Yếu tố Nga giữa căng thẳng biên giới Trung-Ấn
Dù Ấn Độ và Trung Quốc đối thoại hay không đối thoại với nhau thì việc tiếp cận Nga của cả 2 bên ở thời điểm này vẫn là điều đáng chú ý.
Hai ngày sau cuộc đụng độ ngày 15/6 giữa binh lính Trung Quốc và Ấn Độ ở Thung lũng Galwan, Đại sứ Ấn Độ tại Nga D Bala Venkatesh Varma đã có cuộc đối thoại với Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov. “Hai bên đã thảo luận an ninh khu vực, trong đó có cả những diễn biến ở đường kiểm soát thực tế (LAC) giữa Ấn Độ và Trung Quốc trên dãy Himalaya”, thông báo của Bộ Ngoại giao Nga cho biết, dù Chính phủ Ấn Độ không ra tuyên bố về vấn đề này.
Thủ tướng Ấn Độ Modi, Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Dailyhunt
Ngày 23/6, Nga chủ trì hội nghị cấp Ngoại trưởng 3 bên Nga-Ấn-Trung (RIC). Đây là cơ hội đầu tiên Ngoại trưởng Ấn Độ và Ngoại trưởng Trung Quốc “đối mặt” nhau, dù là trong một cuộc họp trực tuyến, sau cuộc điện đàm “giận dữ” hôm 17/6 về sự việc đụng độ biên giới hôm 15/6.
Tiếp đó, ngày 24/6, Nga tiếp đón Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa, cả 2 đều tới dự Lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày chiến thắng ở Moscow.
Thậm chí đầu tháng này, trước cuộc đối thoại cấp Trung tướng giữa Ấn Độ và Trung Quốc ngày 6/6, Thư ký Bộ Ngoại giao Ấn Độ Harsh Vardhan Shringla cũng đã thông báo cho Đại sứ Nga Nikolay Kudashev “những diễn biến gần đây” về tình hình dọc đường kiểm soát thực tế (LAC).
Dù Ấn Độ và Trung Quốc đối thoại hay không đối thoại với nhau thì việc tiếp cận Nga ở thời điểm này vẫn là điều đáng chú ý. Ở thời điểm hiện tại, Nga đang duy trì quan hệ tốt với cả Ấn Độ và Trung Quốc.
“Tình bằng hữu vì lợi ích” giữa Nga và Trung Quốc
Mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đã được thúc đẩy trong những năm qua. Phía Ấn Độ cho rằng cách tiếp cận của các nước phương Tây, đặc biệt là quan điểm của Mỹ với cả Nga và Trung Quốc, khiến Moscow và Bắc Kinh xích lại gần nhau hơn.
Nga và Trung Quốc đã có một khởi đầu không êm đẹp trong mối quan hệ song phương. Hai bên thậm chí đã từng suýt xảy ra chiến tranh vào đầu những năm 1960 và cũng đã từng có một cuộc chiến tranh biên giới chớp nhoáng vào năm 1969. Sự thù địch bắt đầu giảm đi từ năm 1976, nhưng quan hệ giữa hai bên vẫn không thực sự tốt đẹp cho tới khi Liên Xô tan rã năm 1991.
Thời hậu Chiến tranh Lạnh, các mối quan hệ kinh tế đã thiết lập nên “nền tảng chiến lược mới” cho quan hệ Nga – Trung. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga và cũng là nhà đầu tư châu Á lớn nhất ở Nga. Trong khi đó, Nga là thị trường quan trọng đối với hàng hóa tiêu dùng mà Trung Quốc sản xuất.
Video đang HOT
Các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt của phương Tây với Nga sau Moscow khi sáp nhập Crimea năm 2014 đã khiến Nga xích lại gần Trung Quốc. Và Ấn Độ, về phần mình, cũng luôn cảm thấy chính phương Tây đã đẩy Nga vào “vòng tay” của Trung Quốc.
Các nhà phân tích phương Tây cho rằng mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc là “tình bằng hữu vì lợi ích”.
Nga vẫn thường rất thận trọng và mềm mỏng khi đưa ra những tuyên bố về vấn đề nhạy cảm liên quan đến Trung Quốc như Huawei, Hong Kong và dịch Covid-19.
Nga và Trung Quốc không phải lúc nào cũng cùng quan điểm với nhau. Trung Quốc không thừa nhận Crimea là một phần của Nga. Còn Nga, trong các phát ngôn chính thức, vẫn có lập trường trung lập về những tuyên bố của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tuy nhiên, Phía Nga nhiều lần khẳng định mối quan hệ của Moscow với Bắc Kinh đang được duy trì ở mức tốt nhất từ trước đến nay.
Quan hệ Nga – Ấn có chiều dài lịch sử
Ấn Độ có mối quan hệ vững chắc với Nga hơn 7 thập kỷ qua. Nền tảng mạnh mẽ nhất trong mối quan hệ đối tác chiến lược này là lĩnh vực quốc phòng.
Dù Ấn Độ luôn tìm cách đa dạng hóa nguồn cung từ nhiều nước khác nhau, nhưng phần lớn các vũ khí, khí tài của nước này đều được mua từ Nga. Ước tính 60-70% nguồn cung cấp cho Ấn Độ là từ Nga.
Việc Ấn Độ quyết định tiếp cận Nga không chỉ là sự lựa chọn, mà còn là điều cần thiết, bởi nước này tin rằng Nga có “đòn bẩy” và có ảnh hưởng để định hình và thay đổi lập trường cứng rắn của Bắc Kinh trong vấn đề biên giới.
Quan điểm của Nga trước kia và hiện nay
Trong cuộc khủng hoảng Doklam năm 2017, các nhà ngoại giao Nga ở Bắc Kinh nằm trong số ít những người được chính phủ Trung Quốc thông báo tình hình. Ở thời điểm đó, điều này được giữ kín.
Nếu như trong chiến tranh biên giới [Trung - Ấn] năm 1962, quan điểm của Liên Xô là không đặc biệt ủng hộ Ấn Độ, thì trong cuộc chiến năm 1971, New Delhi lại hài lòng về sự ủng hộ của Moscow.
Tuy nhiên, về sự kiện Galwan, Moscow phản ứng một cách rất vừa phải và cân bằng. Trong một tuyên bố trên Twitter ngày 17/6, Đại sứ Nga tại Ấn Độ Kudashev nói rằng: “Chúng tôi hoan nghênh tất cả các bước nhằm giảm căng thẳng ở LAC, trong đó có cả đối thoại giữa Ngoại trưởng hai nước. Sự tồn tại của RIC là một thực tế không thể tranh cãi, được khẳng định chắc chắn trên bản đồ thế giới. Ở giai đoạn hiện nay, không có dấu hiệu nào cho thấy hợp tác 3 bên bị đóng băng”.
Hãng thông tấn TASS của Nga dẫn lời người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng Nga lo ngại về đụng độ quân sự ở biên giới Trung-Ấn nhưng tin rằng hai nước có thể tự giải quyết những xung đột này.
“Chắc chắn, chúng tôi đang theo dõi sát sao những gì diễn ra ở biên giới Trung-Ấn. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, hai nước có khả năng thực hiện các bước cần thiết để ngăn chặn những tình huống như vậy trong tương lai”, ông Peskov nói.
Ông cũng nhấn mạnh rằng, Trung Quốc và Ấn Độ đều là đối tác và đồng minh thân cận của Nga, và “có các mối quan hệ đôi bên cùng có lợi được xây dựng trên sự tôn trọng lẫn nhau”.
Vai trò hậu trường của Nga?
Sau hội nghị trực tuyến RIC, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 23/6 cũng lên tiếng loại trừ việc làm trung gian hòa giải giữa Trung Quốc và Ấn Độ sau đụng độ ở Galwan, nói rằng hai nước không cần bất cứ sự trợ giúp nào để giải quyết các vấn đề xung đột.
“Tôi không nghĩ Ấn Độ và Trung Quốc cần bất cứ sự trợ giúp nào, đặc biệt là nhằm giúp giải quyết những bất đồng gần đây nhất. Ngay khi các sự việc ở biên giới xảy ra, các cuộc gặp giữa các chỉ huy quân đội trong khu vực đã được tổ chức và việc liên lạc giữa các ngoại trưởng cũng được thiết lập. Theo như tôi được biết, các cuộc liên lạc này vẫn đang được tiến hành, không bên nào đưa ra các tuyên bố cho thấy họ không muốn đàm phán. Chúng tôi kỳ vọng mọi chuyện sẽ tiếp tục theo hướng đó”.
Ấn Độ và Trung Quốc cũng bác bỏ vai trò của bên thứ 3 trong việc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề biên giới.
Tuy nhiên, dư luận cho rằng, dù không công khai đóng vai trò hòa giải xung đột giữa Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng Nga vẫn có một vai trò đặc biệt ở hậu trường.
Cả Trung Quốc và Ấn Độ hiện đều là đối tác chiến lược lớn của Nga về kinh tế và an ninh. Cả hai đều đã ký thỏa thuận quốc phòng trị giá hàng tỷ USD với Nga và mua sắm hệ thống tên lửa đất đối không S-400 bất chấp sức ép từ Mỹ.
Bên cạnh đó, giữa Nga, Ấn Độ và Trung Quốc còn có sự ràng buộc bởi cả 3 đều là thành viên của Nhóm các nước gia mới nổi (BRICS) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Nga sẽ nỗ lực thể hiện vai trò trong hậu trường, tránh để căng thẳng Trung-Ấn ảnh hưởng đến sự hợp tác trong các thể chế đa phương như BRICS hay SCO mà Nga giữ chức chủ tịch luân phiên trong năm nay, cũng như khả năng mất cân bằng “tam giác chiến lược” RIC./.
Trung Quốc nói không giữ tù binh Ấn Độ
Trung Quốc khẳng định không giam giữ binh sĩ Ấn Độ sau khi truyền thông Ấn Độ nói 10 người được trả tự do sau vụ ẩu đả ở biên giới.
"Trung Quốc không giữ binh sĩ nào của Ấn Độ. Đúng sai là rất rõ ràng, trách nhiệm hoàn toàn thuộc về phía Ấn Độ. Chúng tôi hy vọng Ấn Độ có thể hợp tác với Trung Quốc để duy trì phát triển quan hệ song phương lâu dài", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết trong cuộc họp báo tại thủ đô Bắc Kinh hôm 19/6.
Phát ngôn viên Triệu Lập Kiên trong một cuộc họp báo hồi tháng 5. Ảnh: Reuters.
Hãng thông tấn Press Trust cùng nhiều hãng tin Ấn Độ trước đó cho biết 10 binh sĩ nước này được Trung Quốc thả đêm 18/6 sau những vòng đàm phán cấp tướng giữa quân đội hai nước. Chính phủ Ấn Độ không đưa ra bình luận, nhưng quân đội ra thông cáo khẳng định "không có binh sĩ nào mất tích khi làm nhiệm vụ" trong cuộc ẩu đả ở thung lũng Galwan.
Binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc đụng độ tối 15/6 tại thung lũng Galwan, vùng Ladakh. Lục quân Ấn Độ xác nhận 20 binh sĩ nước này thiệt mạng, trong đó có đại tá Santosh Babu, chỉ huy Tiểu đoàn Bihar 16, trong khi 18 binh sĩ đang được điều trị vì vết thương nặng.
Truyền thông Ấn Độ đưa tin hơn 40 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng và bị thương trong vụ ẩu đả. Bắc Kinh xác nhận có thương vong nhưng không nêu số cụ thể.
Đây được coi là vụ đụng độ tồi tệ nhất giữa hai bên trong 4 thập kỷ, gây lo ngại về nguy cơ bùng phát xung đột quân sự quy mô lớn giữa hai cường quốc hạt nhân châu Á. Giới chức hai nước đang nỗ lực liên lạc để giải quyết căng thẳng thông qua đàm phán và đối thoại, tránh leo thang thành xung đột quân sự, song vẫn đổ lỗi cho nhau về vụ ẩu đả và cảnh báo lẫn nhau trong các tuyên bố công khai.
Vị trí binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc ẩu đả chết người tối 15/6. Đồ họa: Telegraph.
Trung Quốc thả 10 lính Ấn Độ sau ẩu đả biên giới Trung Quốc thả 10 binh sĩ Ấn Độ bị bắt trong cuộc đụng độ biên giới sau các vòng đàm phán cấp chỉ huy quân sự giữa hai nước. Hãng thông tấn Press Trust cùng nhiều hãng tin Ấn Độ cho biết 10 binh sĩ nước này được Trung Quốc thả đêm 18/6. Chính phủ Ấn Độ không đưa ra bình luận, nhưng...