Yếu tố có thể đạp đổ chiến thắng nCoV của Nhật
Nhật Bản bất ngờ đánh bại Covid-19, nhưng chuyên gia lo ngại xét nghiệm hạn chế có thể xóa bỏ thành tựu này cũng như nỗ lực mở cửa đất nước.
Đầu tháng 4, võ sĩ sumo Nhật Bản Kiyotaka Suetake, có biệt danh là Shobushi, 28 tuổi, bắt đầu bị sốt. Ban huấn luyện cố gắng liên hệ tới trung tâm y tế ở Tokyo để Shobushi được xét nghiệm nCoV, nhưng mọi đường dây hỗ trợ đều bận.
Suốt 4 ngày sau đó, các cơ sở y tế ở Tokyo đều từ chối tiếp nhận anh vì quá tải, khi số ca nhiễm nCoV ở thủ đô Nhật Bản tăng mạnh. Tới ngày 8/4, Shobushi cuối cùng cũng được nhập viện, nhưng tình trạng của anh xấu đi nhiều khi bắt đầu ho ra máu. Ngày 13/5, Shobushi qua đời, trở thành võ sĩ sumo đầu tiên tử vong vì Covid-19 và là một trong những nạn nhân trẻ tuổi nhất ở Nhật Bản.
Cái chết của võ sĩ Shobushi đã dấy lên làn sóng phẫn nộ của dư luận về hạn chế trong xét nghiệm nCoV và việc quá phụ thuộc vào hệ thống y tế công bị quá tải của Nhật. Trong khi đó, hầu hết chuyên gia đều nhận định sàng lọc nCoV quy mô lớn là giải pháp rất quan trọng để kiểm soát đại dịch.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm nCoV trên xe tại Edogawa, thủ đô Tokyo, hôm 22/4. Ảnh: Reuters.
Chiến lược chống Covid-19 của Nhật Bản được ca ngợi là thành công bất ngờ, khi quốc gia này ngày 25/5 thông báo dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp tại Tokyo, các khu vực lân cận và đảo Hokkaido, sớm hơn một tuần so với kế hoạch ban đầu. Khi toàn cầu ghi nhận gần 360.000 người chết vì nCoV, Nhật Bản chỉ báo cáo 858 ca tử vong trong tổng 16.651 ca nhiễm.
Tuy nhiên, Nhật Bản là quốc gia có tỷ lệ xét nghiệm thấp thứ 2 trong số các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Tới ngày 20/5, tỷ lệ xét nghiệm của Nhật Bản là 3,4/1.000 người, thấp hơn rất nhiều Italy và Mỹ, với tỷ lệ lần lượt là 52,5 và 39, theo Đại học Oxford, Anh. Hàn Quốc đã xét nghiệm 15 người trên mỗi 1.000 dân.
Trả lời phỏng vấn của Reuters, nhiều quan chức y tế công cộng, bác sĩ và chuyên gia cảnh báo thiếu xét nghiệm sẽ khiến Nhật Bản không nắm được quy mô thực tế của dịch, cũng như khiến người dân dễ bị đe dọa bởi các đợt bùng phát dịch trong tương lai.
Video đang HOT
Giới phê bình cho rằng sự quan liêu của Bộ Y tế Nhật Bản đã gây nhiều khó khăn cho các cơ sở y tế công và việc cấp phép xét nghiệm nCoV cho phòng thí nghiệm tư nhân.
“Số ca nhiễm và chết vì nCoV được báo cáo đúng là rất thấp, nhưng số liệu này chỉ dựa trên số lượng xét nghiệm hạn chế. Một lượng lớn ca nhiễm rõ ràng đã bị bỏ sót”, Yasuharu Tokuda, giám đốc trung tâm đào tạo bệnh viện Muribushi Okinawa, nói.
Thậm chí cố vấn hàng đầu của chính phủ Shigeru Omi cũng từng nói rằng “không ai biết liệu số ca nhiễm thực tế gấp 10, 12 hay 20 lần so với báo cáo”. Hội đồng chuyên gia cố vấn của ông Omi kêu gọi chính phủ tăng cường phạm vi xét nghiệm, gồm cả người có triệu chứng nhẹ.
Bộ Y tế Nhật Bản cho biết đang huy động các phòng thí nghiệm tư nhân để giảm gánh nặng cho hệ thống trung tâm y tế công cộng. “Quan điểm chỉ xét nghiệm cho người cần thiết đã được chúng tôi thống nhất ngay từ đầu. Khả năng xét nghiệm của chúng tôi đã liên tục được tăng cường”, Takuma Kato, quan chức y tế cấp cao Nhật Bản, cho hay.
Hệ thống trung tâm y tế công cộng được xem là tiền tuyến trong cuộc chiến với Covid-19 của Nhật. Trong khi Hàn Quốc xây dựng hệ thống y tế công cộng trong các đợt bùng phát dịch trước đây, hệ thống này của Nhật Bản đã tồn tại từ những năm 1990.
Đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực và quá nhiều yêu cầu xét nghiệm, các trung tâm y tế công cộng đã kêu gọi chính phủ cho phép nhiều phòng khám tư thực hiện xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) để sàng lọc người nhiễm.
Nhật Bản cho biết có thể thực hiện 22.000 xét nghiệm PCR mỗi ngày, nhưng chưa tới 1/3 số này, khoảng 6.000 xét nghiệm, thực sự được tiến hành hàng ngày. Khoảng 75% xét nghiệm được thực hiện bởi các trung tâm y tế công cộng và cơ quan của chính phủ, theo Bộ Y tế Nhật Bản.
Trong lá thư ngày 6/5, hiệp hội giám đốc trung tâm y tế công cộng thúc giục Bộ trưởng Y tế Katsunobu Kato sửa đổi chính sách xét nghiệm của Nhật Bản. “Hiện tại, chúng ta chưa thực hiện đủ xét nghiệm PCR để sàng lọc nCoV”, họ viết trong thư.
Một số chính quyền địa phương đã bắt đầu triển khai các điểm xét nghiệm trên xe với sự giúp đỡ của hiệp hội y khoa địa phương hồi tháng 4.
Tuy nhiên, một thực tế khá trớ trêu ở Nhật Bản là trong khi hệ thống trung tâm y tế công cộng quá tải, phòng thí nghiệm thuộc các trường đại học lại khá nhàn hạ. Shinya Yamanaka, nhà nghiên cứu về tế bào gốc từng đạt giải Nobel tại Đại học Kyoto, đã đề nghị sử dụng phòng thí nghiệm của ông để tăng cường khả năng xét nghiệm.
“Nếu chúng ta có thể tận dụng nguồn lực từ các cơ sở như phòng thí nghiệm đại học, số lượng xét nghiệm PCR có thể đạt 100.000 mỗi ngày”, ông nói trong cuộc tranh luận trực tuyến với Thủ tướng Shinzo Abe hôm 6/5.
Bộ Y tế Nhật Bản rất hoan nghênh đề xuất này, nhưng cho biết cần xem xét thêm. “Chúng tôi rất cảm kích trước lời đề nghị giúp đỡ của họ trong thời điểm này. Nhưng chúng tôi cần làm việc với nhau để kết hợp nhu cầu thực tế với lời đề xuất giúp đỡ một cách hợp lý”, Masami Sakoi, trợ lý Bộ trưởng Y tế Nhật Bản, nói.
Chuyến tàu điện ngầm đông kín hành khách tại Tokyo, hôm 27/4. Ảnh: Reuters.
Giới phê bình cho rằng xét nghiệm bị hạn chế một phần là do quan chức Bộ Y tế Nhật Bản muốn duy trì kiểm soát thông tin hơn là hợp tác với các tổ chức tư nhân. Kenji Shibuya, người đứng đầu Viện Sức khỏe Dân số tại Đại học Hoàng gia London, Anh, cho biết giới chức y tế Nhật Bản muốn thu thập dữ liệu nghiên cứu chất lượng cao nhờ vào hệ thống trung tâm y tế công cộng.
Bộ Y tế Nhật Bản phủ nhận cáo buộc cố tình hạn chế xét nghiệm và nói rằng cách phản ứng với dịch của họ đã thành công. Sakoi khẳng định điều quan trọng là thực hiện các xét nghiệm PCR mà bác sĩ thấy cần thiết, đồng thời chỉ ra hệ thống bảo hiểm y tế công cộng Nhật Bản đã chi trả phí xét nghiệm từ tháng 3 nhằm giúp người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ hơn.
“Nếu chúng tôi nghĩ tới việc sử dụng kết quả xét nghiệm để xây dựng các biện pháp, việc duy trì chính sách hiện tại là điều dễ hiểu, dù có nhiều quan ngại rằng nó thiếu tính linh hoạt để tăng cường số lượng xét nghiệm”, Sakoi nói.
Tuy nhiên, cách tiếp cận này vẫn khiến nhiều chuyên gia lo lắng. “Tôi cho rằng Nhật Bản đã may mắn chứ không phải đã có những bước đi đúng đắn”, chuyên gia dịch tễ học Tokuda nhận định.
Võ sĩ sumo đầu tiên tử vong vì Covid-19 tại Nhật Bản
Võ sĩ Shobushi, 28 tuổi, được thông báo đã tử vong sau gần 1 tháng chống chọi với bệnh Covid-19. Anh là võ sĩ sumo đầu tiên của Nhật Bản qua đời sau khi nhiễm virus corona.
Shobushi, tên thật là Kiyotaka Suetake, 28 tuổi, được Hiệp hội Sumo Nhật Bản ngày 13/5 xác nhận đã qua đời gần 1 tháng sau khi nhiễm virus corona.
Theo đài NHK, Shobushi tử vong vì suy chức năng đa tạng liên quan đến virus corona. Anh được nhập viện vào tháng 4 sau khi xét nghiệm dương tính với virus.
Cũng trong tháng 4, Hiệp hội Sumo Nhật Bản thông báo có 5 võ sĩ tại võ đường Takadagawa nhiễm virus. Chưa rõ tình hình sức khỏe của 4 võ sĩ còn lại, theo Reuters.
Các võ sĩ sumo Nhật Bản thực hiện nghi lễ cuối chào trước khán đài trống tại nhà thi đấu Osaka vào tháng 3. Ảnh: Nikkei Asia Review.
Shobushi bắt đầu thi đấu chuyên nghiệp vào năm 2007 tại võ đường Takadagawa. Thành tích cao nhất của anh là xếp hạng 11 tại giải sandanme, giải thi đấu sumo cao thứ 4 trong hệ thống của hiệp hội.
Tuần trước, Hiệp hội Sumo Nhật Bản thông báo giải đấu mùa hè, theo kế hoạch tổ chức từ ngày 24/5 đến 7/6 ở Tokyo, buộc phải hủy vì dịch bệnh Covid-19.
Giải thi đấu mùa xuân ở Osaka vào tháng 3 từng diễn ra trong nhà thi đấu không có khán giả. Hiệp hội Sumo Nhật Bản cho rằng mô hình này không thể áp dụng cho giải thi đấu mùa hè sau khi chính phủ Nhật Bản gia hạn tình trạng khẩn cấp toàn quốc đến sớm nhất là cuối tháng 5.
Tính đến ngày 12/5, Nhật Bản đã ghi nhận 16.759 ca nhiễm virus corona, trong đó có 691 ca tử vong.
Trải nghiệm ăn cùng võ sĩ sumo Nhật Bản Các võ sĩ sumo thường ăn rất nhiều để cơ thể to lớn hơn. Đôi khi, họ phải tự ép mình ăn nhiều dù không đói để có thêm lợi thế trên sàn đấu. Anh Tú