vỗ về, chăm sóc. Em nghĩ là anh mê ngủ, làm bậy chút thôi. Nhưng bốn năm nay chuyện cứ xảy ra như thế, em không sống được”, chị lại khóc.
Anh chồng bối rối: “Thú thật với bác sĩ là em không biết, cứ như ma đưa lối, quỷ dẫn đường. Bình thường em hiền lành, không bao giờ nổi nóng với vợ, kể cả những người xung quanh”. Vợ anh gật đầu xác nhận, trong nước mắt chị mếu máo: “Bác sĩ cứu cuộc hôn nhân của chúng em. Em và chồng thương nhau nhiều lắm…”.
Video đang HOT
Rối loạn tình dục trong giấc ngủ là gì?
Nếu nói khái niệm mộng du thì nhiều người biết. Mộng du là người đang ngủ thì thức dậy và cứ thế đi (du), có người leo lên cây, rơi xuống bị chấn thương, người lội xuống ao, có thể chết đuối. Người khác mộng du thấy đang đi trong rừng gặp một con rắn bèn lấy cây đập, bà vợ đang ngủ bị đập tơi bời hét toáng lên…
“Dâm miên” là một dạng đặc biệt của mộng du. Đặc điểm phổ biến bao gồm cảm giác muốn làm tình và có các hoạt động tình dục tự động. Đây là rối loạn giấc ngủ liên quan đến hành vi tình dục bất thường, gặp ở cả nam và nữ, nhưng phụ nữ ít có hành vi bạo lực hơn nam giới. Bệnh có tính gia đình, cha hoặc mẹ mộng du thì con cũng có nguy cơ này.
Nhiều người nghi ngờ hỏi, chả lẽ “làm ăn” như vậy mà không biết gì? Tiếc là đúng như vậy. Họ giao hợp trong tình trạng vô thức, vô cảm. Tuy nhiên, khi sinh hoạt tình dục thì thần kinh giao cảm bị kích thích (mạch nhanh, ra mồ hôi, thở nhanh và nhịp thở sâu). Chúng ta thường ví “ngủ như chết” tức là cơ xương ở trạng thái thư giãn tuyệt đối. Với người “dâm miên” thì ngược lại, động tác ôm siết chặt hơn và các cử động mạnh mẽ hơn. Qua nhiều khảo sát, các bác sĩ tâm thần thấy những người quan hệ tình dục trong giấc ngủ thì khi thức luôn có cảm giác sợ hãi, không muốn quan hệ tình dục lúc tỉnh táo. Trong đầu họ luôn tồn tại cảm giác tội lỗi (tại sao mình lại làm vợ đau như vậy…). Tiếp đến, họ rơi vào hoang tưởng tự buộc tội, nếu không được chữa trị đến nơi đến chốn rất dễ dẫn đến tự tử.
“Dâm miên” có phải là bệnh không?
Các nhà khoa học kết luận, sự phát triển của bệnh mộng du liên quan đến một vài gene. Trẻ nhỏ đang ngủ bỗng nhiên thức dậy đến giường của cha mẹ, nhưng khi lớn sẽ hết tình trạng này. Tuy nhiên, nếu có một vài gene đột biến do stress, do nghiện rượu, thoái hóa neuron thần kinh ở não do tuổi tác… thì có thể xảy ra mộng du; và “dâm miên” nằm trong vô số hành vi mộng du (vẽ tranh, nấu ăn, sáng tác nhạc, ra đường, leo lên cây, rơi từ tầng cao xuống, chui vào xe hơi khởi động máy và dị thường nhất là làm tình khi ngủ). Một số nhà khoa học nhận thấy “dâm miên” thường xảy ra trong ngày trăng tròn và đưa ra giả thuyết rằng nó có liên quan gì đến chu kỳ mặt trăng. Tuy nhiên, tất cả còn nằm trong vòng bí ẩn…
Vậy có chữa trị được không? Có, nếu các cặp đưa nhau đến gặp bác sĩ tâm thần. Những thuốc an thần, trấn kinh sẽ là giải pháp cắt đứt “dâm miên” và đưa bạn trở về trạng thái tình dục bình thường.
Theo Khoa Học & Đời Sống
Mộng du và những nguy cơ
Trong y học, mộng du chỉ được coi là một hiện tượng bệnh lý, có thể khiến con người rơi vào nhiều trạng thái nguy hiểm.
Theo từ điển Hán Việt, mộng du có nghĩa là du hành, người bệnh đi thật, đi trong giấc ngủ, nhưng không bao giờ biết mình bị mộng du. Mộng du bắt gặp ở bất cứ lứa tuổi nào, nhưng trẻ em mắc bệnh mộng du nhiều nhất, chiếm tới 40%. Ngay cả đứa trẻ mới biết đi cũng có thể bị mộng du, trẻ thường dậy tìm đồ chơi hàng ngày của mình, đi về phía có ánh sáng như cửa sổ, leo trèo lên cửa, mở cửa phòng đi ra ngoài và có thể đi về phòng ngủ của bố mẹ.
Người bị mộng du mắt vẫn mở bình thường, và đi ít vấp váp. Có những trường hợp người bệnh có hành động rất kỳ quặc như dậy đi tiểu ngay trong phòng, vào nhà tắm, cởi hoặc mặc quần áo rồi tắm, khuân vác đồ đạc di chuyển đi nơi khác, có người còn mở cửa xe ôtô, lái xe đi một quãng đường dài mà vẫn thực sự đang ngủ.
Có một số hành vi tình dục xuất hiện trong khi bị mộng du. Người mắc bệnh mộng du thường khó đánh thức họ khi đang trong tình trạng như vậy, họ có thể tấn công người đánh thức mình. Đối với người lớn thì hay có hành vi bạo lực, đặc biệt là đàn ông.
Người bị mộng du có thể gặp nguy hiểm, do họ không kiểm soát được hành động của mình, bị tai nạn hoặc vô tình có những hành động tội ác. Khi người bị mộng du đi, có thể vô ý bị trượt chân ngã xuống vực, xuống sông, hồ...Trên thực tế đã có trường hợp bị mộng du chết khi ngủ trên xe khách. Đó là trường hợp của La Văn K, quê ở Thanh Hoá, sinh viên trường Cao đẳng TPHCM.
K cùng bạn đi xe khách từ Thanh Hoá vào TP. HCM, trở lại trường học sau đợt nghỉ Tết. Xe chạy qua đêm, do đó nhiều hành khách đã ngủ trên xe, trong đó có K. Trong khi ngủ K bị mộng du và dậy mở cửa xe đi ra ngoài, K rơi xuống đường và chết tại chỗ. Gia đình K cho biết, anh vốn bị mộng du, thỉnh thoảng ban đêm thường đột ngột dậy đi lang thang.
Bệnh có thể chữa khỏi
Người ta không xác định được nguyên nhân chính xác của bệnh mộng du. Mộng du có thể đột ngột kết thúc, người bị mộng du có thể trở lại giường và ngủ tiếp. Mộng du thường xuất hiện sau giấc ngủ vài giờ, vào giai đoạn giấc ngủ sâu (NREM) và kéo dài từ vài giây đến hàng tiếng đồng hồ. Hiện tượng này có thể xảy ra hằng đêm nhưng cũng có thể không thường xuyên.
Bác sĩ Cao Văn Tuân, Khoa tâm thần - Bệnh viện Tâm thần Trung ương, đang là nghiên cứu sinh tại Pháp, chuyên nghiên cứu về các bệnh rối loạn tâm thần, hiện tượng bệnh lý mộng du, giải mã giấc mơ. Bác sĩ cho biết: "Trong y học, người ta coi đây là một loại bệnh lý, bị rối loạn tâm lý.
Những người bị mộng du thường trong tình trạng lo âu, căng thẳng, mệt mỏi, mất ngủ, hoảng sợ ban đêm, thiếu magiê, lạm dụng thuốc an thần, thuốc kháng histamin... Một vài yếu tố khác được các chuyên gia thần kinh chú ý, đó là ngủ trong tình trạng bàng quang đầy nước tiểu, bị stress, ngủ ở môi trường lạ, ồn ào, cũng có thể dẫn tới mộng du. Người lớn ở trong tình trạng này có thể liên quan tới rối loạn thần kinh, phản ứng thuốc, người nghiện rượu...".
Bác sĩ Tuân cho biết thêm: "Hiện tại trên thế giới người ta cho rằng, mộng du là một dạng động kinh đặc biệt. Ở Pháp người ta điều trị bằng cách gắn chíp lên đầu để theo dõi và ghi lại các hoạt động của người bệnh. Vì người bị mộng du có thể bị bất cứ lúc nào, không ai biết trước được. Sau đó, dựa vào các kết quả ghi được, người ta sẽ biết được các hoạt động của vỏ não, vỏ não phản ánh những hành vi đó như thế nào, rồi tiến hành điều trị và đã đem lại hiệu quả cao".
Ở Việt Nam, hầu hết các trường hợp bị mộng du tới bệnh viện đều được chữa trị khỏi. Có rất nhiều phương pháp điều trị, tuỳ thuộc vào từng bệnh nhân sẽ đưa ra cách điều trị cho phù hợp và đem lại kết quả", ông La Đức Cương - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương nói.
Theo Vũ Hà
ANTĐ